YouMed

Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

BS Nguyễn Thị Thủy
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy
Chuyên khoa: Ung thư

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của tổ chức ung thư Việt Nam (GLOBOCAN) năm 2020, mỗi năm có hơn 4 ngàn phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung mới, căn bệnh này cũng dẫn tới hơn 2 ngàn người tử vong mỗi năm. Vậy thực sự ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không, cách chẩn đoán và điều trị ra sao, hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy tìm hiểu qua bài viết sau đây. 

Tổng quan về ung thư cổ tử cung

Để hiểu về ung thư cổ tử cung, đầu tiên chúng ta cần biết cổ tử cung nằm ở đâu trong cơ quan sinh dục nữ:1

Tử cung có hai phần là thân tử cung, nơi phát triển của bào thai khi mang thai và phần đầu tử cung gọi là cổ tử cung. Cổ tử cung là vị trí nối tử cung và âm đạo, đóng vai trò như hàng rào bảo vệ ngăn các tác nhân xâm nhập từ âm đạo và tử cung. 

Cổ tử cung gồm cổ trong (nối với thân tử cung) cấu tạo từ biểu mô tế bào tuyến và cổ ngoài (nối với âm đạo) cấu tạo từ biểu mô tế bào gai. Vùng mô tế bào nằm giữa cổ trong và cổ ngoài hay giữa biểu mô tế bào gai và biểu mô tế bào tuyến gọi là vùng chuyển tiếp, đây là vùng dễ hình thành ung thư nhất. Khi các tế bào vùng này phân chia mất kiểm soát, xâm lấn các cấu trúc mô xung quanh sẽ hình thành ung thư, gọi là ung thư cổ tử cung.

 Hình ảnh giải phẫu hệ sinh dục nữ, cổ tử cung là vùng màu xanh da trời
Hình ảnh giải phẫu hệ sinh dục nữ, cổ tử cung là vùng màu xanh da trời

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

Từ các nghiên cứu về ung thư cổ tử cung trên thế giới, hiện nay các nhà khoa học thống nhất nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do virus HPV (Human papillomavirus) – Virus sinh u nhú ở người. Virus có rất nhiều type khác nhau chia thành hai nhóm lớn là virus HPV nguy cơ cao và virus HPV nguy cơ thấp. Có 15 type virus HPV nguy cơ cao là những type có khả năng gây ra ung thư với tần suất cao như 16, 18, 31, 33, 45,…2

Trong đó, virus HPV type 16 và 18 là nguyên nhân gây khoảng 70% số trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, những virus này cũng là nguyên nhân liên quan hoặc làm tăng nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư khác như ung thư thanh quản, dương vật, âm hộ,… Virus HPV nguy cơ thấp gồm type 6, 11, 42, 43, 44; nhóm nguy cơ thấp chủ yếu gây ra mụn cóc sinh dục hay mụn cóc ở bàn tay, bàn chân.2

Bạn có thể bị lây nhiễm HPV từ người đã nhiễm HPV do tiếp xúc trực tiếp da – da trong vùng sinh dục, quan hệ ngả âm đạo, hậu môn hay đường miệng, dùng chung sextoy (đồ chơi tình dục).3

Virus HPV chứa những đoạn gen đặc biệt (E6 và E7), các protein sinh ra từ chúng có khả năng gắn vào bộ gen của tế bào bình thường tại cổ tử cung. Từ đó dẫn tới rối loạn trong cơ chế phân tế bào, khiến các tế bào này phân chia “vô tô chức”, trở thành tế bào “bất tử” và hình thành ung thư cổ tử cung. Khi ung thư phát triển lớn hơn, chúng sẽ xâm lấn sang các cấu trúc lân cận, chèn ép, ảnh hưởng chức năng và gây nhiều biến chứng. Thậm chí tế bào ung thư có thể di chuyển tới những cơ quan khác trong cơ thể như phổi, gan, xương từ đó hình thành ung thư mới, đây là giai đoạn cuối của ung thư (giai đoạn IV) khi ung thư đã di căn.4 5

