Nhận biết các triệu chứng đầy bụng để điều trị đúng cách
Nội dung bài viết
Triệu chứng đầy bụng là một hiện tượng phổ biến và làm giảm chất lượng cuộc sống của nhiều người. Tuy vậy, rất ít người trong chúng ta có thể nhận biết và điều trị nó đúng cách. Bài viết sau đây của bác sĩ Lê Dương Linh sẽ giới thiệu cho bạn các triệu chứng của đầy bụng, cũng như một số biện pháp điều trị và phòng tránh tình trạng này. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Tại sao bị đầy bụng?
Đầy bụng là triệu chứng thường gặp và gây khó chịu cho nhiều người. Có nhiều nguyên nhân gây đầy bụng mà chúng ta có thể kể đến như:
1. Thói quen
Do guồng quay hối hả của cuộc sống, nhiều người có thói quen ăn uống quá nhanh và quá nhiều trong cùng một lúc để tiết kiệm thời gian. Điều này khiến cho thức ăn không thể tiêu hóa kịp và làm bạn có triệu chứng đầy bụng.
Việc ăn quá nhiều thực phẩm khó tiêu bao gồm thực phẩm cay, thức ăn nhiều dầu mỡ và chất béo cũng là nguyên nhân làm bạn bị đầy bụng.
Ngoài ra, việc nằm xuống quá sớm ngay sau khi ăn có thể khiến thức ăn khó tiêu hóa hơn. Thói quen này còn khiến bạn có nguy cơ mắc phải những bệnh lý tiêu hóa khác, chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
2. Thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ra triệu chứng đầy bụng như:
- Thuốc kháng viêm không steroid, ví dụ như thuốc aspirin, ibuprofen, và naproxen. Đây là một trong những nhóm thuốc có thể gây đầy bụng khó tiêu.
- Thuốc kháng sinh. Một số loại kháng sinh có khả năng gây kích ứng hệ tiêu hóa và gây đầy bụng.
3. Bệnh lý tiêu hóa
Một số bệnh lý đường tiêu hóa có triệu chứng đầy bụng. Bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ từ nhân viên y tế để giải quyết triệt để chúng. Những bệnh lý này bao gồm:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Ung thư dạ dày.
- Những bệnh lý ở tuyến tụy hoặc ống mật.
- Nhiễm trùng Helicobacter Pylori – một loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày tá tràng.
- Không dung nạp lactose, gluten và các chất khác.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Chứng liệt dạ dày.
4. Nguyên nhân phổ biến khác
Những nguyên nhân khác có thể dẫn đến triệu chứng đầy bụng khó tiêu bao gồm:
- Sử dụng các chất kích thích. Những chất kích thích (thuốc lá, rượu, và cà phê) khi vào dạ dày sẽ tạo ra một phản xạ gây co thắt lỗ thực quản dưới, dễ khiến cho tình trạng ợ hơi xảy ra.
- Tinh thần căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài và lo âu. Những điều này sẽ làm giảm tiết các men tiêu hóa, khiến nhu động đường tiêu hóa giảm đi gây nên hiện tượng đầy hơi.
- Đôi khi bạn có thể bị khó tiêu mà không rõ nguyên nhân. Thuật ngữ y học gọi điều này là chứng khó tiêu chức năng.
Xem thêm: Rối loạn lo âu lan toả
Các triệu chứng đầy bụng
Triệu chứng đầy bụng có khả năng xuất hiện thường xuyên trong một ngày hoặc theo từng đợt vài ngày một lần. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Người bị đầy bụng sẽ cảm thấy nóng rát, khó chịu, đau quặn từng cơn, ậm ạch như chứa nước và hơi ở vùng bụng trên rốn trong hoặc sau khi ăn.
- Bên cạnh đó, một số người cảm thấy no quá nhanh khi ăn.
- Đôi khi người bệnh còn xuất hiện ợ hơi, ợ chua, cảm giác buồn nôn, hoặc có thể nôn vào buổi sáng.
- Đầy bụng có thể khiến bệnh nhân thở phì phò, đi lại nặng nề.
- Nhiều người than phiền rằng họ nghe thấy tiếng ùng ục vùng dạ dày.
- Bệnh nhân còn có thể bị tiêu chảy, táo bón kèm theo.
- Triệu chứng này thường xảy ra nhiều hơn sau khi uống rượu, dùng các thức ăn có nhiều chất béo, đường sữa hay các thức ăn nóng có chứa các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu.
- Cảm giác chướng bụng này sẽ giảm bớt khi bệnh nhân xì hơi hoặc đi ngoài.
Một số phương pháp chữa đầy bụng tại nhà
Triệu chứng đầy bụng có thể được điều trị tại nhà. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng. Bạn có thể dụng các thuốc không kê toa để điều trị đầy bụng, bao gồm thuốc trung hòa axit dạ dày, thuốc ức chế bơm proton, kháng histamin H2.1
Xem thêm: Tổng hợp các thuốc điều trị đau dạ dày
Bên cạnh đó, bạn nên tránh sử dụng các loại thực phẩm có khả năng gây đầy bụng khó tiêu như:
- Thức uống chứa cồn.
- Thức uống có ga.
- Đồ ăn hoặc thức uống có chứa caffeine.
- Thức ăn cay, giàu chất béo hoặc nhiều dầu mỡ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc ức chế axit mạnh hơn, thuốc tăng co bóp của dạ dày, tăng trương lực cơ thắt thực quản, thuốc hấp thụ hơi trong ruột (than hoạt, dimethicone…).1
Cách phòng tránh đầy bụng
Phòng tránh đầy bụng tương đối đơn giản, bạn chỉ cần duy trì những thói quen tốt được đề cập dưới đây:
- Ăn ít và vừa phải các loại thức ăn có thể gây đầy bụng.
- Tránh tập thể dục ngay sau khi ăn.
- Ăn chậm, nhai kỹ hoàn toàn thức ăn.
- Duy trì cân nặng hợp lí.
- Không ăn đồ ăn vặt vào đêm khuya.
- Không dùng nhiều thuốc kháng viêm không steroid. Tốt nhất là nên sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
- Cai thuốc lá. Việc cai thuốc là không chỉ giải quyết vấn đề đầy bụng mà còn có ích đối với hệ hô hấp, tim mạch.
- Điều chỉnh tâm lý, quản lý stress trong cuộc sống của bạn.
- Không nằm xuống trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 giờ sau khi ăn.
Triệu chứng đầy bụng thông thường có thể giải quyết dễ dàng tại nhà thông qua điều chỉnh thói quen ăn uống. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này kéo dài thì bạn nên tìm đến các bác sĩ để được điều trị kịp thời. Đồng thời, bạn cũng nên áp dụng một số biện pháp phòng tránh đầy bụng để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Indigestion (Dyspepsia)https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/indigestion-dyspepsia/treatment
Ngày tham khảo: 14/04/2022