Các xét nghiệm tầm soát bệnh lý tim mạch và kết quả
Nội dung bài viết
Tim mạch là một cơ quan quan trọng, ảnh hưởng hoạt động toàn cơ thể. Vậy nên, việc tầm soát bệnh lý tim mạch là hết sức cần thiết. Nhưng xét nghiệm tầm soát là gì? Trong bài viết này, bạn sẽ được tìm hiểu ý nghĩa và cách đọc kết quả tầm soát.
Tầm soát bệnh lý tim mạch là gì?
Bất kỳ rối loạn nào tại tim mạch gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tim được xem là bệnh lý tim mạch. Chúng bao gồm cả những bệnh mạch vành và rối loạn nhịp tim. Đây được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ.1
Để tầm soát bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn này, các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm đánh giá. Chúng bao gồm các xét nghiệm xâm lấn và không xâm lấn. Các xét nghiệm không xâm lấn có thể kể đến là điện tâm đồ, siêu âm tim, test gắng sức, siêu âm động mạch cảnh cùng các hình ảnh học khác tại tim. Ngoài ra, xét nghiệm xâm lấn được thực hiện tại tim là chụp mạch vành và thông tim.
Việc tầm soát bệnh lý tim mạch nên thực hiện ở những người có nguy cơ cao hoặc có biểu hiện tại tim mạch.
Các triệu chứng bệnh lý tim mạch thường gặp
Ở bệnh tim, có một số biểu hiện điển hình giúp bạn nhận biết:1
- Ngất.
- Tim đập nhanh hoặc hơn so bình thường.
- Tức ngực, đau thắt ngực.
- Khó thở.
- Phù ở cẳng chân, mắt cá chân.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào, bạn nên đặt hẹn khám với bác sĩ để tầm soát. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng như đột quỵ.1
Đối tượng cần xét nghiệm
Cả nam và nữ, ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tim mạch. Thậm chí phụ nữ sau khi sinh cũng có khả năng mắc căn bệnh tiềm ẩn này. Trong đó, có một nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:2
- Người cao tuổi.
- Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.
- Bệnh nhân cao huyết áp.
- Béo phì.
- Người có nồng độ cholesterol máu cao.
- Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch.
- Người sử dụng rượu bia, thuốc lá và ít vậ động.
Bệnh tim nên dược tầm soát ở người từ 20 tuổi.2
Chi tiết các xét nghiệm và giải thích kết quả
Trước khi thực hiện các xét nghiệm, chuyên gia y tế sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, tiền sử gia đình và bản thân của bạn. Đồng thời, bạn sẽ được đo nhịp tim và huyết áp.
Xét nghiệm công thức máu
Công thức máu là xét nghiệm cơ bản và quan trọng trong bước đầu chẩn đoán. Khi cơ tim của bạn bị tổn thương, cơ thể sẽ giải phóng các chỉ dấu sinh học tim như creatinin kinase, CKMB, troponin… Xét nghiệm máu có thể đo nồng độ của các chất này và cho biết tim của bạn có bị tổn thương hay không.
Ngưỡng bình thường của các chỉ dấu sinh học là:3
- CK: 30 – 200 U/L.
- CK-MB: 0 – 12 I /L.
- Troponin: <1 ng/mL
Khi chỉ số đo được của bạn cao hơn mức này cho thấy tình trạng tổn thương cơ tim đang hiện hữu.
Nồng độ D-DIMER trong máu
Thuyên tắc phổi là một biến chứng ảnh hưởng tim mạch nghiêm trọng. Thuyên tắc phổi xảy ra khi một cục máu đông đã phát triển ở những nơi khác trong cơ thể bạn (thường ở cánh tay hoặc chân). Sau đó, chúng vỡ và di chuyển qua mạch máu đến phổi.4
Xét nghiệm D-Dimer mang mục đích xác định sự diện hiện của cục máu đông trong cơ thể. Kết quả xét nghiệm D-dimer như sau:
- Nguy cơ bị thuyên tắc phổi rất thấp: D-dimer < 0.5 mg/L hoặc âm tính.
- Có sự hình thành và suy thoái cục máu đông đáng kể trong cơ thể bạn: D-dimer > 0.5 mg/L.
Nồng độ enzyme Creatine kinase
Xét nghiệm này đo lượng enzyme gọi là creatine kinase (CK) trong máu của bạn. Xét nghiệm này còn gọi là creatine phosphokinase, CK, CPK. Mức độ CK có thể tăng sau một cơn đau tim, chấn thương cơ xương hoặc tập thể dục gắng sức.