Virus HPV gây ung thư cổ tử cung
Virus HPV gây ung thư cổ tử cung

Không phải tất cả phụ nữ nhiễm virus HPV đều sẽ bị ung thư cổ tử cung. Khoảng 90% phụ nữ nhiễm HPV sẽ tự thoái triển trong vòng 2 năm (chuyển từ dạng nhiễm sang không nhiễm, trở về trạng thái bình thường) và chỉ 10% số trường hợp virus HPV vẫn tồn tại (có nguy cơ diễn tiến thành ung thư). Virus HPV gây ra những sự biến đổi tại vùng cổ tử cung trong thời gian dài trước khi dẫn tới ung thư thực sự (khoảng 10 năm). Các biến đổi bất thường này gọi là “dị sản”, tùy mức độ mà nguy cơ hình thành ung thư khác nhau, dị sản càng nặng nguy cơ ung thư càng cao. Tuy nhiên trong trường hợp dị sản mức độ nặng cũng chỉ có 30% diễn tiến thành ung thư (Carcinom xâm lấn) và có tới 25% trường hợp sẽ thoái triển (trở nên bình thường, không bị ung thư). Dù vậy, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung ở người phụ nữ như:2 3

  • Phụ nữ lập gia đình sớm, sinh con nhiều lần hay có con sớm (trước 17 tuổi).
  • Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người.
  • Có bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người.
  • Thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh sinh dục kém nhất là sau khi quan hệ.

Các yếu tố khác như hút thuốc lá, thiếu vitamin C, nhiễm Herpes – Simplex virus nhóm 2, HIV cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.6

Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung

Triệu chứng6 7

Ung thư cổ tử cung có thể dẫn tới nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Giai đoạn tiền ung thư (tổn thương tiền ung thư là những thương tổn tại chỗ mà có khả năng tiến triển thành ung thư thực sự hay gọi là carcinom tại chỗ) thường người bệnh sẽ không có triệu chứng hay dấu hiệu nào đặc biệt. Tuy nhiên những tổn thương này có thể phát hiện hiệu quả qua việc tầm soát ung thư bằng các phương tiện như xét nghiệm pap – smear và HPV – DNA test. 

Xét nghiệm pap-smear và HPV-DNA test giúp tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm pap-smear và HPV-DNA test giúp tầm soát ung thư cổ tử cung

Trong giai đoạn sớm của ung thư, các triệu chứng và dấu hiệu sẽ bắt đầu biểu hiện nhưng thường không quá nặng nề và có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý phụ khoa khác. Chính vì vậy đa phần người bệnh thường không chú ý tới, họ chỉ đi khám khi các triệu chứng kéo dài và nặng nề hơn. Các triệu chứng thường gặp của ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường: Xuất huyết âm đạo bất thường giữa chu kỳ kinh, xuất huyết sau khi đã mãn kinh hoặc do tác động như xuất huyết sau khi giao hợp, sau khi thăm khám âm đạo. Xuất huyết có thể rỉ rả lượng ít hoặc liên tục lượng trung bình tới nhiều, máu đỏ tươi có thể lẫn máu cục. 
  • Ra dịch âm đạo hay huyết trắng bất thường: lượng nhiều hơn bình thường, xuất hiện thường xuyên, kéo dài hoặc giai đoạn trễ có thể có nhiều hôi do bội nhiễm. 
  • Đau vùng bụng dưới âm ỉ, liên tục kèm hoặc không kèm đau lưng không giải thích được lí do, đau khi quan hệ.
  • Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
  • Rò phân hay nước tiểu qua ngã âm đạo trong giai đoạn trễ khi có tình trạng rò bàng quang – âm đạo, hay trực tràng – âm đạo (Rò là tình trạng khi ung thư tiến triển xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh, tạo ra một đường thông từ trực tràng hay bàng quang vào âm đạo dẫn tới các dịch tiết từ các cơ quan này (phân và nước tiểu) chảy vào âm đạo và liên tục chảy ra ngoài qua đường này).

Bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên đều có thể gợi ý ung thư cổ tử cung, đặc biệt là xuất huyết âm đạo hay ra dịch âm đạo bất thường. Chính vì vậy hãy đi khám bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Những tích chất quan trọng mà bác sĩ quan tâm là các triệu chứng này đã xuất hiện bao lâu, mức độ nặng nề, diễn tiến tăng giảm ra sao, nó ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào (Ví dụ xuất huyết âm đạo có làm người bệnh chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi hay đau bụng khiến người bệnh phải uống thuốc giảm đau,…).7

Người bệnh sẽ được hỏi bệnh sử, sau đó đa số sẽ được khám phụ khoa bằng mỏ vịt, nếu có tổn thương nghi ngờ tại cổ tử cung bác sĩ sẽ bấm sinh thiết để kiểm tra và làm thêm một số xét nghiệm cần thiết khác. 

