Viêm bàng quang cấp: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Chắc hẳn ai trong số chúng ta đều trải qua cảm giác tiểu máu, tiểu gắt buốt ít nhất một lần trong đời, đặc biệt là giới chị em phụ nữ. Đó có thể là triệu chứng của viêm bàng quang cấp tính. Nhiều người sẽ tự hỏi liệu đó có phải là tình trạng nguy hiểm không, liệu có thể điều trị khỏi bệnh không? Để giải đáp những thắc mắc đó, hãy cùng Bác sĩ Trần Lê Dung tìm hiểu về viêm bàng quang cấp qua bài viết này nhé.
Viêm bàng quang cấp là gì?
Viêm bàng quang đơn thuần được định nghĩa là viêm bàng quang cấp tính, lẻ tẻ hoặc tái phát ở phụ nữ không mang thai, không có bất thường về giải phẫu và chức năng hệ tiết niệu hoặc bệnh đi kèm.1Đa số nhiễm trùng là do vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, đây cũng có thể là hệ quả của dị ứng dung dịch vệ sinh, biến chứng của bệnh khác hoặc tác dụng không mong muốn của thuốc.2 Điều trị viêm bàng quang cấp tính là điều trị dựa vào nguyên nhân. Nếu căn nguyên là vi khuẩn thì bạn sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Nếu nguyên nhân là do dị ứng với các thành phần của thuốc, bạn sẽ được chỉ định ngưng thuốc hoặc thay thế bằng thuốc khác có công dụng tương đương.
Các nghiên cứu cho thấy gần một nửa số phụ nữ có ít nhất một đợt viêm bàng quang trong suốt cuộc đời của họ, gần một phần ba phụ nữ có ít nhất một đợt viêm bàng quang ở tuổi 24.3
Nguyên nhân viêm bàng quang cấp
Nguyên nhân chính gây viêm bàng quang là do nhiễm khuẩn ngược dòng từ hệ vi khuẩn thường trú quanh miệng niệu đạo, quanh âm đạo và quanh hậu môn.4
E. Coli là vi khuẩn được tìm thấy nhiều nhất ở những bệnh nhân nữ trẻ tuổi với tỉ lệ từ 75 – 90%5, kế đến là S. saprophyticus với tỉ lệ từ 10 – 20%6. Những tác nhân ít gặp hơn như Klebsiella, Proteus và Enterococcus spp. Ở nam giới, E. coli và các Enterobacteriaceae là những tác nhân gây viêm bàng quang phổ biến nhất.
Tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Những yếu tố dưới dây cũng có thể gây ra viêm bàng quang cấp tính:1 2
- Quan hệ tình dục, sử dụng chất diệt tinh trùng, bạn tình mới.
- Người có tiền sử nhiễm khuẩn đường tiết niệu và tiền sử nhiễm khuẩn đường tiết niệu thời thơ ấu.
- Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị ifosfamide và cyclophosphamide.
- Điều trị bức xạ vùng chậu.
- Sử dụng ống thông tiểu quá lâu.
- Nhạy cảm với các sản phẩm nhất định, chẳng hạn như dung dịch vệ sinh phụ nữ, gel tinh trùng hoặc kem dưỡng da.
- Biến chứng của các bệnh lý khác, bao gồm đái tháo đường, sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
Tại sao viêm bàng quang cấp ở nữ giới phổ biến?
Viêm bàng quang cấp ở phụ nữ phổ biến hơn nhiều so với nam giới. Có thể là do hậu môn gần niệu đạo hơn ở phụ nữ và niệu đạo ngắn hơn nhiều.
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm bàng quang cấp ở nữ giới, bao gồm:
- Quan hệ tình dục.
- Vệ sinh vùng kín sai cách: Lau từ sau ra trước khi đi vệ sinh.
- Sử dụng ống thông niệu đạo.
- Dùng màng tránh thai/màng diệt tinh trùng.
Triệu chứng của viêm bàng quang
Viêm bàng quang có thể có rất nhiều triệu chứng khác nhau tùy vào mỗi bệnh nhân khác nhau. Nhìn chung, có tất cả khoảng 7 triệu chứng đường tiết niệu dưới được đồng thuận là nhóm triệu chứng gợi ý của viêm bàng quang bao gồm:6
- Tiểu nhiều lần.
- Tiểu gấp.
- Tiểu gắt buốt, tiểu khó.
- Tiểu máu.
- Tiểu không hết.
- Đau/ căng tức trên xương mu.
- Đau hông lưng.
