YouMed

Nguyên nhân vảy nến là gì? Các yếu tố có thể kích thích vảy nến bùng phát

bác sĩ nguyễn thị thảo
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo
Chuyên khoa: Da liễu

Bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính, hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Bệnh được biểu hiện dấu hiệu các sẩn và vảy đỏ trên da. Vậy, nguyên nhân vảy nến là gì? Các yếu tố nào có thể kích thích vảy nến bùng phát? Hãy cùng tìm hiểu các thông tin trên trong bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo nhé!

Nguyên nhân vảy nến là gì?

Không chỉ là bệnh ngoài da, vảy nến là bệnh mạn tính và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trên cơ thể.

Bệnh vảy nến chiếm khoảng 2% – 3% dân số tùy theo từng khu vực. Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê tại Bệnh viện da liễu Trung Ương, tỷ lệ bệnh nhân vảy nến chiếm 2,2% tổng số bệnh nhân đến khám bệnh.1

Đến hiện tại, căn nguyên vảy nến vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, rối loạn miễn dịch, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường được cho là những nguyên nhân gây ra vảy nến:1

  • Yếu tố miễn dịch: người ta nhận thấy có sự thay đổi miễn dịch ở bệnh vảy nến. Các tế bào miễn dịch được hoạt hoá tiết các hoạt chất sinh học có tác dụng thúc đẩy tăng sinh, làm rối loạn quá trình biệt hoá tế bào sừng.
  • Yếu tố di truyền: bệnh vảy nến thường xảy ra ở người có gen HLA-B13, B17, BW57 và CW6. Đặc biệt, 87% bệnh nhân vảy nến có gen HLA-CW6.
  • Yếu tố môi trường: stress, tiền sử mắc bệnh mạn tính, chấn thương, nhiễm khuẩn, thuốc. Đặc biệt, việc dùng corticoid, sản phẩm đông y chưa rõ nguồn gốc cũng như chưa được đánh giá về hiệu quả điều trị, tiền sử rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, nghiện rượu có thể là nguyên nhân gây bệnh vảy nến.
Miễn dịch, yếu tố di truyền, môi trường được cho là những nguyên nhân vảy nến
Miễn dịch, yếu tố di truyền, môi trường được cho là những nguyên nhân vảy nến

Các yếu tố có thể kích thích vảy nến bùng phát

Bên cạnh nguyên nhân vảy nến, nhiều người còn quan tâm đến các yếu tố, tác nhân có thể kích thích vảy nến bùng phát. Việc hiểu rõ các yếu tố này sẽ giúp người bệnh chủ động phòng tránh, hạn chế làm bệnh trở nên nghiêm trọng.

Theo các nghiên cứu, một số yếu tố bên ngoài và bên trong cơ thể có thể kích thích các đợt bùng phát của bệnh vảy nến.

1. Các yếu tố bên ngoài2

Ô nhiễm không khí

Cadmium là một trong những chất gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến cơ chế bệnh sinh của bệnh vảy nến. Bệnh nhân bị bệnh vảy nến nặng được chứng minh có lượng cadmium trong máu cao hơn so với người khỏe mạnh.3

Nghiên cứu trên còn cho thấy rằng việc tiếp xúc với cadmium trong môi trường có thể làm tổn hại đến khả năng miễn dịch và sự xáo trộn môi trường vi mô có thể khiến bệnh vảy nến trở nên trầm trọng hơn.

Thuốc

Việc sử dụng thuốc có thể làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến đã có từ trước, gây ra các tổn thương vảy nến trên vùng da chưa được điều trị về mặt lâm sàng, hoặc làm bệnh bùng phát bệnh ở những bệnh nhân không có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến, cũng như ở những người dễ mắc bệnh vảy nến.4

Theo một nghiên cứu năm 2017, một số loại thuốc dưới đây có thể làm bùng phát vảy nến:5

  • Một số loại thuốc chống sốt rét, thuốc lupus ban đỏ.
  • Thuốc chẹn beta giúp điều trị bệnh tim mạch, bệnh tăng nhãn áp.
  • Thuốc lithium giúp điều trị rối loạn lưỡng cực.
  • Thuốc Interferon dùng điều trị viêm gan, bệnh đa xơ cứng, một số bệnh ác tính.
  • Thuốc Bupropion (chất đối kháng thụ thể nicotin) dùng điều trị cai thuốc lá.
  • Một số thuốc điều trị ung thư.
  • Thuốc đối kháng alpha yếu tố hoại tử khối u.

Tiêm chủng

Tiêm chủng có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến. Một số nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa tiêm phòng vắc-xin cúm, vắc-xin BCG, vắc-xin adenovirus, vắc-xin uốn ván – bạch hầu, vắc-xin phế cầu khuẩn,… và sự trầm trọng thêm bệnh vảy nến.6 7 8 9 10. Do đó, người bệnh vảy nến cần được theo dõi cẩn thận sau khi được tiêm vắc-xin.

