Đâu là những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung?
Nội dung bài viết
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam (đứng hàng thứ 4 ở phụ nữ). Dù nhiều tiến bộ trong điều trị nhưng tiên lượng chung của căn bệnh này vẫn khá xấu, so với nhiều loại ung thư khác. Tuy nhiên đây lại là căn bệnh có thể phòng ngừa tốt, thậm chí là tầm soát phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư, dẫn tới điều trị khỏi bệnh lâu dài. Nhằm đạt được các mục tiêu đó, các bạn hãy cùng Bác sĩ Võ Hoài Nam tìm hiểu về nguyên nhân – yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tửng cung qua bài viết dưới đây.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là cấu trúc nằm thấp nhất của tử cung, ngược lại đáy tử cung thường ở vị trí cao nhất. Khi chúng ta đi từ âm đạo lên sẽ gặp cổ ngoài cổ tử cung đầu tiên, sau đó đi dọc theo ống (kênh) cổ tử cung, cuối cùng gặp cổ trong cổ tử cung. Có thể nói cổ tử cung là nơi chuyển tiếp giữa âm đạo bên ngoài (biểu mô gai) và buồng tử cung ở bên trong (biểu mô tuyến). Vì thế, cổ tử cung vừa có cả biểu mô gai và biểu mô tuyến.1 2
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính xuất phát từ lớp niêm mạc vùng chuyển tiếp của cổ tử cung. Tại đây, các tế bào chuyển tiếp non nớt khi chuyển dạng từ tế bào tuyến sang tế bào gai nên dễ bị tổn thương bởi nhiều tác nhân (quan trọng nhất là HPV).3
Những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Khác với những loại ung thư khác, ung thư cổ tử cung đã xác định được nguyên nhân gây ra bệnh. Đó là tác nhân HPV. Đa phần, các trường hợp ung thư cổ tử cung do HPV gây ra. Bản chất HPV là virus sinh u nhú ở người, có nhiều tuýp khác nhau, và không phải loại nào cũng dẫn tới ung thư cổ tử cung. Dựa trên nguy cơ sinh ung thì HPV thường được chia thành 2 nhóm lớn: nhóm nguy cơ cao và nhóm nguy cơ thấp.2 3
Trong nhóm nguy cơ cao thì HPV tuýp 16 và 18 là 2 loại nổi bật, vì là thủ phạm gây ra khoảng 70 – 75% trường hợp ung thư cổ tử cung. Phần còn lại do các tuýp HPV khác thuộc nhóm nguy cơ cao gây ra (HPV tuýp 31, 33, 45…).2 3
HPV tuýp nguy cơ thấp thường ít có mối liên hệ với ung thư cổ tử cung, và thường liên quan tới các u nhú lành tính như sùi mào gà sinh dục. Hai tuýp HPV nguy cơ thấp thường được nhắc tới là tuýp 6 và 11 vì đây là 2 thủ phạm chủ yếu gây ra sang thương sùi mào gà (mụn cóc).2
Yếu tố nguy cơ
Tuy HPV được xác định là nguyên nhân, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư cổ tử cung như:2
- Hút thuốc lá.
- Viêm nhiễm phụ khoa mạn tính, vệ sinh sinh dục kém.
- Đồng nhiễm HIV hoặc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai…).
- Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh hoặc mắc phải).
- Quan hệ tình dục sớm, hoặc có nhiều bạn tình.
- Tiền căn gia đình có người thân trực hệ mắc ung thư cổ tử cung.
- Sanh nhiều lần, nhiều con.
- Bạn tình có nhiễm HPV.
Triệu chứng ung thư cổ tử cung
Triệu chứng của ung thư cổ tử cung rất dao động theo từng giai đoạn bệnh. Nếu tổn thương dạng tiền ung thì hầu như không có triệu chứng lâm sàng gì, chỉ được phát hiện qua kết quả phết tế bào cổ tử cung (Pap’s smear). Ngược lại, khi bướu tiến triển tại chỗ – tại vùng thì các triệu chứng có thể gặp như:
- Xuất huyết âm đạo sau giao hợp.
- Chảy dịch âm đạo nhầy, hoặc mủ khi bướu xuất tiết hoặc hoại tử.
- Đau tức âm ỉ vùng hạ vị.
- Tiểu ra máu (khi bướu đã xâm lấn vào bàng quang).
- Đi cầu ra máu hoặc khó đi tiêu (khi bướu xâm lấn trực tràng – ống hậu môn).
- Đi tiểu hoặc đi cầu qua chính đường âm đạo (khi bướu đã xâm lấn và hoại tử tạo đường rò với bàng quang hoặc trực tràng).
- Không mắc tiểu, hoặc tiểu rất ít (khi bướu lan ra 2 bên, siết chặt niệu quản làm tắc nghẽn dẫn tới suy thận cấp). Lúc này bệnh nhân lại than phiền đau tức vùng hông lưng hoặc sốt lạnh run do nhiễm trùng tiểu trên.
- Thậm chí là đau bụng, khó thở hoặc sờ thấy hạch cổ khi bướu đã di căn hạch bụng, hạch trên xương đòn hoặc di căn xa tới phổi, gan… Thỉnh thoảng gặp tình huống đau nhức xương khi bệnh đã di căn tới xương.
Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không có triệu chứng gì đáng kể, mặc dù bệnh đã tiến triển rất muộn. Đây cũng là lý do khiến bệnh nhân đến khám khi bệnh đã muộn, cơ hội điều trị bị giới hạn nhiều.
