YouMed

Ung thư dạ dày giai đoạn 2: Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý nguy hiểm khá phổ biến hiện nay. Bệnh có xu hướng gia tăng và trẻ hóa bởi lối sống thiếu lành mạnh, ăn uống kém khoa học. Ung thư dạ dày có nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có phương pháp điều trị và tỷ lệ chữa khỏi khác nhau. Vậy ung thư dạ dày giai đoạn 2 được điều trị như thế nào và có thể chữa khỏi không? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Ung thư dạ dày giai đoạn 2 là gì?

Ung thư dạ dày là sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong dạ dày tạo thành khối u. Bệnh thường phát triển chậm trong nhiều năm. Tùy vào tình trạng bệnh, ung thư dạ dày có nhiều giai đoạn gồm giai đoạn 0, giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3 và giai đoạn 4.

Ung thư dạ dày giai đoạn 2 được chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn là giai đoạn 2A và 2B.1

1. Ung thư dạ dày giai đoạn 2A

Bao gồm các trường hợp sau:

  • Ung thư đã lan đến lớp dưới niêm mạc và di căn đến 3-6 hạch bạch huyết gần đó.
  • Ung thư đã lan đến lớp cơ của thành dạ dày và lan đến 1-2 hạch bạch huyết lân cận.
  • Ung thư đã xâm lấn đến lớp dưới thanh mạc của thành dạ dày.

2. Ung thư dạ dày giai đoạn 2B

Bao gồm các trường hợp sau:

  • Ung thư đã lan đến lớp dưới niêm mạc của thành dạ dày và di căn đến 7-15 hạch bạch huyết lân cận.
  • Ung thư đã xâm lấn đến lớp cơ của thành dạ dày và lan đến 3-6 hạch bạch huyết gần đó.
  • Ung thư đã xâm lấn đến lớp dưới thanh mạc của thành dạ dày và lan đến 1-2 hạch bạch huyết.
  • Ung thư đã lan đến thanh mạc của thành dạ dày.

Triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn 2

Ung thư dạ dày ở những giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể xảy ra khi ung thư đã tiến triển. Một số triệu chứng ung thư dạ dày đáng chú ý bao gồm:

  • Khó tiêu, khó chịu ở dạ dày.
  • Có cảm giác đầy bụng sau khi ăn.
  • Không cảm thấy đói.
  • Buồn nôn và nôn ra máu.
  • Chán ăn.
  • Ợ nóng.
  • Có máu trong phân.
  • Giảm cân không rõ lý do.
  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Đau ở phần trên của bụng.

Người bệnh cần lưu ý các triệu chứng trên đây cũng có thể gặp ở một số bệnh lý khác. Vì vậy, việc đi thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp là điều cần thiết.

Đau bụng, khó chịu ở vùng bụng trên có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày
Đau bụng, khó chịu ở vùng bụng trên có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày giai đoạn 2 có chữa được không?

Nhìn chung, ung thư dạ dày giai đoạn 2 có nhiều khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, việc chữa khỏi bệnh hay không còn tùy vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe, cũng như khả năng đáp ứng với điều trị của mỗi bệnh nhân. Ở các giai đoạn sau, ung thư dạ dày có thể được điều trị nhưng hiếm khi có thể chữa khỏi hoàn toàn.2

Người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, sống lạc quan để tăng khả năng chữa khỏi
Người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, sống lạc quan để tăng khả năng chữa khỏi

Ung thư dạ dày giai đoạn II sống được bao lâu?

Theo số liệu thống kê về tỷ lệ sống sót ở các bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở Anh, có khoảng 35% trường hợp mắc ung thư dạ dày giai đoạn 2 sống sót từ 5 năm trở lên sau khi được chẩn đoán. Tuy vậy, tỷ lệ sống sót khó có thể dự đoán một cách chính xác được. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của người bệnh, hay cấp độ tăng sinh của các tế bào ung thư,…3

Chẩn đoán ung thư dạ dày

Các xét nghiệm được sử dụng để phát hiện ung thư dạ dày bao gồm:

  • Nội soi. Một ống nội soi mỏng được đưa vào miệng xuống cổ họng, thực quản của người bệnh; để quan sát vùng dạ dày tá tràng, phát hiện các bất thường.
  • Sinh thiết. Khi phát hiện điều bất thường trong khi nội soi, sinh thiết sẽ được thực hiện. Đây là quá trình lấy một mẫu mô tại điểm bất thường ấy và quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra các dấu hiệu ung thư.
  • Công thức máu. Mẫu máu được lấy ra và kiểm tra các chỉ số như số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết sắc tố (Hb),…
  • Siêu âm dạ dày. Thử nghiệm có thể cho thấy bệnh đã tiến triển đến đâu.
  • Chụp X-quang với chất cản quang. Thử nghiệm được tiến hành từ việc cho bệnh nhân uống một chất lỏng có chứa Bari (một kim loại có màu trắng bạc) để bao phủ thực quản, dạ dày rồi tiến hành chụp X-quang. Thử nghiệm được thực hiện để tìm kiếm các khu vực bất thường bằng hình ảnh X-quang.
  • CT scan: Một quy trình tạo ra một loạt hình ảnh chi tiết về các vùng bên trong cơ thể, được chụp từ các góc độ khác nhau. Các chất cản quang cũng có thể được sử dụng để giúp các cơ quan và mô hiển thị rõ hơn. Thử nghiệm này cho phép bạn có thể tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy ung thư dạ dày đã lan rộng.
Phương pháp nội soi giúp chẩn đoán ung thư dạ dày
Phương pháp nội soi giúp chẩn đoán ung thư dạ dày

Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2

Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2 có thể bao gồm một số phương pháp sau.

1. Phẫu thuật

Đây là phương pháp phổ biến cho tất cả các giai đoạn của ung thư dạ dày. Trong phương pháp này, bác sĩ có thể cắt loại bỏ một phần dạ dày, các hạch bạch huyết lân cận hay lá lách – nơi tạo ra các tế bào lympho, lưu trữ và phá hủy các tế bào máu cũ.

2. Hóa trị

Phương pháp này sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, bằng cách tiêu diệt hay ngăn chặn sự phân chia của chúng. Cách hóa trị tùy thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư.

Thuốc hóa trị có thể sử dụng bằng đường uống hay tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp. Sau đó thuốc sẽ vào máu và đi đến nơi có các tế bào ung thư để phát huy tác dụng. Ngoài ra, thuốc có thể được đưa trực tiếp vào một khu vực, cơ quan nào đó có các tế bào ung thư (hóa trị liệu vùng).

Hiện nay, sự kết hợp của cả phẫu thuật và hóa trị đang là phương pháp được nghiên cứu đối với ung thư dạ dày. Sau khi loại bỏ toàn bộ khối u, hóa trị liệu được áp dụng bằng cách đưa trực tiếp vào khoang phúc mạc để tăng hiệu quả điều trị hơn.

3. Xạ trị

Đây là phương pháp điều trị ung thư sử dụng tia X năng lượng cao, hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển.

4. Liệu pháp miễn dịch

Đây là liệu pháp sinh học sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại các tế bào ung thư. Các chất do cơ thể tạo ra này sẽ tăng cường, định hướng, khôi phục khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể đối với các tế bào ung thư.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về ung thư dạ dày giai đoạn 2. Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, để có thể phát hiện và điều trị kịp thời, hãy đến cơ sở y tế khám chữa bệnh khi bạn có các dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ của bệnh. Đồng thời, hãy áp dụng các biện pháp ăn uống khoa học, các lối sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc phải ung thư dạ dày.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Gastric Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Versionhttps://www.cancer.gov/types/stomach/patient/stomach-treatment-pdq

    Ngày tham khảo: 01/05/2023

  2. Stomach cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/diagnosis-treatment/drc-20352443

    Ngày tham khảo: 01/05/2023

  3. Survival for stomach cancerhttps://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/stomach-cancer/survival

    Ngày tham khảo: 01/05/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người