 Các tổn thương nghi ngờ ung thư cổ tử cung khi khám qua mỏ vịt
Các tổn thương nghi ngờ ung thư cổ tử cung khi khám qua mỏ vịt

Các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Giai đoạn ung thư cổ tử cung theo liên đoàn sản phụ khoa thế giới FIGO (international federation of gynecology and obstetrics) năm 2018.2

Giai đoạn I: Bướu khu trú ở cổ tử cung. IA: Ung thư xâm lấn chỉ chẩn đoán được trên vi thể bằng kính hiển vi với độ sâu xâm lấn lớn nhất ≤ 5mm.

  • IA1 : xâm lấn mô đệm ≤ 3 mm chiều sâu.
  • IA2 : xâm lấn mô đệm > 3 mm nhưng ≤ 5 mm chiều sâu.
IB: Ung thư xâm lấn với độ sâu xâm lấn lớn nhất > 5mm. (lớn hơn độ sâu xâm lấn trong giai đoạn IA):

  • IB1 : Bướu xâm lấn > 5mm độ sâu mô đệm và có đường kính lớn nhất ≤ 2 cm.
  • IB2 : Bướu có đường kính lớn nhất > 2 cm ≤ 4cm
  • IB3: Bướu có đường kính lớn nhất > 4cm
Giai đoạn II: Bướu xâm lấn xa hơn cổ tử cung vào chu cung nhưng chưa tới vách chậu hoặc lan âm đạo nhưng chưa tới 1/3 dưới. IIA : Bướu giới hạn ở 2/3 trên âm đạo và không xâm lấn chu cung.

  • IIA1 : Bướu có đường kính lớn nhất ≤ 4 cm.
  • IIA2 : Bướu có đường kính lớn nhất > 4 cm.
IIB : Có xâm lấn chu cung nhưng chưa xâm lấn vách chậu
Giai đoạn III: Bướu lan tới vách chậu và/hoặc đến 1/3 dưới âm đạo và/hoặc gây ứ nước hoặc mất chức năng thận và/hoặc xâm lấn hạch chậu và/hoặc hạch cạnh động mạch chủ bụng IIIA : Bướu lan 1/3 dưới âm đạo nhưng không lan tới vách chậu.
IIIB : Bướu lan tới vách chậu và/hoặc gây ứ nước hoặc mất chức năng thận. (đã loại trừ các nguyên nhân khác)
IIIC: Xâm lấn hạch chậu và/hoặc hạch cạnh động mạch chủ bụng (bao gồm di căn vi thể)**

  • IIIC1: Chỉ di căn hạch chậu.
  • IIIC2: Di căn hạch cạnh động mạch chủ bụng.
Giai đoạn IV: Bướu xâm lấn ra khỏi vùng chậu hoặc xâm lấn niêm mạc bàng quang hoặc trực tràng. Tổn thương phù bóng nước (Bullous edema) không được xếp vào giai đoạn IV Giai đoạn IVA : Bướu xâm lấn niêm mạc bàng quang hoặc trực tràng và/hoặc lan xa hơn ở vùng chậu.
Giai đoạn IVB : Di căn xa.

** Tình trạng di căn hạch sẽ được thêm “r” hoặc “p” dựa vào phương tiện xác định di căn: “r” (ví dụ IIIC1r) nếu xác định di căn hạch nhờ hình ảnh học (Ví dụ CT scan hay PET/CT); “p” (Ví dụ IIIC1p) nếu di căn được xác định bằng giải phẫu bệnh.

Các giai đoạn ung thư cổ tử cung
Các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung cũng có thể được phân giai đoạn bằng hệ thống TNM. Việc phân giai đoạn ung thư cổ tử cung giúp các bác sĩ có đánh giá toàn diện về khối u, từ đó đưa ra các chiến lược điều trị phù hợp cho người bệnh.

Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

Ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa thường gặp nhất, các chương trình tầm soát và điều trị đều mang tới kết quả khả quan. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị, ung thư cổ tử cung sẽ xâm lấn ra các cấu trúc xung quanh và gây ra nhiều triệu chứng hay biến chứng khác nhau. Hơn nữa khi diễn tiến nặng, các triệu chứng này có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.6

Trong giai đoạn sớm, ung thư thường lan theo hướng xuống dưới (túi cùng, âm đạo), khi ung thư diễn tiến nó có thể lan theo nhiều hướng khác (lên trên và hai bên), xâm lấn nhiều cơ quan hơn và gây ra biến chứng nặng nề hơn.6

Lan xuống dưới túi cùng, âm đạo

Đây là hướng lan thường gặp nhất trong ung thư cổ tử cung gây xuất huyết âm đạo hay ra dịch âm đạo bất thường. Xuất huyết âm đạo trong thời gian dài có thể gây thiếu máu mạn tính hoặc nguy hiểm hơn là xuất huyết một lượng lớn trong thời gian ngắn có thể dẫn tới shock mất máu và đe doạ tính mạng. 

