YouMed

Lạc nội mạc tử cung: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Hoài Duy
Tác giả: ThS.BS Võ Hoài Duy
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Lạc nội mạc tử cung là một trong số các bệnh lí gây đau vùng chậu mạn tính thường gặp ở các chị em phụ nữ. Bệnh gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm người bệnh phải tái khám nhiều lần. Một số trường hợp còn có thể dẫn đến tình trạng vô sinh – hiếm muộn. Như vậy, cần phải theo dõi và chăm sóc như thế nào cho những bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung. Hãy cùng Thạc sĩ Bác sĩ Võ Hoài Duy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung (Endometriosis) là một rối loạn mà trong đó mô ở nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung của các chị em phụ nữ. Bệnh hay gặp ở những vùng như buồng trứng, ống dẫn trứng và biểu mô lót vùng chậu. Hiếm khi gặp ở những vị trí khác ngoài vùng chậu.1

Nội mạc tử cung cũng có thể nằm lạc chỗ ở trong cơ tử cung, khi đó bệnh còn được biết đến với một tên gọi khác, đó là “bệnh tuyến cơ tử cung” hay Adenomyosis.2

Mô nội mạc tử cung nằm lạc chỗ này vẫn có khả năng dày lên và bong tróc ra tạo thành máu kinh giống như nội mạc trong buồng tử cung. Nhưng vì lượng máu kinh này không có cách nào thoát ra khỏi cơ thể, nên nó sẽ bị mắc kẹt bên trong. Nếu mô lạc nội mạc tử cung nằm ở buồng trứng, máu kinh tích tụ có thể hình thành nên u nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng. Lạc nội mạc tử cung còn là nguyên nhân gây ra viêm dính trong vùng chậu.

Bệnh gây đau bụng mạn tính – đôi khi có những lúc đau rất dữ dội – đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt. Các vấn đề về khả năng sinh sản ví dụ như vô sinh.

Mô nội mạc tử cung (những nốt đỏ) nằm sai vị trí, thay vì trong buồng tử cung thì lại nằm ở buồng trứng, vòi trứng
Mô nội mạc tử cung (những nốt đỏ) nằm sai vị trí, thay vì trong buồng tử cung thì lại nằm ở buồng trứng, vòi trứng

Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân vì sao bị lạc nội mạc tử cung vẫn còn đang tranh cãi. Sự hiểu biết về nguyên nhân của bệnh lí này đang ở mức chỉ là các giả thuyết.3 Đó là:

Giả thuyết máu kinh trào ngược

Có nghĩa rằng, sau mỗi lần hành kinh, máu kinh ngoài việc chảy ra bên ngoài âm đạo, thì nó vẫn có thể chảy ngược lên trên đến các vị trí như vòi trứng, buồng trứng. Sau đó, các tế bào nội mạc tử cung trong máu kinh trào ngược lại cấy ghép vào bề mặt các vị trí này, và ngày càng phát triển. Lâu dần hình thành một đám các tế bào nội mạc tử cung nằm lạc chỗ tại các vị trí mà nó đã cấy ghép.

Sự biệt hóa của tế bào phúc mạc

Dưới sự kích thích của một số hóa chất trung gian trong cơ thể, tế bào phúc mạc bình thường lại trở bên biến đổi và phát triển thành một loại tế bào khác – đó là tế bào của nội mạc tử cung. Kết quả là có sự xuất hiện của nội mạc tử cung nằm ở một vị trí khác ở trong khoang bụng thay vì ở trong lòng tử cung.

Tế bào nội mạc có thể xâm nhập vào mạch bạch huyết và mạch máu

Có giả thuyết còn cho rằng tế bào nội mạc tử cung có thể xâm nhập vào mạch bạch huyết và mạch máu của cơ thể. Từ đó, nó có thể di chuyển đến những vị trí xa hơn và cấy ghép vào đó, ví dụ như lạc nội mạc tử cung ở não, màng phổi,…

Do bản chất cũng là mô giống như nội mạc trong buồng tử cung, cho nên những thương tổn này cũng chịu ảnh hưởng bởi các nội tiết tố. Estrogen là hóc môn chính chịu trách nhiệm cho sự phát triển của thương tổn lạc nội mạc. Do một số cơ chế, nồng độ Estrogen ở những mô lạc nội mạc cao hơn bình thường. Điều này làm cho những sang thương lạc nội mạc ngày càng lan rộng, tiến triển.

Yếu tố nguy cơ của bệnh lí lạc nội mạc tử cung

Một số nghiên cứu tiến hành và cho thấy các đối tượng chị em phụ nữ sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thông thường, đó là:1

  • Không sinh con.
  • Bắt đầu có kinh ở độ tuổi sớm.
  • Thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi lớn hơn thông thường.
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn – ví dụ, dưới 27 ngày.
  • Kinh nguyệt nhiều kéo dài hơn bảy ngày.
  • Nồng độ hóc môn estrogen trong cơ thể cao.
  • Chỉ số khối cơ thể thấp.
  • Một hoặc nhiều người thân (mẹ, cô hoặc chị) bị lạc nội mạc tử cung.
  • Bất kỳ tình trạng bệnh lý nào ngăn cản máu kinh chảy ra ngoài trong thời kỳ kinh nguyệt.
  • Bất thường đường sinh dục.

