Nguyên nhân ung thư dạ dày và các yếu tố nguy cơ
Nội dung bài viết
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp ở cả hai giới. Số ca tử vong của ung thư dạ dày đứng trong top 5 các loại ung thư. Vì vậy, hiểu biết về bệnh cũng như biết được các nguyên nhân ung thư dạ dày, yếu tố nguy cơ là rất quan trọng giúp chúng ta phòng ngừa bệnh! Sau đây, mời bạn cùng tìm hiểu về những vấn đề trên qua bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lương Huy nhé!
Tổng quan về ung thư dạ dày
1. Ung thư dạ dày là gì?
Vị trí của dạ dày trong cơ thể
Dạ dày (còn gọi là bao tử) là đoạn phình ra của ống tiêu hóa. Nó có hình dáng giống hình chữ J. Sau khi thức ăn được nhai và nuốt, nó sẽ đi vào thực quản. Thức ăn sẽ đi qua cổ họng và ngực đến dạ dày. Khi đó dạ dày bắt đầu tiêu hóa thức ăn bằng cách tiết dịch vị. Thức ăn và dịch vị được trộn lẫn rồi đổ vào tá tràng và ruột non.1 2
Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát. Sau đó sẽ xâm lấn các mô từ gần đến xa (di căn) qua đường máu và hệ thống bạch huyết.2 3
Ung thư dạ dày là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới. Tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và thứ 4 ở nữ giới. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn, khả năng khỏi bệnh cao hơn.3
2. Phân loại ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày về mô học chủ yếu gồm 4 loại:1 3
- Ung thư biểu mô dạ dày (carcinoma) thường gặp nhất chiếm tỷ lệ trên 95%, có diễn tiến nhanh và tiên lượng nặng nhất.
- Ung thư mô lympho của dạ dày được gọi là lymphoma dạ dày chiếm tỷ lệ khoảng 2%.
- U mô đệm đường tiêu hóa xảy ra ở dưới niêm mạc của dạ dày được gọi là GIST ở dạ dày
- Ung thư tế bào có nguồn gốc thần kinh nội tiết ở dạ dày. Nó được gọi là carcinoid ở dạ dày, thường hiếm gặp và có tiên lượng tốt hơn.
3. Triệu chứng ung thư dạ dày?
Khi dạ dày có tổn thương ác tính, tùy thuộc vào vị trí của tổn thương và từng giai đoạn của bệnh mà người bệnh có thể có các dấu hiệu đa dạng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì các dấu hiệu này thường khá mơ hồ, không đặc hiệu cho ung thư dạ dày. Bởi vì các dấu hiệu này cũng có thể xuất hiện trong các bệnh lý lành tính khác của dạ dày.2
Nguyên nhân ung thư dạ dày
Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày chưa được chứng minh rõ. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh ung thư dạ dày bắt đầu khi có một yếu tố gây tổn thương lớp lót bên trong dạ dày. Ví dụ như bị trào ngược axit lâu ngày, bị nhiễm trùng dạ dày và ăn nhiều thức ăn mặn. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Ung thư dạ dày hình thành khi có đột biến trong DNA của các tế bào dạ dày. DNA mã hóa cho các tế bào biết khi nào phát triển và khi nào chết. Do đột biến, các tế bào phát triển nhanh chóng và cuối cùng tạo thành khối u thay vì chết đi. Các tế bào ung thư vượt qua các tế bào khỏe mạnh. Chúng có thể bắt đầu phát triển sâu hơn vào thành dạ dày và lan sang các bộ phận khác của cơ thể, gọi là di căn.4
Các yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền. Các yếu tố này sẽ được liệt kê dưới đây:3 5
1. Biến đổi ở niêm mạc dạ dày
Nguy cơ ung thư dạ dày tăng khi có các biến đổi ở niêm mạc dạ dày như là:
- Dị sản ruột (Intestinal metaplasia): các tế bào niêm mạc dạ dày được thay thế bởi các tế bào bình thường của niêm mạc ruột.
- Viêm dạ dày mạn tính, đặc biệt là viêm teo niêm mạc dạ dày.
- Polyp dạ dày: polyp tuyến, polyp dạ dày tăng sản.
Bệnh nhân đã phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư cao nhất sau 15 – 20 năm.
2. Helicobacter pylori (H. pylori)
H. pylori là vi khuẩn đã được Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp loại là tác nhân gây ung thư (carcinogen) nhóm 1. Chỉ một số bệnh nhân bị nhiễm H. pylori mới phát triển thành bệnh nặng. Ví dụ như viêm loét dạ dày tá tràng (10% –15%) hoặc ung thư dạ dày (1% –3%). Trong dân số nói chung, tỷ lệ nhiễm H. pylori đạt ~ 60%. Tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư dạ dày, tỷ lệ này phổ biến hơn (84%) hoặc thậm chí gần như 100% nếu ung thư dạ dày ở tâm vị.
3. Virus Epstein – Barr (EBV)
Epstein – Barr là một loại virus herpes ở người cũng được gợi ý đóng vai trò là nguyên nhân trong ung thư dạ dày. Mối liên quan giữa EBV và sinh ung thư dạ dày thay đổi giữa các quốc gia. Điều thú vị là, EBV phổ biến hơn ở ung thư biểu mô ở phần còn lại của dạ dày sau phẫu thuật (27%) so với ở dạ dày nguyên vẹn.
