Suy thận cấp độ 3 có chữa được không và câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Suy thận là bệnh lý diễn tiến qua nhiều giai đoạn. Khi đến giai đoạn 3 thì chức năng của thận đã giảm đi rất nhiều. Trong bài viết sau, ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về tình trạng suy thận cấp độ 3. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Dấu hiệu nhận biết suy thận cấp độ 3
Các giai đoạn của suy thận mạn
Suy thận có tình trạng cấp tính và mạn tính. Trong bài viết này chỉ đề cập đến tình trạng bệnh thận mạn. Theo Kidney Disease: Improving Global Outcomes (KDIGO), các giai đoạn của suy thận dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) như sau:1
Giai đoạn | Đặc điểm | GFR | % chức năng thận |
1 | Chức năng thận bình thường đến cao | >90 mL/phút | >90% |
2 | Chức năng thận giảm nhẹ | 60 – 89 mL/phút | 60 – 89% |
3A | Chức năng thận giảm từ nhẹ đến trung bình | 45 – 59 mL/phút | 45 – 59% |
3B | Chức năng thận giảm từ nhẹ đến trung bình | 30 – 44 mL/phút | 30 – 44% |
4 | Chức năng thận giảm trầm trọng | 15 – 29 mL/phút | 15 – 29% |
5 | Suy thận nghiêm trọng | <15 mL/phút | <15% |
Dấu hiệu nhận biết
Suy thận giai đoạn 1 và 2 thường không có nhiều triệu chứng đáng chú ý. Nhưng các dấu hiệu bắt đầu có phần rõ ràng hơn ở giai đoạn 3. Một số triệu chứng của suy thận cấp độ 3 là:2
- Thay đổi màu nước tiểu vàng đậm, cam hoặc đỏ.
- Tiểu thường xuyên, tiểu nhiều.
- Phù toàn thân: phù mềm, ấn lõm.
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
- Suy nhược, thiếu máu.
- Mất ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác có thể gặp.
- Huyết áp cao.
Nguyên nhân suy thận cấp độ 3
Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh thận mạn là tăng huyết áp và tiểu đường. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn thường mắc một trong số các tình trạng dưới đây:3
- Giảm lưu lượng máu đến thận: bệnh tim, suy gan, bỏng nặng, sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp lâu dài.
- Giảm đào thải nước tiểu: các bệnh lý liên quan tuyến tiền liệt, đại tràng, cổ tử cung, bàng quang.
- Tình trạng khác: lupus, hội chứng urê huyết cao, tiểu đường không kiểm soát…
Xem thêm: Bệnh thận lupus: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Suy thận cấp độ 3 có chữa được không?
Bệnh thận mạn không thể chữa khỏi vì không thể đảo ngược tình trạng bệnh. Nhưng ở giai đoạn 3 có nghĩa là bạn vẫn có cơ hội để ngăn ngừa sự tiến triển thêm của tình trạng bệnh. Điều trị và thay đổi lối sống là điều cần thiết trong giai đoạn này.2
Nếu không được can thiệp điều trị đúng cách thì tính mạng của người bệnh cũng sẽ bị đe dọa. Mặc dù chỉ ở cấp độ 3, nhưng bệnh nhân được chẩn đoán suy thận ở giai đoạn này có thể vẫn phải tiến hành chạy thận, hay lọc máu để duy trì sự sống nếu không được điều trị đúng cách. Nếu người bệnh tuân thủ điều trị tốt thì hoàn toàn có thể “chung sống” với bệnh.
Khi nào bệnh nhân suy thận độ 3 cần gặp bác sĩ?
Bạn cần phải đi khám ngay nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên. Mặc dù các triệu chứng không hoàn toàn đặc hiệu. Nhưng nếu có bất kỳ sự kết hợp của nhiều triệu chứng thì tình trạng này đáng lo ngại.
