YouMed

Ung thư vòm họng có chữa được không?

Bác sĩ Võ Hoài Nam
Tác giả: Bác sĩ Võ Hoài Nam
Chuyên khoa: Ung thư

Ung thư vòm họng là căn bệnh ác tính thường gặp ở người châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều người thường quan tâm ung thư vòm họng có chữa được không. Nếu được thì có những cách thức điều trị nào. Hãy cùng Bác sĩ Võ Hoài Nam tìm hiểu tỷ lệ khỏi bệnh, sống còn, và phương pháp điều trị theo từng giai đoạn bệnh qua bài viết sau.

Ung thư vòm họng có chữa được không?

Ung thư vòm họng có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, cơ hội chữa khỏi ung thư vòm họng tùy thuộc vào các yếu tố như:1 2

  • Giai đoạn bệnh lúc chẩn đoán (sớm hay muộn).
  • Bệnh lý nền kèm theo (có hay không ảnh hưởng tới phương pháp điều trị bệnh).
  • Tiền căn tiếp xúc với tia xạ trước đó tại vùng đầu cổ.
Hình giải phẫu vùng đầu cổ, và vị trí của bướu vòm hầu (vòm họng)
Hình giải phẫu vùng đầu cổ, và vị trí của bướu vòm hầu (vòm họng)

Ung thư vòm họng (còn gọi là vòm hầu, hay mũi hầu) là loại ung thư xuất phát từ niêm mạc của vùng vòm họng, đây là vùng phía sau hốc mũi, bên dưới sàn sọ và phía trước đốt sống cổ.1 2 3 4

Khối bướu vòm họng (mũi tên vàng) được quan sát thấy trên nội soi tai mũi họng.
Khối bướu vòm họng (mũi tên vàng) được quan sát thấy trên nội soi tai mũi họng

Dù đây là loại ung thư khá phổ biến ở Trung quốc, Malaysia, Việt Nam… (chủng tộc châu Á). Bệnh hoàn toàn có khả năng chữa khỏi bởi các phương pháp điều trị phù hợp.1 2 5

Biểu đồ: Tỷ lệ mới mắc ung thư vòm họng theo từng chủng tộc. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở chủng tộc châu Á, với hơn 85% ca mới mắc (Theo WHO, năm 2020)
Biểu đồ: Tỷ lệ mới mắc ung thư vòm họng theo từng chủng tộc. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở chủng tộc châu Á, với hơn 85% ca mới mắc (Theo WHO, năm 2020)

Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vòm họng theo giai đoạn bệnh

Tùy theo giai đoạn bệnh lúc chẩn đoán mà tỷ lệ khỏi bệnh lâu dài (còn gọi là tỉ lệ sống không bị tái phát sau điều trị, hoặc gọi là tỉ lệ khỏi bệnh sau điều trị) sẽ rất khác nhau.6 7

Giai đoạn Tỷ lệ khỏi bệnh
Giai đoạn 1 Gần bằng 100% (tức không ghi nhận bệnh nhân nào bị tái phát sau 5 năm điều trị)
Giai đoạn tiến xa (giai đoạn 2 – 3) Khoảng 78 – 88% (tức chỉ khoảng 12 – 22% người bệnh bị tái phát sau 5 năm điều trị)
Giai đoạn 4 Cơ hội khỏi bệnh 5 năm chỉ khoảng 68% (tức khoảng 32% người bệnh sẽ bị tái phát sau 5 năm điều trị)

Đa số các tình huống tái phát sẽ xảy ra sau 1 năm điều trị ung thư vòm họng ban đầu. Vì thế việc tái khám và theo dõi sau điều trị là rất quan trọng, nhằm phát hiện sớm các bướu tái phát, khi còn nhiều cơ hội điều trị lại.

