Cây thuốc nam chữa ung thư dạ dày có hiệu quả không?
Nội dung bài viết
Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư đứng top đầu trên thế giới về tỉ lệ tử vong. Ung thư dạ dày là một vấn đề sức khỏe toàn cầu lớn, đặc biệt ở các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Việc điều trị ung thư dạ dày bao gồm nhiều phương án khác nhau tùy theo từng giai đoạn bệnh. Hiện nay, nhiều người truyền tai nhau về những cây thuốc nam chữa ung thư dạ dày. Thực hư như thế nào, đúng hay sai, kính mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh nhé.
Sơ lược về ung thư dạ dày
Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất xảy ra ở Đông Bắc Á, Nam và Trung Mỹ và Đông Âu. Hơn 95% ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma). Nguyên nhân thực sự của bệnh là vẫn còn khó nắm bắt. Bởi lẽ, ung thư dạ dày là loại ung thư gây ra bởi nhiều yếu tố kết hợp lại với nhau:
- Những bất thường về di truyền học.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Hút thuốc lá.
- Ăn nhiều muối và các yếu tố chế độ ăn uống không lành mạnh khác.
- Sử dụng nhiều rượu mạnh.
- Chất lượng nước kém.
Ung thư dạ dày thường mang tiên lượng xấu vì nó thường được chẩn đoán ở giai đoạn bệnh đã tiến triển. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, người dân được sàng lọc rộng rãi, phát hiện sớm, có kết quả trị bệnh tốt. Nhưng ở Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót do ung thư dạ dày vẫn còn kém do không được khám sớm.1
Quan niệm của Đông Y về ung thư dạ dày
Những dấu hiệu ban đầu của ung thư dạ dày được Y học cổ truyền xếp vào phúc thống (đau bụng), vị quản thống (đau vùng dạ dày), v.v. Những triệu chứng này liên quan đến phủ Vị, tạng Tỳ, tạng Can, và một số tạng phủ khác.
Nguyên nhân theo Y học cổ truyền là do tác nhân từ bên ngoài (ngoại tà), lối sống sinh hoạt ăn uống không lành mạnh, mất cân bằng cảm xúc (tình chí), v.v… khiến cho Tỳ Vị bị suy yếu. Thường được phân loại thành các thể Can Tỳ bất hòa, Tỳ Vị thấp nhiệt, Tỳ Vị hư nhược, Vị âm hư, Vị huyết ứ.2
Cây thuốc nam chữa ung thư dạ dày có hiệu quả không?
Dựa trên những quan điểm kể trên mà Y học cổ truyền có những lý luận trong điều trị cho phù hợp. Nhìn chung, mục đích chính là tăng cường chính khí cho cơ thể (bao gồm cả Tỳ Vị khí), loại bỏ huyết ứ, trừ thấp nhiệt, cân bằng cảm xúc và lối sống.
Các thuốc Y học cổ truyền có tác dụng đáng chú ý đối với bệnh ung thư trong thực hành lâm sàng. Chúng trực tiếp ức chế sự xuất hiện và phát triển của khối u, giảm tác dụng phụ do hóa trị và xạ trị, kết hợp làm tăng hiệu quả của các phương pháp khác.3
Các loại cây thuốc, bài thuốc hỗ trợ chữa ung thư dạ dày
Để đánh giá tác dụng của các cây thuốc, cần có nhiều nghiên cứu in vitro hoặc in vivo, trước khi sử dụng trên cơ thể bệnh nhân. Mặc dù có dữ liệu từ nghiên cứu sinh hóa, nuôi cấy tế bào, động vật và một vài nghiên cứu trên người nhưng vẫn cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu và thử nghiệm lâm sàng. Mục đích để đánh giá chính xác tác dụng, tính tin cậy của cây thuốc đối với ung thư dạ dày.
Một số bài thuốc thường được kê đơn4
Ở Đài Loan, người ta đã tổng hợp dữ liệu từ hơn 10.000 bệnh nhân mắc ung thư dạ dày. Một số bài thuốc y học cổ truyền đã được ghi nhận giúp giảm các triệu chứng khó chịu của căn bệnh này.
