YouMed

Đau nhức răng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Đau nhức răng là tình trạng vô cùng khó chịu và tồi tệ. Đau nhức có thể xuất hiện đột ngột hoặc dai dẳng. Nguyên nhân có thể do răng bị gãy vỡ hay nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, nguyên nhân cũng có thể từ việc nướu bị kích thích. Những trường hợp đau nhức răng trầm trọng cần phải đến nha sĩ để được điều trị nguyên nhân và làm giảm đau.

1. Đau nhức răng là gì?

Đau nhức răng là cảm giác đau xuất hiện trong hoặc xung quanh răng. Cơn đau có thể bắt nguồn từ trong răng hoặc từ các cấu trúc xung quanh như: nướu, xương ổ. Đau có thể dai dẳng hoặc gián đoạn. Những thay đổi nhiệt độ như uống nước lạnh hay tăng áp lực trên răng khi nhai, đều gây kích thích đau. Trong một số trường hợp, đau có thể tăng lên dù không có bất cứ kích thích nào.

Rất khó để quên đi cảm giác đau răng mỗi khi ăn hay làm việc. Cơn đau dai dẳng sẽ thôi thúc chúng ta phải làm gì đó để giảm đau. Mặc dù rất khó chịu, nhưng cảm giác đau nhức răng chính là dấu hiệu báo chúng ta cần phải thăm khám nha sĩ ngay trước khi mọi thứ trở nên tệ hơn!

2. Tại sao răng lại trở nên đau nhức?

Mô tủy trong răng có chứa các mạch máu, thần kinh và các mô khác. Các thần kinh trong tủy răng là những thần kinh nhạy cảm nhất của cơ thể. Khi các thần kinh này bị kích thích hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn sẽ gây cho chúng ta cảm giác đau nhức.

Răng đau nhức khiến bạn khó chịu
Răng đau nhức khiến bạn khó chịu

3. Những nguyên nhân nào có thể gây ra đau nhức răng?

Đau nhức răng có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:

Sâu răng

Sâu răng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đau nhức răng ở hầu hết mọi người. Vi khuẩn sống trong miệng sử dụng đường và tinh bột từ thức ăn để phát triển. Các vi khuẩn hoạt động trong mảng bám sinh học trên bề mặt răng. Axit tạo ra bởi vi khuẩn có thể làm hòa tan lớp men răng, hình thành lỗ sâu. Dấu hiệu đầu tiên có thể là sự nhạy cảm, đau nhức nhẹ khi ăn các đồ ngọt, nóng lạnh. Các lỗ sâu thường là những điểm có màu trắng hoặc nâu trên bề mặt răng.

Áp xe răng

Nhiễm khuẩn bắt nguồn từ răng và lan ra vùng chóp, vào mô xương xung quanh.

Răng nứt vỡ

Nứt vỡ răng làm bộc lộ ống ngà hoặc tủy gây nhạy cảm. Đôi khi, nứt vỡ răng khó nhận biết được bằng mắt thường do đường nứt đi sâu trong răng. Lúc này, răng thường đau nhức khi tăng áp lực lúc cắn hay ăn nhai.

Miếng trám cũ bị hở, rớt

Miếng trám hở hoặc rơi ra làm bộc lộ các ống ngà cũng gây nhạy cảm răng.

Nghiến hay siết chặt răng

Các chuyển động liên tục với áp lực gây mòn răng. Đây là các thói quen cận chức năng, thường vô thức, có thể xảy ra ban ngày hoặc đêm. Nghiến răng gây phá hủy răng, làm kích thích các sợi thần kinh khiến răng nhạy cảm, đau nhức.

Nghiến răng có thể là một trong những nguyên nhân
Nghiến răng có thể là một trong những nguyên nhân

Nhiễm khuẩn vùng nướu hoặc các bệnh lý nha chu

Mô nha chu gồm: nướu, dây chằng nha chu, xương ổ răng. Chúng bao quanh răng giúp neo giữ răng. Ở giai đoạn sớm của các bệnh lý nướu thường biểu hiện viêm (viêm nướu). Nướu thường sưng, đỏ, dễ chảy máu. Các bệnh nướu có thể tiến triển vào xương và ở giai đoạn muộn hơn gây ra viêm nha chu. Viêm nha chu làm tiêu xương, tạo áp xe, gây ra đau nhức.

