Tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục gồm những gì?
Nội dung bài viết
Tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục là việc quan trọng cho những cặp đôi sắp tiến tới hôn nhân. Cả nam và nữ đều có thể mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Nhiều người không biết bản thân mắc bệnh và vô tình truyền bệnh qua cho bạn tình của mình. Bài viết dưới đây là các thông tin về việc tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục.
Những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến
Các bệnh lây qua đường tình dục hầu hết đều có thể được điều trị nếu như phát hiện kịp thời. Thế nhưng, những triệu chứng mà chúng gây ra sẽ khiến cuộc sống người bệnh bị ảnh hưởng. Dưới đây là thông tin của các bệnh lây qua đường tình dục thường gặp.
HPV (Human Papillomavirus)
Hầu như những ai đã từng quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV một lần trong đời. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất tại Hoa Kỳ với hơn 40 loại HPV. Người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn này qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Đôi khi chúng còn lây qua đường tiếp xúc da – da.
Hầu hết các loại HPV không có triệu chứng và không gây hại, cơ thể sẽ tự “tống cổ” bệnh này. Nhưng ở một số trường hợp, chúng gây ra mụn cóc sinh dục. Đặc biệt, HPV lây qua đường miệng và cổ họng có nguy cơ diễn biến thành ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư miệng hoặc ung thư vòm họng. Vì vậy mà bạn không nên chủ quan mà hãy tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục càng sớm càng tốt.
Chlamydia
Đây cũng là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất tại Mỹ. Bệnh lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục tại âm đạo hoặc hậu môn, đôi khi qua đường miệng.
Người nhiễm vi khuẩn Chlamydia sẽ cảm thấy cơ quan sinh dục tiết ra một chất bất thường, gây cảm giác đau hoặc rát khi đi tiểu. Mặc khác, chỉ có khoảng 25% nữ giới và 50% nam giới phát hiện ra các triệu chứng này. Do đó, việc tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục để phát hiện chlamydia rất cần thiết.
Xem thêm: Chlamydia và vô sinh: Giải đáp các thắc mắc cùng bác sĩ
Bệnh lậu
Lậu là bệnh lây lan qua đường tình dục lâu đời nhất được biết đến. Bệnh lậu lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Trong số những người bị bệnh lậu, có khoảng 50% đến 70% sẽ nhiễm kèm khuẩn chlamydia.
Bệnh lậu để lại các triệu chứng khó chịu như: ngứa vị trí nhiễm; đỏ và sưng bộ phận sinh dục; cảm giác đau buốt khi đi tiểu; âm đạo tiết dịch vàng; viêm họng. Nếu bệnh không được điều trị sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng vùng chậu, ống dẫn trứng, buồng trứng,…
Vi khuẩn gây bệnh lậu không thể sống bên ngoài cơ thể quá vài giây hoặc vài phút. Chúng càng không thể tồn tại trên bàn tay, cánh tay hay chân. Nơi mà chúng có thể sinh sôi và phát triển là các bề mặt ẩm ướt; nhất là âm đạo và cổ tử cung; thậm chí là niệu đạo; cổ họng; trực tràng. Do đó, đây là bệnh lây lan qua hầu hết các đường tình dục và cần được tầm soát càng sớm càng tốt.
Bệnh giang mai
Giang mai là bệnh phức tạp với 4 giai đoạn tiến triển. Trong giai đoạn đầu tiên, triệu chứng chính là cảm giác đau nhức. Bệnh này để lại vết loét trông như vết cắt, lông mọc ngược hoặc có những vết sưng vô hại.
Giai đoạn thứ hai khởi phát bằng sự phát ban trên cơ thể, sau đó là loét miệng, âm đạo hoặc hậu môn.
Các triệu chứng bệnh giang mai thường biến mất trong giai đoạn thứ 3 – hay còn gọi là giai đoạn tiềm ẩn. Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc những năm còn lại trong cuộc đời người bệnh.
