YouMed

Trẻ sơ sinh bị thủy đậu: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

BS Huỳnh Nguyễn Anh Thư
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Anh Thư
Chuyên khoa: Nhi khoa

Thủy đậu là một bệnh lây nhiễm khá phổ biến, biểu hiện bằng nhiều triệu chứng, từ nhẹ tự giới hạn mà không cần dùng thuốc đặc trị đến các biểu hiện nặng và các biến chứng làm trẻ phải nhập viện, thậm chí tử vong, hoặc để lại di chứng lâu dài ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngược lại với các biểu hiện triệu chứng nhẹ ở trẻ lớn, thủy đậu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là sơ sinh non tháng rất nghiêm trọng, có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể và đưa đến tử vong. Tuy vậy, với việc chuẩn bị làm mẹ với đầy đủ kiến thức và chăm trẻ sơ sinh một cách kĩ lưỡng có thể làm giảm nguy cơ cho con trẻ. Hãy cùng Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Anh Thư tìm hiểu một vài khía cạnh về thủy đậu ở trẻ sơ sinh nhé.

Trẻ sơ sinh có bị thuỷ đậu không?

Thủy đậu là biểu hiện của tình trạng nhiễm virus Varicella Zoster (VZV) lần đầu. Tức là khi cơ thể trẻ chưa từng tiếp xúc với virus. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nhiễm virus trong lúc mang thai và xung quanh thời gian sinh trẻ, trẻ tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân mắc VZV (thường là người thân trong gia đình hay người chăm sóc chính như mẹ, bà,…), trẻ nằm viện vì một lý do khác vô tình tiếp xúc với VZV trong viện là những trường hợp khiến trẻ mắc thủy đậu.1

Nếu mẹ mắc thủy đậu khi thai dưới 20 tuần tuổi, 2% trẻ sinh ra sẽ mắc thủy đậu bẩm sinh với tỉ lệ tử vong lên đến 30%. Tỉ lệ mắc thủy đậu sơ sinh tăng lên rất cao từ 20 – 50%.1

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị thủy đậu

Những biểu hiện của trẻ sơ sinh bị thủy đậu rất đa dạng. Có thể chỉ là những nốt mụn nước tương tự như ở trẻ lớn. Cũng có thể virus sẽ lây nhiễm đến nhiều cơ quan trong cơ thể như ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Dấu hiệu thủy đậu bẩm sinh2

Triệu chứng lâm sàng là những khiếm khuyết liên quan sự phát triển nhiều cơ quan trên cơ thể. Cụ thể:

1. Chậm phát triển trong tử cung

Có thể phát hiện trong quá trình siêu âm theo dõi thai định kỳ. Các bác sĩ sản khoa sẽ ghi nhận trẻ có những biểu hiện sau:

  • Nhẹ cân so với tuổi thai.
  • Vòng đầu nhỏ.
  • Chiều dài xương đùi, kích thước vòng bụng kém phát triển so với những thai cùng tuổi.

Có nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ chậm phát triển trong tử cung. Nhiễm trùng bẩm sinh: thủy đậu, rubella, EBV, CMV có thể là nguyên nhân.

Thai chậm phát triển trong tử cung
Thai chậm phát triển trong tử cung

2. Những tổn thương khác

Tổn thương da dạng phân bố theo đường đi của dây thần kinh. Những đặc điểm này sẽ có ngay từ khi sinh ra. Và được bác sĩ thăm khám trong quá trình đánh giá trẻ sau sanh.

 Tổn thương da phân bố theo dây thần kinh của thủy đậu bẩm sinh
Tổn thương da phân bố theo dây thần kinh của thủy đậu bẩm sinh

3. Tổn thương liên quan tới mắt

Đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể gặp ở trẻ bị thủy đậu bẩm sinh
Đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể gặp ở trẻ bị thủy đậu bẩm sinh

4. Bất thường chi

Bất thường này xuất hiện với biểu hiện thường gặp là bất sản, thiểu sản xương và cơ.

Teo cơ, thiểu sản xương ở trẻ thủy đậu bẩm sinh
Teo cơ, thiểu sản xương ở trẻ thủy đậu bẩm sinh

5. Bất thường hệ thần kinh trung ương

  • Phì đại tủy sống.
  • Co giật.
  • Chậm phát triển tâm vận.

Tùy mức độ bất thường của trẻ khảo sát được qua siêu âm thai đánh giá. Bác sĩ sẽ trao đổi với người thân về chỉ định và quyết định chấm dứt thai kỳ.