Giá trị của CK được giải thích như sau:3
- Phạm vi bình thường: 30 – 200 U/L.
- CK có thể tăng sau một cơn đau tim, chấn thương cơ xương hoặc tập thể dục gắng sức: > 200 U/L.
Mức độ protein này có thể không đạt đỉnh trong tối đa 2 ngày sau một số chấn thương nhất định. Bạn có thể cần phải thực hiện xét nghiệm này nhiều lần để xem liệu tim hoặc các cơ khác của bạn có bị tổn thương hay không.
Nồng độ LDH – Lactate dehydrogenase
Xét nghiệm lactate dehydrogenase (LDH) là xét nghiệm tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương các mô của cơ thể. Trong đó, LDH-1 hiện diện chủ yếu trong tế bào cơ tim và hồng cầu.
Giá trị của xét nghiệm LDH được giải thích như sau:5
- Ngưỡng bình thường: 105 – 333 IU/L.
- Nguy cơ cao bị thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim: > 333 IU/L.
Nồng độ Cholesterol trong máu
Nồng độ cholesterol biểu thị toàn bộ lượng cholesterol có trong máu. Gan sản xuất cholesterol. Cholesterol có các chức năng khác nhau trong cơ thể, bao gồm: sản xuất vitamin D và tiêu hoá thức ăn. Tuy nhiên, lượng cholesterol quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động chức năng của cơ thể.
Giá trị Cholesterol được hiểu như sau:6
- Ngưỡng bình thường và cũng là tối ưu: < 200 mg/dL.
- Nguy cơ xơ vữa mạch máu cao: ≥ 200 mg/dL.
Nồng độ HDL-cholesterol
HDL-cholesterol hay còn gọi là HDL-c được xem là chất béo tốt. Khi chất béo này có vai trò quan trọng trong việc dọn dẹp sự tích tụ ở thành mạch. HDL-c sẽ vận chuyển mảng xơ vữa đó đến gan để thanh thải ra ngoài. Từ đó, quá trình lưu thông của mạch máu sẽ dễ dàng hơn.
Để thực hiện xét nghiệm HDL-cholesterol này, bạn cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng.
Giá trị HDL-c được hiểu như sau: 3
- Ngưỡng tốt nhất dành cho cả 2 giới: > 60 mg/dL.
- Ngưỡng báo động đối với nam: < 40 mg/dL.
- Ngưỡng báo động đối với nữ: < 50 mg/dL.
Nồng độ LDL-cholesterol
LDL-cholesterol hay còn gọi là LDL-c được xem là chất béo xấu. Khi lượng chất béo này quá nhiều sẽ tích tụ ở thành mạch làm tắc nghẽn lưu thông của mạch máu. Về lâu dài, điều này làm tăng nguy cơ đột nguy và cơn đau thắt ngực.1
Để thực hiện test này, bạn cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Kết quả:3
- Ngưỡng tốt nhất của LDL-c: < 100 mg/dL.
- Ngưỡng báo động của LDL-c: > 160 mg/dL.
Nồng độ Triglycerides
Triglycerides là chất béo được dùng để tạo năng lượng. Đồng thời, chúng có chức năng dự trữ năng lượng dư thừa trong cơ thể. Đây là loại chất béo liên quan đến bệnh tiểu đường, hút thuốc lá và uống rượu bia.
Giá trị của Triglycerides được giải thích như sau:7
- Bình thường triglycerides: <150 mg/dL.
- Chỉ số triglyceride ở mức ranh giới cao: 150 – 199 mg/dL.
- Chỉ số triglyceride cao: 200 – 499 mg/dL.
- Chỉ số triglyceride rất cao: >500 mg/dL.
Nồng độ CRP hs (High-sensitive C-Reactive Protein)
Nồng độ CRP hs là xét nghiệm đánh giá xem cơ thể có bị viêm hay không. Việc kết hợp kết quả đo cholesterol và CRP hs sẽ giúp đánh giá bệnh tim một cách toàn diện.
Giá trị của CRP hs được giải thích như sau:3
- Bình thường: CRP < 0.3 mg/dL.
- Nhiễm virus, chấn thương hay viêm mạch hệ thống: CRP > 10 mg/dL.