Các triệu chứng

Những dấu hiệu của bệnh lý như sau:1

1. Đau bụng kinh nhiều (thống kinh)

Đau bụng dưới và thống kinh có thể bắt đầu xuất hiện trước đó và kéo dài vài ngày sau thời gian hành kinh. Ngoài ra các chị em còn có thể bị đau lưng dưới và đau bụng trên.

2. Đau khi giao hợp

Đau khi quan hệ hoặc đau bụng sau khi quan hệ tình dục thường gặp khi bị lạc nội mạc tử cung.

3. Đau khi đi tiêu hoặc đi tiểu

Các chị em có nhiều khả năng gặp những triệu chứng này trong kỳ kinh nguyệt.

4. Chảy máu kinh quá nhiều

Các chị em có thể thỉnh thoảng thấy kinh nguyệt ra nhiều hoặc ra máu giữa các kỳ kinh (chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt).

5. Khó có thai

Đôi khi, bệnh được chẩn đoán đầu tiên ở những người đang tìm cách điều trị vô sinh.

6. Các dấu hiệu và triệu chứng khác

Các chị em có thể cảm thấy mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng hoặc buồn nôn, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt.

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Các chị em nên đi khám bác sĩ nếu chúng ta có các dấu hiệu và triệu chứng.

Lạc nội mạc tử cung không phải là một bệnh đơn giản. Việc điều trị đau có thể còn chưa hiệu quả, đặc biệt là khi tình trạng viêm đã tiến triển xa. Do đó, cần khám với bác sĩ để lựa chọn phác đồ thuốc điều trị phù hợp, giúp giảm được đau và hạn chế tối đa tác dụng phụ.

Lạc nội mạc tử cung và vô sinh

Lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở Mỹ. Ước tính cứ khoảng 2 trong tổng số 5 người mắc vô sinh thì có tổn thương lạc nội mạc tử cung.4

Hiện tượng viêm trong bệnh lí lạc nội mạc tử cung làm chết các nang noãn trong buồng trứng, cản trở sự phóng noãn. Ngoài ra, chất lượng tinh trùng khi vào trong đường sinh dục nữ cũng sẽ bị giảm sút bởi chính hiện tượng viêm này. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, kể cả tinh trùng và trứng đã xảy ra hiện tượng thụ tinh thì hợp tử/ phôi thai vẫn khó lòng tồn tại được trong môi trường viêm của lạc nội mạc tử cung.5

Các thương tổn lạc nội mạc tử cung trên ống dẫn trứng còn ảnh hưởng đến chức năng của vòi trứng, cản trở sự dẫn trứng đã thụ tinh vào buồng tử cung.

Tình trạng rối loạn hóc môn với cường Estrogen và đề kháng với Progesteron làm biến đổi nội mạc tử cung theo hướng không còn thích hợp là nơi để cho phôi làm tổ.5

Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung cần những xét nghiệm gì?

Siêu âm phụ khoa3

Siêu âm là một cận lâm sàng thường được dùng trước tiên để hỗ trợ chẩn đoán. Đây là một phương pháp không xâm lấn nhưng mang lại hiệu quả cao, giúp nhận biết ra các sang thương lạc nội mạc, ví dụ: nang lạc nội mạc ở buồng trứng.

Hình ảnh nang lạc nội mạc tử cung trên siêu âm (bên trái) và kết quả mổ thực tế (bên phải)
Hình ảnh nang lạc nội mạc tử cung trên siêu âm (bên trái) và kết quả mổ thực tế (bên phải)

Trong những trường hợp khó, khi siêu âm không thể chẩn đoán đầy đủ và chính xác tình trạng của người bệnh. Các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp thêm các cận lâm sàng cao cấp như chụp MRI ở vùng chậu.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) một trườn hợp lạc nội mạc nằm sâu
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) một trườn hợp lạc nội mạc nằm sâu

Xét nghiệm máu

CA 125 trong máu thường tăng cao trong bệnh lí này.3 Xét nghiệm này góp phần giúp cho các bác sĩ theo dõi điều trị cho người bệnh.

Điều trị

Điều trị lạc nội mạc tử cung rất khác nhau giữa từng người bệnh. Do tính chất bệnh không giống nhau giữa các chị em phụ nữ, ví dụ một người có vấn đề chính là đau bụng, trong khi người còn lại có vấn đề chính là vô sinh,… Do đó, tùy theo vấn đề mà sẽ có cách điều trị khác nhau.

