YouMed

Xét nghiệm creatinin máu đánh giá chức năng thận

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Xét nghiệm creatinin máu đánh giá chức năng thận là một thủ thuật y tế quan trọng. Kết quả xét nghiệm sẽ thông báo được tình trạng của thận cũng như theo dõi tiến triển những bệnh liên quan, tầm soát di chứng hậu COVID-19. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô (chuyên khoa Tim – Thận – Khớp – Nội tiết) sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về xét nghiệm creatinin máu. 

Creatinin là gì? Xét nghiệm creatinin máu là gì?

Creatinin là sản phẩm hóa học “sót lại” từ quá trình sản sinh năng lượng của cơ bắp. Thận hoạt động tốt sẽ lọc được creatinin ra khỏi máu và đào thải chúng ra ngoài qua nước tiểu. Do đó, việc xét nghiệm creatinin máu sẽ giúp bác sĩ xác định được thận của bạn khỏe hay không.1

Xét nghiệm creatinin máu là một thước đo để đánh giá chức năng thận của bạn. Đặc biệt là nhiệm vụ lọc chất thải ra khỏi máu.1 Mỗi quả thận có hàng triệu đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Các nephron này lọc máu liên tục thông qua cầu thận – một cụm mạch máu nhỏ. Nhờ những cấu trúc này mà thận lọc được chất cặn bã, tạp chất ra khỏi cơ thể.2

Thận là một bộ phận quan trọng của cơ thể trong việc đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể
Thận là một bộ phận quan trọng của cơ thể trong việc đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể

Xét nghiệm creatinin máu thường được bác sĩ thực hiện cùng với các bài kiểm tra khác để đem lại kết quả chẩn đoán chính xác. Chúng bao gồm: xét nghiệm nito ure máu (BUN), bảng chuyển hóa cơ bản (BMP) hoặc bảng chuyển hóa toàn diện (CMP). Bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm này khi đi khám sức khỏe định kỳ. Hoặc khi bạn có những triệu chứng cảnh báo thận đang có vấn đề.2

Mục đích của việc xét nghiệm creatinin máu

Bác sĩ của bạn hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác có thể yêu cầu xét nghiệm creatinine vì những lý do sau:1

  • Để chẩn đoán nếu đối tượng có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh thận.
  • Để tầm soát bệnh thận ở người bị tiểu đường, huyết áp cao hoặc các bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
  • Để theo dõi quá trình điều trị hoặc tiến triển bệnh thận.
  • Để theo dõi các tác dụng phụ của thuốc, bao gồm: tổn thương thận hoặc chức năng thận bị thay đổi.
  • Để theo dõi chức năng của thận được cấy ghép.

Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm creatinin máu

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ chỉ định xét nghiệm creatinin máu khi bạn có các dấu hiệu của bệnh thận. Các triệu chứng điển hình bạn có thể dùng để nhận biết thận không ổn như:2 3

  • Mệt mỏi;
  • Chán ăn;
  • Khó ngủ, bọng xung quang mắt;
  • Mặt, cổ tay, mắt cá chân hoặc bụng sưng phù;
  • Đau ở vùng lưng dưới;
  • Lượng nước tiểu và tần suất đi tiểu thay đổi, nước tiểu có bọt hoặc có máu;
  • Buồn nôn và nôn.

Xét nghiệm này cũng được chỉ định đối với đối tượng có một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận. Bao gồm người có:1

Ngoài ra, xét nghiệm creatinin cũng rất quan trọng cho bệnh nhân hậu COVID. Bên cạnh những tổn thương trên phổi, tim và não, COVID-19 còn để lại nhiều di chứng nghiêm trọng trên thận. Nghiên cứu cho thấy rằng có đến một nửa số người nhập viện vì nhiễm COVID bị tổn thương thận thể cấp tính. Đây là tình trạng đột ngột, ở một số người còn bị suy thận nghiêm trọng trong vài giờ hoặc vài ngày. Điều này khiến chất thải tích tụ trong máu và gây tử vong.4

Xét nghiệm creatinin cũng giúp theo dõi chức năng thận ở bệnh nhân hậu COVID-19
Xét nghiệm creatinin cũng giúp theo dõi chức năng thận ở bệnh nhân hậu COVID-19

