Nguyên nhân bị rong kinh và những cách khắc phục
Nội dung bài viết
Rong kinh là một tình trạng hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, gây ảnh hưởng khó chịu về mặt tâm lý, thể chất và đời sống xã hội. Nguyên nhân gây ra tình trạng rong kinh rất đa dạng, từ những bệnh lí lành tính đến những bệnh lí ác tính. Do đó, rong kinh làm các chị em phụ nữ vô cùng lo lắng, liệu rằng cách điều trị sẽ như thế nào? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Hoài Duy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thế nào là một chu kì kinh nguyệt bình thường?
Ở một người phụ nữ bình thường, tuổi bắt đầu có kinh là 13 – 16 tuổi. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình cứ khoảng 28 ngày sẽ có 1 lần, tuy nhiên có thể dao động từ 24 đến 38 ngày. Một số trường hợp kinh nguyệt có thể sớm hơn hoặc trễ hơn so với trước đó nhưng không được quá 7 – 9 ngày. Mỗi khi hành kinh thường kéo dài khoảng dưới 8 ngày, lượng máu ra khoảng 80 g (50 – 100 g) hoặc người phụ nữ cảm thấy lượng máu bình thường.1
Khi tính chất kinh nguyệt khác so với những đặc điểm trên tức đã có bất thường. Rong kinh là tình trạng bất thường ở tính chất thời gian kéo dài lúc hành kinh kéo dài hơn 8 ngày.
Hiện tượng rong kinh là gì?
Rong kinh là một tình trạng chu kì kinh nguyệt bất thường, với thời gian hành kinh kéo dài hơn 8 ngày. Điều này có nghĩa rằng, thời điểm ra máu trùng với ngày dự tính sẽ ra kinh, và kéo dài hơn so với thông thường (>8 ngày). Khác với một tình trạng ra máu khác, không trùng với ngày kinh còn gọi là rong huyết.
Rong kinh thường đi kèm với các triệu chứng chảy máu khác. Khi đó người phụ nữ ngoài rong kinh còn có những bất thường kinh nguyệt ví dụ như cường kinh (lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường) hoặc rong huyết, hoặc thống kinh (đau bụng nhiều mỗi khi có kinh).
Nguyên nhân bị rong kinh
Nguyên nhân của rong kinh rất đa dạng từ những bệnh lý tại tử cung cho đến những tình trạng bất thường của tuyến yên, buồng trứng,….
Thai kì
Một số trường hợp có thai gây chảy máu kéo dài, khi tình trạng chảy máu này vô tình trùng vào thời điểm có kinh sẽ làm các chị em phụ nữ lầm tưởng rằng đây là chu kì kinh nguyệt mà không đi khám. Tuy nhiên, đó là một sai lầm nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu như là “mang thai ngoài tử cung”. Vì thế đầu tiên cần loại trừ tình trạng có thai hay không, trước khi quan tâm đến những bệnh lí khác. Đó là lí lo vì sao khi các chị em phụ nữ đến khám tại bệnh viện hoặc phòng khám sẽ được cho thử que thử thai.2
U xơ tử cung/ nhân xơ tử cung
U xơ tử cung là một bệnh lý thường gặp ở các chị em phụ nữ. Dường như phần lớn các chị em đều có u xơ tử cung, nhưng không gây ra triệu chứng. Khi u xơ nằm ở những vị trí đặc biệt trên tử cung hoặc có kích thước quá to có thể gây ra hiện tượng rong kinh.
Rong kinh trong bệnh lí u xơ/ nhân xơ tử cung thường đi kèm với tình trạng cường kinh.3
Bệnh tuyến cơ tử cung/ lạc nội mạc trong cơ tử cung4
Bệnh tuyến cơ tử cung (Adenomyosis) hay một số nơi còn gọi là “lạc nội mạc trong cơ tử cung” cũng là một bệnh lí thường gặp có thể gây ra tình trạng rong kinh ở các chị em phụ nữ, đi kèm với rong kinh thường kèm theo đau bụng kinh nhiều (thống kinh) và tình trạng đau bụng kinh này ngày một trở nặng. Rong huyết cũng có thể kèm theo ở những bệnh nhân này.
