Bệnh mất ngủ ở người già: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Nội dung bài viết
Mất ngủ ở người già là tình trạng phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nhưng phổ biến nhất là tình trạng thay đổi nội tiết tố, các bệnh lý mạn tính. Vậy nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này ở người già như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu chủ đề bệnh mất ngủ ở người già trong bài viết của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang nhé!
Bệnh mất ngủ ở người già là gì?
Bệnh mất ngủ được định nghĩa là khó bắt đầu hoặc duy trì giấc ngủ, hoặc cả hai, mặc dù có đủ cơ hội và thời gian để ngủ, dẫn đến suy giảm chức năng ban ngày. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi bao gồm cả trẻ em. Nhưng nhìn chung người già, lớn tuổi thường dễ mắc bệnh này hơn; phụ nữ cũng dễ bị mất ngủ hơn nam giới.1 2
Ở nước ta, chưa có thống kê cụ thể, nhưng thực tế thấy, mất ngủ có xu hướng gia tăng nhanh ở người lớn tuổi trong những năm gần đây. Và thường do nhiều nguyên nhân đan xen, gây ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày.1
Mất ngủ có thể là tạm thời (xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần) hoặc mãn tính (kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm).3
Nguyên nhân mất ngủ ở người già
Những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh mất ngủ ở người già bao gồm:
Chứng suy giảm hoạt động ban ngày4
Nếu người cao tuổi không giữ một lịch trình đi ngủ và thức dậy ổn định có thể khiến họ khó có được giấc ngủ ngon. Một số người buồn ngủ quá mức vào ban ngày, cảm giác mệt mỏi và khó chịu, tâm trạng bất ổn và cáu kỉnh, cũng như khó tập trung và chú ý. Tình trạng này được coi là mất ngủ ngắn hạn.5
Nếu những triệu chứng này xảy ra ít nhất ba lần mỗi tuần và kéo dài ít nhất ba tháng, thì có thể được chẩn đoán bệnh mất ngủ mãn tính.
Thuốc
Một số loại thuốc có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ bao gồm:3
- Thuốc lợi tiểu uống vào ban đêm.
- Một số loại thuốc cảm lạnh và dị ứng.
- Thuốc giảm cân hoặc thuốc “tăng lực”.
- Một số loại thuốc chống trầm cảm (thuốc dùng để điều trị nỗi buồn sâu sắc).
Bệnh lý mạn tính
Bệnh mất ngủ ở người già còn xảy ra do mắc các bệnh lý mạn tính, bao gồm:3
- Hen suyễn hoặc các vấn đề về hô hấp khác như khí phế thủng.
- Các bệnh gây đau, chẳng hạn như viêm khớp.
- Bệnh tim.
- Bệnh thận.
- Bệnh tiểu đường.
- Bệnh tuyến giáp.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Các vấn đề về tuyến tiền liệt có thể khiến bạn thức dậy nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu dẫn đến mất ngủ.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Hội chứng chân không yên.
- Bệnh Parkinson.
- Bệnh sa sút trí tuệ (Dementia) hoặc Alzheimer.
Nguyên nhân khác3
- Sử dụng caffeine, thường có trong trà, sô-cô-la, cà phê,…
- Sử dụng Nicotine hoặc hút nhiều thuốc lá.
- Căng thẳng, lo âu, trầm cảm cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi.
- Môi trường xung quanh nhiều tiếng ồn, đông đúc.
Triệu chứng bệnh mất ngủ ở người già
Triệu chứng của bệnh mất ngủ ở người già thường là khó đi vào giấc ngủ. Họ thường thức dậy nhiều lần mỗi đêm hoặc thức dậy quá sớm.
Giấc ngủ chất lượng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Mất ngủ thường xuyên có thể gây ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất, chưa kể đến chất lượng cuộc sống.6
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:7
- Mất rất nhiều thời gian thì mới có thể ngủ được. Chất lượng giấc ngủ kém, thường hay thức giấc lúc đêm và không ngủ lại được.
- Trằn trọc, lo lắng.
- Giấc ngủ bị gián đoạn.
- Khó tập trung hoặc ghi nhớ mọi thứ.
- Cảm thấy bứt rứt, khó chịu trong người.
- Nhức đầu.2
Xem thêm: Cách chữa mất ngủ cho người trung niên hiệu quả
Điều trị bệnh mất ngủ ở người già
Dùng thuốc7
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị bệnh mất ngủ ở người già, chẳng hạn như:
- Eszopiclone (Lunesta).
- Zolpidem (Ambien).
- Triazolam (Halcion).
Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không cần kê đơn và chất bổ sung như melatonin cũng có thể giúp giảm chứng mất ngủ. Cơ thể sản xuất hormone melatonin một cách tự nhiên trong chu kỳ ngủ. Việc bổ sung melatonin có thể làm giảm một chút thời gian để khởi phát giấc ngủ.
