Mất ngủ tê bì chân tay: Tổng quan, nguyên nhân và điều trị
Nội dung bài viết
Mất ngủ tê bì chân tay là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Tình trạng này không nguy hiểm nhưng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra còn có thể có nguy cơ mắc một số bệnh lý liên quan đến thần kinh, xương khớp. Vậy nguyên nhân và cách điều trị tình trạng này thế nào? Mời bạn đọc cùng bác sĩ Nguyễn Văn Huấn tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này qua bài viết sau.
Tổng quan về tình trạng mất ngủ, tê bì tay chân
Mất ngủ có thể làm ảnh hưởng đến não khiến não không hoạt động và phản ứng chậm. Vì vậy mất ngủ thường xuyên có thể gây ra các triệu chứng như tê bì chân tay. Thời gian phản hồi của não chậm gây mất trí nhớ định kỳ.1 Do đó, người mất ngủ thường xuyên có thể có biểu hiện thiếu tập trung và thiếu tỉnh táo.
Tê bì tay chân là tình trạng mất cảm giác ở tay và chân. Hiện tượng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Chân tay bị tê thường do dây thần kinh bị chèn ép, tuần hoàn đến tay chân bị gián đoạn. Nguyên nhân gây ra có thể do tư thế lúc ngủ không đúng hoặc do một số tình trạng bệnh lý đi kèm khác.
Đôi khi tê bì kèm theo cảm giác giống như kim châm gọi là dị cảm.1 Giống như cảm giác tê, dị cảm có thể xảy ra trong khi ngủ do một số tư thế ngủ sai. Cả tê và dị cảm cũng liên quan đến sự chèn ép dây thần kinh và một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Nguyên nhân mất ngủ, tê bì chân tay
Tư thế ngủ không đúng
Nằm ngủ với tư thế nghiêng mình hoặc nằm ngửa nhưng nằm lâu không trở mình có thể khiến các mạch máu và thần kinh bị chèn ép. Từ đó gây ra tình trạng mất ngủ tê bì chân tay.
Mắc các bệnh lý về xương, khớp
Các bệnh lý về xương khớp có thể khiến bạn bị tê bì chân tay và gây mất ngủ. Trong số đó phải kể đến là các bệnh như:
- Thoái hóa cột sống.
- Thoát vị đĩa đệm.
- Chấn thương cột sống.
- Viêm khớp.
- Viêm đa dây thần kinh, viêm đa rễ thần kinh…
Các bệnh lý này khiến cho dây thần kinh bị chèn ép hoặc lệch hướng gây cảm giác tê bì. Triệu chứng này cũng có thể gặp ở một số đối tượng khác như người tiểu đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, nhiễm phong, bệnh lao, thương hàn…
Do thiếu chất
Chế độ ăn uống không được cung cấp đầy đủ một số chất dinh dưỡng cần thiết làm cơ thể gầy yếu, thể lực suy kém. Từ đó gây ra triệu chứng mất ngủ tê bì chân tay. Chẳng hạn như thiếu hụt vitamin nhóm B, axit folic, canxi, kali… Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ có thai, người suy dinh dưỡng, trẻ em kém ăn, người già…
Do thời tiết
Một số người có hệ miễn dịch kém khi gặp thời tiết đột ngột thay đổi sẽ gây rối loạn cảm giác khiến cho chân tay bị tê bì. Triệu chứng này khiến họ khó chịu, mệt mỏi nhiều và nếu kéo dài có thể gây mất ngủ.
Điều trị mất ngủ, tê bì chân tay
Không dùng thuốc
Việc điều trị mất ngủ tê bì chân tay phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Bạn có thể giảm triệu chứng tê bì chân tay khi ngủ bằng một số cách như sau:
- Kê gối hoặc nệm mềm lên chân tay lúc ngủ. Điều này giúp giảm áp lực ở các khác khớp hơn và giảm các giác tê bì.
- Đeo nẹp cổ tay khi ngủ để giúp cổ tay ổn định trong khi ngủ.
- Hãy thử một tư thế ngủ mới, đặc biệt là nằm nghiêng.
- Tránh đặt tay dưới gối vì có thể chèn ép dây thần kinh.2 Đảm bảo cổ tay của bạn không bị co cứng.
- Nếu bạn có thói quen nằm ngửa gác tay lên đầu, bạn hãy thử thay đổi bằng cách để tay dọc theo thân mình để giảm chèn ép dây thần kinh.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng nếu nguyên nhân tay chân tê bì và mất ngủ là thiếu chất. Đặc biệt là các vitamin nhóm E, B,…
- Nên đổi tư thế ngủ ít nhất 1 tiếng một lần, không nên giữ quá lâu với một tư thế.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày để khí huyết lưu thông chống tê bì chân tay.
- Xoa bóp bàn tay, bàn chân, trán và vận động tay chân nhẹ nhàng trong khoảng 5 – 10 phút trước khi ngủ để khí huyết lưu thông tránh tê bì chân tay.
Xem thêm: Tự bấm huyệt chữa tê tay như thế nào?
Dùng thuốc
Một số loại thuốc Tây y có thể làm giảm triệu chứng tê bì chân tay như: thuốc nhóm NSAIDs, thuốc giãn mạch ngoại vi. Bác sĩ cũng có thể chỉ định bổ sung các loại vitamin nhóm B đường uống hoặc đường tiêm nếu bạn thiếu chất.
Hiện nay, có thể sử dụng thuốc Đông y để điều trị tê bì chân tay, mất ngủ. Các bài thuốc đông y có ưu điểm là hầu hết được chiết xuất từ các loại thảo dược thiên nhiên lành tính. Do đó, thuốc Đông y an toàn và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, thời gian điều trị bằng Đông y nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, mức độ bệnh và cơ địa của mỗi người.
Dù bạn có ý định sử dụng thuốc Tây y hay Đông y để điều trị thì cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Bạn không nên tự ý dùng thuốc để điều trị tại nhà. Vì việc sử dụng thuốc không đúng liều lượng, sai cách có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Xem thêm: Tang ký sinh: Vị thuốc quý chữa tê nhức
Trên đây là bài viết của bác sĩ Nguyễn Văn Huấn về tình trạng mất ngủ tê bì chân tay. Hy vọng qua bài viết trên, bạn có thể biết thêm một số nguyên nhân cũng như một số cách điều trị tình trạng này. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể đến gặp bác sĩ trực tiếp để được tư vấn về tình trạng của bản thân một cách cụ thể nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Is Numbness A Symptom Of Sleep Deprivation
https://sleepdisorders.dolyan.com/is-numbness-a-symptom-of-sleep-deprivation/
Ngày tham khảo: 17/11/2021
-
Numbness in Hands While Sleeping: Why It Happens and What It Meanshttps://www.sleepfoundation.org/physical-health/numbness-in-hands-while-sleeping
Ngày tham khảo: 17/11/2021