Nhổ răng khôn có đau không? Khi nào tôi cần nhổ răng khôn?
Nội dung bài viết
Răng khôn là loại răng thường gây nhiều phiền phức, thường mọc sau cùng và không có nhiều chức năng. Nhưng không phải ai mọc răng khôn đều cần phải nhổ đi. Vấn đề nhiều người thắc mắc là khi nào nên nhổ răng khôn, nhổ có đau không, chi phí bao nhiêu, có biến chứng gì không? Các vấn đề trên sẽ được Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc giải đáp qua bài viết sau. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu nhé!
Răng khôn là răng nào?
Ở người trưởng thành gồm có 32 răng, trong đó có 4 răng khôn. Và đa số ở người trưởng thành, xương hàm chỉ đủ chỗ cho 28 răng, 14 chiếc hàm trên và 14 chiếc hàm dưới.
Răng khôn là răng mọc ở vị trí cuối cùng của hàm, thường mọc ở độ tuổi 20. Vào thời điểm đó, 28 chiếc răng khác thường đã mọc đúng vị trí nên không phải lúc nào cũng còn đủ chỗ trống để răng khôn mọc đúng vị trí. Vì nó thường mọc sau cùng nên có thể gây xô lệch, chen lấn các răng khác gây nhiều khó chịu.
Răng khôn có thể mọc theo về hướng răng hàm cạnh bên, khi có chỗ trống thì nhú được một phần rồi ngừng mọc vĩnh viễn. Nó cũng có thể mọc ngược về hướng xương hàm hay mọc thẳng khi có chỗ trống.
Răng khôn có thể gây nhiều biến chứng do việc mọc lệch gây ra như: sâu răng, viêm nướu, hay hủy hoại xương răng cạnh bên.1 2
Trường hợp nào nên nhổ răng khôn?
Răng khôn không mang lại nhiều lợi ích, nhưng chúng ta có thể sống hòa bình cùng nó. Như trường hợp răng mọc thẳng, thường không gây biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ta cần phải nhổ răng khôn như:1 2
- Răng khôn gây biến chứng như viêm nướu, sâu răng bên cạnh,…
- Răng khôn gây đau nhức, ảnh hưởng đến cuộc sống.
- Răng khôn bị sâu.
- U nang do răng khôn mọc ngầm. Tuy nhiên trường hợp này hiếm khi xảy ra.
- Răng khôn mọc ở vị trí khó vệ sinh, hay bám thức ăn giữa khe với răng cạnh, dễ gây sâu răng.
- Hay nhổ để hỗ trợ chỉnh hàm, niềng răng, trồng răng giả…
Lưu ý, với các bệnh nhân có bệnh lý nội khoa không kiểm soát tốt như tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn đông cầm máu,… Cần tham vấn với bác sĩ, ưu tiên việc kiểm soát tốt bệnh nền trước khi thực hiện nhổ răng.3 4 5
Phương pháp nhổ răng khôn
Hiện nay có 2 phương pháp nhổ răng không: truyền thống và bằng máy với sóng siêu âm Piezotome. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 2 phương pháp này nhé!
- Phương pháp truyền thống: Bác sĩ sẽ gây tê sau đó dùng dao rạch vạt nướu, sau đó dùng các dụng cụ như kìm và nạy để lấy răng ra.
- Máy với sự hỗ trợ sóng siêu âm Piezotome: Bệnh nhân được gây tê, sau đó với sự hỗ trợ sóng siêu âm, bác sĩ dùng máy tách các dây chằng xung quanh chân răng và gấp răng khôn khỏi hàm. Khi răng khôn được lấy ra sóng siêu âm sẽ khóa các mạch máu lại và hạn chế khả năng sưng viêm, giảm đau hơn so với phương pháp truyền thống.