- Bài thuốc Hương sa lục quân tử thang là bài thuốc được dùng nhiều nhất, thường dùng để điều trị khó tiêu, trào ngược dạ dày thực quản và chán ăn. Bài thuốc đã được báo cáo là ngăn ngừa buồn nôn và nôn, chán ăn do hóa trị liệu, và giảm rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tắc ruột sau phẫu thuật dạ dày khi dùng kết hợp với thuốc Tây.
- Bài thuốc Bình vị tán giảm triệu chứng của trào ngược thực quản, viêm dạ dày, loét dạ dày hoặc tá tràng và viêm ruột.
- Bài thuốc Bán hạ tả tâm thang giúp làm giảm tiêu chảy trong quá trình hóa trị, và có thể ngăn ngừa viêm niêm mạc miệng do hóa xạ trị.
- Bài thuốc Sâm linh bạch truật tán được báo cáo là làm giảm độc tính do hóa trị ung thư dạ dày gây ra.
- Bài thuốc Bổ trung ích khí thang đã được chứng minh là làm giảm mệt mỏi do ung thư và quá trình điều trị gây ra.
- Ngoài ra còn có một số dược liệu đơn thuần như Hậu phác, Hồng kỳ (Radix Hedysari), Đan sâm, Diên hồ sách, …
Một số bài thuốc phòng ngừa tổn thương tiền ung thư dạ dày2
Một số tổn thương ở dạ dày nếu kéo dài, mãn tính có thể tiến triển thành ung thư dạ dày. Do đó, để phòng ngừa, chúng ta cần trì hoãn, ngăn chặn tổn thương tiến triển, giảm nguy cơ ung thư và cải thiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
Một số bài thuốc cổ phương đã được sử dụng và chứng minh có hiệu quả trong phòng ngừa tổn thương tiền ung thư dạ dày. Như là một số bài thuốc:
- Tứ quân tử thang. Cải thiện các triệu chứng ở dạ dày, nhanh lành tổn thương, giảm mệt mỏi.
- Bán hạ tả tâm thang. Cải thiện rõ rệt các triệu chứng đau chướng bụng và ợ hơi. Hơn nữa, bài thuốc có hiệu quả trong ức chế vi khuẩn và giảm viêm do vi khuẩn H. pylori, giảm mức độ teo tuyến ở dạ dày.
- Hoàng kỳ kiến trung thang. Cải thiện kết quả nội soi dạ dày của bệnh nhân, nhanh chóng thải trừ vi khuẩn H. pylori ra ngoài. Bài thuốc này có hiệu khi sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với thuốc Tây y.
- Ngoài ra, còn nhiều bài thuốc khác được gia giảm cho phù hợp với tình trạng khác nhau của nhiều người bệnh.
Một số cây thuốc được cho là có thể chữa ung thư dạ dày
1. Lá đu đủ5
Hiện nay, lá đu đủ đang được lan truyền, đồn thổi về những công dụng “thần kỳ” khác nhau. Tuy nhiên, lá đu đủ chỉ ghi nhận một số tác dụng trên hệ thống tiêu hóa trong thử nghiệm trên chuột.
Trong đó, tác dụng chính là bảo vệ dạ dày, giảm hình thành vết loét, cân chỉnh lại pH trong dịch dạ dày. Chiết xuất của lá đu đủ (1.25–27 mg/mL) thử nghiệm cấp độ tế bào ở nhóm tế bào ung thư dạ dày, tuyến tụy, đại tràng,… làm giảm quá trình tăng sinh, ức chế tổng hợp DNA của tế bào ung thư.
Nhìn chung, chiết xuất lá đu đủ có thể hữu ích, là một yếu tố hỗ trợ chữa loét dạ dày hơn là trị ung thư dạ dày. Đồng thời, vẫn cần thêm rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu, chặt chẽ hơn để có cái nhìn toàn diện.
2. Hoa hòe
Tới thời điểm hiện tại, chưa tìm thấy thông tin nào nói về tác dụng chữa ung thư của hoa hòe. Tuy nhiên, hoa hòe là một vị thuốc có tác dụng tốt trong bảo vệ sức khỏe, điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
3. Củ nghệ6
Củ nghệ hay Khương hoàng (Curcuma longa) vẫn luôn trong top tìm kiếm để điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Mọi người đang sử dụng củ nghệ một cách vô tội vạ mà không thực sự hiểu về nó.