Những triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh rất ít khi gặp phải do viêm bàng quang chỉ là tình trạng viêm của lớp niêm mạc bề mặt của bàng quang.6
Mặc dù một số bệnh nhân than phiền về triệu chứng tiểu hôi hay tiểu đục nhưng đây không phải là triệu chứng đáng tin cậy gợi ý viêm bàng quang. Trong những trường hợp này, bệnh nhân có thể uống nhiều nước và tái khám để đánh giá lại.6
Một số nghiên cứu cho rằng càng có nhiều triệu chứng đường tiết niệu dưới thì sẽ càng chẩn đoán chính xác tình trạng viêm bàng quang. Trong số đó, tiểu khó là triệu chứng có giá trị gợi ý cao nhất và càng có nhiều triệu chứng đồng nghĩa mức độ nặng của bệnh càng tăng.7
Cũng có nghiên cứu cho rằng, khi không có tình trạng kích thích và tiết dịch âm đạo bất thường, với sự xuất hiện đồng thời hai triệu chứng tiểu khó và tiểu nhiều lần có thể dự đoán chính xác tình trạng viêm bàng quang với tỉ lệ chính xác hơn 90%.8
Chẩn đoán bệnh viêm bàng quang cấp
Về mặt lâm sàng, chẩn đoán viêm bàng quang đơn thuần có thể dựa vào các triệu chứng đường tiết niệu dưới: tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu gấp,… và không có tình trạng kích thích hoặc tiết dịch âm đạo.9 10
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu nên làm trước tiên, trong những trường hợp chẩn đoán không rõ ràng hoặc những bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh trị liệu thì cần cấy nước tiểu xác định vi khuẩn và kháng sinh đồ.1
Trong viêm bàng quang đơn thuần, các cận lâm sàng hình ảnh học như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính,… rất ít khi cần sử dụng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện hình ảnh học để không bỏ sót bệnh.4
Điều trị bệnh viêm bàng quang cấp
Phương pháp điều trị chính là kháng sinh. Việc lựa chọn kháng sinh phù hợp nên dựa vào các yếu tố:1
- Chủng và sự nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh.
- Hiệu quả của những chỉ định cụ thể trong các nghiên cứu lâm sàng.
- Khả năng dung nạp và tác dụng phụ.
- Tác động bất lợi về mặt sinh thái.
- Chi phí.
- Tính khả thi.
Mỗi địa phương khác nhau sẽ có mức độ đề kháng kháng sinh cũng như phổ vi khuẩn khác nhau nên việc lựa chọn kháng sinh cũng cần phải dựa vào đặc điểm cụ thể của từng địa phương. Vì vậy, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ để giảm thiểu tình trạng đề kháng kháng sinh đang rất nhức nhối hiện nay.
Dưới đây là khuyến cáo sử dụng kháng sinh dành cho viêm bàng quang đơn thuần ở bệnh nhân nữ theo Hội Tiết niệu học Châu Âu:1
- Fosfomycin trometamol 3 g liều duy nhất.
- Pivmecillinam 400 mg x 3 lần/ ngày/ trong 3 đến 5 ngày.
- Nitrofurantoin (ví dụ: nitrofurantoin monohydrate/macrocrystal 100 mg x 2 lần/ mỗi ngày trong 5 ngày).
Kháng sinh thay thế: Nhóm Cephalosporins như Cefadroxil 0.5 g x 2 lần/ngày trong 3 ngày.
Ở những vùng có tỉ lệ kháng với E. Coli < 20%:
- Trimethoprim 200 mg x 2 lần/ngày trong 5 ngày (Không dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ).
- Trimethoprim/Sulfamethoxazole 160/800 mg x 2 lần/ngày trong 3 ngày (Không dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ).
Theo dõi
Khoảng 90% phụ nữ sẽ không còn triệu chứng trong vòng 72h sau khi sử dụng liều kháng sinh đầu tiên. Việc thăm khám, cấy lại nước tiểu hay thực hiện cận lâm sàng kiểm tra sau đó là không cần thiết ở những bệnh nhân đáp ứng với liệu pháp điều trị.6
Ở những bệnh nhân mà triệu chứng không thuyên giảm sau 2 tuần điều trị cần phải thực hiện lại việc cấy nước tiểu và định danh kháng sinh đồ. Ở những trường hợp này, có thể kháng sinh sử dụng ban đầu chưa phù hợp với chủng vi khuẩn gây bệnh. Khuyến cáo nên sử dụng kháng sinh khác trong khoảng 7 ngày để điều trị lại.1
Một số trường hợp đặc biệt
1. Viêm bàng quang khi mang thai
Có thể được xem xét để điều trị viêm bàng quang trong thai kỳ bằng kháng sinh ngắn ngày, tuy nhiên cần lưu ý không phải tất cả các kháng sinh đều có thể sử dụng. Các kháng sinh có thể cân nhắc sử dụng như:1
- Penicillin, cephalosporin, fosfomycin, nitrofurantoin (không dùng trong trường hợp thiếu men glucose-6-phosphate dehydrogenase và trong giai đoạn cuối thai kỳ).