Dấu hiệu thủy đậu sơ sinh3

1. Sốt

Sốt có thể xảy ra trong vòng vài ngày sau sinh. Sau đó là các triệu chứng khá điển hình.

2. Mụn nước

Sang thương thủy đậu khá đặc trưng với mụn nước trên nốt hồng ban, rốn lõm, kích thước 0.3 – 0.5 cm. Dịch trong mụn nước có thể trong hoặc đục. Hồng ban bắt đầu xuất hiện từ thân mình, lan ra tứ chi, nhiều độ tuổi. Từ mới nổi đến nổi vài ngày, tức là mụn nước của thủy đậu xuất hiện không cùng lúc. Đối với trường hợp nhẹ, mụn nước thường hết trong vòng 7 – 10 ngày, và để lại sẹo.

Tổn thương bóng nước điển hình của thủy đậu
Tổn thương bóng nước điển hình của thủy đậu

3. Loét miệng

Bóng nước có thể xuất hiện ở bất kỳ niêm mạc nào. Ví dụ như đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, và ở niêm mạc miệng. Trẻ loét miệng thường đau, bỏ bú, quấy khóc,…

4. Biến chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Viêm phổi, viêm gan, viêm não màng não là biến chứng nghiêm trọng và có thể nguy hiểm tính mạng.

Trẻ sơ sinh bị thủy đậu có nguy hiểm không?

Đối với thủy đậu bẩm sinh, trẻ thường kèm các dị tật nghiêm trọng như đã nêu. Và có thể gây sảy thai, thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Việc chấm dứt thai kỳ có thể đặt ra nếu trẻ có dị tật quá nặng nề không phù hợp sự sống.

Như đã đề cập, thủy đậu thường nhẹ, tự giới hạn ở trẻ khỏe mạnh. Tuy vậy, trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, hệ miễn dịch còn nhiều khiếm khuyết và chưa trưởng thành. Việc nhiễm VZV trở thành vấn đề nghiêm trọng và có thể gây nhiều biến chứng. Trẻ sơ sinh dễ bị bội nhiễm ở các sang thương thủy đậu gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ,…

Chẩn đoán thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Chẩn đoán thủy đậu là chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa vào dịch tễ, tiền căn có tiếp xúc với nguồn lây, và đặc điểm của sang thương trên da trẻ để chẩn đoán. Thường không cần xét nghiệm. Ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ suy giảm miễn dịch, phết dịch bóng nước làm PCR VZV có thể giúp chẩn đoán xác định nếu triệu chứng mơ hồ và nguồn lây không rõ ràng. Việc chẩn đoán xác định là để tiến hành điều trị.3

Tuy vậy, hiện tại ở Việt Nam xét nghiệm PCR VZV không phổ biến.

Một số biểu hiện cần phân biệt với thủy đậu:4

  • Chốc lở: nhiễm khuẩn da do vi trùng, thường tập trung quanh môi mép, ít khi ở thân mình.
  • Bóng nước do virus Herpes simplex: gặp trên vùng da có bệnh như chàm, viêm da dị ứng.
  • Bệnh tay chân miệng: rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, ban tay chân miệng hiếm khi ở thân mình, không lõm như bóng nước của thủy đậu.

Điều trị thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Việc quyết định điều trị trẻ sơ sinh bị thủy đậu phụ thuộc vào bác sĩ. Acyclovir có chế phẩm đường uống, tuy nhiên không được tự ý mua thuốc để điều trị cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện nặng như viêm phổi, viêm não, giảm tiểu cầu, viêm gan nặng, bác sĩ sẽ chỉ định Acyclovir tiêm tĩnh mạch.1

Đối với trẻ sơ sinh, vì hệ miễn dịch còn non nớt, bất cứ khi nào trẻ sốt nói chung, và có biểu hiệu nổi bóng nước đặc trưng của thủy đậu nói riêng quý phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Vì sốt thường là triệu chứng khởi đầu ở trẻ, nên khi trẻ sơ sinh sốt, có chỉ định nhập viện và được theo dõi bởi nhân viên y tế, thủy đậu sẽ được chẩn đoán sau đó nếu trẻ nổi bóng nước điển hình.1

Đối với những trẻ có mẹ mắc thủy đậu, hoặc tiếp xúc với người mắc thủy đậu ở thời điểm sau sanh, tùy vào tình trạng miễn dịch của mẹ mà việc điều trị phòng ngừa được đặt ra với trẻ. Vì vậy, khi người tiếp xúc gần với trẻ có biểu hiện thủy đậu, trẻ nên được gặp bác sĩ để được tư vấn.1

