Thuốc kháng Histamin H1: Công dụng, cách dùng và các lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Dị ứng là một tình trạng khá phổ biến trong cuộc sống. Có nhiều thứ khiến một số người nhất định bị dị ứng như phấn hoa, bụi, lông thú nuôi… Đối với những trường hợp như thế, thuốc kháng Histamin H1 có lẽ đã không còn xa lạ gì. Vậy bạn đã biết những gì về loại thuốc này? Hãy cùng dược sĩ Phan Tiểu Long tìm hiểu thật chi tiết nhé!
Thuốc kháng Histamin H1 là gì?
Thuốc kháng Histamin H1 ngăn chặn tác động của histamin trong cơ thể bạn. Histamin thường được giải phóng khi cơ thể bạn phát hiện ra điều gì đó có hại, chẳng hạn như nhiễm trùng. Nó làm cho các mạch máu giãn nở và đồng thời da phồng lên, làm cơ chế bảo vệ cơ thể. Nhưng ở những cơ địa dị ứng, cơ thể nhầm một thứ vô hại – chẳng hạn như phấn hoa, lông động vật hoặc bụi – là mối đe dọa và tạo ra histamin.
Histamin gây ra phản ứng dị ứng với các triệu chứng khó chịu bao gồm ngứa, chảy nước mũi, chảy nước mắt hoặc nghẹt mũi, hắt hơi và phát ban.
Thuốc kháng histamin H1 giúp ngăn chặn điều này xảy ra nếu bạn dùng thuốc trước khi tiếp xúc với chất mà bạn bị dị ứng. Hoặc thuốc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nếu bạn dùng thuốc sau đó.1
Thuốc kháng Histamin H1 dùng trong những trường hợp nào?
Thuốc kháng Histamin H1 thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của dị ứng, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng, phát ban, viêm kết mạc và phản ứng với vết cắn hoặc đốt của côn trùng. Đôi khi thuốc cũng được sử dụng như một phương pháp điều trị ngắn hạn cho chứng mất ngủ và để ngăn ngừa say tàu xe.1
Phân loại các thuốc kháng Histamin H1
Thuốc kháng histamin H1 được phân thành 2 nhóm:
- Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ một: có hiệu quả trong việc ngăn chặn tác động của histamin, nhưng chúng dễ dàng vượt qua hàng rào máu não. Chúng thường liên quan đến một số tác dụng phụ như an thần, buồn ngủ và mệt mỏi.2 Nhóm này bao gồm chlorphenamin, cinnarizin, diphenhydramin, hydroxyzine và promethazine.1
- Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ hai: là loại thuốc kháng histamin mới hơn, không vượt qua hàng rào máu não dễ dàng như thế hệ một. Do đó, chúng có nguy cơ buồn ngủ thấp hơn và ít gây an thần hơn cũng như không tương tác với nhiều loại thuốc như thế hệ một. Các nghiên cứu cho biết thuốc kháng Histamin H1 thế hệ hai an toàn hơn.2 Nhóm này bao gồm acrivastin, cetirizine, fexofenadin và loratadin.1
Hãy cùng YouMed tìm hiểu về 5 loại thuốc kháng Histamin H1 thường gặp nhé!
1. Thuốc chứa loratadin
Chỉ định
- Viêm mũi dị ứng.
- Viêm kết mạc dị ứng.
- Ngứa và mày đay liên quan đến histamine.
Tác dụng phụ
Khi sử dụng loratadin với liều lớn hơn 10 mg mỗi ngày, các tác dụng phụ sau đây có thể xảy ra:
- Đau đầu.
- Khô miệng.
- Chóng mặt.
- Khô mũi và hắt hơi.
- Viêm kết mạc.
- Trầm cảm.
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực, loạn nhịp nhanh trên thất.
- Buồn nôn.
- Chức năng gan bất thường, không đều kinh nguyệt.
- Nổi mày đay, ngoại ban và choáng phản vệ.
Lưu ý
- Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy gan.
- Khi dùng loratadin, có nguy cơ khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi, làm tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
- Loratadin và chất chuyển hóa tiết vào sữa mẹ.
