YouMed

7 cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung mà chị em nên biết

Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lương Huy - Chuyên khoa Ung bướu
Tác giả: ThS.BS.CKI Phan Lương Huy
Chuyên khoa: Ung bướu

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của phụ nữ. Việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung một cách chủ động có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phan Lương Huy đọc bài viết sau để tìm hiểu thêm về cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung nhé!

Hiểu nguyên nhân ung thư cổ tử cung

1. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm một số loại vi rút gây u nhú ở người (Human Papillomavirus – HPV) có nguy cơ cao. HPV có thể lây lan qua:

  • Các hình thức tiếp xúc da kề da trong vùng sinh dục;
  • Qua việc quan hệ tình dục bằng đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng;
  • Hoặc thông qua việc sử dụng chung đồ chơi tình dục.

2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung

Một số yếu tố có thể tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, bao gồm:1

  • Đời sống tình dục không an toàn.
  • Sử dụng thuốc tránh thai kéo dài.
  • Miễn dịch suy yếu. Người bị nhiễm HIV/AIDS, hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu, có nguy cơ cao mắc bệnh hơn.
  • Số lần sinh. Nếu phụ nữ đã sinh nhiều con hoặc sinh con từ khi còn nhỏ tuổi (dưới 20 tuổi). Họ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Mẹ sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES) khi mang thai. Nếu người mẹ khi mang thai đã sử dụng thuốc DES, em bé sinh ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
  • Người hút thuốc lá. Phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn so với những người không hút thuốc.

7 cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Việc hiểu biết và phòng ngừa bệnh ngay từ bây giờ có thể giúp chị em phụ nữ phòng tránh căn bệnh này.

Sau đây là 7 cách giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung mà chị em nên biết:

1. Tiêm phòng vắc-xin HPV

Vi-rút HPV là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ung thư cổ tử cung. Tiêm chủng vắc-xin HPV có thể giảm nguy cơ bị các bệnh ung thư do HPV gây ra. Dưới đây là một số thông tin về vắc-xin HPV mà bạn cần biết:

Vắc-xin HPV có tác dụng gì?

Các chủng vi rút HPV khác nhau lây lan qua quan hệ tình dục và có liên quan đến hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Hiện nay, vắc xin ngừa HPV – Gardasil 9 là loại vắc-xin được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận và có thể được sử dụng cho cả nam và nữ.2

Vắc-xin này có thể giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và âm hộ. Ngoài ra, vắc-xin còn có thể giảm nguy cơ mắc mụn cóc sinh dục, ung thư hậu mônung thư miệng, họng, đầu và cổ ở phụ nữ và nam giới.3

Nếu tiêm vắc-xin HPV trước khi tiếp xúc với vi-rút, nó có thể ngăn ngừa hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, tiêm vắc-xin cho các bé trai cũng có thể giúp giảm lây truyền các chủng vi-rút liên quan đến ung thư cổ tử cung và giảm nguy cơ cho các bé gái.

Tiêm phòng vắc xin HPV giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Tiêm phòng vắc xin HPV giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Lịch trình tiêm chủng4

CDC khuyến nghị vắc-xin HPV nên được tiêm cho trẻ em trong độ tuổi từ 11 đến 12, và có thể tiêm sớm nhất khi trẻ 9 tuổi; phản ứng với vắc-xin tốt hơn ở độ tuổi trẻ hơn. Tuy nhiên, lý tưởng nhất là tiêm vắc-xin trước khi trẻ có quan hệ tình dục và tiếp xúc với HPV. Việc tiêm vắc-xin khi còn trẻ không liên quan đến việc bắt đầu hoạt động tình dục sớm hơn. Cần lưu ý, vắc-xin có thể không hiệu quả sau khi đã bị nhiễm HPV.

Theo khuyến nghị của CDC, tất cả trẻ em 11 và 12 tuổi nên tiêm hai liều vắc-xin HPV cách nhau ít nhất sáu tháng. Trẻ em 9 và 10 tuổi và 13 và 14 tuổi cũng có thể tiêm theo lịch trình hai liều. Lịch trình hai liều có hiệu quả đối với trẻ em dưới 15 tuổi.

Thanh thiếu niên và thanh niên bắt đầu loạt tiêm vắc-xin muộn hơn, ở độ tuổi từ 15 đến 26, nên tiêm ba liều vắc-xin. Nếu chưa được tiêm đầy đủ, CDC khuyến nghị tiêm vắc-xin HPV bổ sung cho tất cả những người từ 26 tuổi trở lên.

Những ai không nên tiêm vắc-xin HPV?

Vắc-xin HPV không được khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai hoặc những người bị bệnh nặng. Nếu bạn có tiền sử dị ứng nghiêm trọng đối với men hoặc mủ cao su hoặc đã từng phản ứng nghiêm trọng với thành phần của vắc-xin hoặc liều vắc-xin trước đó, bạn không nên tiêm vắc-xin HPV.