Chỉ khoảng 15% người mắc bệnh giang mai không được điều trị sẽ bị tiến triển đến giai đoạn cuối. Khi này bệnh sẽ làm tổn thương nội tạng và thần kinh hay nguy hiểm hơn là các vấn đề trong não.
Xem thêm: Các giai đoạn của bệnh giang mai không phải ai cũng biết!
Do đó, bạn nên chủ động tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục để phát hiện và điều trị bệnh giang mai từ giai đoạn sớm.
Herpes
Cả hai chủng herpes là HSV-1 và HSV-2 đều có thể gây ra mụn rộp sinh dục, nhưng phổ biến hơn cả là chủng HSV-2. Triệu chứng chính của bệnh này là nổi mụn nước và gây đau đớn quanh dương vật, âm đạo hay hậu môn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bị phồng rộp bên trong âm đạo hoặc hậu môn – những nơi mà bạn không nhìn hay sờ được được. Một số người mắc herpes nhưng không nổi mụn nước. Bệnh Herpes rất dễ mắc phải và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Đôi khi chỉ cần tiếp xúc da kề da đã lây bệnh cho người khác.
Trichomonas
Phụ nữ nhiễm trichomonas với tỷ lệ cao hơn nam giới. Đây là một bệnh do ký sinh trùng gây ra và lây lan qua đường tình dục. Chỉ có khoảng 30% người bị mắc trichomonas xuất hiện các triệu chứng như: dịch tiết có mùi, trong, màu hơi vàng hoặc xanh lục.
Bên cạnh các triệu chứng thì bạn cần được thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán các bệnh lây lan qua đường tình dục kịp thời.
HIV/AIDS
Bệnh này lây truyền qua các dịch cơ thể như máu, tinh dịch, dịch âm đạo và sữa mẹ. Bạn có thể bị nhiễm HIV/AIDS khi quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh. Triệu chứng khi bị mắc HIV rất mơ hồ, người bệnh cảm thấy như bị cảm cúm, đau cơ, mệt mỏi hoặc sốt nhẹ.
Ngoài ra, người đó có thể bị sụt cân hoặc tiêu chảy. Các kết luận để xác định bạn bị nhiễm bệnh này là xét nghiệm nước bọt hoặc máu để tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục.
HIV xâm lấn và phá hủy hệ thống miễn dịch của người bệnh từ từ sau nhiều năm nhiễm bệnh.. Cơ thể bị virus này tấn công sẽ mất khả năng chống lại nhiễm trùng. Điều này như lời mời gọi các bệnh cơ hội xâm nhập vào cơ thể người bệnh.
Mặc dù không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS, nhưng hiện nay người mắc bệnh có thể sinh hoạt như người bình thường khi tuân thủ các liệu pháp điều trị.
Những ai nên tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục
Bất kỳ ai đã và đang “hoạt động tình dục” nên tầm soát các vấn đề sức khỏe tình dục. Đây là cách để đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân và “bạn tình” của bạn.
Trên thực tế, nhiều người mắc bệnh trên đường tình dục nhưng vì không có triệu chứng nên vẫn chủ quan. Điều này vô tình khiến căn bệnh lây lan cho người khác.
Dưới đây là các hướng dẫn cụ thể về đối tượng nên tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục:
Chlamydia và bệnh lậu
Những người sau đây nên kiểm tra bệnh đường tình dục hàng năm:
- Phụ nữ đã quan hệ tình dục dưới 25 tuổi.
- Phụ nữ trên 25 tuổi và có nguy cơ mắc bệnh trên đường tình dục (có nhiều “đối tác chuyện chăn gối”).
- Quan hệ đồng tính nam.
- Bạn bị nhiễm HIV.
- Bạn bị ép buộc phải quan hệ trái với ý muốn của bản thân.
HIV, giang mai và viêm gan
Bạn nên đến bệnh viện tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục nếu bạn thuộc một trong các trường hợp sau:
- Kết quả dương tính với một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục khác.
- Có nhiều “bạn tình”
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch.