Curcumin là hợp chất có tác dụng chính được chiết xuất từ củ nghệ. Đây là hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học hứa hẹn nhất, đặc biệt là trong điều trị một số loại ung thư. Curcumin thể hiện khả năng chống ung thư bằng cách tác động vào nhiều cơ chế khác nhau.
Tuy nhiên, curcumin không tránh khỏi các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu và gây phân vàng sậm. Hơn nữa, nhược điểm lớn nhất của curcumin là sinh khả dụng kém. Nguyên do thực tế nó được hấp thụ rất thấp mà lại chuyển hóa và thải trừ khỏi cơ thể rất nhanh. Điều này làm hạn chế hiệu quả trong điều trị bệnh.
Do đó, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu những cách thức hiện đại hơn giúp bao bọc, bảo toàn curcumin để tăng hiệu quả điều trị bệnh. Chứ không đơn thuần là uống các loại bột nghệ nghiền thô, hay lắng đọng thành tinh bột nghệ như hiện nay.
4. Mãng cầu xiêm7
Mãng cầu xiêm tên khoa học là Annona muricata. Tất cả các bộ phận của cây đã chứng minh hiệu quả điều trị tiềm năng, được sử dụng làm thuốc thảo dược. Cũng đã có những báo cáo về việc sử dụng mãng cầu xiêm ở những người bị ung thư ở nhiều nơi trên thế giới.
Thành phần chính của mãng cầu xiêm là các alkaloids, megastigmanes, flavonol triglycosides, phenolics, cyclopeptides, và tinh dầu.
Theo y học thay thế (CAM), mãng cầu xiêm có tác dụng trong điều trị sốt, giúp an thần, một số bệnh hô hấp, sốt rét, rối loạn tiêu hóa, một số rối loạn ở gan, tim, thận, hạ đường huyết, hạ huyết áp và điều trị ung thư.
Mãng cầu xiêm được nghiên cứu trong nhiều tế bào ung thư khác nhau. Như là ung thư tuyến tụy, ung thư biểu mô phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, biểu mô đại tràng, vùng đầu và cổ, ung thư gan, ung thư cổ tử cung,… Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu trong ung thư dạ dày.
Đặc biệt, hiện tại chưa có những dữ liệu về độc tính, liều lượng sử dụng an toàn của mãng cầu xiêm. Hầu hết các quảng cáo, tin đồn hiện nay hỗ trợ bởi các nghiên cứu in vitro, in vivo và tiền lâm sàng. Do đó, mãng cầu xiêm vẫn cần được xác minh trong các thử nghiệm lâm sàng ở người. Và hồ sơ về độc tính phải được ghi lại để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
5. Bạch hoa xà thiệt thảo3 8
Về nghiên cứu ung thư dạ dày, kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng bạch hoa xà thiệt thảo (Herba Hedyotidis diffusae) có cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư dạ dày.
Cơ chế chống ung thư bạch hoa xà thiệt thảo chủ yếu tập trung vào các thành phần như flavonoid, dầu dễ bay hơi, axit phenolic và các dẫn xuất. Nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng bạch hoa xà thiệt thảo dạng chiết xuất có tác dụng vượt trội hơn so với cách đun nấu thông thường. Chiết xuất giúp nhắm vào mục tiêu tế bào ung thư bằng nhiều con đường tín hiệu chống ung thư hơn. Đồng thời làm tăng hiệu quả của hóa trị đối với tế bào ung thư.
Hiện nay, bạch hoa xà thiệt thảo được sử dụng tùy tiện, không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Dẫn đến những tác dụng phụ bất lợi ngày càng được ghi nhận nhiều hơn. Khiến cho người ta nghi ngờ về tính an toàn của bạch hoa xà thiệt thảo.
Trong bạch hoa xà thiệt thảo có chứa 4-vinylphenol. Đây là thành phần gây độc hại duy nhất, có thể gây hại cho phổi và thận với liều cao. Hơn nữa, quá trình trồng trọt, chế biến, bảo quản bạch hoa xà thiệt thảo hiện nay vẫn còn dư lượng kim loại nặng quá mức. Chẳng hạn như Cd và Pb.
Do đó, trong tương lai, bạch hoa xà thiệt thảo sẽ được tập trung vào sàng lọc các hoạt chất, tinh chế các thành phần hoạt tính đặc biệt, loại bỏ các thành phần có độc tính.
