Cách chữa mất ngủ cho người trung niên hiệu quả
Nội dung bài viết
Mất ngủ là một trong những rối loạn giấc ngủ khá phổ biến. Tình trạng này rất thường gặp khi bước vào độ tuổi trung niên. Việc xác định và khắc phục các nguyên nhân gây mất ngủ tuổi trung niên là vấn đề rất quan trọng. Sau đây, mời bạn cùng bác sĩ Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu về nguyên nhân và cách chữa mất ngủ cho người trung niên hiệu quả.
Mất ngủ là gì?
Trước khi tìm hiểu cách chữa mất ngủ cho người trung niên, bạn cần hiểu mất ngủ là gì. Mất ngủ là tình trạng bạn khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Mất ngủ cũng là cảm giác bạn ngủ không đủ giấc. Những người lớn tuổi thường gặp vấn đề với giấc ngủ hơn những người trẻ tuổi. Mất ngủ có thể là xảy ra trong thời gian ngắn (vài ngày hoặc vài tuần). Hoặc cũng có thể kéo dài thành mãn tính (nhiều tháng hoặc nhiều năm).
Mất ngủ có thể điều trị được. Hầu hết người trung niên, lớn tuổi cần ngủ khoảng 7 – 8 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ có nhiều giai đoạn. Lượng thời gian cho mỗi giai đoạn này sẽ thay đổi khi bạn lớn tuổi hơn. Những thay đổi này đối với người lớn tuổi có thể khiến họ mất ngủ. Cần tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị cho họ sớm nhất có thể.1
Xem thêm: Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi: Sinh lý hay bệnh lý?
Mất ngủ ở người trung niên do đâu?
Cách chữa mất ngủ cho người trung niên tùy thuộc nhiều vào nguyên nhân gây ra. Mất ngủ ở người trung niên có khá nhiều nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất.
Do bệnh lý
Một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chất lượng của người trung niên như:
- Bệnh tim mạch và bệnh phổi gây ảnh hưởng đến hô hấp. Chẳng hạn như bệnh suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn phổi mãn tính (bệnh COPD) gây khó khăn khi hô hấp. Điều này khiến họ dễ bị tỉnh giấc trong lúc ngủ.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD gây ra các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, nóng rát sau xương ức. Cảm giác trào ngược sẽ càng tệ hơn khi nằm xuống. Vì vậy, người trung niên mắc bệnh này có thể gặp tình trạng mất ngủ.
- Bệnh lý cơ xương khớp. Nhiều trường hợp không thể tiếp tục giấc ngủ do các cơn đau cơ xương khớp. Chẳng hạn như bệnh Gout (gút). Cơn đau do Gout cấp thường gia tăng vào lúc nửa đêm đến sáng.
- Bệnh lý về hệ tiết niệu khiến bệnh nhân phải tiểu đêm nhiều lần. Đây có thể là nguyên nhân gây mất ngủ ở người trung niên.
- Các bệnh rối loạn, thoái hóa thần kinh. Chẳng hạn như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson cũng có thể là nguyên nhân gây mất ngủ.
Ít vận động
Người trung niên, lớn tuổi thường ít vận động hơn. Các hoạt động trao đổi chất cũng diễn ra kém hơn so với những người trẻ tuổi. Do đó, họ sẽ ít cảm thấy buồn ngủ. Hoặc cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày hơn ban đêm. Đây chính là nguyên nhân không do bệnh lý thường gặp gây mất ngủ ở người trung niên.
Thói quen và môi trường ngủ
Một số thói quen như uống rượu trước khi đi ngủ hay vẫn mở tivi khi đã ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Chúng chính là nguyên nhân gây ra mất ngủ ở người trung niên.
Vấn đề tâm lý
Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 23 – 24% người trong độ tuổi trung niên bị mất ngủ có liên quan đến các vấn đề lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi. Đây là giai đoạn họ sẽ phải đối mặt với những thay đổi đáng kể. Chẳng hạn việc nghỉ hưu, phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Hoặc thậm chí là áp lực đến từ công việc, cuộc sống hằng ngày của họ gây mất ngủ.
Cách chữa mất ngủ cho người trung niên
Tập thể dục
Các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội có thể giúp thư giãn đầu óc, tăng tuần hoàn máu não. Điều này giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ hơn. Bạn sẽ ngủ nhanh hơn, giấc ngủ sâu hơn và giảm số lần thức giấc trong đêm. Các bài tập này nên thực hiện trước giờ đi ngủ ít nhất 2 tiếng.
Ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống hợp lý không chỉ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ. Nó còn đảm bảo năng lượng hoạt động cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Hạn chế các thực phẩm có thể khiến bạn tỉnh táo từ chiều đến tối. Chẳng hạn như cà phê, soda, hoặc đồ uống có chứa caffeine khác.
Ngủ trưa ngắn là cách chữa mất ngủ cho người trung niên
Ngủ trưa quá lâu có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm. Do đó, người trung niên bị mất ngủ không nên ngủ trưa hoặc ngủ trưa ngắn. Tốt nhất là nên đặt báo thức để không ngủ quá lâu. Một giấc ngủ ngắn từ 20 – 30 phút sẽ giúp đầu óc được tỉnh táo mà vẫn đảm bảo giấc ngủ ban đêm.2
Bổ sung nội tiết tố
Độ tuổi trung niên là giai đoạn các nội tiết tố trong cơ suy giảm nhiều và gây ra mất ngủ. Vì vậy, việc bổ sung nội tiết tố có thể là cách chữa mất ngủ cho người trung niên.
Đối với nam giới, nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu testosterone. Chẳng hạn như hàu, cá hồi, rau bắp cải, cá ngừ… Đối với phụ nữ, bổ sung các thực phẩm giàu estrogen. Chẳng hạn như thực phẩm và chế phẩm từ đậu nành, hạt lanh, quả anh đào, tỏi, khoai lang tím… Bên cạnh các thực phẩm, bạn cũng có thể bổ sung nội tiết tố qua các thực phẩm chức năng.
Dùng thuốc
Khi các cách trên không hiệu quả, bạn có thể cân nhắc sử dụng thuốc để điều trị. Nhưng việc dùng thuốc nên được chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Vì hầu hết các thuốc điều trị mất ngủ có tác dụng phụ. Do đó bệnh nhân cần được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách. Đặc biệt là có những loại thuốc có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc. Nói chung, dùng thuốc là cách chữa mất ngủ cho người trung niên chỉ được áp dụng khi có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ.2
Xem thêm: Thuốc trị mất ngủ theo Đông y và những lưu ý khi sử dụng
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về nguyên nhân và cách chữa mất ngủ cho người trung niên. Cần lưu ý là nếu muốn sử dụng thuốc để điều trị mất ngủ, bạn cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ để được hướng dẫn và theo dõi tình trạng nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Insomnia in Older Peoplehttps://www.drugs.com/cg/insomnia-in-older-people.html
Ngày tham khảo: 17/12/2021
-
Insomnia: What You Need to Know as You Agehttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/insomnia-what-you-need-to-know-as-you-age
Ngày tham khảo: 17/12/2021