Vẫn chưa có nghiên cứu về việc melatonin lâu dài có an toàn hay không. Nhưng chúng vẫn được xem là an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn.
Xem thêm: Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị mất ngủ
Liệu pháp tâm lý8
Liệu pháp tâm lý còn gọi là liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioral therapy, CBT). Các bác sĩ khuyến cáo đây là phương pháp có hiệu quả điều trị mất ngủ ở người lớn tuổi. Liệu pháp nhận thức – hành vi bao gồm:
Liệu pháp kích thích – kiềm chế
- Chỉ nằm trên giường khi buồn ngủ.
- Chỉ sử dụng phòng ngủ cho mục đích ngủ và sinh hoạt tình dục.
- Di chuyển sang phòng khác khi không thể ngủ được sau 15 – 20 phút. Đọc sách hoặc làm các động tác yên tĩnh khác và trở lại giường ngủ chỉ sau khi cảm thấy buồn ngủ.
- Xây dựng thời gian biểu cho giấc ngủ đều đặn.
- Tránh ngủ quá nhiều vào ban ngày.
Liệu pháp ngủ hạn chế
- Giảm thời gian nằm trên giường nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian ngủ tối thiểu là 5 giờ.
- Tăng thời gian nằm trên giường 15 phút mỗi tuần đến khi hiệu suất ngủ ước tính đạt ít nhất 90%. Hiệu suất ngủ là tỷ lệ giữa thời gian ngủ và thời gian nằm trên giường.
Liệu pháp thư giãn và liệu pháp nhận thức
Chúng ta có thể tìm hiểu những tài liệu, tin tức để hiểu đúng và giấc ngủ. Từ đó, hỗ trợ gia đình, nhất là người cao tuổi có một giấc ngủ đủ giấc và chất lượng vào ban đêm.
Vệ sinh giấc ngủ
Điều chỉnh những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng đến giấc ngủ. Chẳng hạn như nhiệt độ phòng ngủ, việc sử dụng rượu, nicotine hoặc caffeine, tiếng ồn,…
Ngồi thiền7
Thiền giúp thúc đẩy nhận thức và thư giãn. Nó không chỉ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giúp bạn dễ ngủ hơn. Nó cũng có thể giúp giảm căng thẳng, lo lắng và đau đớn. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng có thể giúp bạn bắt đầu thiền định.
Xây dựng thói quen sống khoa học
- Hạn chế sử dụng caffein vào buổi chiều.7
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.7
- Đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ vào mỗi buổi sáng.3
- Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn ngủ ngon hơn. Không tập thể dục vào buổi tối hoặc ban đêm vì nó có thể khiến bạn không ngủ được.3
- Hạn chế ngủ vào ban ngày.3
- Uống quá nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ sẽ khiến bạn phải thức dậy để đi vệ sinh.3 Vì vậy, nên hạn chế uống nước trong vòng 2 – 3 giờ trước khi ngủ. Điều này để đảm bảo giấc ngủ ban đêm không bị gián đoạn.
Hy vọng qua bài viết trên bạn đã có được thêm kiến thức về tình trạng bệnh lý này. Nếu bị rối loạn giấc ngủ liên tục, không điều chỉnh được bằng các biện pháp điều trị thay đổi lối sống nêu trên. Bạn hãy đưa người cao tuổi đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Đặc biệt là người gặp tình trạng luôn buồn ngủ vào ban ngày nhưng cũng không ngủ được. Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và phương pháp phù hợp để cải thiện bệnh mất ngủ ở người già.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chữa mất ngủ ở người cao tuổi không dùng thuốchttps://suckhoedoisong.vn/chua-mat-ngu-o-nguoi-cao-tuoi-khong-dung-thuoc-169125538.htm
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Insomnia: Causes, Treatment, Symptoms, 3 Types & Medicationshttps://www.medicinenet.com/insomnia/article.htm
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Insomnia in Older Peoplehttps://www.drugs.com/cg/insomnia-in-older-people.html
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Insomnia and Older Adultshttps://www.sleepfoundation.org/insomnia/older-adults
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Sleep in the Elderly: Burden, Diagnosis, and Treatmenthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC427621/
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Sleep and Aging: Causes of Sleep Problems in Older Peoplehttps://www.webmd.com/healthy-aging/guide/sleep-aging
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Insomnia: Causes, Symptoms, Types, and Morehttps://www.healthline.com/health/insomnia
Ngày tham khảo: 15/04/2022
-
Liệu pháp nhận thức - hành vi trong điều trị bệnh lý mất ngủhttps://suckhoedoisong.vn/lieu-phap-nhan-thuc-hanh-vi-trong-dieu-tri-benh-ly-mat-ngu-169117772.htm
Ngày tham khảo: 15/04/2022