YouMed

Diclofenac DHG là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Dược sĩ Trần Việt Linh
Tác giả: Dược sĩ Trần Việt Linh
Chuyên khoa: Dược

Diclofenac DHG là thuốc gì? Thuốc được chỉ định trong trường hợp nào? Có những lưu ý gì khi dùng? Hãy cùng Dược sĩ Trần Việt Linh tìm hiểu qua bài viết sau.

Hoạt chất: natri diclofenac, lactose, tinh bột ngô, tinh bột sẵn, PVP – K30, natri starch glycolat, eudragit L – 100, magnesi stearat, PEG 6000, talc, titan dioxyd, vàng tartrazin, oxid sắt đỏ.

Thuốc chứa thành phần tương tự: stadlofen 50, zengesic, diclofenac stella 50 mg, diclofenac STADA 50 mg,…

Diclofenac DHG là thuốc gì?

Diclofenac DHG là thuốc giảm đau được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang. Thuốc có dạng bào chế là viên nén bao tan trong ruột và đóng theo 10 viên x 10 vỉ/hộp. Viên thuốc có màu nâu đồng nhất, hai mặt nhẵn, hình trụ, thành và cạnh viên lành lặn.

Diclofenac DHG là thuốc giảm đau kháng viêm của công ty Cổ phần Dược Hậu Giang 
Diclofenac DHG là thuốc giảm đau kháng viêm của công ty Cổ phần Dược Hậu Giang

Thành phần và công dụng của từng thành phần

Thành phần

Một viên Diclofenac DHG gồm những thành phần sau: Natri diclofenac, lactose, tinh bột ngô, tinh bột sẵn, PVP – K30, natri starch glycolat, eudragit L – 100, magnesi stearat, PEG 6000, talc, titan dioxyd, vàng tartrazin, oxit sắt đỏ.

Trong đó, Natri diclofenac là thành phần hoạt chất chính. Những thành phần còn lại là tá dược, chúng góp phần hoàn thiện chất lượng cũng như hình dạng thuốc.

Tác dụng của thành phần

Diclofenac natri có tác dụng giảm đau, sưng, viêm và cứng khớp.

Diclofenac là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) nổi tiếng. Cơ chế hoạt động của nó là ngăn chặn quá trình tổng hợp một số chất tự nhiên trong cơ thể gây ra viêm. Nhờ tác dụng này, diclofenac giúp giảm sưng, đau và sốt hiệu quả.

Tác dụng Diclofenac DHG

Thuốc được sử dụng để điều trị triệu chứng bệnh viêm khớp mạn tính, như:

Bên cạnh đó, thuốc còn cải thiện đau sau phẫu thuật (chấn thương, chỉnh hình, phụ khoa, nha khoa). Thuốc còn điều trị thống kinh vô căn.

Cách dùng và liều dùng

Cách dùng

Thuốc Diclofenac DHG dùng bằng đường uống. Người bệnh uống cả viên, không nhai hay nghiền nát. Sử dụng thuốc trong hoặc sau bữa ăn để đảm bảo sự hấp thu tốt nhất.

Liều dùng cho từng đối tượng

Liều lượng thuốc Diclofenac DHG được chia theo lượng hoạt chất diclofenac natri.

Liều tối đa mỗi ngày là 150 mg. Khi dùng thuốc này, bác sĩ/dược sĩ cần tính toán liều một cách thận trọng tùy theo nhu cầu và khả năng đáp ứng của từng người bệnh.

Đặc biệt, để hạn chế tối đa nguy cơ xuất hiện biến cố bất lợi cho người bệnh, hãy sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể.

