Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2: Dấu hiệu, mức độ nguy hiểm và cách điều trị
Nội dung bài viết
Ung thư cổ tử cung được xem là loại ung thư thường gặp và đáng lưu ý ở phụ nữ Việt Nam. Vậy ung thư cổ tử cung là gì? Bác sĩ nói tôi đang bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2, vậy có nguy hiểm không? Tôi còn sống được bao lâu? Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 điều trị như thế nào? Bài viết hôm nay của Bác sĩ chuyên khoa Ung bướu Nguyễn Kinh Kha sẽ giúp người bệnh giải đáp cụ thể những thắc mắc trên.
Tổng quan về ung thư cổ tử cung
1. Ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung (dân gian gọi là dạ con, nơi chứa em bé lúc mang thai), nơi tiếp giáp với âm đạo của phụ nữ. Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào của cổ tử cung phân chia bất thường không kiểm soát. Nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung hiện nay là virus gây u nhú ở người (HPV virus – Human Papilloma Virus).
Hầu hết mọi phụ nữ khi nhiễm virus này đều sẽ được hệ thống miễn dịch hoạt động để ngăn chặn sự phát triển, tuy nhiên một số ít trong đó sẽ vượt qua sự kiểm soát của cơ thể, tồn tại lâu dài hàng chục năm trong biểu mô cổ tử cung và gây ra ung thư.
2. Tỷ lệ ung thư cổ tử cung
Theo GLOBOCAN (Dự án ghi nhận tình hình ung thư toàn cầu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế), trong năm 2020, tổng số ca mắc mới ung thư cổ tử cung là 604.127 ca, chiếm 6.5% ung thư toàn cầu, đứng hàng thứ tư các ung thư thường gặp ở phụ nữ chỉ sau ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng và ung thư phổi.1
Mặc dù số ca mắc mới và tỉ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung có xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhờ các chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung và vaccine ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả.
Hiện nay, chương trình tầm soát cho phụ nữ theo từng nhóm tuổi với một hoặc hai xét nghiệm phết mỏng tế bào cổ tử cung (hay PAP smear) và xét nghiệm HPV giúp phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn rất sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng. Từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và thời gian sống còn của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn, tiên lượng sống sẽ giảm đáng kể.
Ung thư cổ tử cung có mấy giai đoạn? Giai đoạn 2 là gì?
Các giai đoạn ung thư cổ tử cung
Theo phân loại của Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế (FIGO – International Federation of Gynecology and Obstetrics). Các giai đoạn ung thư cổ tử cung gồm:
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4.
Các giai đoạn tương ứng với sự lớn dần về kích thước, mức độ xâm lấn (“ăn” sâu ra ngoài cổ tử cung và các cơ quan lân cận), cũng như mức độ di căn xa tới các cơ quan nội tạng trong cơ thể (gan, xương, phổi,…).2
Đặc điểm ung thư cổ tử cung giai đoạn 2
Trong đó giai đoạn 2 nghĩa là ung thư đã lan ra khỏi cổ tử cung và xâm lấn tới mô xung quanh (gọi là chu cung – “chu vi quanh cổ tử cung”) nhưng chưa lan tới các cơ và dây chằng vùng chậu (vách chậu) và phần thấp của âm đạo.2
Giai đoạn 2 có thể chia làm:
1. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2A
Ung thư đã lan “theo chiều dọc” xuống đến phần trên của âm đạo.
- 2A1: kích thước khối u bé hơn 4 cm.
- 2A2: kích thước khối u từ 4 cm trở lên.
2. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2B
Ung thư đã lan “theo chiều ngang” ra chu cung hai bên.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn 2
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư cổ tử cung hầu như không có triệu chứng gì. Tuy nhiên khi ung thư ở giai đoạn 2, tức là u đã lớn và bắt đầu xâm lấn ra mô xung quanh, người bệnh thường xuất hiện triệu chứng.
Triệu chứng hay gặp nhất khiến phụ nữ đi khám là chảy máu âm đạo bất thường (lượng máu, màu sắc không giống với “máu kinh” bình thường hoặc chảy máu âm đạo khi đã mãn kinh, chảy máu âm đạo sau quan hệ). Rất nhiều phụ nữ cảm thấy ngại hoặc không quan tâm đúng mức các bất thường này, dẫn tới đi khám muộn và phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn trễ, tiên lượng rất xấu.
