U nang buồng trứng: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Nội dung bài viết
U nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa thường gặp ở các chị em phụ nữ. Các loại u nang này rất đa dạng, có thể là một khối lành tính và cũng có thể là một khối ung thư buồng trứng. Bênh u nang buồng trứng gây tâm lý lo lắng cho các chị em, liệu rằng sẽ phải thăm khám và theo dõi điều trị như thế nào? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Hoài Duy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
U nang buồng trứng là gì?
Cấu tạo buồng trứng
Buồng trứng bình thường cấu tạo gồm lớp vỏ buồng trứng ở bên ngoài và lớp tủy buồng trứng bên trong. Lớp vỏ là nơi có các nang trứng, đảm nhiệm chức năng phóng noãn và thụ thai. Bên cạnh các nang noãn còn có một số loại tế bào khác bổ trợ cũng nằm tại lớp vỏ buồng trứng. Lớp tủy buồng trứng nằm bên trong chứa các mạch máu, thần kinh và các sợi cơ trơn.
Lớp vỏ bên ngoài với các nang noãn ở giai đoạn phát triển khác nhau. Lớp tủy bên trong có các mạch máu nuôi buồng trứng.
Định nghĩa u nang buồng trứng
Các khối bất thường nằm tại buồng trứng không thuộc các thành phần kể trên được gọi là khối u buồng trứng. Do thành phần các khối u này thường chứa dịch bên trong nên các khối u buồng trứng thường được gọi là u nang buồng trứng.
U nang buồng trứng có thể xuất hiện 1 bên (ví dụ U nang buồng trứng phải/ U nang buồng trứng trái) hoặc có thể cùng lúc xuất hiện ở cả 2 buồng trứng. Tùy theo mỗi lứa tuổi, sẽ bắt gặp một số loại u nang buồng trứng khác nhau.
Các thiếu nữ tuổi dậy thì thường gặp những loại u nang cơ năng lành tính. Trong khi đó, các loại u nang ở phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh có tỉ lệ cao là những loại u nang ác tính.
Nguyên nhân u nang buồng trứng?
Nguyên nhân hình thành u nang buồng trứng được chia thành 3 nguồn gốc:1
1. Các u nang do rối loạn chức năng của buồng trứng
Nang noãn nang
Bình thường khi noãn phát triển đến giai đoạn “noãn chín” sẽ có hiện tượng phóng noãn, từ đó kết hợp với tinh trùng để tạo thành hợp tử và thai. Tuy nhiên ở một số người, lại xảy ra tình trạng không phóng noãn và tạo thành một nang ở buồng trứng. Đa số các nang này sẽ tự biến mất trong vòng 6 tuần.
Nang hoàng thể/nang hoàng tuyến
Do bất thường các nồng độ hóc môn trong cơ thể làm phì đại các hoàng thể bình thường thành các nang có kích thước > 3 cm , có thể có chảy máu ở bên trong nhưng thường ít và tự cầm. Nang hoàng tuyến là loại nang hay gặp trong thai kì, có bánh nhau tiết ra quá nhiều bhCG làm kích thích hoàng thể.
2. Các u nang do các bệnh lý tại buồng trứng
Trong chuyên ngành, các loại u này được gọi là các “u thực thể không tân lập”. Nói chung, chúng ta có thể hiểu rằng: bản chất của các loại u nang này không phải là do sự tăng lên nhiều về số lượng các tế bào, mà thường là do tình trạng viêm nhiễm, ứ máu, ứ mủ tại buồng trứng cũng làm cho buồng trứng to lên, hình thành một khối tại buồng trứng. Các loại u nang thường gặp ở dạng này bao gồm:
Nang lạc nội mạc tử cung
Bình thường nội mạc tử cung nằm vị trí ở trong buồng tử cung. Tuy nhiên, ở một số người lại, nội mạc tử cung nằm lạc chỗ tại buồng trứng. Nếu như mỗi tháng các chị em đều hành kinh cho nội mạc trong buồng tử cung bị bong tróc và chảy ra ngoài tạo thành máu kinh. Thì giờ đây, nội mạc tử cung lạc chỗ ở buồng trứng cũng tạo thành máu kinh, nhưng không chảy ra ngoài được mà ứ đọng lại ở buồng trứng.
