YouMed

Bạn đã biết thông tin quan trọng về phối hợp thuốc huyết áp?

Bác sĩ LƯƠNG SỸ BẮC
Tác giả: Bác sĩ Lương Sỹ Bắc
Chuyên khoa: Tim mạch

Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính do nhiều cơ chế sinh lý trong cơ thể tác động và tạo nên. Hiện nay, các thuốc dùng để điều trị bệnh lý này rất đa dạng. Việc điều trị có thể chỉ cần dùng một loại thuốc, tuy nhiên trong đa số trường hợp việc phối hợp thuốc là cần thiết. Vậy việc đó đem lại kết quả gì? Khi nào nên phối hợp thuốc và phối hợp theo cách nào là có hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của bác sĩ Lương Sỹ Bắc để được giải đáp những thắc mắc trên nhé! 

Phối hợp thuốc huyết áp là gì? Tác dụng của nó?

Có rất nhiều yếu tố bên ngoài và cơ chế sinh lý trong cơ thể ảnh hưởng tới huyết áp. Mỗi loại thuốc huyết áp thường chỉ tác động lên một phương diện sinh lý. Do đó để có thể kiểm soát huyết áp ổn định hơn. Cần dùng nhiều loại thuốc huyết áp cùng lúc. Việc này còn được gọi là phối hợp thuốc huyết áp.

Kết hợp các loại thuốc không chỉ giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn mà còn đem lại các tác dụng khác. Cụ thể, dùng nhiều thuốc giúp giảm liều từng loại thuốc. Từ đó làm giảm tác dụng phụ của các thuốc đó. Ngoài ra, thuốc huyết áp còn có tác dụng điều trị các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận,… Do đó phối hợp thuốc huyết áp sẽ giúp điều trị các bệnh lý đi kèm.

Phối hợp thuốc huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị huyết áp
Phối hợp thuốc huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị huyết áp

Trường hợp cần phối hợp thuốc huyết áp

Tùy vào từng tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Một số trường hợp sau đây có thể phối hợp thuốc huyết áp trong điều trị: 1 3

  • Đã dùng một loại thuốc huyết áp mà không đạt được huyết áp mục tiêu. Khi này, bệnh nhân cần sử dụng thêm thuốc cơ chế khác để kiểm soát huyết áp. Tác động nhiều cơ chế cùng lúc giúp giảm tình trạng lờn thuốc và làm huyết áp ổn định hơn.
  • Bệnh nhân có huyết áp bình thường cao (huyết áp tâm thu 130 – 139 mmHg và/hoặc 85 – 89 mmHg) kèm nguy cơ cao.
  • Tăng huyết áp từ độ I trở lên (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg).
  • Có các bệnh đồng mắc khác như đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh tim mạch do xơ vữa.
Thuốc huyết áp có tác dụng trong đái tháo đường
Thuốc huyết áp có tác dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường

Các loại thuốc huyết áp phổ biến

Để có thể phối hợp thuốc huyết áp, chúng ta cần hiểu rõ cơ chế và tác động của từng loại. Cụ thể, một số nhóm thuốc huyết áp được sử dụng thông dụng ở thời điểm hiện tại là: 2 3

Thuốc ức chế men chuyển

Một số thuốc trong nhóm này có thể kể đến như captopril, enalapril, lisinopril, perindopril,… Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng làm giãn mạch máu. Từ đó làm hạ huyết áp của cơ thể. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng có tác dụng trong điều trị tim mạch, đái tháo đường, thận.

