YouMed

Bé bị cảm cúm: nguyên nhân và cách điều trị

bác sĩ nguyễn ngọc mai
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai
Chuyên khoa: Nhi

Cảm cúm (hay cúm) là một bệnh rất phổ biến trong cộng đồng. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn non yếu nên các bé rất thường xuyên mắc bệnh cảm cúm. Vậy, bệnh cúm nguyên nhân do đâu? Triệu chứng của bệnh ra sao và cách điều trị cũng như chăm sóc như thế nào khi bé bị cảm cúm? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Tổng quan về bệnh cảm cúm ở trẻ em

1. Định nghĩa

Cảm cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện như: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Đặc biệt ở trẻ em, có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn và nôn, tiêu chảy.

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ em – đối tượng có hệ miễn dịch non nớt, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn, dẫn đến viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não và thậm chí nghiêm trọng hơn là tử vong.1

Việc tìm hiểu về bệnh viêm phế quản ở trẻ em, cũng như nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều kiến thức trong việc bảo vệ và phòng ngừa bệnh cho con trẻ. Hiểu được điều này, YouMed đã trình bày các thông tin qua bài viết Viêm phế quản ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị. Bạn đọc có thể tham khảo thêm để có cái nhìn tổng quan về bệnh nhé!

2. Mức độ phổ biến của bệnh cúm

Cúm rất dễ lây lan nên khả năng bệnh thành dịch rất cao. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Tỷ lệ tấn công của bệnh cúm là 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em.

Trẻ em từ 5 – 9 tuổi là đối tượng có tỷ lệ mắc cúm cao nhất. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi, và những người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc cúm là những đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao.1

Nguyên nhân bé bị cảm cúm

Virus cúm (Influenza virus) là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cúm trên tất cả mọi đối tượng. Virus cúm được chia thành 3 loại:

  • Virus cúm A và cúm B: Là hai chủng gây bệnh phổ biến nhất. Chúng có tốc độ và mức độ lây nhiễm rất cao, và có khả năng bùng phát thành dịch. Các chủng virus thường biến đổi liên tục. Điều này có nghĩa là bất kỳ đối tượng nào cũng có thể nhiễm chủng virus cúm mới mỗi năm.
  • Virus cúm C: Chủng này thường gây ra các triệu chứng đường hô hấp nhẹ, và có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Cúm C được đánh giá là ít gây những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng như cúm A và B.

Virus cúm có thể lây lan từ trẻ này sang trẻ khác khi hắt hơi hoặc ho. Tỷ lệ lây lan càng cao khi tiếp xúc thân mật và trực tiếp; đặc biệt ở những nơi đông người như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi cho trẻ em,… Các hạt nước bọt do người bệnh bắn vào không khí là con đường lậy nhiễm chính của bệnh cảm cúm.

Bên cạnh đó, virus cúm có thể sống trong một khoảng thời gian ngắn trên các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn học, đồ chơi, dụng cụ học tập, các thiết bị điện tử, dụng cụ ăn uống,… mà người bệnh đã chạm vào. Trẻ em có thể mắc bệnh cúm khi tiếp xúc với các bề mặt này và đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Ở trẻ em, trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm thấp và hệ miễn dịch còn non yếu, nên sẽ dễ bị lây nhiễm và là đối tượng mắc bệnh cúm chủ yếu.1 2

Do hệ miễn dịch còn non yếu nên trẻ em là đối tưởng dễ mắc bệnh cúm
Do hệ miễn dịch còn non yếu nên trẻ em là đối tưởng dễ mắc bệnh cúm

Triệu chứng bé bị cảm cúm

Ở trẻ em, khoảng 2 ngày sau khi tiếp xúc virus cúm (thời gian ủ bệnh), trẻ có thể sẽ có các triệu chứng như:3

  • Sốt (có thể trên 39°C).
  • Ớn lạnh.
  • Ho, đau họng.
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
  • Chán ăn, bỏ ăn.
  • Có thể xuất hiệu triệu chứng tiêu chảy.

Với những bé lớn hơn có thể ghi nhận thêm các triệu chứng đau cơ, đau mỏi tay chân, nhức ở hóc mắt.

Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng có thể bao gồm:4

  • Bú kém.
  • Quấy khóc.
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Ho, nghẹt mũi.
  • Có thể sốt cao.

