Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?
Nội dung bài viết
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm là ung thư cổ tử cung sống được bao lâu. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phan Lương Huy sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?
Thực tế cho thấy, không có một con số cụ thể, hay một nghiên cứu khoa học nào có thể khẳng định thời gian sống của bệnh nhân sau khi phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung. Kết quả còn phụ thuộc vào giai đoạn chẩn đoán bệnh, tình trạng khối u, sự tuân thủ điều trị, tuổi tác và tinh thần người bệnh.
Bạn đọc có thể tham khảo tỷ lệ sống sót 5 năm cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 2013 – 2017 theo một thống kê ở Anh như sau:1
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Khoảng 95 trong số 100 phụ nữ (khoảng 95%) sống sau ung thư từ 5 năm trở lên sau khi chẩn đoán. Hầu hết những phụ nữ này sẽ được chữa khỏi.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Gần 70 trong số 100 phụ nữ (gần 70%) sau chẩn đoán và điều trị ung thư sống từ 5 năm trở lên.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3. Hơn 40 trong số 100 phụ nữ (hơn 50%) sống được 5 năm trở lên sau khi chẩn đoán.
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4. Cứ 100 phụ nữ thì có khoảng 15 người (15%) sẽ sống sót sau ung thư từ 5 năm trở lên sau khi họ được chẩn đoán.
Cần lưu ý rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh, số liệu trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Mặt khác, theo Viện Ung thư Quốc gia của Hoa Kỳ (National Cancer Institute). Tỷ lệ sống tương đối 5 năm đối với ung thư cổ tử cung như sau:2
- Đối với ung thư cổ tử cung được chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 92%.
- Đối với ung thư cổ tử cung được chẩn đoán sau khi bệnh đã lan đến các mô, cơ quan hoặc hạch bạch huyết khu vực lân cận. Tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm là 59%.
- Khi bệnh được chẩn đoán sau khi ung thư đã di căn đến một phần xa của cơ thể. Tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm là 17%.
- Tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm đối với tất cả người bệnh ung thư cổ tử cung là 67%.
Ung thư cổ tử cung có chữa được không?
Ung thư cổ tử cung thường có thể điều trị được.3 Tuy nhiên, thực tế việc chữa trị và hiệu quả còn phụ thuộc vào:
- Kích thước và loại ung thư cổ tử cung mà bệnh nhân mắc phải.
- Vị trí khối u.
- Tình trạng sức khoẻ người bệnh.
- Tình trạng di căn khối u.
- Phác đồ điều trị của bệnh nhân.
Ứng với mỗi bệnh nhân sẽ có các phác đồ điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị có thể là xạ trị, hoá trị hoặc phẫu thuật dựa trên mức độ nặng nhẹ của bệnh và thể trạng người bệnh. Vậy nên nếu nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến ngay các cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm cần thiết và được tư vấn một cách rõ ràng, cụ thể nhất về các vấn đề bệnh liên quan.
Xem thêm: Ung thư cổ tử cung có chữa được không?
Phát hiện bệnh sớm tăng khả năng chữa khỏi
Tầm soát bệnh sớm
Mặc dù hiện nay việc chữa khỏi ung thư cổ tử cung là có thể. Nhưng việc nhận biết sớm các triệu chứng cũng như tiến triển của bệnh đóng vai trò rất quan trọng; tránh chẩn đoán chậm trễ, tăng cơ hội điều trị ung thư cổ tử cung thành công và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Dưới đây là một số lời khuyên giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung:4
- Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung cho đối tượng từ 25 tuổi trở lên.
- Làm xét nghiệm HPV cơ bản mỗi 5 năm 1 lần cho đối tượng từ 25-65 tuổi.
- Nếu không làm xét nghiệm HPV, phụ nữ trong độ tuổi trên vẫn có thể sàng lọc bệnh bằng việc đồng xét nghiệm kết hợp giữa xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap 5 năm một lần hoặc xét nghiệm đơn lẻ PAP 3 năm một lần.