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin

Một số thuốc trong nhóm này có thể kể đến như thuốc irbesartan, valsartan, losartan, telmisartan,… Về cơ chế sinh lý, thuốc ức chế thụ thể angiotensin hoạt động tương tự thuốc ức chế men chuyển. Do đó, nhóm thuốc này cũng có tác dụng giãn mạch, điều trị suy tim,…

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin thường được dùng để điều trị tăng huyết áp
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin thường được dùng để điều trị tăng huyết áp

Thuốc chẹn beta giao cảm

Một số thuốc trong nhóm này có thể kể đến như atenolol, bisoprolol, nebivolol, carvedilol, metoprolol,… Nhóm thuốc ức chế beta có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào thần kinh giao cảm. Do đó, thuốc có tác dụng làm giảm nhịp tim, giãn mạch máu, giảm huyết áp, co thắt phế quản,…

Thuốc chẹn kênh canxi

Một số thuốc trong nhóm này có thể kể đến như amlodipin, nifedipin, nicardipine, felodipine,… Thuốc có tác dụng ức chế dòng ion canxi đi vào tế bào cơ trơn mạch máu. Từ đó gây giãn mạch máu, giảm sức cản ngoại vi và làm hạ huyết áp.

Thuốc lợi tiểu

Một số thuốc trong nhóm này có thể kể đến như hydrochlorothiazide, indapamide, chlorthalidone,… Thuốc lợi tiểu làm tăng cường đào thải dịch và muối qua nước tiểu. Từ đó làm giảm huyết áp. Tuy nhiên, cũng vì tác dụng này mà thuốc có thể gây tiểu tiện nhiều lần, rối loạn điện giải,…

Cách phối hợp thuốc huyết áp

Cần đặc biệt lưu ý rằng phối hợp thuốc huyết áp phải do bác sĩ thực hiện với loại và liều lượng cụ thể. Bệnh nhân không nên tự mua thuốc uống để tránh quá liều hoặc làm gây các biến chứng khác. Một số cách kết hợp thuốc thông thường như: 4

Kết hợp 2 thuốc

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin/Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II + Thuốc chẹn kênh calci. Dùng ở liều thấp sẽ giúp ức chế men chuyển và đối kháng canxi, làm hạ áp và giảm protein trong nước tiểu. Bên cạnh đó, kết hợp 2 thuốc này sẽ đem lại hiệu quả hơn là dùng đơn độc từng loại.
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin/Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II + Thuốc lợi tiểu Thiazide.
  • Thuốc chẹn kênh calci + Thuốc lợi tiểu Thiazide. Cách kết hợp này có ưu thế giảm đột quỵ tiên phát hơn so với những cách kết hợp khác.

Kết hợp 3 thuốc

Khi phối hợp thuốc thứ 3 và thứ 4 cũng phải dựa trên nguyên tắc chọn các thuốc có cơ chế tác động khác nhau. Thông thường, các thuốc dưới đây sẽ kết hợp với nhau:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II.
  • Thuốc ức chế kênh calci.
  • Thuốc lợi tiểu.

Phối hợp nhiều nhóm thuốc trong 1 viên

Viên phối hợp có các lợi ích sau:

  • Giảm lượng thuốc uống trong ngày.
  • Tăng tuân thủ điều trị, giảm thiểu uống nhầm, quá liều thuốc.
  • Tiết kiệm kinh tế. Bởi hình thức phối hợp liều cố định sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho quỹ sức khỏe quốc gia và bệnh nhân.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết về phối hợp thuốc huyết áp. Như đã đề cập, dùng cách này cùng với việc sử dụng thuốc đúng cách, điều chỉnh lối sống, chế độ ăn sẽ giúp kiểm soát tốt huyết áp. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là tuân thủ điều trị. Cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ. Ngoài ra, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Two-Drug Combinations as First-Step Antihypertensive Treatmenthttps://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIRCRESAHA.118.313294

    Ngày tham khảo: 20/10/2021

  2. Drugs for Hypertensionhttps://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/hypertension/drugs-for-hypertension

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  3. Tóm lược khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2022https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/09/Ban-tom-tat-khuyen-cao-chan-doan-va-dieu-tri-tang-huyet-ap-2022.pdf

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  4. Combination therapy in the treatment of hypertensionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5992964/

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người