Phân biệt cảm cúm với cảm lạnh ở trẻ em

Có thể phân biệt cảm lạnh và cảm cúm qua những điểm cơ bản sau:5

Các đặc điểm Cảm lạnh Cảm cúm
Nguyên nhân Gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Thông thường do hai chủng virus cúm A, virus cúm B gây ra.
Biểu hiện
  • Sốt nhẹ hơn, tuy nhiên cũng có trẻ sốt cao hoặc là không sốt.
  • Thường ít biểu hiện đau hơn cảm cúm.
  • Các dấu hiệu viêm kết mạc, sưng phù mí mắt, đỏ mắt, có gỉ mắt… là dấu hiệu có thể gặp trong cảm lạnh thông thường.
  • Sốt cao, đột ngột, có thể trên 38°C-39°C.
  • Biểu hiện đau thường rõ rệt hơn, chủ yếu là đau đầu, đau cơ bắp, đau nhức khắp cơ thể. Trẻ nhỏ chưa biết nói chuyện thường chỉ thể hiện ra là quấy khóc, kích thích nhiều.
Biến chứng Khá lành tính và đa số tự khỏi trong vòng 1 tuần, nhưng 1 số trẻ có thể có các biến chứng như: viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp, viêm tiểu phế quản cấp (với trẻ dưới 2 tuổi), kích phát cơn hen đối với trẻ có bệnh hen, viêm phổi, khởi phát các bệnh lí miễn dịch, bội nhiễm vi khuẩn. Giống như cảm lạnh nhưng bệnh cúm mùa có thể có những biến chứng nặng: viêm hệ thần kinh trung ương, viêm cơ, viêm cơ tim

Biến chứng của bệnh cảm cúm ở trẻ em

Bệnh cúm thường lành tính và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến năng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các biến chứng do cúm.

Các biến chứng của cúm có thể kể đến như: viêm đường hô hấp (viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát…); hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp (viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim), đặc biệt có khả năng gây tử vong cao đối với trẻ mắc bệnh mạn tính.

Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là hội chứng Reye (gây phù gan và não). Mặc dù hội chứng này rất ít gặp nhưng có thể gây ra những biến chứng nặng nề và có tỷ lệ tử vong rất cao. Hội chứng Reye thường gặp ở trẻ từ 2 – 16 tuổi, và xuất hiện sau vài ngày bị cúm.3

Khi nào cần gặp bác sĩ?

1. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu cảm cúm bao gồm: sốt cao, ho nhiều, quấy khóc, bỏ bú,… Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, xử trí kịp thời.3

2. Đối với trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên

Phụ huynh nên đưa trẻ đến các bác sĩ nhi khoa, hoặc cơ sở y tế gần nhất để thăm khám nếu trẻ có các triệu chứng như:3

  • Sốt cao quá 39°C trên 2 ngày;
  • Đau tai: bé có thể lấy tay đập hay vò tai, cựa tai vào nệm hay chăn, người lớn đụng vào tai là khóc,…;
  • Tai, mắt chảy dịch màu đỏ hoặc màu vàng;
  • Mắt đổ ghèn;
  • Ho nặng tiếng;
  • Nước mũi đặc xanh;
  • Thở nhanh, thở mệt, khò khè,…;
  • Khi phụ huynh cảm thấy quá lo lắng.

Bên cạnh đó, cần chú ý một số triệu chứng nghiêm trọng hơn ở trẻ như: ngủ li bì khó đánh thức trẻ dậy, co giật, không uống được hoặc bỏ bú, nôn (ói) tất cả mọi thứ, có dấu hiệu tím tái, có tiếng thở rít khi nằm yên… Ngay lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu và nhập viện gấp để được xử trí kịp thời.5

Chẩn đoán bé bị cảm cúm như thế nào?

Chuẩn đoán nghi ngờ bị mắc cảm cúm dựa vào các dấu hiệu sau đây:6

  • Có yếu tố dịch tể, sống, từng đến hoặc tiếp xúc với nơi có dịch, người đang mắc cúm.
  • Sốt (thường trên 38°C), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
  • Hình ảnh chụp X-quang phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi.
  • Xét nghiệm công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm.

Xác định bệnh cảm cúm khi có các dấu hiệu chuẩn đoán trên; kết hợp với kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm bằng kỹ thuật RT-PCR, hoặc real time RT-PCR, hoặc nuôi cấy vi rút đối với các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản.6

Cách điều trị cảm cúm ở trẻ em

Bệnh cảm cúm thông thường có thể tự khỏi và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày. Tuy nhiên, tùy theo triệu chứng và mức độ bệnh, độ tuổi của bé mà có những cách điều trị khác nhau.

1. Bệnh cúm mức độ nhẹ

Nếu bệnh được chẩn đoán chỉ ở mức độ nhẹ, thì có thể điều trị tại nhà bằng các loại thuốc điều trị triệu chứng, kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà như cho trẻ uống nhiều nước, nghỉ ngơi.3 5

2. Bệnh cúm mức độ nặng

Khi trẻ có những biểu hiện sau, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay:7

  • Sốt cao liên tục ≥ 39ºC, dùng thuốc hạ sốt nhưng không có hiệu quả.
  • Co giật, trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú.
  • Chân tay lạnh, trẻ khó thở, thở nhanh.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi sốt cao liên tục trên 39 độ C
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi sốt cao liên tục trên 39 độ C

Trong những trường hợp này, tùy theo mức độ bệnh, trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định các loại thuốc phù hợp như thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh,…; cũng như những lời khuyên, lưu ý trong việc chăm sóc bé cho các bậc phụ huynh.