Ngoài ra, trên thực tế đã ghi nhận nhiều di chứng hậu COVID trên thận khác như: tổn thương tế bào thận kèm theo sốc nhiễm trùng, tăng đông máu, nhiễm trùng thận. Người đã từng bị COVID-19 nên chú ý những biểu hiện tổn thương thận sau đây: đi tiểu với lượng ít hơn, sưng mắt cá chân và quanh mắt, mệt mỏi, hụt hơi, cảm thấy khó chịu, buồn nôn, động kinh hoặc hôn mê, đau hoặc tức ngực.4

Cần lưu ý gì trước khi xét nghiệm định lượng creatinin máu?

Một trong những vấn đề được quan tâm khi xét nghiệm creatinin là xét nghiệm creatinin có cần nhịn ăn không?

Khâu chuẩn bị cho xét nghiệm creatinin máu không nhiều, bạn không cần nhịn ăn uống.  Tuy nhiên, ở một số cơ sở, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tránh ăn thịt trong một thời gian nhất định trước khi xét nghiệm. Nếu đang dùng chất bổ sung creatine, bạn có thể cần phải ngừng sử dụng.1 2

Bên cạnh đó, cần báo cho bác sĩ những loại thuốc bản thân đang sử dụng (nếu có). Những thuốc có thể làm tăng nồng độ creatinin mặc dù thận vẫn hoạt động bình thường, bao gồm: cimetidin, thuốc chống viêm không steroid, kháng sinh cephalosporin, thuốc hóa trị.2 

Trong quá trình xét nghiệm creatinin máu, bạn cần lưu ý những điều sau:2 3

  • Vị trí kim tiêm lấy máu có thể để lại cảm giác châm chích và đau nhẹ. 
  • Bạn cần làm theo tất cả hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất.
  • Phạm vị bình thường của creatinin sẽ khác nhau tùy vào phòng thí nghiệm. 
  • Bạn cần giữ tinh thần thoải mái trước khi xét nghiệm để không ảnh hưởng đến nồng độ chất cần kiểm tra.

Quy trình xét nghiệm creatinin máu

Xét nghiệm creatinin trong máu khá đơn giản dựa trên một mẫu máu nhỏ. Nhân viên y tế sẽ sát trùng vùng lấy mẫu máu trên cánh tay bằng cồn y tế. Tiếp theo, họ buộc một dải băng quanh cánh tay để làm cho các tĩnh mạch phồng lên. Sau khi tìm thấy tĩnh mạch, họ đưa kim tiêm vào để lấy máu. Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Cuối cùng, bác sĩ thông báo đến bạn kết quả của xét nghiệm sau một hoặc vài ngày.2

Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích khi kim đi vào hoặc đi ra. Quá trình lấy máu thường mất ít hơn năm phút.3

Quy trình lấy máu sẽ do chuyên viên y tế có chuyên môn thực hiện
Quy trình lấy máu sẽ do chuyên viên y tế có chuyên môn thực hiện

Cách đọc kết quả xét nghiệm creatinin máu

Kết quả xét nghiệm creatinin máu được đo bằng đơn vị miligam trên decilit máu (mg/dL). Mức creatinin bình thường nằm trong khoảng 0,9 mg/dL đến 1,3 mg/dL ở nam giới và 0,6 mg/dL đến 1,1 mg/dL ở nữ giới. Nồng độ chất này cao hơn ở người nhiều cơ bắp. Ngoài ra, kết quả cũng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính. Đến độ tuổi 60 thì nồng độ creatinin không quá khác biệt giữa tất cả mọi người.2 

Khi nồng độ creatinin cao hơn mức bình thường thì bác sĩ sẽ phần nào đánh giá được chức năng thận. Những nguyên nhân khiến nồng độ chất này tăng như: tổn thương trên thận, thận bị nhiễm trùng, cơ thể mất nước, ăn nhiều protein, tắc nghẽn đường niệu, máu đến thận giảm (suy tim xung huyết, biến chứng đái tháo đường, sốc,…).2

Ngoài ra, nồng độ chất này còn tăng cao khi thận bị tổn thương cấp hoặc mãn tính. Đôi khi creatinin giảm do mất cơ và không phải là vấn đề nghiêm trọng.2

Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả creatinin máu

Xét nghiệm creatinin máu cho kết quả bất thường không phải lúc nào cũng là do vấn đề về thận. Một số yếu tố sau đây có thể tạm thời làm tăng mức creatinine:3

  • Thai kỳ.
  • Tập luyện với cường độ cao.
  • Chế độ ăn nhiều thịt đỏ.
  • Một số loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng nồng độ creatinin.