Mọc răng hoặc sau nhổ răng

Ở người lớn thường gặp trường hợp mọc răng khôn – răng cối lớn thứ 3. Thông thường, lúc này cung hàm không đủ khoảng trống để răng khôn mọc. Do đó, răng thường mọc kẹt hoặc ngầm trong xương hàm, dưới nướu. Vị trí này thường khó vệ sinh vì vậy rất dễ xuất hiện các vấn đề như: sâu răng, viêm nướu… dẫn đến đau nhức.

Sau điều trị nha khoa

Sau khi trám hay bọc mão, răng sẽ hơi nhạy cảm, đặc biệt nếu trước đó răng có lỗ sâu lớn. Mặc dù việc điều trị nha khoa là cần thiết nhưng đôi khi sẽ gây kích thích tủy răng. Theo thời gian, nếu răng được phục hồi tốt, cảm giác nhạy cảm sẽ hết dần.

Bề mặt chân răng bị lộ

Khi xương và nướu che phủ chân răng không còn, bề mặt chân răng sẽ dễ nhạy cảm với kích thích như khi đánh răng hoặc ăn đồ nóng lạnh.

Viêm xoang

Chân răng cối hàm trên rất gần với xoang hàm. Viêm xoang hàm có thể khiến các răng này nhạy cảm và đau nhức.

4. Các triệu chứng có thể gặp khi đau nhức răng?

  • Cảm giác đau răng có thể đau chói, đau âm ỉ, đau liên tục hoặc đột ngột. Ở một vài người chỉ đau khi cắn hoặc nhai.
  • Chảy máu ở răng hoặc nướu.
  • Sưng quanh răng.
  • Nhói liên tục trong răng.
  • Sốt hoặc đau đầu.
  • Có vị lạ từ răng hoặc nướu.
  • Hôi miệng.

Nếu bạn cảm thấy khó thở, khó nuốt đi kèm đau nhức răng, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức!

Hãy đi khám nếu thấy có bất thường
Hãy đi khám nếu thấy có bất thường

5. Đau nhức răng có tự hết được không?

Một số cơn đau răng xuất phát từ xung quanh răng có thể tự hết mà không cần đến nha sĩ. Đau nhức do nướu bị kích thích sẽ giảm trong vài ngày. Trong thời gian này nên hạn chế nhai xung quanh khu vực bị ảnh hưởng. Bạn cũng nên ăn chế độ ăn mềm, tránh đồ ngọt, quá nóng hay lạnh.

6. Các cách giảm đau nhức răng tại nhà

Để giảm đau tạm thời, bạn có thể làm như sau:

Súc miệng với nước muối ấm

Nước muối có thể làm lỏng các mảng bám giữa răng của bạn. Ngoài ra, nó còn hoạt động như một chất khử trùng và giảm viêm. Khuấy 1/2 muỗng cà phê muối vào một cốc nước ấm và súc miệng thật kỹ.

Súc miệng với hydrogen peroxide

Hydrogen peroxide (dung dịch 3%) giúp giảm viêm và đau. Pha loãng hydro peroxide với lượng nước bằng nhau và súc kỹ, không nuốt.

Chườm lạnh

Đối với sưng và đau nên để vài viên đá lạnh trong một chiếc khăn và áp vào khu vực đau nhức trong thời gian 20 phút. Lặp lại sau vài giờ.

>> Bạn có thể xem thêm: Chườm nóng và chườm lạnh: bạn có đang làm đúng cách?

Đây là cách có thể giúp bạn giảm đau nhức răng
Đây là cách có thể giúp bạn giảm đau nhức răng

Thuốc giảm đau

Các thuốc giảm đau không kê đơn có thể làm giảm đau và viêm. Các loại NSAID (thuốc chống viêm không steroid) như aspirin, ibuprofen (Motrin®, Advil®) và naproxen (Aleve®) có thể dùng uống giảm đau. Nếu không, bạn có thể dùng acetaminophen (Tylenol®). Không sử dụng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi, nên sử dụng Tylenol thay thế.