Đối với những trường hợp điều trị dài ngày, kết quả thường xuất hiện trọng 6 tháng đầu và sẽ được duy trì thời gian sau đó. Liều cụ thể cho từng đối tượng như sau:

1. Liều cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:

  • Viêm cột sống dính khớp: uống liều 100 mg/ngày, chia ra 2 lần. Bạn có thể uống thêm 1 lần trước khi đi ngủ nếu được sự tư vấn của nhân viên y tế.
  • Thoái hóa khớp: uống liều 100 – 150 mg/ngày, chia ra nhiều lần (50 mg/lần, 2 đến 3 lần/ gày. Nếu điều trị dài ngày thì uống liều 100 mg/ngày, không tăng liều. Nếu người bệnh đau nhiều về đêm thì uống vào buổi tối trước khi đi ngủ để cải thiện cơn đau.
  • Viêm khớp dạng thấp: uống liều 100 – 150 mg/ ngày, chia ra nhiều lần (50 mg/lần, 2 đến 3 lần/ngày.).
  • Điều trị dài ngày: dùng liều 100 mg/ngày và tăng lên 150 mg/ngày nếu cần, chia ra 2 đến 3 lần/ngày.
  • Điều trị triệu chứng đau sau phẫu thuật, thống kinh vô căn: uống liều 150 mg/ngày, chia ra 3 lần/ngày.

2.Trẻ em dưới 12 tuổi

Thuốc Diclofenac DHG không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Thuốc diclofenac không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi 
Thuốc diclofenac không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi

3. Người bệnh suy thận

Thuốc Diclofenac DHG không khuyến cáo dùng cho người bị suy thận.

4. Người bệnh suy gan

Nếu cần dùng cho bệnh nhân suy gan thì cần được hiệu chỉnh liều.

5. Người cao tuổi

Hiện không có khuyến cáo đặc biệt, tuy nhiên cần thận trọng vì có thể xuất hiện nhiều biến cố ngoài mong muốn.

Tác dụng phụ

Những tác dụng phụ thường gặp mà thuốc Diclofenac DHG có thể gây ra bao gồm: nhức đầu, bồn chồn, đau vùng thượng vị, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, khó tiêu, chướng bụng, tăng transaminase gan, ù tai. Những ảnh hưởng khác của thuốc lên từng cơ quan bao gồm:

1. Ảnh hưởng trên tim mạch và mạch máu não

  • Tình trạng giữ nước và phù nề. Do đó, cần theo dõi và tư vấn cho người bệnh có tiền sử tăng huyết áp hoặc suy tim sung huyết từ nhẹ đến trung bình.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị tăng nguy cơ huyết khối tim mạch trong vài tuần đầu tiên dùng thuốc và tăng dần theo thời gian. Nguy cơ này được ghi nhận chủ yếu khi người bệnh dùng thuốc ở liều cao.
  • Bác sĩ cần đánh giá định kỳ sự xuất hiện các biến cố tim mạch ngay cả với những người bệnh không có tiền sử bệnh tim mạch. Đồng thời, bác sĩ cùng nên cảnh báo các triệu chứng khi biến cố tim mạch xuất hiện, dặn dò người bệnh hãy đến gặp bác sĩ khi có biểu hiện để được điều trị nhanh chóng.

2. Ảnh hưởng trên dạ dày và ruột

  • Thuốc này có thể gây ra loét, thủng hoặc xuất huyết đường tiêu hóa, thậm chí còn dẫn đến tử vong. Những tác dụng phụ này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong lúc dùng thuốc.
  • Chúng có thể có hoặc không để lại triệu chứng cảnh báo. Chúng xuất hiện ở cả người có hoặc không có tiền sử về bệnh tiêu hóa trước đó. Hậu quả này còn nghiêm trọng hơn ở người bệnh cao tuổi. Khi người bệnh bị loét, thủng hoặc xuất huyết tiêu hóa, hãy ngừng uống thuốc.
  • Nguy cơ bị thủng hay loét dạ dày tăng cao khi người bệnh dùng thuốc liều cao hơn.
  • Những người bệnh này cần sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và nên xem xét phối hợp với các thuốc bảo vệ đường tiêu hóa.
  • Người bệnh hãy đến bệnh viện gần nhất nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào như trên, đặc biệt là xuất huyết đường tiêu hóa. Khi xuất huyết tiêu hóa hoặc loét xảy ra, người bệnh nên ngưng uống thuốc diclofenac.
Thuốc giảm đau diclofenac ảnh hưởng nhiều lên hệ tiêu hóa người sử dụng
Thuốc giảm đau diclofenac ảnh hưởng nhiều lên hệ tiêu hóa người sử dụng