Tổn thương da, các vết cắt, vết trầy xước

Vảy nến có thể bùng phát sau các tổn thương da, da bị cắt, bị trầy xước, bị bầm tím. Đợt bùng phát vảy nến có thể xuất hiện sau 10 – 14 ngày kể từ khi da bị tổn thương.11

Để giảm nguy cơ bùng phát vảy nến da các chấn thương ở da, người bệnh có thể:11

  • Nếu bị thương ở da thì cần điều trị nhanh chóng.
  • Nếu ngứa da thì hãy làm dịu cơn ngứa, tránh gãi.
  • Sử dụng các sản phẩm chống côn trùng để hạn chế bị côn trùng cắn, đốt.
Các vết trầy xước, bầm tím,... có thể làm bùng phát vảy nến
Các vết trầy xước, bầm tím,… có thể làm bùng phát vảy nến

Thời tiết

Thời tiết lạnh, khô có thể là nguyên nhân gây bùng phát vảy nến. Ngược lại, thời tiết quá nóng, nhiệt độ cao cũng có thể khiến da bị cháy nắng, làm bùng phát đợt vảy nến.11

Người bệnh có thể giảm nguy cơ bùng phát vảy nến do yếu tố thời tiết bằng cách:11

  • Tuân thủ điều trị vảy nến.
  • Khi trời lạnh, hạn chế tắm vòi sen, nên tắm trong vòng 10 phút, tắm bằng nước ấm thay vì nước quá nóng.
  • Sau khi tắm xong cần dưỡng ẩm cho da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại thuốc bôi, sản phẩm phù hợp cho người bệnh vảy nến.
  • Nếu không khí trong môi trường sinh hoạt có vẻ khô, có thể sử dụng máy làm ẩm không khí.
  • Khi đi ngoài trời trong thời tiết lạnh cần giữ ấm cho da bằng cách đội mũ, đeo găng tay, mặc áo khoác dày, đi giày giữ ấm,…
  • Trong thời tiết lạnh, nếu sử dụng lò sưởi, máy tản nhiệt hoặc bất kỳ nguồn nhiệt làm ấm nào khác thì cũng không nên ngồi quá gần nguồn nhiệt, không nên để da bị nóng.
  • Tránh bị cháy nắng bằng cách bôi kem chống nắng. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những sản phẩm chống nắng phù hợp cho trường hợp vảy nến của bản thân.

Chế độ ăn uống

Trong một vài trường hợp, một số loại thực phẩm có thể làm tăng tình trạng viêm và gây bùng phát đợt vảy nến, bao gồm:12

  • Các loại thịt đỏ.
  • Các sản phẩm chế biến từ bơ, sữa.
  • Gluten.
  • Thực phẩm đã qua chế biến.
  • Một số loại củ quả như: cà chua, cà tím, khoai tây,…

Các tác nhân thực phẩm kích thích vảy nến có thể khác nhau ở mỗi người. Nhìn chung, trong chế độ ăn hằng ngày của người bệnh vảy nến, nên tránh các thực phẩm gây tăng tình trạng viêm.

Rượu bia, thuốc lá

Hút thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh vảy nến.13 Ngoài ra, hút thuốc có liên quan chặt chẽ với tổn thương mụn mủ của bệnh vảy nến.14

Một nghiên cứu cho thấy rằng hút thuốc có thể:15

  • Kích thích bùng phát vảy nến.
  • Làm giảm hiệu quả điều trị vảy nến.
  • Làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh vảy nến.

Bên cạnh thuốc lá, rượu cũng được cho là một yếu tố nguy cơ làm vảy nến trầm trọng hơn. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định điều này.16

Để tránh bùng phát bệnh vảy nến, bệnh nhân nên bỏ thuốc lá, kiêng hoặc giảm tiêu thụ rượu bia.

Thuốc lá, rượu,... là những yếu tố bên ngoài có thể làm vảy nến bùng phát
Thuốc lá, rượu,… là những yếu tố bên ngoài có thể làm vảy nến bùng phát

2. Các yếu tố nội tại2

Thay đổi nội tiết tố

Triệu chứng vảy nến có xu hướng bùng phát ở tuổi dậy thì, mang thai và mãn kinh. Điều này cho thấy liên quan đến yếu tố hormone giới tính.17 Một nghiên cứu khác cho thấy nồng độ estrogen thấp trong kỳ kinh nguyệt có thể dẫn đến đợt bùng phát vảy nến.18

Bên cạnh hormone giới tính, một số yếu tố nội tiết tố khác cũng cần được lưu tâm ở người bệnh vảy nến:17

Béo phì

Một số nghiên cứu đã chứng minh béo phì có liên quan chặt chẽ với sự khởi phát và mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến.19 20 21