Qua thời gian dài, sự ứ đọng này càng nhiều và hình thành một khối u nang chứa máu ở buồng trứng.
Cấu trúc hình thành do viêm
Thường do Lao, hoặc các di chứng nhiễm trùng gây ứ dịch, ứ mủ tại ống dẫn trứng (tai vòi/vòi trứng) làm cho vùng này to ra.
Buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng do nhiều nang noãn không thể phát triển đến giai đoạn trưởng thành (trứng chín) hình thành nên nhiều nang nhỏ tại lớp vỏ của buồng trứng. Điều này làm cho buồng trứng có kích thước to hơn bình thường.
3. Các u nang có nguồn gốc do sự tăng lên về số lượng các tế bào tại buồng trứng
Trong chuyên ngành, các u nang này có tên gọi là “u thực thể tân lập”.
Có nghĩa rằng, buồng trứng bình thường có một số lượng tế bào nhất định, đủ để thực hiện chức năng. Nhưng bây giờ một số loại tế bào trong buồng trứng lại phát triển rất nhanh về số lượng, tạo thành khối u. Tùy theo loại tế bào nào nhân lên, mà sẽ hình thành nên một loại u nang khác nhau.
Các u nang thuộc nhóm này rất đa dạng, có thể lành tính và cũng có thể là ác tính. Việc phân biệt lành hay ác ở các nhóm u này tương đối khó khăn, đòi hỏi phải phối hợp nhiều loại xét nghiệm máu, xét nghiệm về hình ảnh để chẩn đoán.
Loại u lành tính thường gặp trong nhóm này là “u nang bì buồng trứng”. Và đặc biệt, trong nhóm này cũng có cả các loại ung thư ở buồng trứng.
Dấu hiệu u nang buồng trứng
Triệu chứng của u nang buồng trứng rất đa dạng và tùy thuộc vào bệnh nhân đang mắc loại u nang buồng trứng nào.
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Đối với các loại u nang cơ năng ở buồng trứng như nang noãn nang, hoặc nang hoàng thể tồn lưu. Các triệu chứng thường liên quan đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.2
Các chị em có thể bị trễ kinh (chậm kinh), chảy máu bất thường ở âm đạo hoặc có đau bụng kèm theo. Các triệu chứng này có thể rất giống các triệu chứng của thai ngoài tử cung, đặc biệt là nang hoàng thể tồn lưu, tuy nhiên có thể phân biệt bằng cách xét nghiệm nồng độ chất chỉ báo có thai trong máu.
Triệu chứng u nang buồng trứng thuộc nhóm “thực thể không tân lập”
Các loại u nang có nguồn gốc ở nhóm thứ 2, nhóm “thực thể không tân lập” thường biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng, gây khó chịu rất nhiều cho các chị em phụ nữ.3
1. Đau vùng bụng dưới
Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng có thể gây đau vùng bụng dưới, mức độ đau có thể rất dữ dội, đặc biệt là đau tăng lên vào những ngày hành kinh. Thậm chí đã uống thuốc giảm đau nhưng vẫn không thể cắt được các cơn đau này. Các trường hợp u nang do di chứng viêm nhiễm, ngoài đau bụng còn kèm theo sốt, ra dịch âm đạo hôi (áp xe phần phụ, viêm phần phụ,…).3
2. Triệu chứng rối loạn nội tiết
Các loại u nang trong nhóm này còn có thể dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn do cản trở quá trình thụ tinh và thụ thai. Tình trạng rối loạn nội tiết trong buồng trứng đa nang còn có thể gây ra các triệu chứng như rậm lông, mụn trứng cá,…
Triệu chứng u nang buồng trứng thuộc nhóm “thực thể tân lập”
Ngược lại, các loại u nang trong nhóm thứ 3, nhóm “u thực thể tân lập” thường không có triệu chứng và diễn tiến một cách âm thầm, nhất là khi khối u kích thước không quá to . Các loại u này thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đến khám vì một bệnh khác và được siêu âm phụ khoa hoặc siêu âm ổ bụng.