Bạn nên tái khám đều đặn theo lời dặn của bác sĩ nếu đã được chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn 1 và 2. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể không có bất kỳ tiền sử nào về tình trạng bệnh này trước khi được chẩn đoán là giai đoạn 3.2
Điều trị bệnh suy thận cấp độ 3
Mục tiêu điều trị bệnh thận mạn giai đoạn 3 là ngăn ngừa bệnh tiến triển thêm. Nếu không sớm can thiệp đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nhanh và chuyển biến nặng nề. Điều này cũng sẽ khiến cho quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
Vì vậy, khi nhận thấy những triệu chứng bất thường, bạn cần chủ động đến thăm khám. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh vẫn có thể kiểm soát tốt bằng các phương pháp điều trị bảo tồn. Việc điều trị suy thận giai đoạn 3 thường bao gồm:
Điều trị y tế
Giai đoạn 3 không cần lọc máu hoặc ghép thận. Thay vào đó, bạn sẽ được bác sĩ kê một số loại thuốc nhất định để điều trị các tình trạng tiềm ẩn góp phần gây tổn thương thận, chẳng hạn như:4
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE) làm giảm huyết áp.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) cũng có thể làm hạ huyết áp.
- Thuốc lợi tiểu giảm phù, giảm huyết áp.
- Thuốc hạ cholesterol.
- Erythropoietin hỗ trợ cho bệnh nhân gặp tình trạng thiếu máu.
- Vitamin D, canxi ngừa gãy xương.
Các thói quen tốt để hỗ trợ điều trị
Ngoài việc uống thuốc theo chỉ định, bệnh nhân suy thận cấp độ 3 cũng nên áp dụng các thay đổi lối sống khác. Điều này có thể giúp kiểm soát bệnh. Một số thói quen tốt bao gồm:2
- Tập thể dục. Người bệnh nên dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Hoạt động vừa phải nhưng cần đều đặn vào hầu hết các ngày trong tuần. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để tập thể dục một cách an toàn.
- Kiểm soát huyết áp. Huyết áp cao có thể là tiền đề của bệnh thận mạn và nó có thể làm cho tình trạng bệnh hiện tại trở nên tồi tệ hơn. Huyết áp của bạn cần duy trì ở mức <140/90.
- Quản lý căng thẳng. Hạn chế tối đa căng thẳng, lo âu bằng cách tập thể dục, yoga hoặc thiền định.
- Ngưng sử dụng thuốc lá. Nếu người bệnh không thể cai thuốc lá tự nhiên, hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp bỏ thuốc lá phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng2 5
Ngoài dùng thuốc và duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cho bệnh nhân suy thận cấp độ 3 cũng rất quan trọng. Bạn cần thiết lập chế độ ăn uống để hỗ trợ quá trình điều trị.
- Nên bổ sung những thực phẩm mà người bệnh suy thận có thể ăn như: cá, các loại quả mọng, súp lơ, hành tây,…
- Uống đủ nước từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày.
- Tránh các loại thực phẩm có hàm lượng đạm, cholesterol, photpho, hay kali quá cao.
- Hạn chế ăn mặn hay ăn thức ăn chứa nhiều đường.
- Tránh ăn các loại thức ăn nhanh, đồ chiên xào, chất kích thích.
- Tránh rượu bia và các chất kích thích.
Xem thêm: Liệu bạn đã biết những thực phẩm tốt cho thận dưới đây?
Trên đây là bài viết của ThS.BS Trần Quốc Phong về chủ đề suy thận cấp độ 3. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã có một cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng này. Nếu nhận thấy bất kì dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động đi thăm khám càng sớm càng tốt. Vì việc phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm sẽ mang lại rất nhiều cơ hội bảo tồn chức năng thận.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
KDIGO 2021 Clinical Practice Guideline for the Management of Blood Pressure in Chronic Kidney Diseasehttps://www.kidney-international.org/article/S0085-2538(20)31270-9/fulltext
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Everything You Should Know About Stage 3 Kidney Diseasehttps://www.healthline.com/health/stage-3-kidney-disease
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Everything You Need to Know About Kidney Failurehttps://www.healthline.com/health/kidney-failure
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
What Is Stage 3 Kidney Disease Life Expectancy?https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-stage-3-kidney-disease-life-expectancy
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Diabetes and Kidney Disease: What to Eat?https://www.cdc.gov/diabetes/managing/eat-well/what-to-eat.html
Ngày tham khảo: 06/04/2022