Vắc-xin HPV có lợi cho những người đã có hoạt động tình dục không?

Ngay cả khi đã bị nhiễm một chủng vi-rút HPV, người bệnh vẫn có thể được bảo vệ khỏi các chủng vi-rút khác mà họ chưa tiếp xúc. Tuy nhiên, vắc-xin không thể điều trị nhiễm trùng HPV hiện có.

Vắc-xin HPV có gây tác dụng phụ không?

Vắc-xin HPV đã được nghiên cứu và chứng minh là an toàn. Hiệu ứng phụ thường nhẹ như đau, sưng hoặc mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Có thể xảy ra chóng mặt hoặc ngất xỉu; nhưng việc ngồi nghỉ ngơi trong vòng 15 phút sau khi tiêm có thể giảm nguy cơ. Một số tác dụng phụ khác có thể bao gồm đau đầu, buồn nôn và nôn, mệt mỏi hoặc suy nhược.5

2. Thực hiện lối sống lành mạnh

Một số thói quen sinh hoạt có thể giảm nguy cơ nhiễm vi-rút HPV và giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung nếu chẳng may bị nhiễm vi-rút. Một số lối sống mà bạn có thể thực hiện từ bây giờ như:

  • Từ bỏ hút thuốc lá.
  • Thay đổi chế độ ăn uống.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lí.
  • Quan hệ tình dục an toàn.

Tập thể dục đều đặn là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe chung và giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung. Các chuyên gia có thể tư vấn các bài tập an toàn và hiệu quả cho bạn. Tập thể dục có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường năng lượng, tâm trạng và hệ thống miễn dịch.

3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Bạn có thể tuân thủ một số hướng dẫn cơ bản để cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh; trong đó có ung thư cổ tử cung.

  • Giữ cân nặng ở mức lành mạnh.
  • Tham gia hoạt động thể chất.
  • Hạn chế thực phẩm có năng lượng cao và đồ uống có đường.
  • Ăn nhiều hoa quả, rau củ và các loại ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tiêu thụ một số lượng vừa phải thịt đỏ và tránh các loại thịt chế biến.
  • Uống rượu với liều lượng vừa phải.
  • Hạn chế lượng muối nạp vào.

Ăn gì để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung?

Hầu hết ung thư cổ tử cung do loại virus lây truyền qua đường tình dục – virus papilloma (HPV) gây ra. Nó thường không có hại, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể gây ra ung thư cổ tử cung. Một nghiên cứu cho thấy nếu một phụ nữ bị nhiễm HPV, việc ăn một hoặc nhiều khẩu phần của một số loại rau củ nhất định mỗi ngày có thể giúp cơ thể họ loại bỏ virus. Các loại rau củ trong nghiên cứu bao gồm:6

4. Không hút thuốc hoặc từ bỏ thuốc lá

Việc hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ việc nhiễm trùng HPV sẽ cứ kéo dài dai dẳng và phát triển thành ung thư cổ tử cung.7

Từ bỏ hút thuốc lá vừa có thể giúp làm giảm nguy cơ này, vừa giúp cơ thể có khả năng chống lại vi-rút HPV.8

Không hút thuốc lá là một trong những cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Không hút thuốc lá là một trong những cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

5. Quan hệ tình dục an toàn

Tất cả phụ nữ đã có hoạt động tình dục đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Điều này là do vi-rút HPV – một trong những nguyên nhân chính gây bệnh – có thể lây truyền qua đường tình dục. Phụ nữ chưa bao giờ có hoạt động tình dục ít có khả năng phát triển ung thư cổ tử cung.

Hoạt động tình dục khi còn quá trẻ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân là do cổ tử cung thay đổi trong tuổi dậy thì, làm cho khu vực này dễ bị tổn thương hơn.9

Ngoài ra, việc có nhiều bạn tình hoặc giao hợp với nhiều người cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi-rút HPV; và làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, một người phụ nữ cũng có thể bị nhiễm HPV ngay cả khi cô ấy chỉ có một bạn tình. Điều này có thể do bạn tình của cô ấy là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HPV.

CDC khuyến nghị nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bao cao su không ngăn ngừa hoàn toàn HPV hoặc ung thư cổ tử cung. Lý do cho việc này là vì nó không bao phủ toàn bộ khu vực có thể bị lây nhiễm HPV trên cơ thể. Ví dụ như khu vực da xung quanh vùng sinh dục hoặc hậu môn. Nhưng khi được sử dụng đúng cách, chúng có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.10

Sử dụng bao cao su giúp giảm nguy cơ lây truyền virus HPV
Sử dụng bao cao su giúp giảm nguy cơ lây truyền virus HPV

6. Không lạm dụng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai đường uống có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân là do thuốc tránh thai chứa các hormone tổng hợp giống như estrogen và progesterone; các hormone này có thể ảnh hưởng đến tế bào cổ tử cung của bạn, khiến chúng dễ bị nhiễm vi-rút u nhú ở người (HPV) và tăng nguy cơ mắc các loại bệnh ung thư cổ tử cung.11

Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng 10% khi sử dụng thuốc tránh thai dưới 5 năm; 60% sau 5-9 năm sử dụng và tăng gấp đôi sau 10 năm sử dụng trở lên.12 Tuy nhiên, nếu ngừng sử dụng thuốc tránh thai, nguy cơ này sẽ giảm dần theo thời gian.13

7. Sàng lọc ung thư cổ tử cung

Tần suất và loại xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung cần thực hiện phụ thuộc vào độ tuổi và tiền sử sức khỏe của mỗi người. Người đã được tiêm vắc-xin HPV cũng cần tuân thủ các khuyến nghị sàng lọc ung thư cổ tử cung. Vì vắc-xin không ngăn ngừa tất cả các loại vi-rút gây ung thư cổ tử cung.

Nếu bạn ở độ tuổi từ 21 đến 29

Theo the United States Preventive Services Task Force (USPSTF), bạn nên làm xét nghiệm Pap lần đầu tiên ở tuổi 21 và sau đó là xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Ngay cả khi bạn có hoạt động tình dục trước tuổi 21, bạn không cần làm xét nghiệm Pap trước độ tuổi này.14

Nếu bạn ở độ tuổi từ 30 đến 65

USPSTF khuyên bạn nên sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng một trong ba phương pháp sau đây:14

  • Xét nghiệm HPV mỗi 5 năm.
  • Đồng xét nghiệm HPV/Pap mỗi 5 năm.
  • Xét nghiệm Pap mỗi 3 năm.

Theo Hướng dẫn sàng lọc ung thư cổ tử cung được cập nhật của American Cancer Society, bạn nên bắt đầu sàng lọc ở tuổi 25 bằng xét nghiệm HPV và sau đó là xét nghiệm HPV mỗi 5 năm cho đến tuổi 65. Tuy nhiên, xét nghiệm bằng cách đồng kiểm tra HPV/Pap mỗi 5 năm hoặc xét nghiệm Pap mỗi 3 năm vẫn là lựa chọn hợp lý và chấp nhận được.15

Nếu bạn đã thực hiện phẫu thuật để loại bỏ cả tử cung và cổ tử cung (gọi là phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ) vì các lý do không liên quan đến ung thư hoặc tế bào cổ tử cung bất thường. Bạn không cần phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Tuy nhiên, nếu phẫu thuật cắt tử cung của bạn có liên quan đến ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư, hãy thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn để biết cách theo dõi và chăm sóc cần thiết. Nếu bạn đã thực hiện phẫu thuật cắt tử cung nhưng không cắt cổ tử cung (đôi khi được gọi là phẫu thuật cắt tử cung một phần hoặc phẫu thuật cắt trên cổ tử cung), bạn nên tiếp tục thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.

Trên đây là thông tin về các cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích. Từ đó giúp bạn có thêm kiến thức bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Risk Factors for Cervical Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/cervical-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  2. October 5, 2018 Approval Letter - GARDASIL 9https://www.fda.gov/media/117053/download

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  3. Patient Information about GARDASIL®9https://www.fda.gov/media/90070/download

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  4. HPV Vaccination Recommendationshttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd/hpv/hcp/recommendations.html

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  5. HPV Vaccination is Safe and Effectivehttps://www.cdc.gov/hpv/parents/vaccinesafety.html

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  6. Natural Bioactives: Back to the Future in the Fight against Human Papillomavirus? A Narrative Reviewhttps://www.mdpi.com/2077-0383/11/5/1465

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  7. Relationship between smoking, HPV infection, and risk of Cervical cancerhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26775350/

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  8. HPV and Cancerhttps://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/infectious-agents/hpv-and-cancer#:~:text=Smoking%20cigarettes.%20Quitting%20smoking%20can%20help%20your%20body%20to%20fight%20HPV.%C2%A0

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  9. HPV infection and cervical neoplasia: associated risk factorshttps://infectagentscancer.biomedcentral.com/articles/10.1186/s13027-015-0011-3

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  10. What Can I Do to Reduce My Risk of Cervical Cancer?https://www.cdc.gov/cancer/cervical/basic_info/prevention.htm

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  11. Estro-progestin Contraceptives and Risk of Cervical Cancer: A Debated Issuehttps://ar.iiarjournals.org/content/40/11/5995

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  12. Cervical cancer and use of hormonal contraceptives: a systematic reviewhttps://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(03)12949-2/fulltext

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  13. Cervical cancer and hormonal contraceptives: collaborative reanalysis of individual data for 16 573 women with cervical cancer and 35 509 women without cervical cancer from 24 epidemiological studieshttps://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(07)61684-5/fulltext

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  14. Cervical Cancer: Screeninghttps://www.uspreventiveservicestaskforce.org/uspstf/recommendation/cervical-cancer-screening

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

  15. Cervical cancer screening for individuals at average risk: 2020 guideline update from the American Cancer Societyhttps://acsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.3322/caac.21628

    Ngày tham khảo: 16/04/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người