Biểu đồ: Tỉ lệ sống còn nhưng không tái phát bệnh sau điều trị6

Tỉ lệ sống còn nhưng không tái phát bệnh sau điều trị

Một tỷ lệ khác cũng được các bác sĩ quan tâm là tỷ lệ sống còn toàn bộ (tức tỷ lệ bệnh nhân còn sống sau điều trị, bất chấp hiện tượng bệnh có tái phát hay không tái phát). Dưới đây là tỷ lệ sống còn theo từng giai đoạn:7

Giai đoạn Tỷ lệ sống còn toàn bộ
Giai đoạn 1 Gần bằng 100% (tức không ghi nhận bệnh nhân nào tử vong sau 5 năm điều trị)
Giai đoạn tiến xa (giai đoạn 2 – 3) Khoảng 85 – 95% (tức chỉ khoảng 5 – 10% bệnh nhân tử vong sau 5 năm điều trị)
Giai đoạn 4 Khoảng 75% (tức 25% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm điều trị)
Biểu đồ: Tỉ lệ sống còn toàn bộ (kể cả khi bệnh có tái phát hoặc không)7

Tỉ lệ sống còn toàn bộ (kể cả khi bệnh có tái phát hoặc không)7

Những cách điều trị ung thư vòm họng

Nguyên tắc khi lựa chọn phương pháp điều trị1

Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu cho ung thư vòm họng vẫn là xạ trị và/hoặc hóa trị. Phẫu thuật có vai trò khiêm tốn, và chỉ hữu ích trong vài tình huống nhất định như bệnh tái phát khu trú thuận lợi cho phẫu thuật.

Gần đây theo sự phát triển của y học thì chúng ta có thêm nhiều dòng thuốc mới như liệu pháp miễn dịch ung thư (hay còn gọi thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch) nhằm thúc đẩy hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để tự diệt chết tế bào bướu.

Trên thực tế để lựa chọn phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất cho mỗi người bệnh thì bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố như:

  • Giai đoạn bệnh lúc chẩn đoán.
  • Bệnh nền kèm theo (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, suy thận, suy gan, xơ gan, các bệnh lý tự miễn…), vì có thể là các yếu tố gợi ý xạ trị hay hóa trị sẽ ít an toàn với người bệnh, tùy tình huống.
  • Tuổi tác (người bệnh trẻ tuổi sẽ dễ chịu đựng được các phương pháp điều trị mạnh tay, hơn là bệnh nhân lớn tuổi hoặc rất lớn tuổi).
  • Tiền căn tiếp xúc với tia xạ trước đó (người bệnh từng xạ trị vì một loại bướu khác vùng đầu cổ).
  • Khả năng kinh tế của người bệnh, việc lựa chọn kỹ thuật xạ trị có thể khác nhau.
  • Khả năng của nơi khám chữa bệnh cụ thể, vì không phải nơi nào cũng có máy xạ trị.

Phương pháp điều trị theo giai đoạn bệnh1

Tùy theo giai đoạn bệnh cụ thể mà phương pháp điều trị ung thư vòm họng sẽ rất khác nhau. Nhằm tối ưu hóa cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư vòm họng. Cụ thể như giai đoạn sớm thì sử dụng một phương pháp điều trị cũng có thể là đủ để chữa khỏi bệnh lâu dài. Ngược lại, giai đoạn muộn thường phải dùng nhiều hơn một phương pháp điều trị mới đủ, nhằm tăng cơ hội chữa khỏi bệnh lâu dài.

1. Điều trị bệnh giai đoạn sớm

Ung thư vòm họng giai đoạn 1: Thường xạ trị đơn thuần.

2. Điều trị bệnh giai đoạn muộn

Ung thư vòm họng giai đoạn 2ung thư vòm họng giai đoạn 3: Thường hóa xạ trị đồng thời, sau đó hóa trị hỗ trợ thêm.

Ung thư vòm họng giai đoạn 4: Có những phương pháp sau:

  • Hóa xạ trị đồng để rồi hóa trị hỗ trợ.
  • Hóa trị dẫn đầu rồi hóa xạ trị đồng thời.
  • Chỉ hóa trị giảm nhẹ.
  • Chỉ xạ trị giảm nhẹ.
  • Chỉ chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần (tức không điều trị đặc hiệu).

Khi tái phát bệnh: Có thể cân nhắc xạ trị lại, hóa trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch ung thư, hoặc chỉ chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần.

Các lựa chọn cụ thể theo từng phương pháp1 2 8 9 10

1. Xạ trị

Đây là phương pháp điều trị chủ lực trong ung thư vòm họng, dùng tia bức xạ ion hóa (tia X) để diệt các tế bào ung thư bị chiếu xạ.

