Những dấu hiệu ung thư dạ dày mà bạn nên biết
Nội dung bài viết
Ung thư dạ dày là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới. Tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và thứ 4 ở nữ giới. Số ca tử vong của ung thư dạ dày đứng trong top 5 các loại ung thư. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy hiểu biết về dấu hiệu ung thư dạ dày là rất quan trọng giúp chúng ta phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lương Huy sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ung thư dạ dày. Hãy cùng theo dõi nhé!
Tổng quan về ung thư dạ dày
1. Ung thư dạ dày là gì?
Dạ dày (còn gọi là bao tử) là đoạn phình ra của ống tiêu hóa. Nó có hình dáng giống hình chữ J. Sau khi thức ăn được nhai và nuốt, nó sẽ đi vào thực quản. Thức ăn sẽ đi qua cổ họng và ngực đến dạ dày. Khi đó dạ dày bắt đầu tiêu hóa thức ăn bằng cách tiết dịch vị. Thức ăn và dịch vị được trộn lẫn rồi đổ vào ruột non.1
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát. Sau đó sẽ xâm lấn các mô từ gần đến xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết.
2. Các giai đoạn của ung thư dạ dày
Các giai đoạn ung thư dạ dày bao gồm:2
- Giai đoạn 0 hay còn gọi là giai đoạn sớm (giai đoạn đầu). Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư mới nằm ở lớp niêm/dưới niêm dạ dày.
- Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư đã thâm nhập lớp thứ 2 của dạ dày. Tuy vậy vẫn chưa xuất hiện các triệu chứng rõ rệt và chưa lây lan ra các cơ quan khác.
- Giai đoạn 2: Khi chuyển qua giai đoạn 2, các tế bào ung thư đã di chuyển qua lớp niêm mạc. Người bệnh bắt đầu xuất hiện một vài biểu hiện rõ rệt hơn: đau bụng, buồn nôn,…
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã bắt đầu lan rộng ra các cơ quan khác trong cơ thể.
- Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối của bệnh ung thư dạ dày. Lúc này tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể và hầu như không còn cơ hội chữa trị triệt căn.
3. Yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền. Các yếu tố này bao gồm:1
- Helicobacter pylori (H. pylori): bệnh nhân bị nhiễm H. pylori phát triển thành ung thư dạ dày chiếm 1% –3%.
- Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Uống rượu bia nhiều cũng dẫn đến ung thư dạ dày.
- Có tiền sử phẫu thuật dạ dày trước đó.
- Nguy cơ ung thư dạ dày tăng khi có các biến đổi ở niêm mạc dạ dày.
- Di truyền: Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền.
- Virus Epstein – Barr (EBV): là một loại virus herpes ở người cũng được gợi ý đóng vai trò là nguyên nhân trong ung thư dạ dày.
- Chế độ ăn: có nhiều thực phẩm có chứa chất bảo quản, chứa nhiều hợp chất nitrate như là ăn nhiều thức ăn nướng hoặc xông khói/ ngâm muối, ăn ít rau củ quả như đồ ăn lên men, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói.
- Béo phì: người béo phì dễ bị mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường.
- Nhóm máu: Người nhóm máu A hay bị ung thư dạ dày hơn các nhóm máu còn lại.
- Tuổi cao và nam giới cũng là đối tượng nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
- Những nghề có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn là phụ tá, ngư dân, vận hành máy, y tá, đầu bếp, thợ giặt và người quét dọn là những công việc chủ yếu tiếp xúc với bụi, oxit nitơ, hợp chất N-nitroso và tia xạ.
Dấu hiệu ung thư dạ dày
Khi dạ dày có tổn thương ác tính, tùy thuộc vào vị trí của tổn thương và từng giai đoạn của bệnh mà người bệnh có thể có các dấu hiệu ung thư dạ dày khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì các dấu hiệu này thường mơ hồ. Ngoài ra các dấu hiệu này cũng có thể xuất hiện trong các bệnh lý lành tính khác của dạ dày.1 2
Dấu hiệu ung thư dạ dày ở đường tiêu hóa
Dấu hiệu sớm nhất thường gặp là cảm giác nặng bụng mơ hồ sau ăn. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường không được coi trọng và chú ý đến. Một số dấu hiệu ở đường tiêu hóa như là: chán ăn, ăn khó tiêu, ợ hơi, ợ chua diễn ra dai dẳng, kéo dài, tăng về số lượng, khác với những lần trước đây.
Do dấu hiệu ung thư dạ dày ban đầu khá mơ hồ, các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy người bệnh thường chủ quan không tầm soát bệnh sớm. Điều này dẫn đến bệnh ung thư dạ dày thường được phát hiện muộn, khi đã ở giai đoạn tiến triển và/hoặc di căn.
Đau bụng trên sau ăn không xảy ra thường xuyên, có thể buồn nôn hay nôn, đặc biệt nôn là dấu hiệu nổi bật khi có hẹp môn vị, lúc này nôn ra thức ăn cũ, nôn ra máu nếu có chảy máu từ khối u.