4. Hút thuốc lá
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Nguy cơ mắc ung thư dạ dày tăng lên 60% ở nam giới và 20% ở phụ nữ hút thuốc so với người không hút thuốc. Những người hút thuốc với lượng thuốc tiêu thụ cao hơn (> 20 điếu mỗi ngày) có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
5. Uống rượu bia
Uống rượu bia nhiều cũng dẫn đến ung thư dạ dày. Mối liên quan giữa nghiện rượu và ung thư dạ dày đã được báo cáo.
Việc uống rượu được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày trong một số nghiên cứu. Cơ chế chính có thể liên quan đến các chất chuyển hóa, đặc biệt là acetaldehyde. Chất này có thể gây độc tại chỗ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Ngoài ra, trong rượu có ethanol, nó có thể hòa tan trong chất béo và có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Cơ chế bệnh sinh của ethanol đối với tổn thương niêm mạc dạ dày liên quan đến việc phá vỡ sự cân bằng bảo vệ niêm mạc dạ dày và sự xâm lấn từ bên ngoài.6
6. Dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn có nhiều thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Ví dụ: thực phẩm có chứa chất bảo quản, chứa nhiều hợp chất nitrate như là ăn nhiều thức ăn nướng hoặc xông khói/ ngâm muối, đồ ăn lên men, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói, ăn ít rau củ quả…
7. Di truyền
Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền như đa polyp tuyến, bệnh ung thư đại tràng và ung thư trực tràng di truyền không đa polyp… Đột biến gen CDH1 đã được chứng minh liên quan đến ung thư dạ dày. CDH1 là gen ức chế tế bào dạ dày phát triển, khi bị đột biến sẽ dẫn tới ung thư.
8. Tuổi tác và giới tính
Ung thư dạ dày được chứng minh có liên quan đến tuổi tác và giới tính. Hầu hết bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày đều trên 60 tuổi. Khoảng 6 trong 10 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày mỗi năm từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra, nam giới có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp đôi nữ giới.7
9. Thừa cân, béo phì
Thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư ở tâm vị (phần trên của dạ dày gần với thực quản).
10. Thiếu máu ác tính
Một số tế bào trong niêm mạc dạ dày thường tạo ra một chất gọi là yếu tố nội tại (IF) mà cơ thể cần để hấp thụ vitamin B12 từ thực phẩm. Những người không có đủ IF có thể bị thiếu vitamin B12, ảnh hưởng đến khả năng tạo tế bào hồng cầu mới của cơ thể và cũng có thể gây ra các vấn đề khác. Tình trạng này được gọi là thiếu máu ác tính, có thể do một số tình trạng tự miễn dịch cũng như một số loại phẫu thuật dạ dày gây ra. Cùng với bệnh thiếu máu (có quá ít tế bào hồng cầu), những người mắc bệnh này có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
11. Nhóm máu
Theo American Cancer Society (Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ), không rõ vì lý do gì, những người có nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
12. Môi trường làm việc nhiều hóa chất độc hại
Những người làm việc trong ngành công nghiệp than, kim loại và cao su dường như có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Một số ngành nghề khác cũng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn là phụ tá, ngư dân, vận hành máy, y tá, đầu bếp, thợ giặt và người quét dọn. Đặc biệt là những công việc chủ yếu tiếp xúc với bụi, oxit nitơ, hợp chất N-nitroso và tia xạ.
13. Tình trạng kinh tế xã hội
Ung thư dạ dày được phát hiện là có liên quan tỷ lệ nghịch với tình trạng kinh tế xã hội. Do đó những nơi kinh tế xã hội cao thì giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn thông tin về nguyên nhân ung thư dạ dày. Việc nắm rõ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ung thư dạ dày rất quan trọng. Từ đó giúp chúng ta biết cách phòng tránh và khắc phục một số nguyên nhân có thể thay đổi được.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Is Stomach Cancer?https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/about/what-is-stomach-cancer.html
Ngày tham khảo: 03/05/2023
-
Gastric Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Versionhttps://www.cancer.gov/types/stomach/patient/stomach-treatment-pdq
Ngày tham khảo: 03/05/2023
-
Gastric cancer: epidemiology, prevention, classification, and treatmenthttps://www.dovepress.com/gastric-cancer-epidemiology-prevention-classification-and-treatment-peer-reviewed-fulltext-article-CMAR
Ngày tham khảo: 03/05/2023
-
Stomach cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/symptoms-causes/syc-20352438
Ngày tham khảo: 03/05/2023
-
Stomach Cancer Risk Factorshttps://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html
Ngày tham khảo: 03/05/2023
-
Alcohol Consumption and Gastric Cancer Risk: A Meta-Analysishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5256369/#:~:text=However%2C%20recent%20studies%20have%20confirmed,cancer%20%5B4%E2%80%936%5D
Ngày tham khảo: 03/05/2023
-
Key Statistics About Stomach Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/about/key-statistics.html
Ngày tham khảo: 03/05/2023