Ung thư nội mạc tử cung2
Ung thư nội mạc tử cung là một bệnh lý ác tính, là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở phụ nữ. Ngoài rong kinh, ung thư nội mạc tử cung/ tăng sinh nội mạc tử cung còn có thể gây rong huyết hay chảy máu bất thường giữa các kì kinh.
Những phụ nữ mắc tăng sinh nội mạc tử cung/ung thư nội mạc tử cung thường có các yếu tố nguy cơ khác kèm theo như: lớn tuổi > 45 tuổi, béo phì, chưa từng có thai, hội chứng buồng trứng đa nang, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng không phải dạng polyp có di truyền.5
Chẩn đoán tăng sinh/ung thư nội mạc tử cung dựa vào sinh thiết nội mạc tử cung.
Polyp lòng tử cung
Polyp lòng tử cung là một khối nội mạc dầy lên có một mạch máu nuôi, nằm trong lòng tử cung, kích thước từ vài milimet đến vài centimet.
Polyp vẫn có thể gây rong kinh, nhưng đa số sẽ gây rong huyết nhiều hơn (tức là chảy máu một cách bất thường, không đoán trước được) hoặc gây chảy máu kinh nhiều (cường kinh). Một số trường hợp poplyp gây vô sinh.6
Chẩn đoán polyp lòng tử cung nhờ vào siêu âm phụ khoa, siêu âm bơm nước lòng tử cung.
Bệnh lý gây rối loạn đông máu2
Bệnh lý rối loạn đông máu làm cơ chế cầm máu của cơ thể bị suy yếu, từ đó khó cầm máu hơn nếu có những vết thương.
Khi đến kì kinh nguyệt, nội mạc tử cung bị bong tróc làm hở các mạch máu. Bệnh nhân mắc bệnh lý đông máu sẽ khó khăn trong việc cầm máu tại những chỗ hở. Do đó, thời gian hành kinh có thể kéo dài hơn gây rong kinh, lượng máu kinh có thể nhiều hơn bình thường (cường kinh).
Bệnh nhân thường có kèm theo các tiền sử khác như: tiền sử người thân mắc các bệnh lý đông máu, tiền sử đánh răng dễ bị chảy máu, rong kinh nhiều lần trước đây, đang điều trị thuốc kháng đông.
Do tình trạng rối loạn phóng noãn1
Tình trạng rối loạn phóng noãn thường gặp ở những phụ nữ trẻ, mới dậy thì hoặc những phụ nữ tiền mãn kinh.
Ở những phụ nữ tiền mãn kinh, giai đoạn đầu là những chu kì kinh bắt đầu ngắn lại, <28 ngày sẽ ra kinh một lần. Chu kì ngày càng rút ngắn và đến một lúc nào đó sẽ không ra kinh nữa ở tháng đó. Nhưng ở lần ra kinh tiếp theo, lượng máu kinh có thể chảy kéo dài > 8 ngày hoặc kèm theo ra máu nhiều.
Tình trạng kinh nguyệt bất thường trong giai đoạn này là do ảnh hưởng của sự suy giảm số lượng các nang noãn trên buồng trứng. Là giai đoạn chuyển tiếp để người phụ nữ tiến vào mãn kinh sau đó.
Do khuyết sẹo mổ cũ trên tử cung1
Khuyết sẹo mổ cũ trên tử cung là tình trạng xuất hiện sau khi mổ lấy thai. Nó là một hốc lõm nằm ở mặt trước của tử cung. Hốc lõm này có thể như một bể chứa.