6. Xạ đen9 10
Xạ đen chứa các hợp chất quan trọng như α-amyrin, β-amyrin, hydrazine carboxamide, axit hexadecanoic, fucosterol, (3β) -D: C-friedours-7-en-3-ol, rutin và este 2-hydroxy-1-ethyl.
Loại cây này đã được biết đến là một loại thuốc dân gian để điều trị rất nhiều bệnh y tế. Chẳng hạn như viêm dạ dày, bệnh truyền nhiễm, viêm khớp và ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu về cây xạ đen còn hạn chế, đặc biệt là các tế bào ung thư. Hiện nay ghi nhận được tác dụng tốt trên tế bào u gan (hepatoma) và ung thư biểu mô vòm họng.
Ngoài ra, người ta quan sát thấy sử dụng dung môi ethyl acetate và methanol cho hiệu quả chiết xuất tốt nhất.
Những lưu ý quan trọng khi sử dụng cây thuốc, bài thuốc trong ung thư dạ dày
Trong những năm gần đây, Y học cổ truyền trong hiệu quả chống ung thư ngày càng được quan tâm. Đối với ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng, việc kết hợp điều trị giữa Tây y và Đông y là điều đáng khích lệ.
Bạn đọc cần hiểu rằng ung thư ở người là quá trình gồm nhiều con đường tác động qua lại. Do đó, rất cần nhiều nghiên cứu để hiểu các cơ chế, cung cấp thông tin rõ ràng để điều trị ung thư hiệu quả.
Điều kiện tiên quyết là người bệnh nên được thăm khám và hội chẩn kỹ lưỡng với bác sĩ của các chuyên khoa. Chứ không đơn thuần là sử dụng những bài thuốc, cây thuốc truyền tai nhau. Điều này vô hình trung làm trì hoãn điều trị, giảm hiệu quả của thuốc.
Đối với các bài thuốc, cây thuốc đều có liều lượng, cách thức đun nấu – chiết xuất, cách uống thuốc, và bảo quản thuốc khác nhau. Những thông tin này sẽ được cung cấp khi các bác sĩ y học cổ truyền thăm khám cho bạn.
Trên đây là một số thông tin về vấn đề cây thuốc nam chữa ung thư dạ dày. Có một số cây thuốc chưa được nghiên cứu tác dụng nhưng vẫn lan tràn trên các mạng xã hội. Do đó, bạn đọc nên chọn lọc thông tin, tìm hiểu, tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền trước khi sử dụng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gastric Cancer, Version 2.2022, NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology in: Journal of the National Comprehensive Cancer Network Volume 20 Issue 2 (2022)https://jnccn.org/configurable/content/journals$002fjnccn$002f20$002f2$002farticle-p167.xml?t:ac=journals%24002fjnccn%24002f20%24002f2%24002farticle-p167.xml
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
Traditional Chinese medicine for precancerous lesions of gastric cancer: A reviewhttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0753332221013299
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
Real-World Evidence of Traditional Chinese Medicine (TCM) Treatment on Cancer: A Literature-Based Reviewhttps://www.hindawi.com/journals/ecam/2022/7770380/
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
Traditional Chinese Medicine Enhances Survival in Patients with Gastric Cancer after Surgery and Adjuvant Chemotherapy in Taiwan: A Nationwide Matched Cohort Studyhttps://www.hindawi.com/journals/ecam/2021/7584631/
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
Therapeutic application of Carica papaya leaf extract in the management of human diseaseshttps://link.springer.com/article/10.1007/s40199-020-00348-7
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
Curcumin and Cancerhttps://www.mdpi.com/2072-6643/11/10/2376
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
A Review on Annona muricata and Its Anticancer Activityhttps://www.mdpi.com/2072-6694/14/18/4539
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
Antitumor potential of Hedyotis diffusa Willd: A systematic review of bioactive constituents and underlying molecular mechanismshttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0753332220309288
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
Antitumour and anti-AIDS triterpenes from Celastrus hindsiihttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0031942296007194
Ngày tham khảo: 12/05/2023
-
Comprehensive Fractionation of Antioxidants and GC-MS and ESI-MS Fingerprints of Celastrus hindsii Leaveshttps://www.mdpi.com/2305-6320/6/2/64/htm
Ngày tham khảo: 12/05/2023