Có 5 nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên RCTs được tiến hành trên 402 bệnh nhân so sánh 2 phương pháp trên trong nhổ răng khôn. Kết quả ghi nhận với phương pháp dùng sóng siêu âm Piezotome hiệu quả giảm đau đáng kể so với phương pháp truyền thống. Mặc dù việc dùng thuốc tê của 2 phương pháp như nhau.6
Nên nhổ răng khôn ở đâu? Chi phí bao nhiêu?
Mọi người cần lựa chọn các địa chỉ nhổ răng khôn uy tín. Có thể đăng ký ở các bệnh viện như:
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM;
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM;
- Bệnh viện Nhân dân Gia Định;
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM;
- Bệnh viện Quân Y 175;
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội;
- Hay các cơ sở khám nha khoa có thương hiệu lâu năm, uy tín trên thị trường.
Chí phí nhổ răng khôn dao động tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ về độ khó thủ thuật và nơi thực hiện. Ví dụ, trường hợp nhổ răng khôn tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM (không có thẻ BHYT) có mức giá tham khảo như sau:
- Chi phí khám: 50,000 VNĐ.
- Phẫu thuật nhổ răng khôn mọc lệch hàm trên: Độ I – 1,000,000 VND; Độ II – 1,500,000 VNĐ.
- Phẫu thuật nhổ răng khôn mọc lệch hàm dưới: Độ I – 1,500,000 VND; Độ II – 1,800,000 VNĐ.
- Phẫu thuật nhổ răng khôn mọc lệch hàm trên (MÊ): Độ I – 3,000,000 VND; Độ II – 3,600,000 VNĐ.
- Phẫu thuật nhổ răng khôn mọc lệch hàm dưới (MÊ): Độ I – 3,000,000 VND; Độ II – 3,600,000 VNĐ.
- Cắt lợi trùm răng khôn hàm dưới: 200,000 VNĐ.
Nhổ răng khôn bao lâu lành?
Vấn đề nhổ răng khôn sau bao lâu thì lành thường khó xác định được thời gian chính xác. Thông thường có thể mất khoảng 1-2 tuần sau khi nhổ răng để hồi phục.1 2 Tuy nhiên, quá trình hồi phục nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố như:
- Cơ địa từng người. Có người nhổ răng không đau, hay đau ít và thời gian lành nhanh hơn. Có người bệnh nền, sức đề kháng yếu thời gian lành lâu hơn.
- Tay nghề bác sĩ thực hiện thủ thuật. Nếu vết nhổ răng nhỏ thường lành nhanh hơn.
- Phương pháp nhổ răng khôn: đối với các răng mọc ngầm thường cần tiểu phẫu, vết thương to hơn nên lành lâu. Đối với răng khôn mọc rõ, thì vết thương nhỏ hơn thời gian lành mau. Đối với phương pháp nhổ răng bằng máy thì thời gian ngắn hơn.
- Chế độ chăm sóc tại nhà: Bạn cần vệ sinh răng miệng tốt, tránh để thức ăn ứ đọng trong huyệt răng sau nhổ. Ngoài ra cần hạn chế ăn các món cứng, quá nóng hay quá lạnh.
Nhổ răng khôn có đau không?
Trước khi nhổ răng khôn bạn sẽ được tiêm thuốc tê. Vì vậy, trong quá trình nhổ răng ít khi cảm thấy đau.
- Khi thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ cảm thấy đau, sưng mặt cũng bên, đây là biểu hiện sinh lý bình thường. Điều cần làm là bạn nên uống các thuốc giảm đau, kháng viêm, hay kháng sinh đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Cảm giác đau nhức thường giảm bớt theo thời gian, vấn đề chảy máu cũng sẽ giảm đáng kể. Nếu diễn tiến đau, sưng kéo dài quá nhiều ngày mà không thuyên giảm, bạn hãy đến bác sĩ tái khám.