3. Ảnh hưởng trên gan

  • Thuốc diclofenac làm tăng một hay nhiều trị số enzym gan. Khi điều trị kéo dài, người bệnh cần được theo dõi chức năng gan thường xuyên.
  • Nếu các xét nghiệm chức năng gan bất thường vẫn không cải thiện hoặc thậm chí xấu đi, hoặc các triệu chứng lâm sàng của bệnh gan tiến triển, hoặc các biểu hiện khác như tăng bạch cầu ưa eosin, phát ban thì người bệnh nên ngưng dùng thuốc.
  • Viêm gan có thể xuất hiện khi dùng thuốc diclofenac mà không có triệu chứng cảnh báo trước.

4. Ảnh hưởng trên thận

  • Các tác dụng phụ như giữ nước hay phù nề đã được báo cáo khi người bệnh sử dụng thuốc diclofenac.
  • Chức năng thận có thể hồi phục khi người bệnh ngưng dùng thuốc diclofenac.

5. Ảnh hưởng trên da

  • Các phản ứng da nghiêm trọng như viêm da tróc vảy, hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc có thể gây tử vong. Những tác dụng phụ này đều đã được báo cáo, tuy nhiên chúng hiếm khi xảy ra.
  • Những tác dụng này có nguy cơ xảy ra cao nhất trong tháng đầu tiên điều trị.
  • Người bệnh nên ngừng thuốc khi xuất hiện triệu chứng như phát ban, tổn thương niêm mạc hoặc bất kỳ sự quá mẫn nào.

6. Ảnh hưởng trên huyết học

Diclofenac có thể ức chế kết tập tiểu cầu tạm thời.

7. Ảnh hưởng trên hệ hô hấp

  • Khi sử dụng diclofenac cho những người bệnh bị viêm mũi dị ứng theo mùa, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phù nề niêm mạc mũi (polyp mũi) hoặc đường hô hấp bị nhiễm trùng mạn tính có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Diclofenac còn có thể làm tăng co thắt phế quản khi dùng cho người bệnh đang hoặc đã từng bị hen phế quản.

Ngoài ra, thuốc diclofenac DHG còn gây tăng nguy cơ viêm màng não vô khuẩn trên những người bệnh lupus ban đỏ hệ thống và rối loạn mô liên kết hỗn hợp.

Ở nữ giới, việc sử dụng thuốc này có thể làm giảm khả năng sinh sản. Không dùng thuốc cho bệnh nhân đang có dự định mang thai hoặc ở phụ nữ bị hiếm muộn, người đang điều trị vô sinh.

Tương tác thuốc

1. Lithi

Dùng đồng thời lithi với diclofenac có thể làm tăng nồng độ lithi trong huyết thanh đến nồng độ gây độc. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng, cần theo dõi người bệnh thật cẩn thận để phát hiện kịp thời dấu hiệu ngộ độc. Ngoài ra, phải điều chỉnh liều lithi khi đang hoặc sau điều trị bằng diclofenac.

2. Digoxin

Khi dùng đồng thời digoxin với diclofenac, nồng độ của digoxin trong huyết thanh sẽ tăng và thời gian bán thải còn kéo dài. Do đó, cần định lượng nồng độ digoxin trong máu và giảm liều digoxin nếu người bệnh dùng đồng thời cả hai thuốc.