Lan lên thân tử cung

Khi bướu xâm lấn lên thân tử cung sẽ làm biến dạng lòng tử cung, ung thư thân tử cung, lúc này thường điều trị sẽ bao gồm cắt tử cung, tức sẽ ảnh hưởng trực tiếp khả năng mang thai. Đây là vấn đề đối với những phụ nữ chưa có con hoặc còn mong muốn có con trong tương lai. 

Xâm lấn sang hai bên đến chu cung, vách chậu

Khu vực có rất nhiều cấu trúc quan trọng, đặc biệt là niệu quản. Khi bướu lớn dần, gây siết chặt niệu quản sẽ làm thận ứ nước, vô niệu, suy thận. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh sẽ chết vì suy thận, đây là biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của ung thư cổ tử cung, nguyên nhân chính dẫn tới tử cung trong bệnh lý ung thư này. 

Ung thư cổ tử cung gây chèn ép niệu quản sẽ làm giãn niệu quản dẫn đến Suy thận
Ung thư cổ tử cung gây chèn ép niệu quản sẽ làm giãn niệu quản dẫn đến suy thận

Xâm lấn ra trước vào bàng quang

Gặp ở giai đoạn muộn nhiều hơn khi bệnh đã tiến triển, xâm lấn có thể tạo ra lỗ thông giữa bàng quang và âm đạo, tạo lỗ rò, nước tiểu sẽ chảy vào âm đạo, khiến người bệnh luôn có cảm giác ẩm ướt vùng âm đạo do nước tiểu, nguy cơ nhiễm trùng tiểu cũng tăng cao.

Xâm lấn ra sau vào trực tràng

Tương tự trường hợp bướu xâm lấn ra trước vào bàng quang thì bướu xâm lấn ra sau vào trực tràng cũng ít gặp ở giai đoạn sớm. Trường hợp này dẫn tới rò trực tràng – âm đạo, phân và dịch phân từ trực tràng sẽ chảy vào âm đạo liên tục và nhiều hơn khi bệnh nhân đi cầu, biến chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.  

Lỗ rò giữa trực tràng và âm đạo là một biến chứng có thể gặp do ung thư cổ tử cung, nhất là sau phẫu thuật đoạn chậu
Lỗ rò giữa trực tràng và âm đạo là một biến chứng có thể gặp do ung thư cổ tử cung, nhất là sau phẫu thuật đoạn chậu

Như vậy, ung thư cổ tử cung có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng quan trọng nhất là tình trạng suy thận

Cách điều trị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung diễn tiến lâu tại chỗ tại vùng, ít cho di căn xa nên mô thức điều trị chính là phẫu và xạ trị. Hoá trị dùng cho các trường hợp bệnh tiến xa, di căn xa hay tái phát. Trước khi thiết lập phác đồ điều trị cụ thể cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định cuối cùng, bao gồm:

  • Giai đoạn ung thư: được đánh giá dựa vào kích thước bướu, độ sâu xâm lấn của bướu vào mô đệm hay xâm lấn ra các cấu trúc xung quanh, tình trạng di căn hạch và di căn xa. Phân chia giai đoạn bằng hệ thống FIGO thường được các bác sĩ sử dụng. 
  • Bệnh lý nền: các bệnh lý mãn tính ảnh hưởng tới điều trị như bệnh lý tim mạch (Suy tim, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim,…), bệnh phổi (COPD, hen,…), thể trạng người bệnh, tuổi, nguyện vọng điều trị của người bệnh, tiên lượng sống còn. 
  • Yếu tố khác: Điều kiện kinh tế gia đình người bệnh, cơ sở vật chất nơi khám chữa bệnh (hệ thống máy xạ, các loại thuốc hóa trị,…).

Phẫu thuật2 6

Đối với người bệnh có mong muốn có con thì việc giữ lại tử cung và hai phần phụ sẽ được cân nhắc tuỳ vào giai đoạn và tình trạng quan sát được trong lúc mổ. Nếu có thể các bác sĩ sẽ cố gắng để bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh nhưng quan trọng là đảm bảo an toàn về mặt ung thư học. 

Xạ trị6 8

Xạ trị đóng vai trò quan trọng trong ung thư cổ tử cung, tham gia điều trị trong hầu hết các giai đoạn. Về kĩ thuật, xạ trị bao gồm xạ trị ngoài (chiếu tia xạ vào toàn bộ vùng chậu từ bên ngoài) và xạ trị trong (nguồn phóng xạ được áp sát vào mô bướu trước khi phát tia nhằm tăng hiệu quả lên bướu và giảm liều lên vùng mô lành xung quanh).