Cách chăm sóc sau nhổ răng khôn
Sau khi nhổ răng khôn, bạn có thể cắn chặt gòn tối đa khoảng 1 tiếng để cầm máu. Để vết thương mau lành bạn cần tránh tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra. Do đó cần lưu ý:7
- Chăm sóc răng miệng. Trong 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng, bạn nên tránh đánh răng hay súc miệng. Sau khoảng thời gian này, bạn vẫn nên duy trì thói quen đánh răng. Và dùng nước muối súc miệng mỗi ngày. Nên dùng bàn chải lông mềm, tránh vị trí vết thương. Lưu ý khi súc miệng, vệ sinh lỗ vết thương kỹ, tránh sót thức ăn lâu ngày gây viêm nhiễm.
- Chế độ ăn. Trong những ngày đầu nên tránh các thức ăn quá cứng, quá nóng hay quá lạnh, gây tổn thương và chậm lành thương. Nên ăn thức ăn loãng như cháo, súp.
- Tránh hút thuốc lá, rượu bia, ít nhất trong 24 giờ sau phẫu thuật.
- Nên có khoảng thời gian nghỉ ngơi – 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ. Cần lấy lại sức khỏe và tránh các hoạt động mạnh làm ảnh hưởng đến vết thương.
Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?
Nhổ răng khôn thường không gây ra những biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, tương tự như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, việc nhổ răng khôn cũng có một số rủi ro có thể xảy ra:3 8
- Viêm xương ổ răng. Nguyên nhân là do cục máu đông ở vết nhổ vì lí do nào đó bị bong ra hoặc không thể hình thành để cầm máu. Từ đó, ổ răng gây đau nhức ở nướu hoặc hàm.
- Tổn thương dây thần kinh. Nó có thể gây đau, cảm giác ngứa ran và tê ở lưỡi, môi dưới, cằm, răng và nướu.
- Nhiễm trùng ổ răng. Có thể do vi khuẩn hoặc thức ăn bị mắc kẹt.
- Một số bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm, có thể xảy ra phản vệ với thuốc tê. Đây là cấp cứu khẩn cấp, cơ sở ý tế cần được trang bị đầy đủ vật dụng cấp cứu.
- Răng khôn hàm trên có thể nằm sát xoang hàm trên, thông xoang – miệng (lỗ thông giữa xoang hàm và xoang miệng) là một biến chứng nặng nề có thể xảy ra sau khi nhổ răng khôn hàm trên. Nhằm tránh vấn đề này, bác sĩ thường cho chụp x-quang toàn hàm trước khi tiến hành nhổ răng.
- Ngoài ra, việc nạy nhổ răng khôn quá mạnh có thể gây tổn thương răng hàm cạnh bên, hay vỡ bản xương hàm. Hậu quả gây đau nhức, chảy máu kéo dài.
Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề nhổ răng khôn. Đa số các trường hợp nhổ răng khôn gặp biến chứng đều do thực hiện ở những phòng khám kém chất lượng, không đủ trang thiết bị cấp cứu, tay nghề bác sĩ kém. Do đó, để tránh các rủi ro, bạn nên đăng ký tiểu phẫu này ở các bệnh viện lớn, uy tín, được nhiều người phản hồi tốt.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Removing wisdom teethhttps://www.healthdirect.gov.au/surgery/removing-wisdom-teeth
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
Wisdom tooth removalhttps://www.nhs.uk/conditions/wisdom-tooth-removal/
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
Complications -Wisdom tooth removalhttps://www.nhs.uk/conditions/wisdom-tooth-removal/complications/
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
Management of an emergency tooth extraction in diabetic patients on the dental chairhttps://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S1013905219305085
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
Tooth extraction in patients with heart diseasehttps://www.nature.com/articles/4807574
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
Piezosurgery vs conventional rotary instrument in the third molar surgery: A systematic review and meta-analysis of randomized controlled trialshttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1991790218306172
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
Recovery -Wisdom tooth removalhttps://www.nhs.uk/conditions/wisdom-tooth-removal/recovery/
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
Wisdom tooth extractionhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/wisdom-tooth-extraction/about/pac-20395268
Ngày tham khảo: 10/02/2023