3. NSAIDs và corticosteroid

Dùng đồng thời các thuốc NSAIDs và corticosteroid, kể cả aspirin có thể làm tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ không mong muốn trên đường tiêu hóa.

4. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)

Dùng đồng thời diclofenac với thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.

5. Thuốc điều trị đái tháo đường

Việc sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường đồng thời với diclofenac không ảnh hưởng đến hiệu quả lâm sàng của thuốc.

Tuy nhiên, một số báo cáo về tác dụng hạ đường huyết và tăng glucose máu đòi hỏi phải thay đổi liều lượng của các thuốc điều trị đái tháo đường nếu đàn dùng diclofenac.

Bên cạnh đó, người bệnh cần được theo dõi mức đường huyết trong khi điều trị đồng thời những thuốc trên.

6. Methotrexate

Thuốc diclofenac ức chế sự thanh thải methotrexate tại ống thận. Điều này làm tăng nồng độ và độc tính của methotrexate. Vì vậy hai thuốc này cần sử dụng cách ngày (24 tiếng).

7. Cyclosporin

Cyclosporin sẽ tăng nguy cơ độc tính trên thận khi dùng chung với diclofenac. Do đó, chức năng thận của người bệnh cần được theo dõi thường xuyên.

8. Mifepristone

Không dùng diclofenac trong vòng 8 – 12 ngày sau khi dùng mifepristone do có thể làm giảm hiệu lực của mifepristone.

9. Kháng sinh nhóm quinolon

Khi sử dụng đồng thời diclofenac và thuốc kháng sinh nhóm quinolon, hiện tượng co giật có thể xảy ra.

10. Phenytoin

Diclofenac có thể làm tăng nồng độ của phenytoin trong huyết tương. Do đó cần theo dõi nồng độ phenytoin khi sử dụng đồng thời hai thuốc trên.

11. Tacrolimus

Khi dùng chung diclofenac với tacrolimus có thể tăng nguy cơ độc thận.

12. Colestipol và cholestyramin

Các thuốc gồm colestipol và cholestyramin có thể làm chậm hoặc giảm hấp thu của diclofenac. Để giải quyết điều này, nên dùng diclofenac ít nhất 1 tiếng trước hoặc 4 đến 6 tiếng sau khi dùng colestipol/cholestyramin.

13. Các chất ức chế CYP2C9

Cần cẩn thận khi sử dụng thuốc diclofenac với các chất ức chế CYP2C9 mạnh như sulfinpyrazone và voriconazole do có thể làm tăng đáng kể nồng độ đỉnh của diclofenac trong huyết tương.

14. Zidovudine

Khi dùng chung diclofenac với zidovudine có thể làm tăng nguy cơ độc tính trên huyết học.

15. Diflunisal

Dùng đồng thời diclofenac với diflunisal có thể làm tăng nồng độ diclofenac trong huyết tương. Điều này làm giảm độ thanh thải diclofenac và có thể tăng nguy cơ chảy máu.

16. Dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung

Một số tài liệu cho rằng diclofenac làm mất tác dụng tránh thai của dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung.

17. Thuốc chống toan

Thuốc chống toan có thể làm giảm kích ứng ruột cho diclofenac gây ra, nhưng song song với đó sẽ làm giảm nồng độ diclofenac trong huyết thanh.

18. Cimetidin

Thuốc cimetidin có thể làm giảm nồng độ diclofenac trong huyết thanh nhưng không làm giảm tác dụng chống viêm. Ngoài ra, cimetidin còn giúp bảo vệ tá tràng khỏi tác dụng phụ của diclofenac.

19. Probenecid

Probenecid có thể làm tăng gấp đôi nồng độ diclofenac nếu dùng chung. Điều này có thể mang lại tác dụng lâm sàng tốt ở người mắc bệnh khớp nhưng lại có thể xảy ra ngộ độc diclofenac, đặc biệt ở những người bị suy giảm chức năng thận.

