Sử dụng thuốc bổ máu đúng cách, an toàn và hiệu quả
Nội dung bài viết
Bệnh thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu dẫn đến thiếu lượng oxy đến các mô của các tế bào trong cơ thể. Thiếu máu có thể là tạm thời hoặc dài hạn, nhưng trong một số trường hợp nó có thể dẫn đến những vấn đề nguy hiểm. Trong bài viết này, hãy cùng Dược sĩ Nguyễn Đắc Nhân tìm hiểu về các thuốc bổ máu và cách sử dụng thuốc đúng cách nhé!
Triệu chứng khi bị thiếu máu
Khi bị thiếu máu bạn có thể gặp những triệu chứng phổ biến như:1
- Yếu đuối, mệt mỏi, người xanh xao.
- Chân không yên.
- Khó thở, đặc biệt khi gắng sức.
- Hôn mê.
- Tim đập nhanh.
- Đau ngực và giảm khả năng chịu đựng khi tập thể dục.
- Hội chứng Pica: ham muốn ăn những chất không có giá trị dinh dưỡng như đất sét, thuỷ tinh,…
Tuy nhiên, một vài trường hợp thiếu máu nhẹ có thể không có triệu chứng. Điều này rất nguy hiểm vì nếu không phát hiện sớm sẽ khiến cho tình trạng thiếu máu thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chỉ số Hemoglobin (Hb) bình thường
GIới hạn nồng độ Hemoglobin trong máu sẽ có sự dao động khác nhau giữa những nhóm bệnh nhân:1
- Ở Nam: 13,5 đến 18,0 g/dL.
- Ở Nữ: 12,0 đến 15,0 g/dL.
- Trẻ em: 11,0 đến 16,0 g/dL.
- Phụ nữ mang thai: có sự thay đổi tuỳ thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ, nhưng thường lớn hơn 10,0 g/dL.
Thiếu máu thiếu sắt là gì?
Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng suy giảm nồng độ sắt trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến khả năng chuyên chở và dữ trự oxy của hemoglobin hồng cầu.
Tình trạng thiếu sắt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:1
- Thiếu sắt dự trữ, tăng nhu cầu sử dụng sắt do có thai.
- Sử dụng và tái sử dụng sắt kém.
- Dinh dưỡng kém: ăn ít thịt, nghiện rượu.
- Hấp thu sắt kém: loét dạ dày,…
- Mất máu do trĩ, giun móc, loét dạ dày, kinh nguyệt,…
Điều trị thiếu máu thiếu sắt như thế nào?
Truyền máu1
Thông thường, bệnh nhân được chỉ định truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng (6 – 8 g/dL) hoặc bé hơn 7 g/dL trong xuất huyết tiêu hoá.
Một số dạng thuốc tiêm truyền:
- Iron dextran (IM/IV).
- Iron sucrose (IV).
- Sodium ferric gluconate (IV).
Liệu pháp truyền máu thường hữu ích đối với các bệnh nhân hấp thu kém hoặc không dung nạp với thuốc đường uống và áp dụng trong trường hợp cần truyền lượng máu lớn.
Tuy nhiên, việc tiêm truyền cũng có nguy cơ xuất hiện các phản ứng dị ứng hoặc nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ cùng các tác dụng không mong muốn khác như đau ngực, đau đầu, hạ huyết áp, buồn nôn, nôn, chuột rút, tiêu chảy,…
Thuốc bổ sung sắt
Sử dụng thuốc bổ máu đường uống là chỉ định đầu tay ở hầu hết bệnh nhân thiếu sắt hoặc thiếu máu do thiếu sắt do tính hiệu quả và phù hợp của thuốc.
Thuốc bổ máu Ferrovit2
Thành phần của thuốc sắt Ferrovit gồm:
- Sắt Fumarat (53,25 mg Sắt nguyên tố).
- Axit folic.
- Vitamin B12.
Cách dùng: mỗi lần 1 viên, 1 – 2 lần/ngày tùy vào nhu cầu sắt của cơ thể.
Thuốc bổ máu Fumafer-B9 Corbiere3
Thuốc Fumafer-B9 Corbiere chứa các hoạt chất bao gồm:
- Sắt (II) Fumarat 182,04 mg.
- Acid folic 0,40 mg.
Hàm lượng sắt có trong 1 viên thuốc tương đương với 60 mg sắt nguyên tố.
Cách dùng:
- Trẻ từ 10 – 12 tuổi: uống 1 viên/ngày trong 3 tháng (tương đương 60 mg sắt nguyên tố và 0,4 mg acid folic/ngày).
- Thiếu niên và người lớn, bao gồm phụ nữ mang thai: 2 viên/ngày trong 3 tháng (120 mg sắt nguyên tố và 0,8 mg acid folic/ngày).
Thực phẩm chức năng bổ sung sắt Tot’hema4
Thành phần trong ống 10 mL Tot’hema chứa:
- Fe gluconat: tính theo Fe có hàm lượng 50 mg.
- Mangan gluconat: tính theo Mn có hàm lượng 1,33 mg
- Đồng gluconat: tính theo đồng có hàm lượng 0,7 mg.
Cách dùng:
- Người lớn: liều 100 – 200 mg chất sắt (2 – 4 ống). Lưu ý mỗi ngày chia làm nhiều lần để sử dụng
- Với trẻ em > 1 tháng tuổi: liều 3 – 6 mg sắt/kg, ngày chia làm 3 lần để sử dụng.
- Phụ nữ đang mang thai: liều 50 mg sắt (1 ống) mỗi ngày.
- Phụ nữ cho con bú: dùng liều 50 mg sắt (1 ống) mỗi ngày.