- Loạn nhịp thất nặng đã xảy ra khi điều trị với một vài thuốc kháng Histamin H1 thế hệ hai. Điều đó chưa được ghi nhận khi điều trị bằng loratadin.3
2. Thuốc chứa fexofenadin
Chỉ định
Fexofenadin được chỉ định điều trị triệu chứng trong mày đay mạn tính vô căn, viêm mũi dị ứng theo mùa ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
Tác dụng phụ
- Buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt.
- Buồn nôn, khó tiêu.
- Dễ bị nhiễm virus (cảm cúm), đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp trên, ngứa họng, ho, sốt, viêm xoang, viêm tai giữa, đau lưng.
- Rối loạn giấc ngủ, sợ hãi, ác mộng.
- Khô miệng, đau bụng.
- Ban, mày đay, ngứa.
- Phản ứng quá mẫn: phù mạch, khó thở, đau tức ngực, đỏ bừng, choáng phản vệ.
Lưu ý
- Tuy fexofenadin ít gây buồn ngủ, nhưng vẫn cần thận trọng trong khi lái xe hoặc điều khiển máy móc đòi hỏi phải tỉnh táo.
- Thận trọng trên người có chức năng thận suy giảm.
- Độ an toàn và tính hiệu quả của thuốc ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi chưa được xác định.
- Trước khi tiến hành các thử nghiệm kháng nguyên tiêm trong da, cần ngưng fexofenadin ít nhất 24 – 48h.
- Fexofenadin làm nặng thêm bệnh vẩy nến.4
3. Thuốc chứa cetirizin
Chỉ định
Cetirizin được chỉ định trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng dai dẳng, mày đay mạn tính vô căn; viêm kết mạc dị ứng.
Tác dụng phụ
- Hay gặp nhất là ngủ gà. Tỉ lệ gặp phản ứng có hại phụ thuộc vào liều.
- Ngoài ra, thuốc còn gây mệt mỏi, khô miệng, viêm họng, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.
- Chán ăn hoặc tăng thèm ăn, đỏ bừng, bí tiểu, tăng tiết nước bọt.
- Thiếu máu tan máu, giảm tiểu cầu, choáng phản vệ, hạ huyết áp nặng, viêm gan, ứ mật, viêm cầu thận.
Lưu ý
- Cần phải điều chỉnh liều ở người suy thận và suy gan.
- Ở một số người sử dụng cetirizin có hiện tượng ngủ gà, do vậy nên thận trọng khi lái xe, hoặc vận hành máy móc.
- Tránh sử dụng đồng thời cetirizin với rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương, vì làm tăng thêm tác dụng của các thuốc này.5
4. Thuốc chứa promethazin
Chỉ định
- Điều trị triệu chứng các phản ứng dị ứng, bao gồm mày đay, phù mạch, viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng và ngứa. Phản ứng phản vệ với thuốc.
- Làm thuốc bổ trợ giảm đau/an thần trước phẫu thuật trong sản khoa và ngoại khoa.
- Chống nôn.
- An thần ở người lớn và cả trẻ em (trừ trẻ nhỏ).
- Điều trị chứng mất ngủ nhất thời ở người lớn.
- Phòng và điều trị say tàu xe.
- Promethazin hydroclorid sử dụng như một thuốc tiền mê.
Tác dụng phụ
- Ngủ gà, nhìn mờ.
- Phát ban.
- Niêm dịch quánh đặc.
- Chóng mặt, mệt mỏi, ù tai, mất phối hợp, mất ngủ, nhìn đôi, run, cơn động kinh, kích thích.
- Khô miệng hoặc cổ họng (thường gặp hơn đối với người cao tuổi). Buồn nôn, nôn (thường gặp trong điều trị kết hợp thuốc hoặc trong phẫu thuật), bỏng rát hoặc đau nhức trực tràng (khi dùng viên đặt trực tràng).
Lưu ý
- Thận trọng trên các bệnh như: hen suyễn, tăng nhãn áp góc đóng, bí tiểu tiện, phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị – tá tràng.
- Phải thận trọng trên người cao tuổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ (≥ 2 tuổi) vì dễ quá liều, hoặc ngay khi ở liều điều trị cũng có thể gây ức chế hô hấp và/hoặc ngừng thở dẫn đến tử vong.
- Promethazin có thể gây buồn ngủ, người đang dùng thuốc không nên lái xe hoặc điều khiển máy móc.