Bệnh nhân được cố định bằng mặt nạ (màu vàng), đang nằm trên bàn để chiếu tia bức xạ năng lượng cao (tia X) nhằm diệt khối bướu vòm họng
Bệnh nhân được cố định bằng mặt nạ (màu vàng), đang nằm trên bàn để chiếu tia bức xạ năng lượng cao (tia X) nhằm diệt khối bướu vòm họng

Các kỹ thuật xạ trị thường được dùng trong điều trị ung thư vòm họng như:1

  • Xạ trị điều biến cường độ (IMRT): là lựa chọn tiêu chuẩn trong ung thư vòm họng, giúp tăng diệt bướu nhưng giảm tổn thương các mô lành xung quanh.
  • Xạ trị phù hợp mô đích (3D-RT): là lựa chọn khi người bệnh không đủ điều kiện dùng IMRT, có thể gia tăng biến chứng lên mô lành xung quanh.
  • Xạ trị áp sát: hữu ích cho các tình huống bướu tái phát tại chỗ sau điều trị ban đầu, bởi vì phương pháp này giúp phát một lượng lớn tia xạ diệt bướu nhưng giảm được tia xạ vào mô lành xung quanh.
  • Xạ phẫu: hữu ích cho tình huống bướu di căn não hoặc xương.

Các biến chứng đáng quan tâm của xạ trị là biến chứng cấp thoáng qua (viêm – loét niêm mạc vùng hầu họng do xạ trị, viêm đỏ da vùng đầu cổ do xạ trị, đau nhức vùng mũi họng…) hoặc các di chứng lâu dài (hoại tử mô não do xạ trị, khô miệng, giảm thính lực sau xạ, thậm chí 1 loại ung thư khác xuất hiện tại vùng đầu cổ…).10

Các mức độ viêm niêm mạc miệng do xạ trị
Các mức độ viêm niêm mạc miệng do xạ trị

2. Hóa trị

Đây là phương pháp hiệu quả để hỗ trợ phương pháp xạ trị, hoặc chỉ sử dụng đơn thuần, bản chất là các thuốc độc tế bào sẽ gây tổn thương các tế bào ung thư, cũng như cả tế bào lành trong cơ thể.

Các loại hóa chất thường được dùng trong điều trị ung thư vòm họng như:1

  • Cisplatin: là lựa chọn tiêu chuẩn trong ung thư vòm họng, thuốc dạng truyền tĩnh mạch.
  • Carboplatin: thuốc dạng truyền tĩnh mạch.
  • Oxaliplatin: thuốc dạng truyền tĩnh mạch.
  • PF (Platinum và 5-FU): thuốc dạng truyền tĩnh mạch.
  • Taxane (Paclitaxel, Docetaxel…): thuốc dạng truyền tĩnh mạch.
  • Gemcitabine, thường dùng kết hợp với Cisplatin: thuốc dạng truyền tĩnh mạch.
  • Capecitabine (thuốc dạng viên uống).
  • Vinorelbine (thuốc dạng viên uống hoặc tiêm tĩnh mạch).
  • Doxorubicin (thuốc tiêm tĩnh mạch).
  • Khác: Bisphosphonate, Denosumab… hữu ích khi bướu đã di căn xương, thuốc dạng truyền tĩnh mạch.
Bệnh nhân đang được truyền hóa chất liên tục qua đường tĩnh mạch
Bệnh nhân đang được truyền hóa chất liên tục qua đường tĩnh mạch

Các biến chứng đáng quan tâm của hóa trị là biến chứng cấp thoáng qua (giảm bạch cầu, giảm hồng cầu, giảm tiểu cầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, rụng tóc, viêm loét niêm mạc miệng, suy thận cấp, rối loạn nước và điện giải, viêm đỏ lòng bàn tay – bàn chân…). Kèm với đó là các di chứng lâu dài (độc tính thần kinh ngoại biên như tê bì, dị cảm, mất cảm giác; suy tim, xơ phổi…).9

Viêm đỏ lòng bàn tay – bàn chân do hóa trị Capecitabine dạng viên uống.
Viêm đỏ lòng bàn tay – bàn chân do hóa trị Capecitabine dạng viên uống

3. Liệu pháp miễn dịch ung thư

Đây là phương pháp mới, được ứng dụng trong giai đoạn muộn, như giai đoạn 4 hoặc khi bệnh tái phát không thể điều trị triệt để được nữa. Bản chất là các chất thúc đẩy hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể tiêu diệt tế bào bướu.