Bình thường, khi đến chu kì kinh, nội mạc tử cung bong tróc và chảy ra ngoài hình thành máu kinh. Nhưng ở người có khuyết sẹo mổ cũ, máu kinh không chảy ra hết mà có thể đọng lại ở những bể chứa là khuyết sẹo mổ lấy thai này, sau đó lại chảy ra dần dần làm kéo dài thời gian hành kinh.
Tính chất kinh nguyệt ở những trường hợp này thường bình thường ở những ngày đầu, nhưng sau đó sẽ còn những ngày ra máu nâu, lượng ít và có thể kéo dài làm bệnh nhân khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra rong kinh nhưng tỉ lệ gặp không nhiều. Nếu có, lại gây chảy máu tử cung bất thường dạng rong huyết hơn là rong kinh. Đó là: viêm mạn nội mạc tử cung, dùng thuốc, các nguyên nhân không phân loại được.1
Ảnh hưởng của tình trạng rong kinh đến cơ thể
Thiếu máu
Do chảy máu kéo dài cộng thêm rong kinh thường phối hợp với chảy máu kinh nhiều (cường kinh) nên thường gây ra tình trạng thiếu máu cho cơ thể.
Thiếu máu mãn tính nếu không bổ sung sắt kịp thời, hoặc không tạo máu đủ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, uể oải, khó tập trung, mất ngủ, tim đập nhanh, da khô, rụng tóc, móng sần sùi…
Giảm sút chất lượng cuộc sống
Rong kinh kéo dài có thể gây ra tâm lý lo lắng cho các bệnh nhân, khiến bệnh nhân suy nghĩ nhiều, mất ngủ hoặc mất tập trung vào công việc.
Một số người, do rong kinh làm hạn chế các hoạt động sinh hoạt, giải trí với bạn bè và người thân như tham gia các bữa tiệc, chơi các môn thể thao dưới nước. Hoặc có thể gây phiền toái vì phải sử dụng băng vệ sinh và thay băng nhiều ngày.
Tình trạng ra kinh kéo dài có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục vợ chồng ở một số người, dẫn đến tâm lí tự ti, mặc cảm.
Rong kinh có thể tự điều trị tại nhà không?
Rong kinh không phải là một loại bệnh, nó là một triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Trong đó có cả những bệnh lý nguy hiểm bao gồm ung thư.
Những trường hợp rong kinh kèm theo cường kinh nếu không điều trị cầm máu sớm, tình trạng ra huyết vẫn cứ kèo dài sẽ làm cho bênh nhân thiếu máu nặng hơn, thậm chí có thể phải truyền máu. Tình trạng rong kinh có thể tự ngưng, tuy nhiên những nguyên nhân gốc rễ không được giải quyết thì tới chu kì tiếp theo bệnh nhân vẫn xảy ra tình trạng rong kinh. Nếu như bệnh nhân cứ cố gắng chịu đựng tại nhà, tự theo dõi thì sẽ mất máu nhiều qua những chu kì kinh nguyệt, gây thiếu máu trầm trọng.
Do đó, khi xảy ra tình trạng rong kinh, chúng ta nên đi khám thể khảo sát kĩ càng rằng mình đang mắc bệnh lí gì. Không nên tự cam chịu tại nhà.
Những cách khắc phục tình trạng rong kinh
Chế độ ăn uống
Nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu máu gây ra bởi rong kinh, các chị em nên ăn uống đầy đủ chất, cân đối các nhóm thức ăn như: chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa), chất béo (dầu thực vật, bơ, sữa..), chất đường (cơm, bún, bánh mì,…) chất xơ (rau, củ, quả) và các loại vitamin.
Chế độ ăn uống tốt, giảm thiểu tình trạng thiếu máu nặng sẽ tạo thuận lợi cho việc điều trị. Đặc biệt là các bệnh lý cần phải phẫu thuật. Khi đó người bệnh vẫn có thể mổ mà không cần phải truyền máu trước mổ.