Lưu ý, đối với trẻ sơ sinh nếu có các biểu hiện của cảm cúm cần đưa đến gặp bác sĩ ngay để đảm bảo an toàn cho bé.

Thuốc trị cảm cúm cho bé

Cảm cúm là một bệnh do virus gây ra nên thường không có thuốc đặc trị mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Trẻ mắc cúm thông thường sẽ sốt cao và nhanh, có thể cho trẻ dùng paracetamol, ibuprofen để hạ sốt nếu được bác sĩ cho phép. Lưu ý, không sử dụng aspirin cho trẻ khi bị sốt.3 6

Cần lưu ý việc sử dụng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu còn tùy thuộc vào triệu chứng bệnh, mức độ bệnh, cũng như độ tuổi của trẻ,… Vì vậy, tốt nhất, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc; mà nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng các loại thuốc cảm cúm cho trẻ.

Ngoài ra, trong trường hợp bé có các triệu chứng nặng có nguy cơ biến chứng, cần đến bác sĩ, bệnh viện để thăm khám thì các loại thuốc có thể được chỉ định thêm như:2 6

  • Thuốc kháng virus thường sử dụng hiện nay: oseltamivir (tamiflu) hoặc zanamivir.
  • Các loại thuốc kháng sinh nếu nghi ngờ có nhiễm khuẩn.

Lưu ý đây là những thuốc kê đơn, việc sử dụng và liều lượng sử dụng các thuốc kê đơn phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Phụ huynh không tự ý mua các thuốc này sử dụng. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh để đảm bảo an toàn, việc sử dụng bất kỳ các loại thuốc nào cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cách chữa cảm cúm cho bé tại nhà

Bệnh cúm thường lành tính và khả năng tự khỏi cao. Tuy nhiên, bệnh rất dễ lây lan thành dịch nên phụ huynh cũng cần lưu ý thận trọng trong quá trình điều trị cũng như chăm sóc bé tại nhà. Sau đây là một số điều cần lưu ý khi chữa cảm cúm cũng như chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà.7

1. Hạ sốt

Khi trẻ sốt ≥ 38,5ºC cần:

  • Nới rộng quần áo cho trẻ.
  • Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn (Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được).
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4 – 6 giờ uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5ºC.

2. Vệ sinh đường hô hấp

  • Dùng khăn mềm, sách vệ sinh mũi, miệng cho trẻ và vức ngay khi sử dụng xong.
  • Dùng nước muối sinh lý 9‰ để nhỏ mắt, mũi cho bé.
  • Cho bé sút miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
  • Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ với cả bé và người chăm sóc.
  • Hạn chế không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Thường xuyên dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt, mũi cho trẻ
Thường xuyên dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt, mũi cho trẻ

3. Dinh dưỡng

  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ một cách toàn diện và phong phú. Ưu tiên cho bé ăn những thức ăn mềm, dễ nuốt.
  • Đặc biệt lưu ý, cho trẻ uống nhiều nước trong giai đoạn này.
  • Nếu trẻ đang trong giai đoạn bú mẹ, tăng cường cung cấp dinh dưỡng cho trẻ thông qua sữa mẹ. Nếu trẻ có ho nhiều, nên chia nhỏ các cử bú của bé ra để tránh bị nôn.

Lưu ý, nếu trẻ trở nặng, hoặc không khỏi bệnh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Cách phòng ngừa cảm cúm ở trẻ

Để phòng ngừa cúm cho bé cũng như hạn chế lây lan, phụ huynh cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Tập thói quen đeo khẩu trang cho trẻ: khi đến nơi công cộng, khi gặp người lạ,…
  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ và hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách.
  • Xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng qua các bữa ăn hàng ngày.
  • Hạn chế đưa trẻ đến nơi tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
  • Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, lau dọn các bề mặt tiếp xúc bằng các dung dịch, xà phòng phù hợp.
  • Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng.
  • Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm.
  • Trẻ bị cúm nên được cách ly và người chăm sóc trẻ phải đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm.
  • Nếu đang trong độ tuổi đi học, phụ huynh nên giáo dục bé các biện pháp phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ lây lan. Không khạc nhổ bừa bãi, vệ sinh hô hấp khi ho khạc.