Nồng độ Homocysteine
Homocysteine là một axit amin được tạo ra khi protein bị phân hủy. Homocysteine có khả năng gây tổn thương động mạch và tạo cục máu đông trong lòng mạch. Mức Homocysteine cao chia làm 3 mức độ:8
- Trung bình: 15-30 mmol/L.
- Trung bình – nặng: 30-100 mmol/L.
- Nặng: > 100 mmol/L.
Mức homocysteine cao thường do xơ vữa mạch máu, hoặc sự tích tụ chất béo và các chất khác trong thành động mạch.
- Huyết khối tĩnh mạch.
- Đau tim.
- Bệnh mạch vành.
Nồng độ HbA1c
Bên cạnh những bệnh lý liên quan trực tiếp đến tim mạch thì đái tháo đường là một bệnh lý cũng cần được xét nghiệm thường quy. HbA1c là xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. HbA1c biểu thị mức đường huyết trung bình trong khoảng 2 – 3 tháng qua. Vì vậy, ngay cả khi bạn có lượng đường trong máu lúc đói cao, lượng đường trong máu tổng thể của bạn có thể bình thường hoặc ngược lại.
- Mức HbA1c bình thường, không mắc đái tháo đường: < 5,6%.
- Tiền đáo tháo đường (tức có nguy cơ mắc đái tháo đường: 5,7 đến 6,4%.
- Đái tháo đường: > 6,5%.
Xét nghiệm bệnh lý tim mạch ở đâu và chi phí như thế nào?
Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ trái tim thì việc lựa chọn nơi tầm soát bệnh lý tim mạch là rất quan trọng. Bạn nên lựa chọn những cơ sở uy tín như các bệnh viện và phòng khám uy tín như:
- Phòng Khám Đa Khoa – Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch: 461 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Đại học Y Dược: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 2B Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chi phí khám tim mạch là mối quan tâm của phần lớn bệnh nhân khi có ý định thăm khám và điều trị bệnh. Hiện nay, mỗi đơn vị y tế sẽ tự đưa ra con số cụ thể cho vấn đề này.
Thông thường, chi phí thăm khám lâm sàng sẽ dao động từ 50.000 – 200.000 đồng.
Bên cạnh đó, bạn sẽ mất thêm một khoản tiền cho việc thực hiện một số thủ thuật phục vụ chẩn đoán bệnh như đo điện tim, xét nghiệm máu, chụp X-quang,… Tốt nhất, bạn nên mang theo dự phòng khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng cho tiền thăm khám. Lưu ý, số tiền này chưa bao gồm tiền thuốc men, di chuyển, ăn uống,…
Xét nghiệm tầm soát bệnh lý tim mạch rất quan trọng và cần thiết để phát hiện bệnh lý tim mạch. Những thông số của xét nghiệm này có thể kể đến như: công thức máu, D-dimer, cholesterol máu, LDL-c,…Bạn nên tầm soát bệnh lý tim mạch định kỳ để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How Is Heart Disease Diagnosed?https://www.healthline.com/health/heart-disease/tests-diagnosis#symptoms
Ngày tham khảo: 05/08/2022
-
When Should You Have a Heart Health Checkup?https://www.healthline.com/health/heart-health/scheduling-heart-health-checkup
Ngày tham khảo: 05/08/2022
-
All About Blood Testshttps://www.healthline.com/health/blood-tests#top-blood-tests
Ngày tham khảo: 05/08/2022
-
Diagnosis of Pulmonary Embolism with d-Dimer Adjusted to Clinical Probabilityhttps://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1909159
Ngày tham khảo: 05/08/2022
-
Lactate dehydrogenase testhttps://www.ucsfhealth.org/medical-tests/lactate-dehydrogenase-test
Ngày tham khảo: 05/08/2022
-
Everything You Need to Know About High Cholesterolhttps://www.healthline.com/health/high-cholesterol
Ngày tham khảo: 05/08/2022
-
Nguy hiểm khi chỉ số triglyceride tănghttps://suckhoedoisong.vn/nguy-hiem-khi-chi-so-triglyceride-tang-169183832.htm
Ngày tham khảo: 05/08/2022
-
High Homocysteine Level (Hyperhomocysteinemia)https://www.healthline.com/health/homocysteine-levels
Ngày tham khảo: 05/08/2022
-
All About Your A1Chttps://www.cdc.gov/diabetes/managing/managing-blood-sugar/a1c.html
Ngày tham khảo: 05/08/2022