Vì vậy khi thấy triệu chứng ra máu âm đạo bất thường, cần lập tức đi khám phụ khoa, đừng chần chừ. Ngoài ra, người bệnh có thể có một số triệu chứng khác như ra huyết trắng bất thường, đau bụng dưới,…
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 2
Quy trình thăm khám
Khi thăm khám tại bệnh viện, bác sĩ sẽ dùng tay và một dụng cụ khám phụ khoa (gọi là mỏ vịt) đưa vào âm đạo để quan sát và sờ cổ tử cung, nhờ đó có thể phát hiện được cổ tử cung có u dạng chồi sùi vào lòng hoặc loét hoặc toàn bộ cổ tử cung bị nhiễm cứng, giúp gợi ý tới ung thư cổ tử cung. Sau đó, một mẫu mô cổ tử cung sẽ được lấy ra bằng kềm bấm để gửi cho bác sĩ Giải phẫu bệnh xem dưới kính hiển vi nhằm xác định chắc chắn có phải ung thư hay không.
Lưu ý với thủ thuật sinh thiết
Có ba điểm cần lưu ý với thủ thuật sinh thiết này:
- Mặc dù dùng kìm bấm trực tiếp lên mô nhưng thủ thuật này hầu như không gây đau vì cổ tử cung không có các thần kinh cảm giác chi phối. Một số phụ nữ có cảm giác đau tức là do âm đạo bị căng quá mức vì kích thước mỏ vịt không phù hợp. Lúc này bạn có thể nói với bác sĩ để thay đổi mỏ vịt nhỏ hơn chứ không cần gây mê hoặc gây tê khi sinh thiết.
- Bấm sinh thiết có thể gây chảy máu nhưng điều này có thể kiểm soát được bởi bác sĩ bằng thuốc uống cầm máu và đặt gạc chèn trong âm đạo.
- Nếu kết quả xem dưới kính hiển vi lần đầu không phù hợp với chẩn đoán ban đầu, bác sĩ có thể đề nghị bạn bấm sinh thiết lại lần hai hoặc thực hiện một biện pháp xâm lấn hơn là khoét chóp (dùng dao mổ hoặc một dụng cụ đặc biệt là vòng điện để khoét một phần cổ tử cung) nhằm có kết quả chắc chắn trước khi tiến hành điều trị.
Sinh thiết phối hợp với phương pháp khác để xác định giai đoạn
Cũng nhờ động tác thăm khám bằng tay và mỏ vịt, kết hợp với một số phương tiện chụp chiếu hình ảnh như siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) ở vùng bụng-chậu, bác sĩ sẽ thông báo cho bạn biết ung thư cổ tử cung hiện tại đang ở giai đoạn mấy, dựa vào:
- Kích thước khối u.
- Độ sâu xâm lấn của khối u ra mô xung quanh.
- U có lan xuống âm đạo, vách chậu, niệu quản, bàng quang, trực tràng, các hạch vùng chậu và ổ bụng chưa?
- Ung thư có di căn xa tới các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, xương chưa?
Mức độ nguy hiểm và thời gian sống
Bất kỳ ung thư nào đều có khả năng tái phát dù đã điều trị triệt để, và khi tái phát, điều trị sẽ càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, ung thư nói chung hay ung thư cổ tử cung nói riêng, bác sĩ dùng từ “lui bệnh” (remission) chứ không dùng từ “chữa khỏi” (cure). Điều đó nói lên rằng, bất kỳ ung thư nào cũng đều nguy hiểm. Tuy nhiên hầu hết ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có tiên lượng rất tốt. Riêng đối với giai đoạn 2 có tỉ lệ còn sống sau 5 năm lên tới khoảng 58% – 63%.3
Tức là, một cách tương đối, cứ 100 người bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 được điều trị đầy đủ, sẽ có khoảng 60 người còn sống sau 5 năm. Nhưng mỗi người bệnh ung thư là một cá thể khác nhau, nên rất khó để dự đoán chính xác một người sẽ còn sống được bao lâu hay khi nào bệnh sẽ tái phát. Do đó những con số này chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần theo đúng theo lịch tái khám sau điều trị để phát hiện sự nặng lên hay trở lại của bệnh sớm nhất.
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 như thế nào?
Trong khi ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 hoàn toàn được xem là giai đoạn sớm và điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật hoặc xạ trị, còn ung thư giai đoạn 3 hoàn toàn được xem là giai đoạn tiến xa tại chỗ và điều trị chủ yếu bằng hóa trị kết hợp xạ trị, thì ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 lại chia thành hai phần với phương pháp điều trị khác nhau:4 5
- Giai đoạn xâm lấn sớm: 2A.
- Giai đoạn tiến xa tại chỗ: 2A2 và 2B.