Điều trị giảm đau

Các bác sĩ có thể dùng nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau để giúp các chị em kiểm soát triệu chứng này. Thuốc giảm nhau nhóm NSAIDS thường được ưu tiên sử dụng (Ibuprofen,…). Ngoài ra bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc tránh thai dạng phối hợp để giúp hỗ trợ kiểm soát triệu chứng đau. Khi tình trạng đau không còn đáp ứng với các thuốc trên, các chị em có thể sẽ chuyển sang dạng thuốc nội tiết chích hoặc phẫu thuật.6

Hiện nay Dienogest là một loại thuốc mới có tác dụng giảm đau tốt. Đồng thời có ít tác dụng phụ nên khá tương thích với phần lớn bệnh nhân.6

Một dạng thương phẩm của Dienogest đang được bán trên thị trường
Một dạng thương phẩm của Dienogest đang được bán trên thị trường

Điều trị chảy máu tử cung bất thường

Các chị em bị bênh lý này bên cạnh thống kinh còn có thể bị chảy máu kinh kéo dài hoặc chảy máu kinh nhiều. Có nhiều cách khác nhau để giúp cầm máu và bác sĩ sẽ cùng bạn thảo luận để tìm ra được phương pháp thích hợp nhất. Ví dụ:

Cầm máu bằng thuốc tránh thai phối hợp (COCs).2

Đặt dụng cụ tử cung chứa thuốc.2 Mỗi ngày sẽ có 1 lượng thuốc nhất định được phóng thích trong buồng tử cung, giúp nội mạc tử cung mỏng hơn, tránh được hiện tượng chảy máu kinh nhiều.

Điều trị vô sinh – hiếm muộn7

Đây là một thách thức lớn đối với cả người bệnh và bác sĩ.

Có thể sử dụng thuốc để điều chỉnh cân bằng lại tình trạng rối loạn của những sang thương trước khi tiến hành các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Một số nơi tiến hành phẫu thuật bóc bỏ những khối u lạc nội mạc này để hỗ trợ cho điều trị vô sinh. Tuy nhiên, việc mổ bóc u lạc nội mạc ở buồng trứng đã được một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó có nguy cơ làm suy giảm số lượng những nang trứng còn lại của buồng trứng. Ngoài ra tỉ lệ tái phát u lạc nội mạc sau mổ là rất cao. Do đó, điều trị bằng phẫu thuật bóc u cần thảo luận kĩ càng giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Sau khi tạm ổn định các tổn thương lạc nội mạc bằng thuốc hay phẫu thuật, kĩ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung là một lựa chọn được ưu tiên để hỗ trợ thụ thai.

Ngày nay, ngoài kĩ thuật bơm tinh trùng thì thụ tinh trong ống nghiệm cũng ngày càng được áp dụng rộng hơn trong điều trị vô sinh cho các chị em bị bệnh lý này.

Có thể ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung không?

Mặc dù không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn lạc nội mạc tử cung, nhưng bạn có thể giảm khả năng mắc bệnh và kiểm soát các triệu chứng nếu mắc phải bằng những cách sau:8

Rèn luyện thể chất

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho toàn bộ cơ thể của bạn. Và nếu bạn tạo thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút 4-5 lần một tuần, nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tập thể dục sẽ giúp bạn giảm trọng lượng cơ thể và duy trì lượng mỡ trong cơ thể ở mức thấp.

Không uống rượu, bia

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống quá nhiều rượu bia có thể làm tăng lượng estrogen mà cơ thể bạn tạo ra, có thể dẫn đến lạc nội mạc tử cung.

Hạn chế Caffeine

Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ uống một lượng vừa phải caffein từ soda và trà xanh có mức estrogen cao hơn. Nhưng caffeine không liên quan đến nồng độ estrogen ở tất cả những phụ nữ trong nghiên cứu đó. Và khi các nhà nghiên cứu khác kiểm tra tám nghiên cứu về caffeine và bệnh lạc nội mạc, họ không tìm thấy mối liên hệ nào.

Trên đây là những thông tin về bệnh lí lạc nội mạc tử cung. Đây là tình trạng thường gặp ở các chị em phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản. Mức độ nặng của bệnh lí cũng thay đổi theo từng người. Triệu chứng nổi trội trong bệnh lí này là đau vùng bụng dưới mạn tính và tăng dần, hoặc rối loạn chu kì kinh nguyệt. Các chị em nên đi khám với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ của bệnh. Từ đó, sẽ có một chế độ điều trị thích hợp nhất cho bản thân mình!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Endometriosishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/endometriosis/symptoms-causes/syc-20354656

    Ngày tham khảo: 13/10/2022

  2. Adenomyosishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539868/

    Ngày tham khảo: 13/10/2022

  3. Endometriosishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK567777/

    Ngày tham khảo: 13/10/2022

  4. Endometriosishttps://www.webmd.com/women/endometriosis/endometriosis-causes-symptoms-treatment

    Ngày tham khảo: 13/10/2022

  5. Endometriosis and infertility: a review of the pathogenesis and treatment of endometriosis-associated infertilityhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23182559/

    Ngày tham khảo: 13/10/2022

  6. Medical Management of Endometriosis. Clin Obstet Gynecolhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28590310/

    Ngày tham khảo: 13/10/2022

  7. Management of endometriosis-related infertility: Considerations and treatment optionshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7127898/

    Ngày tham khảo: 13/10/2022

  8. Can I Prevent Endometriosis?https://www.webmd.com/women/endometriosis/can-i-prevent-endometriosis

    Ngày tham khảo: 13/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người