Căng thẳng, trầm cảm

Mức độ nghiêm trọng của vảy nến càng cao thì nguy cơ trầm cảm càng tăng. Ngược lại, căng thẳng, trầm cảm cũng có thể làm tình trạng vảy nến trầm trọng hơn.22

Tăng huyết áp

Bệnh vảy nến được biết đến có thể làm tăng tỷ lệ tăng huyết áp ở người bệnh. Ngược lại, nguy cơ mắc bệnh vảy nến tăng lên ở những bệnh nhân tăng huyết áp.23

Bệnh vảy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác như đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… Ảnh hưởng của các bệnh lý này với khả năng bùng phát vảy nến vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn đã xác định rõ ràng.2

Một số tác nhân nội tại có thể làm trầm trọng hơn tình trạng vảy nến là: béo phì, căng thẳng, tăng huyết áp,...
Một số tác nhân nội tại có thể làm trầm trọng hơn tình trạng vảy nến là: béo phì, căng thẳng, tăng huyết áp,…

Trên đây là bài viết về nguyên nhân vảy nến, cũng như các yếu tố có thể khiến vảy nến bùng phát. Khi phát hiện triệu chứng hoặc nghi ngờ mắc bệnh vảy nến, người bệnh cần liên hệ bác sĩ để có được những chẩn đoán và điều trị kịp thời và tránh những cơn bùng phát vảy nến khi cần thiết.

VN2312215823

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y Tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Da liễu. Trang 161 - 166.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/10/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-cac-benh-da-lieu.pdf#page=162

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  2. Risk Factors for the Development of Psoriasishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6769762/

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  3. Exploring the link between cadmium and psoriasis in a nationally representative samplehttps://www.nature.com/articles/s41598-017-01827-9

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  4. Drug-Induced Psoriasishttps://link.springer.com/article/10.2165/00128071-200001030-00003

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  5. Drug-induced psoriasis: clinical perspectiveshttps://www.dovepress.com/drug-induced-psoriasis-clinical-perspectives-peer-reviewed-fulltext-article-PTT

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  6. Vaccines of the Future: The Role of Inflammation and Adjuvanticityhttps://www.hindawi.com/journals/jir/2015/258430/

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  7. National Survey of Psoriasis Flares after 2009 Monovalent H1N1/Seasonal Vaccineshttps://karger.com/drm/article-abstract/229/2/130/117408/National-Survey-of-Psoriasis-Flares-after-2009

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  8. Guttate Psoriasis-like Lesions following BCG Vaccination https://academic.oup.com/tropej/article/50/3/178/1653990?login=false

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  9. Psoriasis triggered by tetanus-diphtheria vaccinationhttps://www.tandfonline.com/doi/abs/10.3109/15569527.2012.727936

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  10. Generalized exacerbation of psoriasis vulgaris induced by pneumococcal polysaccharide vaccinehttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1346-8138.15007

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  11. ARE TRIGGERS CAUSING YOUR PSORIASIS FLARE-UPS?https://www.aad.org/public/diseases/psoriasis/triggers/flares

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  12. Dietary Behaviors in Psoriasis: Patient-Reported Outcomes from a U.S. National Surveyhttps://link.springer.com/article/10.1007/s13555-017-0183-4

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  13. Smoking and Risk of Incident Psoriasis Among Women and Men in the United States: A Combined Analysishttps://academic.oup.com/aje/article/175/5/402/174827

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  14. Cigarette Smoking, Body Mass Index, and Stressful Life Events as Risk Factors for Psoriasis: Results from an Italian Case–Control Studyhttps://www.jidonline.org/article/S0022-202X(15)32364-2/fulltext

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  15. The relationship between smoking, psoriasis and psoriatic arthritishttps://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1744666X.2019.1543591

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  16. Alcohol consumption and psoriasis: a systematic literature reviewhttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jdv.12164

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  17. The role of hormones in the pathogenesis of psoriasis vulgarishttps://medpharmareports.com/index.php/mpr/article/view/505

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  18. Psoriasis: Female Skin Changes in Various Hormonal Stages throughout Life—Puberty, Pregnancy, and Menopausehttps://www.hindawi.com/journals/bmri/2013/571912/

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  19. Environmental Risk Factors in Psoriasis: The Point of View of the Nutritionisthttps://www.mdpi.com/1660-4601/13/7/743

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  20. Obesity and psoriasis: From the Medical Board of the National Psoriasis Foundationhttps://www.jaad.org/article/S0190-9622(09)01506-0/fulltext

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  21. Psoriasis and Obesityhttps://karger.com/drm/article/232/6/633/114593/Psoriasis-and-Obesity

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  22. Association Between Psoriasis and Depression: A Traditional Reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7489316/

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  23. Hypertension and risk of psoriasis incidence: An 11-year nationwide population-based cohort studyhttps://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0202854

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người