Khi u đạt kích thước to, có thể gây ra các triệu chứng như đau vùng bụng dưới, táo bón, tiểu lắt nhắt nhiều lần,… Khi có biến chứng ví dụ như u nang buồng trứng xoắn sẽ có các triệu chứng như đau bụng dữ dội kèm theo buồn nôn, nôn. Các u nang buồng trứng dạng ung thư thường ít gây triệu chứng hoặc có những triệu chứng toàn thân mơ hồ như: chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, sốt nhẹ về chiều…
U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Tùy theo bị mắc loại u nang buồng trứng nào mà sẽ có các mức độ nguy hiểm khác nhau.
Các loại u nang cơ năng thường không nguy hiểm đến tính mạng và chỉ gây rối loạn kinh nguyệt tạm thời, cơ thể sẽ dần ổn định và tự điều chỉnh.2
Các loại u nang không tân lập như nang lạc nội mạc tử cung, ứ dịch vòi trứng thường không phải là những loại u ác tính.3 Tuy nhiên nếu không điều trị hợp lý, để tình trạng nhiễm trùng xảy ra biến chứng nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng máu thì vẫn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các loại u thực thể tân lập sẽ nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng ví dụ như u buồng trứng xoắn. Khi đó, các chị em sẽ đối diện với nguy cơ phải cắt bỏ đi buồng trứng. Trường hợp các khối u buồng trứng ác tính sẽ có xu hướng xâm lấn và di căn đến các cơ quan xung quanh. Lâu dần làm suy mòn cơ thể và dẫn đến tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
U nang buồng trứng không nên điều trị tại nhà mà nên đi khám để được bác sĩ hướng dẫn.
Bác sĩ sẽ biết được những loại u nào cần được mổ, những loại u nào cần phải uống thuốc. Những trường hợp u nang buồng trứng chưa cần mổ, người bệnh nên tuân theo lịch hẹn tái khám của bác sĩ đã đề ra.
Những trường hợp được bác sĩ chỉ định theo dõi, các chị em nên để ý đến các triệu chứng đau bụng, rối loạn kinh nguyệt hoặc đặc biệt là các triệu chứng báo hiệu đang có biến chứng xảy ra như u buồng trứng xoắn. Khi đó chúng ta liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, thậm chí có thể phải nhập viện cấp cứu để được xử trí kịp thời.
Chẩn đoán u nang buồng trứng
Chẩn đoán có hay không có u nang buồng trứng thường đơn giản. Siêu âm phụ khoa có thể phát hiện ra rằng một người phụ nữ có u nang buồng trứng hay không. Tuy nhiên vấn đề ở đây là phân biệt được một loại u lành tính hay một loại u ác tính.
Trong những trường hợp là các u nang chức năng, việc chẩn đoán sẽ dễ hơn. Kết hợp với những triệu chứng lâm sàng rối loạn về kinh nguyệt, kèm theo những hình ảnh điển hình trên siêu âm sẽ giúp chẩn đoán chính xác các loại u này.
Các loại u nang do bản chất ứ dịch vòi trứng, ứ mủ, nang lạc nội mạc tử cung,… ngoài siêu âm còn cần phải xét nghiệm máu. Xét nghiệm để đánh giá được tình trạng nhiễm trùng, xét nghiệm các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả Chlamydia trachomatis.