Phương pháp điều trị tự nhiên hoặc thảo dược để giảm đau như: Tinh dầu đinh hương, tinh dầu vanilla, trà bạc hà, tỏi.

7. Các bước chẩn đoán đau nhức răng khi đến nha sĩ

Thông thường, các cách giảm đau tại nhà không đủ nếu đau nhức vẫn tiếp diễn. Trong trường hợp này, bạn nên đến nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp trước khi tình trạng xấu hơn.

  • Đầu tiên, nha sĩ sẽ ghi nhận bệnh sử và các triệu chứng. Nha sĩ sẽ đặt một số câu hỏi về đau nhức răng của bạn như: Đau ở đâu, bắt đầu khi nào, đau có tăng không, điều gì làm tăng giảm đau?
  • Tiếp theo, nha sĩ sẽ khám lâm sàng: Kiểm tra tình trạng răng, nướu, miệng, lưỡi, xương hàm, cổ họng, xoang, mũi, cổ.
  • Chụp X quang: Chụp phim để đánh giá tình trạng răng miệng giúp tìm ra nguyên nhân gây đau nhức.

8. Cách điều trị tình trạng đau nhức răng?

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau nhức răng.

Nếu nguyên nhân do sâu răng

Phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của sâu răng, cách điều trị có thể là: trám răng, điều trị tủy hoặc nhổ răng. Đối với sâu răng nhỏ, nha sĩ sẽ loại bỏ mô sâu và trám kín răng bằng chất trám. Nếu xoang rất sâu và xâm nhập vào tủy, nha sĩ sẽ thực hiện “điều trị tủy” vì tủy đã bị lộ. Vi khuẩn xâm nhập vào tủy gây nhiễm trùng nên cần phải loại bỏ.

Răng bị áp xe nhiễm trùng tại chỗ thường cần điều trị tủy kết hợp kê toa kháng sinh. Nếu nhiễm trùng đã lan rộng, có thể cần điều trị bằng kháng sinh và thực hiện các bước thoát nhiễm trùng đúng cách. Các nha sĩ thường kê toa thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau. Đôi khi, nhổ răng có thể là lựa chọn duy nhất để điều trị nếu răng hoặc nướu và xương xung quanh bị tổn thương quá mức.

Điều trị do sâu răng
Điều trị do sâu răng

Đối với áp xe nha chu

Nha sĩ thực hiện thủ thuật dẫn lưu đơn giản dưới gây tê tại chỗ. Ngoài ra, nha sĩ sẽ làm sạch túi nha chu bị ảnh hưởng để loại bỏ sự tích tụ cao răng và mảng bám. Sau khi được làm sạch, túi được bơm rửa bằng dung dịch kháng khuẩn có chứa chlorhexidine. Đôi khi, thuốc kháng sinh được áp tại chỗ để điều trị tiếp tục. Tùy thuộc vào mức độ áp xe, nha sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống. Ngoài ra, trong thời gian ngắn, nha sĩ có thể kê toa nước súc miệng chlorhexidine như một loại nước súc miệng để hỗ trợ chữa bệnh.

Vùng răng này cần được giữ sạch sẽ bằng cách đánh răng nhẹ nhàng và súc miệng mỗi ngày. Lần thăm khám tiếp theo được yêu cầu để đảm bảo nhiễm trùng đã được giải quyết hoàn toàn và tiếp tục kế hoạch điều trị duy trì sự khỏe mạnh của răng.

Đối với răng gãy hoặc nứt vỡ

  • Đặt mão răng là cách điều trị thông thường. Mão răng sẽ thay thế cấu trúc răng bị mất. Đồng thời, nó giúp bảo vệ răng bị yếu khỏi sự phá vỡ và nhạy cảm.
  • Kê đơn kháng sinh nếu có sốt và sưng hàm.
  • Nếu mảnh vụn thức ăn làm nướu sưng gây đau, điều trị chỉ cần làm sạch và thực hiện các liệu pháp điều trị nha chu nếu cần.

9. Đau nhức răng được điều trị như thế nào khi đang mang thai?