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị thủy đậu

1. Xử lý bóng nước

Bóng nước thủy đậu có thể bị bội nhiễm, vì vậy tùy theo chỉ định của bác sĩ, có thể dùng các chất như thuốc xanh methylene bôi bóng nước. Tuy nhiên chỉ cần thiết khi bóng nước bị vỡ, có nguy cơ bội nhiễm. Không được đắp lá cây, bột thuốc không rõ nguồn gốc và không theo chỉ định của bác sĩ lên trên sang thương của trẻ, vì nguy cơ nhiễm khuẩn cao, có thể đưa đến nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

2. Trẻ loét miệng

Trẻ loét miệng do bóng nước niêm mạc hầu họng vỡ thường bú kém, bỏ bú. Phụ huynh có thể chia nhỏ các cữ sữa hoặc khi trẻ không thể uống, có biến chứng hạ đường huyết, cần đưa trẻ đến bác sĩ để được hướng dẫn xử lý.

3. Có nên cho trẻ bú sữa mẹ khi mẹ đang bị thủy đậy?

Không có chống chỉ định dùng sữa mẹ, khi mẹ mắc thủy đậu. Chưa có nghiên cứu chứng minh được trẻ có thể mắc thủy đậu qua việc dùng sữa của người đang bị thủy đậu. Nếu sợ tiếp xúc, có thể vắt sữa mẹ cho trẻ bú.3

Cách phòng ngừa thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Quản lý trẻ sơ sinh có tiếp xúc với thủy đậu dựa trên việc trẻ có sinh non hay không, mẹ có miễn dịch từ trước hay không, và thời gian trẻ tiếp xúc với VZV.

1. Phòng ngừa thủy đậu cho mẹ bầu khi đang mang thai

Điều quan trọng mà quý phụ huynh cần thực hiện là tiêm vắc xin thủy đậu cho mẹ trước khi mang thai, ngừa thủy đậu cho các thành viên của gia đình, và khi trẻ trong độ tuổi sơ sinh, tránh để trẻ tiếp xúc với người bị mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh.

2. Hạn chế hôn trẻ, rửa tay đảm bảo vệ sinh trong quá trình chăm trẻ

Sơ sinh là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi rất nhiều tác nhân. Thủy đậu là một bệnh lý nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, có thể gây nhiều biến chứng vô cùng nghiêm trọng và có thể dẫn tới tử vong. Việc quan trọng là phòng ngừa, hạn chế tối đa khả năng trẻ tiếp xúc với thủy đậu.

Biện pháp hiệu quả là chủng ngừa thủy đậu cho mẹ trước mang thai, và giữ vệ sinh trong lúc chăm trẻ. Phát hiện sớm trẻ sơ sinh có biểu hiện bất thường như lừ đừ, bỏ bú, sốt để đến khám cũng như được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện tiên lượng trong bệnh thủy đậu. Hy vọng với những chia sẻ của bác sĩ đã giúp quý phụ huynh có thêm kiến thức khi trẻ sơ sinh bị thủy đậu, và tự tin hơn trong quá trình chăm sóc con trẻ.

Câu hỏi thường gặp

Trẻ sơ sinh bị thủy đậu tắm lá gì?

Bản thân da trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm, kèm theo tình trạng thủy đậu dễ nhiễm trùng bóng nước gây nhiễm trùng huyết, vì vậy không được dùng bất kì lá gì để tắm cho trẻ. Mọi thuốc sử dụng cho trẻ đều phải thông qua ý kiến của bác sĩ.

Về trường hợp trẻ sơ sinh có mẹ bị thủy đậu?

Tùy vào tình trạng miễn dịch của mẹ trước đó (đã chích ngừa trước mang thai hay chưa) và tuổi thai khi trẻ sinh ra, cũng như thời gian mẹ mắc thủy đậu mà có cách quản lý khác nhau. Nên chích ngừa trước mang thai, và đi khám nếu mẹ mắc thủy đậu.

Trẻ sơ sinh có bị lây thủy đậu không?

Trẻ sơ sinh là đối tượng hệ miễn dịch còn chưa phát triển, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân. Nguy cơ mắc thủy đậu và diễn tiến nặng rất cao.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Management of varicella in neonates and infants https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6570487/

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  2. Infectious Diseases of the Fetus and Newborn: Expert Consult, Seventh Edition p.661https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/09/Infectious-Diseases-of-the-Fetus-and-Newborn_-Expert-Consult-1-1.pdf#page=674
  3. Chickenpox (varicella)https://www.rch.org.au/clinicalguide/guideline_index/Chickenpox_(varicella)/

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  4. Bệnh thủy đậuhttps://vncdc.gov.vn/benh-thuy-dau-nd14515.html

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người