Chế độ sinh hoạt
Trong giai đoạn đang rong kinh, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng. Đóng băng vệ sinh để theo dõi lượng máu mất. Giữ vùng kín khô ráo sau khi đi vệ sinh bằng cách dùng khăn thấm khô, không nên lau hoặc chà xát mạnh vào vùng kín vì có thể gây những vết xước nhỏ, dễ dẫn tới nhiễm trùng.
Khám sức khỏe với bác sĩ
Một tỉ lệ lớn các nguyên nhân gây ra rong kinh đòi hỏi điều trị là phẫu thuật, vì vậy các chị em nên khám bệnh và trao đổi với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây rong kinh. Từ đó điều trị thích hợp, rong kinh sẽ chấm dứt.
Ngoài ra, khi khám bệnh các bác sĩ cũng sẽ chỉ định thuốc cầm máu hoặc thuốc tái tạo lại nội mạc tử cung để ngăn chặn tình trạng chảy máu kéo dài và mất máu, giúp bệnh nhân ổn định tình trạng chảy máu nhanh hơn so với việc tự chờ đợi cầm máu.
Tóm lại, rong kinh là tình trạng chảy máu đúng vào ngày có kinh, nhưng thời gian kéo dài > 8 ngày. Khác với rong huyết là chảy máu không đúng ngày kinh, và cường kinh là chảy máu kinh lượng nhiều. Rong kinh là một triệu chứng có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhau:
- Thai kì.
- U xơ tử cung.
- Bệnh tuyến cơ tử cung, lạc nội mạc trong cơ tử cung.
- Tăng sinh nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung.
- Polyp lòng tử cung.
- Rối loạn đông máu.
- Rối loạn phóng noãn.
- Nguyên nhân khác: khuyết sẹo mổ, viêm nội mạc…
Trên đây là những thông tin liên quan đến nguyên nhân bị rong kinh, đây là dấu hiệu thường gặp ở các chị em phụ nữ. Nguyên nhân gây ra triệu chứng này rất đa dạng, có thể có cả những nguyên nhân nguy hiểm. Vì thế các chị em phụ nữ khi xảy ra tình trạng này nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhằm phát hiện sớm các bệnh lí nguy hiểm nếu có. Đồng thời, chúng ta cần ăn uống đầy đủ chất và bổ sung dinh dưỡng để hạn chế thiếu máu do rong kinh gây ra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- The two FIGO systems for normal and abnormal uterine bleeding symptoms and classification of causes of abnormal uterine bleeding in the reproductive years: 2018 revisionshttps://www.researchgate.net/publication/327564793_The_two_FIGO_systems_for_normal_and_abnormal_uterine_bleeding_symptoms_and_classification_of_causes_of_abnormal_uterine_bleeding_in_the_reproductive_years_2018_revisions
- Vương Thị Ngọc Lan, Huỳnh Nguyễn Khánh Trang (2019). "Quản lý xuất huyết tử cung bất thường ở phụ nữ độ tuổi sinh sản". Bài giảng Phụ khoa, Đại học Y Dược TP.HCM.
- Nguyễn Chí Quang, Âu Nhựt Luân (2019). "Nguyên lý tiếp cận điều trị u xơ-cơ tử cung". Bài giảng Phụ khoa, Đại học Y Dược TP.HCM.
- Âu Nhựt Luân (2019). "Bài giảng Bệnh tuyến - cơ tử cung (adenomyosis): bệnh sinh và một số vấn đề liên quan". Bài giảng Phụ khoa, Đại học Y Dược TP.HCM.
- Vương Thị Ngọc Lan, Huỳnh Nguyễn Khánh Trang (2019). "Quản lý xuất huyết tử cung bất thường liên quan đến các nguyên nhân ác tính". Bài giảng Phụ khoa, Đại học Y Dược TP.HCM.
-
Uterine polypshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/uterine-polyps/symptoms-causes/syc-20378709
Ngày tham khảo: 15/09/2022