Về phương diện điều trị, xạ trị gồm xạ trị triệt để (chỉ dùng xạ trị đơn thuần để điều trị), xạ trị bổ túc sau mổ khi có nguy cơ tái phát, xạ trị tiền phẫu (xạ trị trước phẫu thuật).

Hoá trị6 8

Hoá trị giúp điều trị giảm triệu chứng trong các trường hợp ung thư tái phát, di căn xạ hay phối hợp với phẫu thuật và xạ trị khi bệnh tiến xa tại chỗ. Phác đồ hoá trị ung thư cổ tử cung chủ yếu dựa trên Cisplatin với phác đồ chuẩn hiện nay là Cisplatin và Paclitaxel hay Cisplatin và Topotecan.

Ngoài ra, Bevacizumab cũng đang được bổ sung vào các phác đồ hoá trị nhằm làm tăng tỉ lệ đáp ứng và tăng trung vị thời gian sống còn. 

Phương thức điều trị cụ thể theo giai đoạn2 6

  • Giai đoạn tiền ung thư, IA1: phẫu trị: khét chóp hay cắt tử cung đơn giản
  • Giai đoạn IA2, IB1, IB2, IIA1: Phẫu trị hay xạ trị. Người bệnh sẽ được đánh giá nhiều yếu tố như trên để quyết định chọn phẫu thuật hay xạ trị trong những những trường hợp này.

Phẫu thuật cắt tử cung tận gốc và nạo hạch chậu hai bên, sau đó bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ tái phát dựa trên bệnh phẩm phẫu thuật để xét chỉ định điều trị bổ túc sau mổ. Người bệnh có thể cần xạ trị hoặc hoá xạ đồng thời tuỳ theo nguy cơ tái phát. 

Xạ trị đơn thuần (chỉ xạ trị không phẫu thuật), trường hợp này xạ trị sẽ kết hợp giữa xạ trị ngoài và xạ trị trong (xạ trị áp sát). 

  • Giai đoạn tiến xa tại chỗ (IB3, IIA2, IIB, IIIA, IIIB, IIIC,IVA): hóa xạ trị đồng thời là phác đồ tiêu chuẩn, nếu bệnh nhân không hóa trị được có thể xạ trị đơn thuần.
  • Giai đoạn di căn xa: hóa trị giảm nhẹ (không thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh, điều trị lúc này giúp giảm các triệu chứng và kéo dài thời gian sống của người bệnh)

Ung thư cổ tử cung diễn tiến lâu trong hàng chục năm tính từ khi có các tổn thương tiền ung thư tới khi bệnh tiến triển. Thời gian diễn tiến bệnh kéo dài cho phép các chương trình tầm soát phát hiện bệnh ung thư ngày càng hiệu quả giúp giảm tần suất và tử vong do ung thư cổ tử cung.

Thực tế qua các thống kê ung thư của GLOBAN thế giới năm 2002, 2008, 2018, 2020, tỉ lệ ung thư cổ tử cung đang giảm dần qua các năm. Điều này không có nghĩa chúng ta được phép lơ là đối với căn bệnh nguy hiểm này. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư cổ tử cung sẽ gây ra nhiều biến chứng, làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng và nặng nề hơn là đe doạ tính mạng. Mong rằng qua bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, bạn đã có cho mình câu trả lời của câu hỏi ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không và có thể chữa được không!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Picture of the cervixhttps://www.webmd.com/women/picture-of-the-cervix

    Ngày tham khảo: 18/10/2022

  2. Cancer of the cervix uteri: 2021 update (FIGO CANCER REPORT 2021)https://obgyn.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/ijgo.13865

    Ngày tham khảo: 18/10/2022

  3. Cervical cancerhttps://www.nhs.uk/conditions/cervical-cancer/

    Ngày tham khảo: 18/10/2022

  4. IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans. , No. 90. 2007. Human Papillomavirus (HPV) Infection.

  5. Nguyễn Đăng Phước Hiền cùng cộng sự (2020), “Từ chuyển sản đến dị sản cổ tử cung”, Bài giảng phụ khoa, Bộ môn Sản phụ khoa Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

  6. Trần Đặng Ngọc Linh (2021), “Ung thư cổ tử cung”, Bài giảng ung bướu, Bộ môn Ung thư Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

  7. Cervical cancer guide: Symptoms and signshttps://www.cancer.net/cancer-types/cervical-cancer/symptoms-and-signs

    Ngày tham khảo: 18/10/2022

  8. Bài giảng Ung bướu học (2011), Bộ môn Ung bướu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người