Cách điều trị ung thư cổ tử cung
Điều trị ung thư cổ tử cung được dựa trên chủ yếu giai đoạn bệnh (I – II – III – IV) và nhiều yếu tố khác như: tuổi, khả năng sinh sản, sở thích của người bệnh, điều kiện kinh tế, năng lực của chính cơ sở y tế đó. Nhìn chung, hai phương thức điều trị chủ lực trong ung thư cổ tử cung là phẫu thuật triệt căn và hóa xạ trị triệt để. Hóa trị có vai trò khiêm tốn, và hữu ích khi bệnh di căn xa hoặc tái phát (khi mà phẫu thuật hoặc xạ trị không thể thực hiện).
Sau đây là những thông tin về cách điều trị ung thư cổ tử cung: 2 3 4 5
Các lựa chọn điều trị theo từng giai đoạn bệnh
1. Giai đoạn rất sớm (sang thương tiền ung thư như CIN2-3)
LEEP, khoét chóp, áp lạnh, laser… là các lựa chọn hàng đầu. Nhìn chung, khoét chóp thường được ưu tiên lựa chọn vì vừa có thể điều trị, vừa có thể chẩn đoán bệnh, cũng như đánh giá được rìa cắt đã sạch bướu hay chưa.4
2. Giai đoạn sớm (giai đoạn IA, IB1-2, và IIA1)
Phẫu thuật triệt căn là lựa chọn hàng đầu, nếu bệnh nhân không có chống chỉ định của phẫu thuật, cũng như người bệnh mong muốn được phẫu thuật. Đa phần bệnh nhân sau điều trị phẫu thuật sẽ khỏi bệnh lâu dài, trừ một nhóm nhỏ sẽ tái phát (thường là tại chỗ, tại vùng). Chính vì thế, đôi khi bác sĩ đề nghị thêm xạ trị và/hoặc hóa trị bổ túc sau mổ, đối với nhóm bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao, nhằm tăng khả năng khỏi bệnh lâu dài.2
3. Giai đoạn muộn (giai đoạn IB3, IIA2, III và IVA)
Hóa xạ trị đồng thời triệt để là lựa chọn hàng đầu. Giai đoạn muộn khi bướu lan rộng, khả năng phẫu thuật lấy sạch khối bướu rất thấp, không đạt được an toàn về mặt ung thư nên thường ít phẫu thuật triệt căn cho giai đoạn này. Sau hóa xạ trị đồng thời triệt để thì cũng phần lớn bệnh nhân có khả năng khỏi bệnh lâu dài, tuy ít hơn nhóm bệnh nhân giai đoạn sớm. Vì vậy việc tái khám thường xuyên là quan trọng, nhằm phát hiện các tình huống tái phát sớm, khi mà khả năng điều trị còn nhiều.2
4. Giai đoạn di căn xa (giai đoạn IVB)
Đa phần bệnh nhân được hóa trị giảm nhẹ, liệu pháp miễn dịch ung thư hoặc chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần. Đôi khi xạ trị tạm bợ được thực hiện cho các tình huống xuất huyết rỉ rả từ bướu, di căn não hoặc di căn xương có triệu chứng…2
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có một giai đoạn sinh ung rất dài (nhiều năm – nhiều thập kỷ) kể từ khi nhiễm HPV. Chính vì thế mà chúng ta có cơ hội tầm soát nhằm tìm các tổn thương tiền ung thư (chưa phải là ung thư thật sự). Vì điều trị ngay giai đoạn này rất hiệu quả và ít tốn kém nên bệnh nhân hầu như chữa khỏi bệnh lâu dài, quay lại cuộc sống gần như bình thường. Chương trình tầm soát cổ tử cung có sự thay đổi theo từng quốc gia, từng vùng vì mỗi nơi lại có tiềm lực kinh tế rất khác nhau. Nhìn chung, các phương tiện tầm soát ung thư cổ tử cung thường dùng như:
- Phết tế bào cổ tử cung (Pap’s smear).
- Soi cổ tử cung và quan sát (có hoặc không phết thêm Lugol, Acid Acetic).
- Xét nghiệm HPV-DNA.
Theo khuyến cáo mới nhất của ASCCP 2019 (Hoa Kỳ) thì xét nghiệm đầu tay để tầm soát ung thư cổ tử cung là xét nghiệm HPV-DNA.6
Ung thư cổ tử cung còn là một căn bệnh rất phổ biến ở phụ nữ Việt Nam. Khác với các loại ung thư khác, nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung đã được xác định từ lâu là nhiễm dai dẳng HPV, đặc biệt tuýp nguy cơ cao. Đây là căn bệnh phòng ngừa rất hiệu quả bằng cách tiêm chủng HPV. Ngoài ra, bệnh còn có thể phát hiện rất sớm nhờ chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung (Pap’s smear hoặc HPV-DNA), dẫn tới điều trị tổn thương tiền ung thư rất hiệu quả và đạt được khỏi bệnh lâu dài.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vincent T. DeVita, Theodore S. Lawrence, Steven A. Rosenberg. "DeVita, Hellman, and Rosenberg's cancer: Principles & practice of oncology", 11th edition., Wolters Kluwer, Philadelphia. 2019.
Ngày tham khảo: 02/10/2022
-
Cervical cancer: screening, diagnosis and staginghttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27273940/
Ngày tham khảo: 02/10/2022
-
Cervical cancer: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-uphttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28881916/
Ngày tham khảo: 02/10/2022
-
Human Papilloma Virus-Associated Cervical Cancer and Health Disparitieshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6628030/
Ngày tham khảo: 02/10/2022
-
Global strategies for cervical cancer prevention and screeninghttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30808155/
Ngày tham khảo: 02/10/2022
-
2019 ASCCP Risk-Based Management Consensus Guidelines for Abnormal Cervical Cancer Screening Tests and Cancer Precursorshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32243307/
Ngày tham khảo: 02/10/2022