Thuốc diclofenac tương tác với rất nhiều thuốc khác
Thuốc diclofenac tương tác với rất nhiều thuốc khác

Đối tượng chống chỉ định

Chống chỉ định dùng thuốc diclofenac trong những trường hợp sau:

  • Người quá mẫn với diclofenac, aspirin hay các thuốc thuộc nhóm NSAIDs, hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người có tiền sử viêm loét hoặc chảy máu dạ dày, đường tiêu hóa.
  • Phụ nữ trong ba tháng cuối thai kỳ.
  • Loét dạ dày tiến triển.
  • Người bị hen suyễn do co thắt phế quản, chảy máu, bệnh tim mạch, suy thận hoặc suy gan mức độ nặng.
  • Người bệnh suy tim sung huyết (độ II đến độ IV theo NYHA), bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh mạch máu não.
  • Bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn do suy thận hay do dùng thuốc lợi tiểu, tốc độ lọc cầu thận, 30 ml/phút (do nguy cơ xuất hiện suy thận).
  • Người bệnh chất tạo keo.

Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được Diclofenac DHG?

Đối với phụ nữ có thai, thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ và/hoặc sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Dữ liệu ghi nhận từ các nghiên cứu cho thấy mẹ bầu có nguy cơ sảy thai và thai nhi bị dị dạng tim sau khi sử dụng chất ức chế tổng hợp prostaglandin vào giai đoạn đầu thai kỳ. Nguy cơ này tăng theo liều và thời gian điều trị.

  • Trong 3 tháng đầu và 3 tháng kế tiếp của thai kỳ: không nên dùng thuốc diclofenac, trừ khi cần thiết (nhưng phải được sự đồng ý của bác sĩ).
  • Trong 3 tháng cuối của thai kỳ: hoạt chất nào có thể ức chế tổng hợp prostaglandin đều làm cho phôi thai nhi:
  • Độc tính trên tim phổi (gây đóng cửa ống động mạch sớm và làm tăng áp lực phổi).
  • Gây rối loạn chức năng thận, có thể làm tiến triển thành suy thận.
  • Nếu mẹ bầu dùng thuốc ở cuối thai kỳ thì có thể bị những vấn đề sau:
  • Kéo dài thời gian chảy máu, ngay cả khi liều lượng rất thấp.
  • Các cơn co tử cung bị ức chế, dẫn đến chậm hoặc kéo dài thời gian chuyển dạ.

Do đó, thuốc Diclofenac chống chỉ định ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là ba tháng cuối.

Diclofenac có vào sữa mẹ với lượng nhỏ. Do đó, không nên dùng diclofenac khi này để hạn chế những tác dụng không mong muốn cho trẻ.

Đối tượng thận trọng

  • Cần cân nhắc khi sử dụng thuốc Diclofenac cho người bệnh có các yếu tố nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch rõ rệt (như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid huyết thanh, nghiện thuốc lá).
  • Cần theo dõi lâm sàng chặt chẽ và dùng thận trọng khi kê đơn thuốc diclofenac cho bệnh nhân có triệu chứng rối loạn dạ dày – ruột.
  • Nên theo dõi lâm sàng chặt chẽ khi dùng thuốc diclofenac ở người bị viêm đại tràng hoặc bệnh Crohn. Vì thuốc có thể làm những bệnh này nặng hơn.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho người có tiền sử bị chảy máu hoặc đi tiêu phân màu đen.
  • Cần giám sát chặt chẽ khi dùng thuốc này cho người bệnh có suy giảm chức năng gan.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người mắc porphyria gan vì có thể làm xuất hiện đợt cấp.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người bị suy giảm chức năng tim, thận, tiền sử tăng huyết áp, người cao tuổi, người đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc những thuốc có ảnh hưởng đến chức năng thận, người bị giảm thể tích dịch ngoại bào đáng kể do bất kỳ nguyên nhân nào (trước hoặc sau đại phẫu).
  • Cần thận trọng khi kê đơn thuốc diclofenac cho người có bất thường về máu, như rối loạn đông máu. Nên khuyến cáo sử dụng thuốc trong thời gian ngắn nhất. Trường hợp người bệnh cần được điều trị kéo dài thì hãy theo dõi thông thức máu định kỳ.
  • Vì trong thành phần thuốc có chứa lactose nên cần thận trọng với người không dung nạp galactose di truyền, người kém hấp thu với glucose – galactose hoặc thiếu hụt Lapp lactase.
  • Ngoài ra, trong công thức thuốc còn chứa vàng tartrazin. Chất có thể gây ra phản ứng dị ứng nên cần thận trọng đặc biệt với những người có cơ địa dị ứng.
Thuốc diclofenac đặc biệt chống chỉ định ở phụ nữ trong ba tháng cuối thai kỳ
Thuốc diclofenac đặc biệt chống chỉ định ở phụ nữ trong ba tháng cuối thai kỳ