Tiêm vắc xin phòng cúm ở trẻ em

1. Tổng quan về vắc xin cúm

Tiêm vắc xin cúm hằng năm được xem là phương pháp phòng ngừa cúm tốt nhất. Vì có rất nhiều chủng virus khác nhau, cũng như virus cúm có thể biến đổi liên tục. Vì vậy, các loại vắc xin cúm luôn được nghiên cứu, cập nhật, và thay đổi hàng năm để phù hợp với chủng virus cúm đang lưu hành năm đó.2

Vắc xin cúm nên được tiêm trước khi mùa cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Sau khi tiêm vắc xin khoảng 2 tuần, cơ thể có thể hình thành kháng thể bảo vệ khỏi các chủng virus có trong vắc xin.8

Tiêm vắc xin cúm cho trẻ là một phương pháp giúp phòng ngừa cảm cúm hiệu quả
Tiêm vắc xin cúm cho trẻ là một phương pháp giúp phòng ngừa cảm cúm hiệu quả

2. Đối tượng nên tiêm phòng cúm

Bất kỳ đối tượng nào từ 6 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm vắc xin phòng cúm. Đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao:9

  • Phụ nữ đang mang thai và có kế hoạch mang thai.
  • Người chăm sóc trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi là những đối tượng nên tiêm vắc xin cúm.
  • Người trên 65 tuổi.
  • Cán bộ y tế.
  • Người có bệnh nền mạn tính.
  • Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhiễm cúm.

3. Nhóm trẻ em cần lưu ý khi tiêm phòng cúm

Cần lưu ý đối với những đối tượng trẻ em sau đây không nên tiêm phòng vắc xin cúm mùa:8

  • Bé chưa đủ 6 tháng tuổi.
  • Bé từng có những phản ứng nghiêm trọng với vắc xin phòng cúm trong những đợt tiêm trước.

Đối với bé có tiền sử dị ứng với bất kỳ chất hay thực phẩm nào, phụ huynh cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn cụ thể có nên tiêm phòng cúm hay không. Tốt nhất, ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp các chuyên gia y tế để được tư vấn phù hợp nhất với tình trạng của mỗi trẻ.8

4. Một số tác dụng phụ của vắc xin cúm

Sau khi tiêm vắc xin, trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau:8

  • Đau, hoặc sưng tấy, nổi mẩn đỏ ở vết tiêm.
  • Ở những trẻ chưa từng nhiễm virus cúm, sau khi tiêm có thể bị sốt nhẹ, cảm thấy đau và mệt mỏi. Các triệu chứng này có thể kéo dài đến 2 ngày.

Để nhận biết các triệu chứng của tác dụng phụ sau khi tiêm ở trẻ, phụ huynh nên hỏi bác sĩ tiêm phòng để được tư vấn cụ thể, cũng như có cách xử trí phù hợp khi gặp phải.

Trên đây là những thông tin về vấn đề bé bị cảm cúm, cách điều trị, chăm sóc cũng như phòng ngừa cúm cho trẻ. Qua bài viết này, mong rằng quý phụ huynh sẽ có thêm kiến thức tham khảo để áp dụng khi chăm sóc bé nhà mình những lúc cảm cúm nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bệnh Cúmhttps://vncdc.gov.vn/benh-cum-nd14502.html

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

  2. Influenza (Flu) in Childrenhttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/influenza/influenza-flu-in-children

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

  3. Những dấu hiệu trẻ bị cúm nặng cần gặp bác sĩ ngayhttps://suckhoedoisong.vn/nhung-dau-hieu-tre-bi-cum-nang-can-gap-bac-si-ngay-169189485.htm

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

  4. Flu Symptoms in Babies: Signs, Treatment, and When to Call a Doctorhttps://www.goodrx.com/conditions/flu/flu-in-infants

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

  5. Cảm lạnh và cảm cúm ở trẻ em khác nhau thế nào?https://suckhoedoisong.vn/cam-lanh-va-cam-cum-o-tre-em-khac-nhau-the-nao-169127511.htm

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

  6. Quyết định 2078/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùahttps://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-2078-QD-BYT-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-cum-mua-126333.aspx

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

  7. Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị mắc cúm tại nhàhttps://benhviennhitrunguong.gov.vn/huong-dan-cach-cham-soc-tre-bi-mac-cum-tai-nha.html

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

  8. Những điều cần biết khi tiêm vắc-xin cúmhttps://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/nhung-ieu-can-biet-khi-tiem-vac-xin-cum

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

  9. Vắc- xin Cúm: Những lưu ý bạn cần biết trước khi đi tiêmhttps://trungtamytequan1.medinet.gov.vn/tiem-chung/vac-xin-cum-nhung-luu-y-ban-can-biet-truoc-khi-di-tiem-c14933-35749.aspx

    Ngày tham khảo: 05/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người