Đối với các khối u thuộc nhóm 3 (u thực thể tân lập) bệnh nhân còn được chỉ định thêm một số xét nghiệm máu chuyên sâu để định hướng chẩn đoán (ví dụ: CA 125, HE4, bhCG,…) hoặc thậm chí còn cần phải chụp các cận lâm sàng hình ảnh cao cấp để hỗ trợ chẩn đoán (MRI ở vùng chậu).
Điều trị u nang buồng trứng
Đối với những loại u nang thuộc nhóm thứ 1 (nang cơ năng) điều trị chủ yếu là chờ đợi và theo dõi. Khối u sẽ tự động thoái lui. Có thể hỗ trợ điều chỉnh lại tình trạng chảy máu kinh thất thường khi bệnh nhân quá khó chịu. Hoặc điều trị cầm máu đối với những trường hợp ra huyết âm đạo nhiều. Khi đó bạn sẽ được bác sĩ cho uống một số loại thuốc để cầm máu, thời gian có thể từ vài tuần đến vài tháng. Và được siêu âm kiểm tra lại ở mỗi lần tái khám.4
Các loại u thuộc nhóm thứ 2 (thực thể không tân lập) sẽ điều trị dựa vào từng tình huống khác, từng vấn đề mà chị em phải đối mặt. Do đó sẽ tinh chỉnh theo từng đối tượng, không phải ai cũng có chế độ điều trị giống nhau. Đó là lý do vì sao có những trường hợp phải mổ, trong khi trường hợp khác lại chỉ dùng thuốc.
Một ví dụ ở đây là U nang lạc nội mạc tử cung nếu kích thước nhỏ, gây đau ít thì sẽ chỉ điều trị bằng cách theo dõi. Nếu người bệnh đau bụng nhiều thì sẽ được điều trị thuốc giảm đau. Những trường hợp nhiễm trùng bùng phát, diễn tiến thành áp xe vòi trứng, người bệnh sẽ được điều trị thêm thuốc kháng sinh và phải mổ để giải quyết tình trạng này.
Phẫu thuật
Đối với những loại u thuộc nhóm 3 (thực thể tân lập) điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Những khối u lành tính, có thể sẽ không phẫu thuật ngay khi còn có thể theo dõi được, khi kích thước đủ lớn (thường > 5 cm) hoặc người bệnh sẵn sàng sẽ tiến hành mổ để cắt bỏ khối u nang. Những trường hợp khối u ác tính sẽ tiến hành mổ sớm và không trì hoãn nhằm tránh tình trạng xâm lấn và di căn của khối ung thư.4
Lựa chọn mổ bụng mở hay mổ nội soi
Vấn đề này đặt ra cho những khối u lành tính. Việc lựa chọn phương pháp mổ mở hay nội soi là kết quả của sự thảo luận giữa bác sĩ và người bệnh, tình trạng khối u với kích thước to hay nhỏ, tình trạng kinh tế của người bệnh mà đưa ra lựa chọn thích hợp nhất. Không có một quy chuẩn chung nào áp dụng cho toàn thể mọi người.
Ví dụ một khối u có kích thước nhỏ thường được lựa chọn điều trị bằng mổ nội soi (vì phương pháp này thẩm mỹ, ít đau, hồi phục nhanh). Tuy nhiên nếu tình trạng kinh tế không cho phép, hoặc người bệnh có những bệnh lý nội khoa kèm theo không thể áp dụng phương pháp mổ nội soi thì bắt buộc phải chuyển sang mổ mở.
Riêng đối với những khối u ác tính sẽ được chỉ định mổ bụng mở để điều trị. Mục đích giúp cho thao tác phẫu thuật đảm bảo an toàn, tránh làm gieo rắc thêm các tế bào ung thư ra khắp khoang bụng. Do đó, các khối u nang nghi ung thư buồng trứng luôn ưu tiên lựa chọn phương pháp mổ mở để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Cách giảm đau u nang buồng trứng
Giảm đau trong u nang buồng trứng thường được áp dụng cho các bệnh nhân có u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng.