Xử lý khi quá liều

1. Triệu chứng

Khi người bệnh dùng quá liều thuốc Diclofenac DHG, không có triệu chứng lâm sàng điển hình.

Bạn có thể bị đau đầu, buồn nôn, nôn, xuất huyết tiêu hóa, đau thượng vị, tiêu chảy, mất phương hướng, chóng mặt, hôn mê, buồn ngủ, kích thích, ù tai, ngất hoặc bị co giật.

Trong trường hợp ngộ độc cấp tính, người bệnh có thể bị tổn thương gan, suy thận cấp hoặc các biến chứng khác như: hạ huyết áp, kích ứng đường tiêu hóa, suy hô hấp,…

2. Xử lý

Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu khi dùng quá liều diclofenac. Bác sĩ thường điều trị triệu chứng và hỗ trợ nâng sức khỏe cho người bệnh. Biện pháp chung tức khắc là gây nôn hoặc rửa dạ dày. Tiếp theo đó, bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp tiếp theo để loại bỏ độc hoàn toàn khỏi cơ thể người bệnh.

Trường hợp quên liều

Nếu lúc nhớ ra cách liều quên không quá lâu, bạn hãy uống ngay liều quên. Ngược lại, nếu lúc nhớ ra đã gần đến liều kế tiếp thì bạn nên bỏ qua và chờ đến liều tiếp theo. Bạn không nên tự ý tăng liều.

Lưu ý gì khi sử dụng

Thuốc diclofenac có thể gây ra nhức đầu, bồn chồn, ngủ gật, buồn ngủ, buồn nôn, nôn cho người sử dụng. Do đó, người bệnh không nên lái xe, vận hành máy móc hay làm việc trên cao, làm việc cần độ chính xác, tỉ mỉ sau khi dùng thuốc.

Ngoài ra, khi có triệu chứng dị ứng với diclofenac, bạn hãy ngừng dùng thuốc ngay. Đồng thời, bạn hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ những phản ứng có hại trong thời gian sử dụng thuốc.

Cách bảo quản

Bảo quản thuốc Diclofenac ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30°C, tránh ánh sáng.

Diclofenac DHG giá bao nhiêu?

Giá một hộp thuốc Diclofenac DHG 50 mg 10 vỉ x 10 viên rơi vào khoảng 50.000 VNĐ. Giá có thể thay đổi tùy thuộc vào chính sách tại nhà thuốc.

Bài viết trên đây cung cấp các thông tin về Diclofenac DHG. Hy vọng thông tin này có thể giúp ích cho bạn đọc. Khi có nhu cầu dùng thuốc, tốt nhất bạn đọc và gia đình nên tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Diclofenac Sodium - Uses, Side Effects, and Morehttps://www.webmd.com/drugs/2/drug-4284-4049/diclofenac-oral/diclofenac-sodium-enteric-coated-tablet-oral/details

    Ngày tham khảo: 25/06/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người