Vì thế, bạn nên trao đổi cẩn thận với bác sĩ sau khi có kết quả xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất.

Xét nghiệm creatinin đánh giá chức năng thận ở đâu? Chi phí bao nhiêu?

Xét nghiệm creatinin máu đánh giá chức năng thận là một thí nghiệm cơ bản và hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc đều thực hiện được. Xét nghiệm creatinin máu cần thiết cho những người đã từng nhiễm COVID-19; chính vì vậy, xét nghiệm này thường thuộc các gói khám hậu COVID chuyên sâu.

Để đảm bảo độ chính xác và an toàn, bạn đọc nên lựa chọn các đơn vị xét nghiệm uy tín. Có thể dựa vào các yếu tố sau đây để đánh giá:

  • Cơ sở có y bác sĩ, kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm, vững chuyên môn, tư vấn tận tâm.
  • Đơn vị trang bị công nghệ xét nghiệm và trang thiết bị tiên tiến.
  • Quy trình xét nghiệm an toàn. Thời gian xét nghiệm nhanh chóng và chuẩn xác.
  • Chi phí hợp lý, báo giá rõ ràng.
  • Không gian xét nghiệm thân thiện.

YouMed đã tổng hợp một vài đơn vị xét nghiệm máu creatinin kèm theo giá trong bảng dưới đây. Lưu ý, chi phí trong bảng chỉ mang tính tham khảo, giá thực tế có thể thay đổi tùy theo thời điểm và các dịch vụ kèm theo (nếu có).

Tên cơ sở Địa chỉ Giá tham khảo
Bệnh viện Bạch Mai 78 Đường Giải Phóng, Phương Đình, Đống Đa, Hà Nội. 21.500 – 25.000 VNĐ.
Bệnh viện – Phòng khám Đa khoa Medlatec Cơ sở 1: 42 – 44 Nghĩa Dũng, Phúc xá, Ba Đình, Hà Nội.

Cơ sở 2: Số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.

Cơ sở 3: Số 3 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.

Cơ sở Thanh Hóa: Số 12-14 Phạm Ngũ Lão, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Giá dịch vụ: 39.000 VNĐ.

Giá BHYT: 21.500 VNĐ.

Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông 143 Nguyễn Phong Sắc, Hưng Dũng, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. 21.500 VNĐ
Bệnh viện Chợ Rẫy 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM. 21.500 VNĐ.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP.HCM. 21.500 VNĐ – 25.000 VNĐ.
Bệnh viện Hùng Vương 128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM. Giá BHYT: 21.500 VNĐ.

Giá dịch vụ: 35.000 VNĐ.

Giá nước ngoài: 42.000 VNĐ.

Bệnh viện Quân y 175 786 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM Giá dịch vụ: 28.000 VNĐ.

Giá BHYT: 21.500 VNĐ.

Xét nghiệm creatinin máu giúp phát hiện bệnh trên thận, theo dõi tiến triển bệnh và đánh giá điều trị. Hy vọng rằng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn nhiều kiến thức hữu ích về loại xét nghiệm này. Bạn hãy luôn quan sát những triệu chứng của mình và người thân để luôn làm chủ sức khỏe.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Creatinine testshttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/creatinine-test/about/pac-20384646

    Ngày tham khảo: 23/04/2022

  2. Creatinine Blood Testhttps://www.healthline.com/health/creatinine-blood

    Ngày tham khảo: 23/04/2022

  3. Creatinine Testhttps://medlineplus.gov/lab-tests/creatinine-test/

    Ngày tham khảo: 23/04/2022

  4. COVID-19 and Your Kidneys: What You Should Knowhttps://www.webmd.com/lung/covid-kidneys-damage-coronavirus#1

    Ngày tham khảo: 23/04/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người