Điều trị đối với giai đoạn 2A1
1. Phẫu thuật sẽ là điều trị tiêu chuẩn
Phẫu thuật này có tên là Wertheim-Meigs (đặt tên theo hai phẫu thuật viên phát triển kỹ thuật mổ này) hay phẫu thuật cắt tử cung tận gốc, trong đó, bác sĩ sẽ cắt toàn bộ tử cung, mô xung quanh và một phần âm đạo kèm nạo các hạch bạch huyết ở vùng chậu. Có nghĩa là, sau phẫu thuật, bạn sẽ không còn khả năng có thai (dù cho vẫn còn 2 buồng trứng với đầy đủ nội tiết tố).
Trong một số trường hợp, người bệnh trẻ, còn mong muốn có thai và thỏa các điều kiện nhất định về kích thước và mức độ xâm lấn của ung thư, một loại phẫu thuật có thể được thực hiện, trong đó chỉ cắt cổ tử cung, chừa lại tử cung để có cơ hội mang thai. Tuy nhiên, chỉ định rất hạn chế. Dựa vào kết quả trong và sau mổ, nếu bác sĩ đánh giá nguy cơ tái phát ung thư của người bệnh là từ trung bình đến cao, xạ trị và hóa trị hỗ trợ sau mổ có thể được chỉ định.
2. Xạ trị6
Xạ trị (dùng tia X hoặc proton năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư) có thể là phương pháp điều trị thay thế nếu người bệnh không muốn hoặc không thể phẫu thuật vì các bệnh nền kèm theo. Xạ trị lúc này sẽ kết hợp xạ trị ngoài (chiếu tia xạ từ bên ngoài trực tiếp lên vùng chậu) và xạ trị trong (chiếu xạ thông qua một dụng cụ đặt trong lòng âm đạo) để đạt hiệu quả tối đa. Xạ trị ngoài mỗi ngày “một tia”, 5 ngày mỗi tuần trong vòng khoảng 5 tuần và xạ trị trong vào cuối liệu trình xạ.
Cần lưu ý, xạ trị ở phụ nữ chưa mãn kinh sẽ khiến hai buồng trứng suy giảm chức năng và đi vào mãn kinh sớm. Vì vậy, nếu bạn là phụ nữ trẻ còn mong muốn có thai và điều trị ung thư cổ tử cung bằng xạ trị, hãy thảo luận với bác sĩ điều trị về các phương pháp trữ trứng trước xạ.
Điều trị đối với giai đoạn 2A2 và 2B
1. Hóa trị kết hợp xạ trị
Còn gọi là hóa xạ đồng thời. Đây là điều trị tiêu chuẩn cho giai đoạn bệnh này. Một loại thuốc hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư sẽ được dùng mỗi tuần hoặc mỗi 2 -3 tuần tùy loại, kết hợp với liệu trình xạ trị như trên. Cisplatin liều thấp mỗi tuần thường được sử dụng nhất. Hóa trị lúc này có tác dụng nâng cao hiệu quả của xạ trị.
2. Xạ trị đơn thuần
Nếu người bệnh có nhiều bệnh nền không thể sử dụng hóa chất, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị đơn thuần.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 nói riêng thường đặc trưng bởi triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường. Hãy khám phụ khoa ngay khi có triệu chứng này. Tiên lượng sống còn cho giai đoạn 2 tương đối tốt, với tỉ lệ còn sống sau 5 năm khoảng 60% nếu được điều trị đúng mức. Phẫu thuật hoặc xạ trị cho giai đoạn 2A1, hóa xạ đồng thời cho giai đoạn 2A2 và 2B là điều trị tiêu chuẩn hiện nay. Phổ biến tiêm phòng HPV và quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung là hai biện pháp chủ chốt giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
GLOBOCAN 2020https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/900-world-fact-sheets.pdf
Ngày tham khảo: 24/10/2022
-
Stage 2 - Cervical Cancer.https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/stages-types-grades/stage-2
Ngày tham khảo: 24/10/2022
-
Cervical Cancerhttps://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/cervical-cancer
Ngày tham khảo: 24/10/2022
-
Treatment options - Cervical cancerhttps://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/treatment/treatment-decisions
Ngày tham khảo: 24/10/2022
-
Treatment Options for Cervical Cancer, by Stagehttps://www.cancer.org/cancer/cervical-cancer/treating/by-stage.html
Ngày tham khảo: 24/10/2022
-
Cervical cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-cancer/symptoms-causes/syc-20352501
Ngày tham khảo: 24/10/2022