Lưu ý rằng đối với người đã tiêm phòng ung thư cổ tử cung hoặc những người đã điều trị ung thư mà không cắt bỏ tử cung vẫn nên xét nghiệm HPV định kỳ và theo dõi sức khoẻ cơ thể thường xuyên. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể nhận biết bệnh khi xuất hiện các triệu chứng điển hình, chia theo các giai đoạn.
Nhận biết các triệu chứng bệnh sớm
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng ung thư cổ tử cung thường gặp như:5
- Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục, hay sau khi mãn kinh.
- Chảy máu trong các chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn, đau hơn bình thường.
- Dịch tiết âm đạo chảy nước và có mùi đồng hoặc có máu.
- Đau vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
Khi giai đoạn ung thư cổ tử cung phát triển (khi ung thư đã ra khỏi cổ tử cung và lan đến các bộ phận khác). Có thể nhận thấy bằng các dấu hiệu như giai đoạn đầu, kèm theo một số triệu chứng nặng hơn như:5
- Đi tiêu khó khăn, đau đớn hoặc có chảy máu trực tràng khi đi tiêu.
- Tiểu khó, đau rát hoặc có máu trong nước tiểu.
- Đau lưng âm ỉ.
- Sưng chân.
- Đau bụng.
- Thường xuyên thấy mệt.
Mặc dù các triệu chứng trên là không điển hình và có thể do các bệnh khác. Tuy nhiên để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và hạn chế các hậu quả của việc diễn tiến nặng hơn của bệnh. Bạn nên đến các trung tâm y tế để được kiểm tra và tư vấn khi thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Làm thế nào để kéo dài sự sống cho người bệnh?
Khi phát hiện bệnh, các trung tâm y tế sẽ tiến hành đánh giá, chẩn đoán và làm các xét nghiệm hàng loạt để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Phương pháp điều trị có thể là xạ trị, hoá trị, phẫu thuật, liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch. Cùng với đó, bệnh nhân cần phải theo dõi chặt chẽ và cải thiện sức khỏe bản thân nhằm giảm sự tiến triển bệnh và nâng cao đời sống tinh thần, cụ thể như:
- Hoạt động thể chất thường xuyên. Một vài nghiên cứu cho thấy rằng việc hoạt động thể chất thường xuyên và đều đặn giúp nâng cao thể lực, tăng sức dẻo dai và có thể kéo dài đời sống người bệnh.
- Bỏ hút thuốc (nếu có). Ngưng hút thuốc sẽ giúp cơ thể đáp ứng trị liệu tốt hơn, giảm tổn thương cho các tế bào cổ tử cung và vùng cổ tử cung. đồng thời giảm rủi ro gây ra các biến chứng ung thư khác cho cơ thể.
- Ăn uống điều độ và duy trì cân nặng phù hợp. Bao gồm nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc. Hạn chế hoặc tránh ăn thịt đỏ và các thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường, bia rượu và thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Hỗ trợ tinh thần. Người bệnh ung thư thường cảm thấy chán nản, lo lắng, hồi hộp về tình trạng bản thân. Điều này khiến bệnh nhanh trở nặng và việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Bạn bè, người thân và gia đình nên đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ nhiều hơn với người bệnh. Đồng thời bản thân bệnh nhân nên suy nghĩ thoáng hơn và hợp tác điều trị để đạt được hiệu quả cao nhất.
Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc “ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?”. Bên cạnh đó là thông tin về khả năng chữa trị, cũng như cách nhận biết bệnh ung thư cổ tử cung. Mong rằng bạn có thể cập nhật được những kiến thức bổ ích, chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của bản thân và những người thân yêu.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cervical cancer - Survivalhttps://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/survival
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Cervical Cancer Prognosis and Survival Rateshttps://www.cancer.gov/types/cervical/survival
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Treatment -Cervical cancerhttps://www.nhs.uk/conditions/cervical-cancer/treatment/
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
The American Cancer Society Guidelines for the Prevention and Early Detection of Cervical Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/cervical-cancer/detection-diagnosis-staging/cervical-cancer-screening-guidelines.html
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Cervical Cancer Symptomshttps://www.cancer.gov/types/cervical/symptoms
Ngày tham khảo: 19/04/2023