Cách dùng và liều dùng thuốc bổ máu
Cách dùng
Thuốc bổ máu có chứa sắt cần được uống 1 tiếng trước khi ăn hoặc 2 tiếng sau khi ăn để tránh tương tác cạnh tranh hấp thu với các hợp chất trong thức ăn hoặc nguy cơ hình thành phức chelat sắt.
Dùng chung các thuốc bổ máu với vitamin C để cải thiện quá trình hấp thu sắt.5
Liều dùng
Liều dùng trung bình dành cho người lớn thường từ 150 – 200 mg nguyên tố sắt mỗi ngày, được chia là 2-3 lần uống.
Biên tập bởi: Dược sĩ Nguyễn Đắc Nhân
Các tác dụng phụ của các thuốc bổ sung sắt là gì?
Thuốc bổ máu chứa sắt thường có tác dụng phụ chủ yếu trên hệ tiêu hoá như:6
- Vị kim loại khi uống.
- Kích ứng dạ dày.
- Buồn nôn, nôn.
- Táo bón.
- Phân đen.
Sự dung nạp sắt cũng có thể khác nhau tuỳ thuộc vào từng thể trạng và chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân.
Đối với những bệnh nhân có bệnh lý về dạ dày hoặc xuất hiện tình trạng khó chịu dạ dày khi sử dụng sắt, thuốc bổ máu chứa sắt có thể được uống cùng thức ăn hoặc uống vào ban đêm với liều thấp nhất và tăng dần liều điều trị.
Dùng thuốc bổ máu cần lưu ý gì?
Khi sử dụng thuốc bổ máu có chứa sắt, cần lưu ý về những loại thức ăn có thể làm giảm hấp thu sắt như trà hay cà phê. Ngoài ra, tránh ngậm các chế phẩm sắt quá lâu trong miệng để tránh cảm giác khó chịu do vị kim loại gây ra.
Lưu ý: việc sử dụng thuốc bổ máu cần phải được sự đồng ý của các dược sĩ hoặc bác sĩ để tránh tình trạng ngộ độc sắt, nhất là đối với trẻ em. Một số biểu hiện của việc ngộ độc sắt bao gồm:7
- Chóng mặt.
- Huyết áp thấp và mạch nhanh hay yếu.
- Đau đầu.
- Sốt.
- Khó thở và chất lỏng trong phổi.
- Da có màu xám hoặc hơi xanh.
- Vàng da (vàng da do tổn thương gan).
- Co giật.
Trong trường hợp ngộ độc sắt, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Thận trọng khi sử dụng thuốc bổ máu trên một số đối tượng
Những bệnh có tiền sử dị ứng với các thành phần có trong sản phẩm thì không được sử dụng các loại thuốc bổ máu này.
Đối với phụ nữ có thai, thuốc bổ máu có thể sử dụng dự phòng nguy cơ thiếu sắt trong thai kỳ nhưng cần được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Có nên sử dụng thuốc bổ máu khi chưa thiếu máu không?
Việc sử dụng thuốc bổ máu cần phải được sự đồng ý của các bác sĩ để tránh tình trạng ngộ độc sắt. Do vậy bênh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc bổ máu khi chưa được chẩn đoán thiếu máu.
Hằng ngày, bên cạnh việc bổ sung sắt từ thuốc, có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm tăng cường hấp thu và duy trì nồng độ sắt trong cơ thể phù hợp. Ví dụ như sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt, cá, gà,…6
Thuốc bổ sung sắt giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Giá thành của 1 viên uống hoặc 1 ống thuốc bổ máu thường thấp (dưới 10.000 VNĐ/viên) và có thể tìm mua ở các hiệu thuốc thông thường.
Tuy nhiên, giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp. Theo đó, bạn nên chọn những nơi mua thuốc uy tín để đảm bảo mua đúng hàng chất lượng và nhận được sự tư vấn cụ thể từ bác sĩ/dược sĩ.
Ưu và nhược điểm của các loại thuốc bổ máu
Ưu điểm | Nhược điểm |
|
|
Trên đây là những thông tin mình tổng hợp về các sản phẩm bổ sung sắt cho cơ thể. Các bạn có thể tham khảo để chọn ra sản phẩm phù hợp với bản thân nhất. Trong quá trình sử dụng nếu gặp những triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường, hãy báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời. Chúc các bạn sức khoẻ!
Câu hỏi thường gặp
Sử dụng các thuốc bổ máu trong bao lâu?
Sử dụng các thuốc bổ máu sau 2 tháng có thể đưa nồng độ Hemoglobin trong máu về mức bình thường. Bên cạnh đó, đưa nồng độ sắt dự trữ trong máu về mức bình thường trong vòng 3-6 tháng.
Uống thuốc sắt có tăng cân không?
Thuốc bổ máu chứa sắt không gây tăng cân. Do đó phù hợp sử dụng với những người thừa cân, béo phì bị chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Anemiahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499994/
Ngày tham khảo: 15/07/2022
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bổ máu Ferrovithttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/07/to-hdsd-ferrovit.jpeg
Ngày tham khảo: 15/07/2022
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bổ máu Fumaferhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/07/to-hdsd-fumafer.pdf
Ngày tham khảo: 15/07/2022
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bổ máu Tot'hemahttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/07/to-hdsd-tothema-scaled.jpg
Ngày tham khảo: 15/07/2022
-
The Efficacy and Safety of Vitamin C for Iron Supplementation in Adult Patients With Iron Deficiency Anemiahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7607440/
Ngày tham khảo: 15/07/2022
-
Dietary Iron and Iron Supplementshttps://www.webmd.com/diet/supplement-guide-iron
Ngày tham khảo: 15/07/2022
-
Iron Toxicityhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459224/
Ngày tham khảo: 15/07/2022