- Trimethoprim (không dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ).
- Sulphonamides (không dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ).
2. Viêm bàng quang ở nam giới
Nam giới có chiều dài đường niệu đạo dài hơn nữ giới rất nhiều, chính vì vậy rất ít khi ghi nhận viêm bàng quang ở nam giới trưởng thành và khi xảy ra tình trạng này sẽ được phân loại vào nhóm nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp. Lúc này, bên cạnh việc điều trị viêm bàng quang, chúng ta cũng cần phải đi tìm và điều trị bất thường đi kèm để điều trị triệt để cũng như phòng ngừa tái phát ở nam giới.
Thông thường, ít gặp viêm bàng quang đơn thuần mà không liên quan đến bệnh lý của tuyến tiền liệt, do đó cần sử dụng các kháng sinh có thể xâm nhập tốt vào mô tuyến tiền liệt để điều trị cho bệnh nhân nam có triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Thời gian điều trị nên ít nhất 7 ngày, kháng sinh có thể sử dụng là:
- Trimethoprim/sulphamethoxazole 160/800 mg x 2 lần/ngày trong 7 ngày.
- Hoặc fluoroquinolone nếu phù hợp với kết quả kháng sinh đồ.
3. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn là tình trạng tái phát của nhiễm khuẩn đường tiết niệu đơn thuần và/hoặc phức tạp, với tần suất ít nhất ba lần trong một năm hoặc hai lần trong sáu tháng qua. Định nghĩa này bao gồm cả viêm bàng quang và viêm thận bể thận.1
Triệu chứng và chẩn đoán tương tự như lần đầu ngoại trừ một số trường hợp cần làm những xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn.1
Vấn đề quan trọng trong bệnh cảnh này là việc thực hiện phòng ngừa vì bệnh nhân thường rất khó chịu khi cứ phải điều trị mà không hết.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn gồm các bước theo trình tự như sau: tránh các yếu tố nguy cơ, các biện pháp không cần sử dụng kháng sinh và kháng sinh dự phòng. Chúng ta cần tuân thủ thực hiện đúng theo trình tự này:
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Một số biện pháp vệ sinh cá nhân và hành vi (ví dụ: thói quen nín tiểu, vệ sinh sau khi đại tiểu tiện…) được đề xuất để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn.
Các biện pháp không sử dụng kháng sinh:
- Điều trị miễn dịch dự phòng: OM-89, một loại vaccine đường uống, điều chế từ E. coli, được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân nữ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn.11
- Nội tiết tố: Sử dụng estrogen âm đạo ở phụ nữ sau mãn kinh (không dùng estrogen đường uống) cho thấy có khả năng ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn.11
- Một số các phương pháp khác: dự phòng bằng men vi sinh (Lactobacillus spp.). Điều trị dự phòng bằng D-mannose. Bơm một số chất vào bàng quang. Tuy nhiên, các phương pháp này hiệu quả trên lâm sàng chưa rõ ràng.
Các biện pháp sử dụng kháng sinh: Kháng sinh dự phòng có thể được dùng với liều thấp liên tục trong thời gian dài (ba đến sáu tháng), hoặc dự phòng sau quan hệ tình dục. Hai phương pháp này được áp dụng khi áp dụng thay đổi thói quen hàng ngày và các biện pháp không kháng sinh không hiệu quả và cần có sự tư vấn trước khi áp dụng.
- Nitrofurantoin 50 mg hoặc 100 mg mỗi ngày một lần.
- Fosfomycin trometamol 3 g mỗi 10 ngày.
- Trimethoprim 100 mg mỗi ngày một lần.
- Trong khi mang thai Cephalexin 125 mg hoặc 250 mg hoặc Cefaclor 250 mg mỗi ngày một lần.
Dự phòng sau quan hệ tình dục nên được xem xét ở phụ nữ mang thai có tiền sử nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường xuyên trước khi bắt đầu mang thai, để giảm nguy cơ.
Phòng ngừa viêm bàng quang cấp
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa được bệnh viêm bàng quang cấp tính. Nhưng có những mẹo giúp hạn chế nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo:2
- Uống nhiều nước giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn và thải vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu trước khi nhiễm trùng.
- Đi tiểu càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục.
- Lau từ trước ra sau sau khi đi tiêu để ngăn vi khuẩn từ vùng hậu môn lây lan sang niệu đạo.
- Tránh sử dụng các dung dịch vệ sinh gây kích ứng niệu đạo, chẳng hạn như thụt rửa, xịt khử mùi và phấn.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa sạch bộ phận sinh dục hàng ngày.
- Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bằng bồn.
- Tránh sử dụng các phương pháp ngừa thai có thể làm thay đổi sự phát triển của vi khuẩn, chẳng hạn như màng phim diệt tinh trùng.
- Đừng nhịn tiểu quá lâu.
- Bạn cũng có thể thêm nước ép nam việt quất hoặc các chất bổ sung nam việt quất trong chế độ ăn của mình. Nhưng vẫn chưa có bằng chứng khoa học chính xác khẳng định về hiệu quả của nam việt quất trong việc điều trị. D-mannose có thể là một lựa chọn để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu tái phát. Nhưng hiện tại, bằng chứng chính xác về hiệu quả của nó vẫn còn hạn chế.
Trên đây là những thông tin về vấn đề viêm bàng quang cấp. Đây là căn bệnh phổ biến và đem lại rất nhiều phiền toái. Hầu hết các trường hợp sẽ đáp ứng với thuốc kháng sinh. Số ít trường hợp không đáp ứng sẽ cần bác sĩ đánh giá kỹ hơn để tìm ra nguyên nhân. Hi vọng bài viết này có thể đem lại những kiến thức bổ ích cũng như giải đáp phần nào thắc mắc của quý bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp
1. Viêm bàng quang cấp có nguy hiểm không?
Hầu hết viêm bàng quang đơn thuần sẽ đáp ứng với kháng sinh điều trị, thậm chí trong một số trường hợp có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc và rất ít khi những biến chứng nguy hiểm xảy ra trên nền viêm bàng quang đơn thuần được y văn ghi nhận. Những trường hợp đáp ứng kém với kháng sinh điều trị sẽ được bác sĩ tư vấn và đi tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bệnh nhân có thể tự ý mua kháng sinh sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc đánh giá mức độ đơn thuần/phức tạp phải do Bác sĩ chuyên ngành Tiết niệu đánh giá vì việc đánh giá sai hay tự ý điều trị do chủ quan có thể đem lại hậu quả nặng nề.
2. Điều trị tại nhà có được không?
Được. Nhưng chỉ trong trường hợp viêm bàng quang đơn thuần và đã được bác sĩ Tiết niệu đánh giá mức độ. Bệnh nhân có thể mua thuốc theo toa của bác sĩ và điều trị ngoại trú. Trong trường hợp tuân thủ và đáp ứng với điều trị, bệnh nhân có thể không cần tái khám nếu điều kiện không cho phép.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào bạn có các bất thường về triệu chứng đường tiết niệu dưới như tiểu gắt buốt, tiểu nhiều lần, tiểu máu, đau hông lưng,… hoặc triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, nôn ói,… đều có thể đến ngay cơ sơ y tế gần nhất để được tư vấn và thăm khám. Trong một vài trường hợp như tiểu máu thoáng qua, tiểu gắt buốt thoáng qua,… bạn có thể tự theo dõi thêm tại nhà nếu triệu chứng không xuất hiện dai dẳng. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến cáo bạn tự mua thuốc kháng sinh điều trị trong những trường hợp này vì việc này có thể làm gia tăng
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
EAU Guidelines on Urological Infectionshttps://d56bochluxqnz.cloudfront.net/documents/full-guideline/EAU-Guidelines-on-Urological-Infections-2022.pdf
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Acute Cystitishttps://www.healthline.com/health/cystitis-acute
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Epidemiology of urinary tract infections: Incidence, morbidity, and economic costshttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0011502903900009?via%3Dihub
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Uncomplicated Urinary Tract Infectionshttps://www.aerzteblatt.de/int/archive/article/93822
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Management of Urinary Tract Infections in Adultshttps://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJM199310283291808
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Smith & Tanagho’s General Urology, Bacterial Infections of Genitourinary Tract, 19th Edition, 2020.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/10/smith-and-tanaghos-general-urology-19th-edition.pdf#page=214
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
The etiology of urinary tract infection: traditional and emerging pathogenshttps://www.amjmed.com/article/S0002-9343(02)01055-0/fulltext
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Campbell – Walsh – Wein Urology Textbook, Infections of the Urinary Tract, 12th Edition, 2020. https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/campbell-walsh-wein-urology-3-volume-set-12th-edition.pdf
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Urinary Symptoms and their Associations With Urinary Tract Infections in Urogynecologic Patientshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5679107/
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Does This Woman Have an Acute Uncomplicated Urinary Tract Infection?https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/194952
Ngày tham khảo: 10/10/2022
-
Nonantibiotic Prophylaxis for Recurrent Urinary Tract Infections: A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Controlled Trialshttps://www.auajournals.org/doi/10.1016/j.juro.2013.04.142
Ngày tham khảo: 10/10/2022