- Dùng thận trọng trên người động kinh (do làm tăng mức độ nặng của cơn co giật), bệnh tim mạch nặng, suy thận, suy gan hoặc suy tủy.
- Tác dụng an thần của promethazin được tăng cường bởi các thuốc ức chế thần kinh trung ương như rượu, thuốc giảm đau gây ngủ, thuốc an thần, thuốc ngủ.
- Thuốc có phân bố vào sữa mẹ, nên thận trọng khi dùng cho phụ nữ đang cho con bú.6
5. Thuốc chứa clorpheniramin
Chỉ định
- Điều trị triệu chứng: viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm, mày đay.
- Điều trị sốc phản vệ (điều trị bổ sung).
Tác dụng phụ
Khi dùng với liều điều trị, tác dụng phụ phổ biến nhất là buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, mất phối hợp động tác. Có thể kèm theo khô miệng, đờm đặc, nhìn mờ, bí tiểu tiện, táo bón, tăng trào ngược dạ dày. Các tác dụng phụ này này thường hết sau vài ngày điều trị.
Lưu ý
- Cần thận trọng khi dùng cho người bị phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị tá tràng, và nhược cơ.
- Tác dụng an thần của clorpheniramin tăng lên khi uống rượu và khi dùng cùng lúc với các thuốc an thần khác.
- Thận trọng khi có bệnh phổi mạn tính, khó thở hoặc thở ngắn, hen phế quản.
- Có nguy cơ gây sâu răng ở những người điều trị thời gian dài.
- Tránh dùng cho người cần lái xe hoặc điều khiển máy móc.
- Tránh dùng cho bệnh nhân bị tăng nhãn áp.
- Thận trọng trên người cao tuổi.
- Trẻ em rất nhạy cảm với các tác dụng không mong muốn và có thể gây kích thích thần kinh nên thận trọng hết mức, nhất là đối với trẻ có tiền sử động kinh.7
Những lưu ý khi dùng thuốc kháng Histamin H1
Các thuốc kháng Histamin H1 là các thuốc có tác dụng tốt trong các phản ứng dị ứng cấp tính. Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng chứ không điều trị được nguyên nhân. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ nguyên nhân gây dị ứng.
Một số thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 có tác dụng phụ ức chế thần kinh trung ương, do vậy không nên sử dụng khi đang lái tàu xe, làm việc trên cao hoặc công việc cần sự tỉnh táo. Tuyệt đối không uống rượu khi sử dụng thuốc.
Thuốc kháng histamin H1 chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, khi các triệu chứng dị ứng đã giảm thì nên ngừng thuốc, tránh tình trạng lệ thuộc thuốc, đặc biệt là trẻ em vì có thể gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ.
Trong thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ có tình trạng hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mày đay hay chàm nặng lên, do vậy cần phải sử dụng thuốc chống dị ứng. Nhưng việc sử dụng như thế nào thì phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, chỉ nên sử dụng những thuốc có đầy đủ bằng chứng về độ an toàn.8
Nói chung, tất cả những thuốc kháng histamin H1 đều có nhiều tác dụng phụ nên phải dùng đúng quy định về liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Để thuốc xa tầm tay của trẻ em, nếu không dùng hết vỉ thuốc thì loại bỏ. Không tự ý dùng thuốc nếu không thật cần thiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Antihistamineshttps://www.nhs.uk/conditions/antihistamines/
Ngày tham khảo: 22/03/2022
-
Những điều cần biết để sử dụng thuốc kháng histamine chống dị ứng an toànhttps://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-can-biet-de-su-dung-thuoc-khang-histamine-chong-di-ung-an-toan-169220219222641186.htm
Ngày tham khảo: 22/03/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 923https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=923
Ngày tham khảo: 22/03/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 657https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=657
Ngày tham khảo: 22/03/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 381https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=381
Ngày tham khảo: 22/03/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 1196https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1196
Ngày tham khảo: 22/03/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 445https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=445
Ngày tham khảo: 22/03/2022
-
Lưu ý khi dùng thuốc kháng histamin điều trị dị ứnghttps://suckhoedoisong.vn/luu-y-khi-dung-thuoc-khang-histamin-dieu-tri-di-ung-16985330.htm
Ngày tham khảo: 22/03/2022