Thuốc sử dụng tùy theo thể trạng và giai đoạn tổn thương của nang lạc nội mạc. Những giai đoạn sớm thường bệnh nhân sẽ đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol, Ibuprofen. Khi đau tiến triển hơn cần phối hợp dùng thêm một số loại thuốc nội tiết như Dienogest. Hiển nhiên, các chị em không nên tự ý mua và phục dùng các loại thuốc này. Cần phải có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ để có được loại thuốc và liều thuốc phù hợp với bản thân mình.
Liệu pháp về tâm lí, hành vi cũng góp vai trò trong giảm đau cho người bệnh. Các chị em phụ nữ có u nang buồng trứng thường có tâm lí bất an, lo lắng quá mức. Điều này làm tăng cảm nhận cảm giác đau hơn so với thông thường. Do đó, cần có sự quan tâm, động viên của người nhà. Những chăm sóc tinh tế từ những việc nhỏ nhặt của người chồng trong giai đoạn hành kinh, thống kinh sẽ góp phần giải tỏa tâm lí, trạng thái lo âu cho các chị em. Ngoài ra có thể phối hợp tập luyện nhẹ nhàng, thiền, thư giãn cũng góp phần tránh stress, giúp cơ thể chủ động hơn trong việc giảm đau.
Phòng ngừa u nang buồng trứng
Không thể phòng ngừa các loại u nang có nguồn gốc trong nhóm thứ 3 (thực thể tân lập).
Việc phòng ngừa chủ yếu dành cho các loại u nang thuộc nhóm thứ 2. Đặc biệt là nang ứ dịch vòi trứng, ứ mủ vòi trứng. Vì nguồn gốc của những bệnh lý này là do tình trạng viêm nhiễm, đặc biệt là nhiễm Chlamydia trachomatis. Vi khuẩn này thường gặp trong những bệnh lí lây truyền qua đường tình dục, phối hợp với vi khuẩn gây các bệnh: lậu, giang mai, HIV/AIDS,… Do đó cần phòng tránh các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như sử dụng bao cao su, tình dục an toàn,…
Trên đây là những thông tin về u nang buồng trứng. Bệnh có nhiều nguyên nhân và triệu chứng cũng có sự khác biệt tùy vào yếu tố gây bệnh. Điều bạn cần làm là theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân. Đồng thời cần đi khám ngay khi nhận thấy bất thường ở cơ thể.
Câu hỏi thường gặp
U nang buồng trứng có thai được không?
U nang buồng trứng vẫn có thể mang thai, và theo dõi thai kỳ như các thai phụ khác. Một số loại u như u cơ năng có thể biến mất và không ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Các loại u tân lập khác không phải ung thư sau khi phẫu thuật vẫn có thể mang thai được.
Các loại u lạc nội mạc tử cung, ứ dịch vòi trứng có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng của phụ nữ và ảnh hướng quá trình thụ tinh. Do đó, một số trường hợp cần phải điều trị hiếm muộn như thụ tinh trong ống nghiệm để giúp hỗ trợ mang thai.
U nang buồng trứng khi mang thai có sao không?
Nếu không phải là ung thư, U nang buồng trứng vẫn có thể mang thai và sinh con như các chị em phụ nữ khác. Một số ít trường hợp các khối u buồng trứng to chèn ép vào tử cung có thể kích thích làm dọa sinh non và sinh non. Hoặc khối u to có thể dễ bị xoắn hơn, đặc biệt là trong giai đoạn hậu sản. Do đó các chị em nên theo dõi thai kỳ sát để được hỗ trợ tư vấn và điều trị hợp lí.
Riêng đối với ung thư buồng trứng, để bảo tồn tính mạng cho người mẹ thường sẽ chấm dứt thai kì để điều trị ung thư. Tuy nhiên, những hoàn cảnh này không hề đơn giản và phải cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau, đòi hỏi tự tham vấn chặt chẽ để đưa ra quyết định (có thể không tối ưu nhất mà là quyết định phù hợp nhất).