  • Các nha sĩ có thể thực hiện điều trị một cách an toàn trong khi mang thai, miễn là tuân theo các hướng dẫn dành cho việc điều trị cho phụ nữ có thai.
  • Thông thường, nếu điều trị nha khoa là cần thiết, thời gian điều trị được khuyến nghị là trong 3 tháng giữa thai kỳ. Tuy nhiên, nếu có nguy cơ nhiễm trùng hoặc đau dữ dội, điều trị nha khoa có thể được thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn về những lựa chọn an toàn nhất để tránh bất kỳ biến chứng có thể có trong quá trình điều trị nha khoa.
  • Nếu cần chụp X-quang nha khoa, áo chì luôn được sử dụng cho mọi bệnh nhân. Đối với phụ nữ mang thai, điều này đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ thai nhi.
  • Cần xem xét cẩn thận để đảm bảo rằng bất kỳ loại thuốc nào được sử dụng đều an toàn trong thai kỳ. Đặc biệt là các thuốc gây tê tại chỗ dùng trong điều trị nha khoa và kháng sinh (như amoxicillin: Amoxil, Trimox, Moxatag, Larotid) được thực hiện trước hoặc sau khi điều trị. Các loại thuốc không cần kê đơn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen đều phải tránh sử dụng vì không an toàn khi mang thai. Acetaminophen được coi là an toàn với phụ nữ có thai để kiểm soát cơn đau.

10. Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng đau nhức răng?

Hầu hết các cơn đau nhức răng là do sâu răng. Vì vậy, vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp ngăn ngừa đau răng:

  • Chải răng thường xuyên với kem đánh răng có fluoride.
  • Vệ sinh vùng kẽ ít nhất một lần mỗi ngày.
  • Thăm khám nha sĩ 6 tháng/lần để làm sạch răng.
  • Ngoài ra, nên ăn thực phẩm ít đường.

>> Ngoài thực phẩm nhiều đường, vẫn còn một số thực phẩm bạn nên hạn chế vì ảnh hưởng đến răng miệng. Xem thêm: Thực phẩm gây hại cho răng của bạn, đó là gì?

Vệ sinh răng miệng tốt giúp hạn chế đau nhức răng
Vệ sinh răng miệng tốt giúp hạn chế đau nhức răng

11. Khi nào thì nên gặp nha sĩ vì đau nhức răng?

Bạn nên đến nha sĩ càng sớm càng tốt, nếu gặp các trường hợp sau:

  • Đau nhức răng kéo dài hơn một hoặc hai ngày.
  • Đau ngày càng nghiêm trọng.
  • Sốt, đau tai hoặc đau khi há miệng.
  • Sưng ở miệng hoặc mặt.

12. Đau nhức răng có thể gây các biến chứng nào khác hoặc thậm chí gây tử vong không?

Đau nhức răng bản chất không thể gây tử vong. Nhưng một nhiễm trùng không được điều trị trong răng của bạn (hoặc bất kỳ phần nào khác của cơ thể) có thể lây lan sang các vị trí khác. Điều này vô cùng nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Vì vậy, nếu bạn bị đau răng thì tốt hơn hết nên liên hệ với nha sĩ. Việc chẩn đoán và điều trị thích hợp các bệnh nhiễm trùng răng là rất quan trọng. Cần ngăn chặn nó lây lan sang các bộ phận khác của vùng đầu mặt và thậm chí là đến máu. Nha sĩ sẽ giúp làm giảm cơn đau của bạn và ngăn ngừa bất kỳ nhiễm trùng nào trong miệng lây lan.

Đau nhức răng rất khó chịu, nhưng hoàn toàn có thể điều trị được. Tốt nhất bạn nên đến khám nha sĩ ngay khi có những triệu chứng bất thường. Việc xác định sớm nguyên nhân và điều trị sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng trở nên xấu hơn.

Bác sĩ Trương Mỹ Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1/ Cleveland Clinic medical professional, “Toothache”, đăng nhập ngày 23-03-2020 tại website http://my.clevelandclinic.org

2/ Mayo clinic staff, “Toothache:first aid”, đăng nhập ngày 08-06-2018 tại website http://mayoclinic.org

3/ Donna S. Bautista, DDS, “Toothache”, đăng nhập ngày 11/08/2019 tại website http://medicinet.com

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người