  • Pembrolizumab (thuốc dùng đường tĩnh mạch).
  • Nivolumab (thuốc dùng đường đường tiêm tĩnh mạch).

Các biến chứng đáng quan tâm của liệu pháp miễn dịch ung thư là viêm da niêm, viêm gan, giảm bạch cầu, giảm hồng cầu, giảm tiểu cầu, viêm cơ tim – màng ngoài tim, huyết khối tĩnh mạch, viêm dạ dày – ruột, viêm tụy, viêm phổi8

4. Phẫu thuật

Đây thường không là phương pháp điều trị chính của ung thư vòm họng. Bởi vòm họng là một vùng khó để tiếp cận bằng phẫu thuật. Cũng như để lại nhiều di chứng hậu phẫu nặng nề. Đôi khi một vài kỹ thuật mổ đặc biệt được sử dụng để tiếp cận khối ung thư (nếu cần phải dùng tới). Phẫu thuật tỏ ra hữu ích đối với hạch ung thư không tan sạch dù đã hóa xạ trị đồng thời trước đó, hoặc ung thư vòm họng tái phát tại hạch cổ.

Bài viết đã giải đáp câu hỏi liệu bệnh ung thư vòm họng có chữa được không. Bệnh ung thư vòm họng có khả năng chữa khỏi bệnh lâu dài nếu được phát hiện càng sớm và tuân thủ phác đồ điều trị phù hợp. Vì vậy, nếu phát hiện những bất thường của cơ thể gợi ý đến đến căn bệnh này, bạn đừng chần chừ khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị cần tuân theo phác đồ điều trị và những quy định của bác sĩ. Bạn không nên tự ý điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh trở nặng, khó chữa trị hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Nasopharyngeal carcinoma: ESMO-EURACAN Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up †https://www.annalsofoncology.org/article/S0923-7534(20)43210-7/fulltext

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  2. Nasopharyngeal Carcinoma Treatment (PDQ®)–Health Professional Versionhttps://www.cancer.gov/types/head-and-neck/hp/adult/nasopharyngeal-treatment-pdq

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  3. What Is the Survival Rate of Nasopharyngeal Carcinoma?https://www.emedicinehealth.com/what_is_survival_rate_of_nasopharyngeal_carcinoma/article_em.htm

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  4. Nasopharyngeal Carcinomahttps://entokey.com/nasopharyngeal-carcinoma-3/

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  5. Nasopharynxhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/08/4-Nasopharynx-fact-sheet.pdf

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  6. Long-term outcomes and failure patterns of patients with nasopharyngeal carcinoma staged by magnetic resonance imaging in intensity-modulated radiotherapy era: The Zhejiang Cancer Hospital's experiencehttps://cancerjournal.net/article.asp?issn=0973-1482;year=2015;volume=11;issue=6;spage=179;epage=184;aulast=Jiang;type=3

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  7. Validation of the 8th edition of the UICC/AJCC staging system for nasopharyngeal carcinoma treated with intensity-modulated radiotherapyhttps://www.oncotarget.com/article/19829/text/

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  8. Clinical Characteristics and Treatment of Immune-Related Adverse Events of Immune Checkpoint Inhibitorshttps://immunenetwork.org/DOIx.php?id=10.4110/in.2020.20.e9

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  9. The Most Common Side Effects Experienced by Patients Were Receiving First Cycle of Chemotherapyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6123577/

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  10. Radiation Therapy Side Effectshttps://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/types/radiation-therapy/side-effects

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  11. Radiotherapyhttps://www.beaconhospital.com.my/radiotherapy/

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  12. Radiation-Induced Oral Mucositishttps://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fonc.2017.00089/full

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  13. Intravenous chemotherapyhttps://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/intravenous-chemotherapy

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

  14. Hand-foot syndrome related to chemotherapy https://doi.org/10.1503/cmaj.111309

    Ngày tham khảo: 10/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người