- Quan hệ đồng tính nam.
- Đang mang thai hoặc dự định có thai.
- Bị ép buộc phải quan hệ trái với ý muốn của bản thân.
Tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục gồm những gì?
Tùy vào loại bệnh lây qua đường tình dục mà bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm khác nhau với quy trình riêng biệt.
Bác sĩ sàng lọc bệnh chlamydia và bệnh lậu bằng các xét nghiệm nước tiểu hoặc mẫu dịch từ dương vật hay cổ tử cung. Đối với bệnh giang mai, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu hoặc dịch từ bất kỳ vết loét nào ở bộ phận sinh dục. Xét nghiệm HIV và viêm gan thì được tiến hành trên mẫu máu. Sau đó, các mẫu bệnh phẩm được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Không có xét nghiệm sàng lọc nào đặc biệt chuẩn xác cho bệnh herpes. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô hoặc hoặc nuôi cấy các mụn nước, các vết loét ban đầu.
Sau đó, họ sẽ tiến hành kiểm tra chúng trong phòng thí nghiệm. Nhưng kết quả xét nghiệm herpes âm tính không đồng nghĩa là bạn không nhiễm virus này.
Không có xét nghiệm sàng lọc HPV dành riêng cho nam giới. Bệnh được chẩn đoán bằng cách kiểm tra trực quan hoặc sinh thiết mụn cóc sinh dục. Xét nghiệm HPV ở phụ nữ bao gồm:
- Xét nghiệm PAP: kiểm tra cổ tử cung để tìm ra các tế bào bất thường. Xét nghiệm này được khuyến nghị 3 năm một lần cho phụ nữ trong độ tuổi 21 đến 65 tuổi.
- Xét nghiệm HPV: phụ nữ trên 30 tuổi có thể làm xét nghiệm này cùng với PAP mỗi 5 năm 1 lần. Phụ nữ từ 21 tuổi đến 30 tuổi làm kiểm tra HPV nếu có kết quả bất thường trên PAP.
Xem thêm: Hiểu đúng về kết quả xét nghiệm HPV dương tính và âm tính
Những lưu ý khi đi tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục
Khi đi tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Thành thật khai báo với bác sĩ, đừng vì e ngại mà làm ảnh hưởng kết quả xét nghiệm.
- Giữ tinh thần thoải mái và ngủ đủ giấc trước ngày đến bệnh viện để tầm soát bệnh.
- Cố gắng nhớ lại các triệu chứng mà bản thân mắc phải để thông báo cho bác sĩ chuyên môn.
- Với một vài xét nghiệm máu, bạn sẽ cảm thấy hơi đau nhức tại vị trí kim tiêm đâm vào.
Tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục ở đâu?
Để có được kết quả tầm soát bệnh qua đường tình dục chính xác nhất, bạn hãy đến các bệnh viện lớn sau đây:
Bệnh viện | Địa chỉ |
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 | 1 phố Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội |
Bệnh viện Bạch Mai | 78, đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội |
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội | Trụ sở chính tại: 929 đường La Thành; phường Ngọc Khánh; quận Ba Đình; thành phố Hà Nội
Cơ sở 2 tại 38 đường Cảm Hội; phường Đống Mác; quận Hai Bà Trưng; thành phố Hà Nội |
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM | 215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh |
Bệnh viện Chợ Rẫy | 210B, đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh |
Bệnh viện Từ Dũ | 284, đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hồ Chí Minh |
Cơ sở xét nghiệm Diag | 420, đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh |
Hy vọng bài viết đã gửi đến bạn đầy đủ thông tin về sàng lọc bệnh lây qua đường tình dục. Việc tầm soát bệnh lây lan qua đường tình dục rất quan trọng nếu bạn đã từng quan hệ tình dục hoặc trong độ tuổi sinh sản. Điều này giúp phát hiện sớm bệnh và việc điều trị trở nên dễ dàng hơn; đồng thời tránh để lại các tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe.