Ung thư vòm mũi họng: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Ung thư vòm mũi họng (hay ung thư vòm họng) là một loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất trong các loại ung thư của Tai – Mũi – Họng. Bệnh thường không được phát hiện sớm do triệu chứng không đặc hiệu, dễ lầm với bệnh khác. Thêm nữa, vị trí vòm họng cũng nằm khá sâu. Do đó hãy cùng tìm hiểu những điều cần biết về ung thư vòm mũi họng qua chia sẻ từ Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Quang Hoàn để tự trang bị kiến thức bảo vệ bạn trước bệnh tật.
Những thông tin chung về ung thư vòm mũi họng
Ung thư biểu mô vòm mũi họng hay thường được gọi là ung thư vòm họng dùng để chỉ các khối u ác tính xuất hiện ở vị trí cao nhất của họng – họng mũi, ngay phía sau mũi. Bệnh ít gặp ở Mỹ, nhưng lại khá phổ biến ở Đông Nam Á.
Ung thư vòm họng rất khó phát hiện sớm. Do vòm họng nằm sâu và không dễ kiểm tra. Các triệu chứng của ung thư giai đoạn sớm không rõ ràng và dễ chẩn đoán lầm với các bệnh lý phổ biến khác.
Điều trị ung thư biểu mô vòm họng thường bao gồm xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp cả hai liệu pháp.
Sinh bệnh học của ung thư vòm mũi họng
Ung thư bắt đầu khi một hoặc nhiều đột biến gen khiến các tế bào bình thường phát triển ngoài tầm kiểm soát, xâm lấn các cấu trúc xung quanh và cuối cùng lan rộng (di căn) sang các bộ phận khác của cơ thể. Trong ung thư biểu mô vòm họng, quá trình này bắt đầu trong các tế bào vảy nằm trên bề mặt của vòm họng.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Nguyên nhân ung thư vòm mũi họng hiện vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, người ta đã xác định được kháng thể kháng nhân và DNA liên quan đến Epstein-Barr virus ở tế bào biểu mô mũi họng. Điều này cho thấy có sự liên quan giữa ung thư vòm họng và virus này.
Các yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến gồm:
- Giới tính: nam giới thường mắc ung thư vòm họng hơn nữ giới.
- Chủng tộc: người Hoa, Đông Nam Á và Bắc Phi là nhóm người hay gặp ung thư vòm họng hơn các nhóm người khác.
- Tuổi: thường gặp ở nhóm tuổi từ 30 – 50 tuổi.
- Tiêu thụ thịt muối hoặc cá muối (salt-cured foods).
- Tiền căn gia đình.
- Đồ uống cồn và thuốc lá.
Vì sao tiêu thụ nhiều cá muối có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng? Các yếu tố nguy cơ khác là gì? Mời bạn cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết Ung thư vòm họng: Thói quen ăn cá muối mặn và các yếu tố nguy cơ khác nhé!
Phân loại ung thư vòm mũi họng
Ung thư biểu mô vòm mũi họng được chia làm 3 týp theo WHO:
- Loại thường gặp ở người trưởng thành là ung thư biểu mô gai (Type 1).
- Ung thư biểu mô gai không sừng hóa (Type 2).
- Ung thư biểu mô biệt hóa kém, hay gặp ở trẻ em và tuổi dậy thì (Type 3).
Các triệu chứng của ung thư vòm mũi họng
Bệnh nhân ung thư vòm ít khi đến khám và chữa bệnh ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng ban đầu thường không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác khiến người bệnh cũng ít quan tâm:
- Khối không đau ở cổ.
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
- Viêm tai giữa tái diễn thường xuyên.
- Đau hoặc tê mặt.
- Đau đầu.
- Nghe kém, ù tai hoặc có cảm giác đầy tai.
- Khó khăn khi mở miệng.
- Chảy máu mũi.
- Nghẹt mũi.
- Viêm họng kéo dài.
Bạn cũng cần lưu ý các triệu chứng ung thư vòm họng nêu trên có thể gặp trong các bệnh lý khác ít nghiêm trọng hơn, hoặc kể cả khi đang khỏe mạnh.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Các triệu chứng ung thư biểu mô vòm họng sớm có thể không phải lúc nào cũng nhắc bạn đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi bất thường và liên tục nào trong cơ thể. Và dường như chúng không phù hợp với sinh hoạt bình thường, chẳng hạn như nghẹt mũi bất thường, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
Chẩn đoán ung thư vòm mũi họng
1. Khám bệnh
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh cho bạn khi bạn có các triệu chứng sau khi khám:
- Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất (80%) là sự xuất hiện của một hoặc nhiều hạch cổ to, không đau.
- Yếu liệt dây thần kinh sọ chiếm 25% trường hợp là triệu chứng khởi đầu.
- Nội soi mũi họng thường ghi nhận có khối u xuất phát tại vùng mũi họng, thường gặp nhất là tại hố Rosenmuller.
2. Nhận biết bệnh qua các kết quả cận lâm sàng
Hình ảnh học
- CT-scan vùng đầu cổ để xác định mức độ lan rộng của khối u, sự xâm lấn sàn sọ và tình trạng hạch cổ.
- CT-scan ngực để đánh giá sự di căn xa.
- Siêu âm cổ: đánh giá tình trạng hạch cổ.
- MRI sọ não và sàn sọ trong trường hợp có nghi ngờ xâm lấn nội sọ.
- Xạ hình xương để đánh giá di căn xa vào xương.
- PET-CT: để tìm ổ ung thư nguyên phát khi phát hiện có di căn hạch tiềm tang và cũng như để đánh giá có di căn xa.
Các xét nghiệm khác
- Tổng phân tích tế bào máu.
- Kháng thể kháng nhân EBV và EBV DNA.
- Xét nghiệm chức năng gan, thận, điện giải…
- Thủ thuật: sinh thiết hạch cổ hoặc sinh thiết khối u vòm.
Xem thêm: Tầm soát ung thư vòm họng: đối tượng, thời điểm và quy trình
Phân giai đoạn ung thư vòm mũi họng
Giai đoạn 0
Còn gọi là “ung thư tại chỗ”. Các tế bào “bất thường” vẫn chưa phá vỡ lớp màng đáy.
Giai đoạn 1
Ung thư vòm họng giai đoạn 1 giới hạn trong vùng mũi họng, hoặc đã lan xuống vùng họng miệng và/hoặc vào hốc mũi.
Giai đoạn 2
Ung thư vòm họng giai đoạn 2 bao gồm ung thư giai đoạn 1 và một trong các đặc điểm sau:
- Cho di căn một hạch cùng bên có kích thước dưới 6 cm.
- Di căn đến một hạch sau hầu có kích thước dưới 6 cm.
Hoặc ung thư đã lan đến các mô lân cận (khoang quanh hầu) có hoặc chưa có di căn hạch.
Giai đoạn 3
Ung thư vòm họng giai đoạn 3 là khi khối u có một trong các đặc điểm sau:
- Ung thư lan đến nền sọ và vùng hốc mũi và xoang cạnh mũi, có hoặc không có di căn hạch và không hạch nào vượt quá 6 cm.
- Cho di căn hạch cổ 2 bên nhưng không hạch nào lớn hơn 6cm đường kính. Khối u có thể còn giới hạn trong vùng họng mũi, có thể lan đến vùng hốc mũi và các xoang hoặc lan và các khoang cạnh hầu.
Giai đoạn 4a
Khối u xâm lấn vào trong sọ hoặc các dây thần kinh, lan rộng xuống hạ họng, hốc mắt hoặc nhóm cơ nhai. Có thể có di căn hạch hoặc không nhưng không có hạch lớn hơn 6 cm.
Giai đoạn 4b
Ung thư có di căn một hoặc nhiều hạch lớn hơn 6 cm hoặc cho di căn đến nhóm hạch thượng đòn.
Giai đoạn 4c
Ung thư di căn đến các cơ quan xa (xương, phổi, gan, hạch trung thất…).
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối có những đặc điểm gì? Bệnh có thể được điều trị như thế nào? Tất cả thông tin về bệnh đã được YouMed trình bày qua bài viết Ung thư vòm họng giai đoạn cuối: điều trị và cách chăm sóc người bệnh. Mời bạn đọc tham khảo thêm nhé!
Điều trị ung thư vòm mũi họng
1. Phẫu thuật
Do vị trí giải phẫu đặc thù và thường cho di căn hạch sớm mà phương pháp phẫu thuật thường không thể kiểm soát được khối u. Do đó, các biện pháp can thiệp ngoại khoa thông thường chỉ dừng lại ở mức sinh thiết hạch cổ và sinh thiết khối u nguyên phát
2. Xạ trị
- Được xem là phương thức điều trị chính với hóa trị được sử dụng ở những ca bệnh tiến triển.
- Liệu pháp xạ trị trong ung thư vòm thường sử dụng là liệu pháp xạ trị ngoài.
- Đối với các khối u nhỏ thì xạ trị có thể là liệu pháp duy nhất. Một số trường hợp khác có thể kết hợp với hóa trị kèm theo
- Tác dụng phụ bao gồm: đỏ da, mất thính lực và khô miệng.
- Phương thức xạ trị trong đôi khi được sử dụng ở những trường hợp ung thư tái phát.
3. Hóa trị
Có 3 cách sử dụng hóa trị liệu trong điều trị ung thư vòm:
- Phối hợp hóa trị đồng thời với xạ trị.
- Hóa trị sau khi xạ trị.
- Hóa trị trước khi xạ trị.
Tiên lượng
Kết quả của các thử nghiệm lâm sàng bao gồm cả xạ trị và hóa trị thường báo cáo tỷ lệ sống lâu dài là 50-80%.
Trong một nghiên cứu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 42% chỉ với xạ trị và 58% khi điều trị bằng hóa trị.
Ung thư vòm họng sống được bao lâu luôn là nỗi lo lắng chung của các bệnh nhân. Liệu có con số cụ thể nào để trả lời cho câu hỏi này? Mời bạn cùng YouMed tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết Ung thư vòm họng sống được bao lâu? nhé!
Lối sống và những điều cần nhớ
1. Chứng khô miệng do xạ trị
Chứng khô miệng sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Dễ dẫn đến nhiễm trùng vùng miệng và ăn uống khó khăn, khó nói, hôi miệng. Đến khám và báo cho bác sĩ hoặc nha sĩ nếu bạn có các vấn đề trên.
Một số cách để làm giảm nhẹ tình trạng khô miệng:
- Chải răng nhiều lần trong ngày. Sử dụng bàn chảy có long mịn và chải răng nhẹ nhàng. Đến khám bác sĩ nếu miệng bạn không chịu được dù đã chải răng nhẹ nhàng
- Súc rửa miệng bằng nước muối ấm sau bữa ăn. Làm một dung dịch bằng nước ấm với ít muối và soda. Sau đó súc miệng với dung dịch đó sau mỗi bữa ăn
- Giữ cho miệng của bạn luôn ẩm ướt bằng nước hoặc kẹo không đường. Thường xuyên uống nước sẽ giúp miệng ít bị khô. Ngoài ra, kẹo không đường hoặc kẹo cao su có thể kích tích miệng tiết nước bọt
- Tránh các loại thức ăn khô, thức ăn quá chua, cay.
2. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Mỗi người có cách đối diện với bệnh tật khác nhau. Đối với bệnh ung thư cũng không ngoại lệ, bạn có thể sốc và sợ hải hoặc đau buồn. Đó là cảm xúc tiêu cực nhưng rất bình thường
Khi được chẩn đoán ung thư sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc đời như đã được định đoạt. Vì thế, một số bước sau đây sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần để đương đầu với những điều sắp tới, hãy cố gắng:
- Học hỏi kiến thức đủ để tự tin và đưa ra quyết định: Lập danh sách câu hỏi và hỏi bác sĩ của bạn. tìm kiếm thêm kiến thức cho đến khi bạn đủ tự tin đưa ra quyết định về điều trị bệnh của mình.
- Tìm ai đó để nói chuyện. Có thể là người nào đó như bạn thân, gia đình, những người chịu lắng nghe để bạn chia sẻ cảm xúc.
- Dành thời gian cho bản thân mình nhiều hơn: nghĩ hoặc viết nhật ký cũng là một cách để giải bày mọi cảm xúc trong bạn
3. Những điều bạn nên làm
Tự chăm sóc bản thân: để chuẩn bị cho quá trình điều trị tốt nhất, bản thân bạn cũng cần có lối sống thật khỏe mạnh. Những thói quen tốt, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chế độ rèn luyện phù hợp là những gì bạn cần.
Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc. Ăn đa dạng các loại rau và trái cây. Tập thể dục và tái khám bác sĩ đúng hẹn. Ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng bằng cách sắp xếp và ưu tiên những điều nào quan trọng với bạn.
Như vậy, ung thư vòm mũi họng là vấn đề sức khỏe rất đáng lưu tâm. Bạn có yếu tố nguy cơ nào gây ung thư không. Hãy thay đổi ngay. Hãy quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn. Khi có những triệu chứng nghi ngờ hãy gặp Bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn ngay. Phát hiện sớm sẽ giúp tăng điều trị thành công cho bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Nasopharyngeal Carcinoma Treatment (PDQ®)–Health Professional Versionhttps://www.cancer.gov/types/head-and-neck/hp/adult/nasopharyngeal-treatment-pdq
Ngày tham khảo: 13/07/2020
-
Nasopharyngeal Cancer: Types of Treatmenthttps://www.cancer.net/cancer-types/nasopharyngeal-cancer/treatment-options
Ngày tham khảo: 13/07/2020
- AskMayoExpert. Nasopharyngeal carcinoma, types I to III: Diagnosis to first treatment (adult). Rochester, Minn.: Mayo Foundation for Medical Education and Research; 2017.
-
Dry Mouth or Xerostomiahttps://www.cancer.net/coping-with-cancer/physical-emotional-and-social-effects-cancer/managing-physical-side-effects/dry-mouth-or-xerostomia
Ngày tham khảo: 13/07/2020
-
Brennan, B. (2006). "Review nasopharyngeal carcinoma”. Orphanet Journal of Rare Diseases, 1(1), 23. doi:10.1186/1750-1172-1-23.https://ojrd.biomedcentral.com/articles/10.1186/1750-1172-1-23
Ngày tham khảo: 13/07/2020