U nang buồng trứng kiêng ăn gì?
U nang buồng trứng thường ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn. Do đó không cần phải kiêng cữ đặc biệt một loại thức ăn nào. Vì vậy, có thể ăn uống theo thực đơn khỏe mạnh hằng ngày của cả nhà. Lưu ý tránh những thực phẩm dễ gây ngộ độc, thực phẩm ôi thiu,…
Chi phí mổ u nang buồng trứng?
Chi phí mổ u nang buồng trứng thay đổi theo từng bệnh viện, phương pháp mổ, mức độ khó của khối u.
Khi mổ u nang buồng trứng tại các bệnh viện công lập, nếu đúng tuyến sẽ được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí điều trị.
Siêu âm có phát hiện u nang buồng trứng?
Siêu âm là một phương tiện đầu tay, có giá trị trong việc phát hiện ra gần như hầu hết các loại u nang buồng trứng.
U nang buồng trứng trái có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của u nang buồng trứng không phụ thuộc vào bên phải hay bên trái. Sự nguy hiểm là tùy vào bản chất của khối u, kích thước của khối u và có biến chứng gì hay không.
Mổ u nang buồng trứng bao lâu thì có thai?
Thời gian để vết mổ có thể lành, cơ thể hồi phục hoàn toàn có thể từ 1 – 3 tháng. Tuy nhiên vết mổ u nang buồng trứng không phải là vết mổ trên tử cung, do đó không cần phải tránh thai ít nhất 12 tháng như các trường hợp mổ lấy thai, mổ bóc nhân xơ tử cung mà thời gian có thể sớm hơn. Có thể 3, 4…6 tháng tùy theo tình trạng của mỗi người. Thông thường, khi người phụ nữ cảm thấy cơ thể sẵn sàng về mặt thể chất và tâm lí để mang thai thì có thể mang thai lại.
Mổ u nang buồng trứng rồi có bị lại không?
Vẫn có trường hợp mổ u nang buồng trứng xong sau đó lại tái phát. Thường gặp trong U lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, u bì buồng trứng.
U nang buồng trứng có gây mất kinh không?
U nang buồng trứng thường gây trễ kinh và gây chảy máu âm đạo bất thường. U nang buồng trứng không gây ra tình trạng mất kinh kéo dài như những phụ nữ mãn kinh.
U nang buồng trứng có tự khỏi không?
Những u nang buồng trứng thuộc nhóm u cơ năng, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Các loại u khác không thể tự khỏi.
U nang buồng trứng kích thước bao nhiêu thì mổ?
Thông thường, u thực thể ở buồng trứng có kích thước trên 5 cm thì sẽ có chỉ định mổ. Tuy nhiên trong một số trường hợp mặc dù u nhỏ hơn nhưng có những dấu hiệu của ác tính hoặc có tình trạng nhiễm trùng, áp xe thì vẫn phải mổ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hồ Viết Thắng, Âu Nhựt Luân (2019). Phân loại khối u buồng trứng theo Tổ chức Y tế Thế giới, Đặc điểm lâm sàng của các khối u buồng trứng. Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/04/Phan-loai-khoi-u-buong-trung-theo-To-chuc-Y-te-The-gioi.pdf
Ngày tham khảo: 26/10/2022
-
Nguyễn Hữu Trung, Âu Nhựt Luân (2019). Quản lý các cấu trúc cơ năng tại buồng trứng. Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/04/Quan-ly-cac-cau-truc-co-nang-tai-buong-trung.pdf
Ngày tham khảo: 26/10/2022
-
Âu Nhựt Luân (2019). Quản lý một khối thực thể không tân lập ở phần phụ: Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng (endometrioma), Ứ dịch vòi Fallope. Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/04/Quan-ly-mot-khoi-thuc-the-khong-tan-lap-o-phan-phu.pdf
Ngày tham khảo: 26/10/2022
-
Ovarian Cysthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560541/
Ngày tham khảo: 26/10/2022