Trong một số trường hợp có thể sờ được khối u vùng thượng vị, phần trên của ổ bụng. Lúc này, bệnh nhân thường ở giai đoạn trễ.
Khó nuốt chỉ xảy ra nếu khối u nằm ở tâm vị.
Đại tiện phân đen gặp trong một số ít trường hợp
Có thể táo bón do ăn uống kém hay hẹp môn vị.
Đau hoặc khó chịu ở bụng, chướng bụng
Ung thư dạ dày có thể làm cho thành dạ dày của người bệnh rất cứng và giảm khả năng lưu trữ thức ăn. Ngoài ra, trong trường hợp ung thư dạ dày lan đến niêm mạc bụng, nó có thể gây tích tụ chất lỏng trong khoang bụng của bạn. Từ đó dẫn đến đầy hơi quá mức. [3]Người bệnh có thể cảm thấy no ngay sau khi ăn, ngay cả với những bữa ăn nhỏ.
Cần lưu ý, đau bụng cũng có thể có do các bệnh lý khác như:
- Loét dạ dày. Cơn đau thường cảm thấy ở vùng bụng trên, giống như một cơn đau như dao đâm xuyên qua lưng.
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Cơn đau thường gây ra cảm giác nóng rát ở trung tâm, phát triển ngay dưới xương ức và có thể tăng lên. Nó có thể kèm theo ợ hơi.
- Viêm ruột thừa. Cơn đau thường bắt đầu gần rốn trước khi di chuyển xuống vùng bụng dưới bên phải và trở nên dai dẳng hơn.
- Sỏi mật hoặc kích thích túi mật. Cảm giác đau ở vùng bụng trên bên phải, lưng hoặc vai phải.
- Đau bụng dưới. Cơn đau có thể đến từ ruột của bạn.
- Đau bụng kinh. Đây thường là cơn đau âm ỉ, đau quặn thắt, có thể lan ra sau lưng.
Ợ chua hoặc ợ nóng sau khi ăn
Cảm giác này giống như cảm giác nóng rát ở ngực và ợ chua do axit dạ dày tăng cao. Đặc biệt khi chứng ợ nóng kéo dài mà không hết khi đã dùng thuốc. Vì nếu có một khối ung thư lớn phát triển ở dạ dày, chất lỏng có thể tích tụ và có thể làm thức ăn quay trở lại thực quản của bạn.
Biểu hiện bất thường khi đi ngoài
Một dấu hiệu khác cho thấy dạ dày của bạn có thể bị chảy máu là tìm thấy máu trong phân. Phân của bạn có thể sẫm màu, gần như đen. Phân sẫm màu cũng có thể xảy ra nếu bạn đang uống viên sắt.
Dấu hiệu ung thư dạ dày trên toàn cơ thể
Cơ thể thiếu máu, xanh xao trong khoảng 40% các trường hợp. Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt do thiếu máu gây ra.
Sụt cân là dấu hiệu hay gặp nhất. Nó không chỉ gặp trong ung thư dạ dày mà còn gặp trong rất nhiều bệnh ung thư khác. Tuy nhiên sụt cân xuất hiện đột ngột trong vài tháng ở những người có các dấu hiệu liên quan đến dạ dày thì nên cảnh giác ung thư dạ dày. Lưu ý, dấu hiệu sụt cân này diễn ra không chủ đích, khác với giảm cân theo ý muốn, theo chế độ tập luyện.
Khi ung thư đã di căn đến gan, người bệnh có thể có vàng da, vàng mắt. Người bệnh có thể bị bám bụng (tràn dịch ổ bụng) khi ung thư đã lan tràn đến ổ bụng.
Cách chẩn đoán ung thư dạ dày
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày của Bộ y tế, chẩn đoán ung thư dạ dày dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng.
Chẩn đoán lâm sàng là chẩn đoán dấu hiệu ung thư dạ dày qua việc hỏi bệnh, thăm khám từ bác sĩ. Cận lâm sàng là chẩn đoán bằng các xét nghiệm, bao gồm:
- Tổn thương xác định qua nội soi dạ dày.
- Hình ảnh học (siêu âm nội soi, CT scan, MRI, PET/CT để đánh giá giai đoạn).
- Mô bệnh học: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh ung thư.
Nhìn chung các dấu hiệu ung thư dạ dày đa dạng, khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Bởi vì người bệnh có thể gặp các dấu hiệu này trong một bệnh lý khác. Điều đó làm họ khó phân biệt được với ung thư dạ dày. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng thay đổi hoặc nặng nề hơn, bạn nên gặp bác sĩ để được tầm soát ung thư dạ dày ngay nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gastric cancer: epidemiology, prevention, classification, and treatmenthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5808709/
Ngày tham khảo: 19/12/2022
-
Gastric Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Versionhttps://www.cancer.gov/types/stomach/patient/stomach-treatment-pdq
Ngày tham khảo: 19/12/2022