Vai trò then chốt của kiểm soát đường huyết trong điều trị đái tháo đường
Tìm hiểu về Chính sách quảng cáo để hiểu rõ hơn cách chúng tôi duy trì sự phân biệt rõ ràng giữa nội dung được tài trợ, nội dung quảng cáo và nội dung do đội ngũ YouMed biên tập.
Nội dung bài viết
Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính ngày càng phổ biến ở Việt Nam và thế giới. Bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Với người bệnh đái tháo đường, việc kiểm soát đường huyết rất quan trọng. Vậy, làm thế nào để kiểm soát tốt chỉ số đường huyết? Để giải đáp được vấn đề này cũng như cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về căn bệnh đái tháo đường, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp cùng Roche Diabetes Care Việt Nam thực hiện chuỗi tư vấn trực tuyến Trọn Vui Sống Cùng Đái Tháo Đường. Buổi phát sóng đầu tiên đã diễn ra với chủ đề Kiểm soát đường huyết – Vai trò then chốt trong điều trị đái tháo đường.
Mục tiêu trong điều trị đái tháo đường
Điều trị đái tháo đường thường có 2 mục tiêu chính:1
- Kiểm soát tốt chỉ số đường huyết và phòng ngừa biến chứng.
- Đảm bảo người bệnh có được chất lượng cuộc sống gần như bình thường.
Để đạt được điều đó cần có sự cố gắng của cả bác sĩ và người bệnh:
- Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc, theo dõi những chỉ số đường huyết, tầm soát biến chứng của đái tháo đường cho bệnh nhân.
- Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ. Đặc biệt, bệnh nhân cần chủ động theo dõi đường huyết, tuân thủ về chế độ ăn uống, luyện tập thể lực để có thể kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Tầm quan trọng của việc tự theo dõi đường huyết
Nếu người bệnh chỉ đến thăm khám và kiểm tra đường huyết tại bệnh viện 1 lần/tháng thì những ngày còn lại, họ sẽ không thể kiểm tra được đường huyết, cũng như không rõ liệu thuốc đang dùng, chế độ ăn uống, sinh hoạt hiện tại có phù hợp trong việc kiểm soát tốt đường huyết hay không.
Vì vậy, việc người bệnh theo dõi đường huyết tại nhà là một trong những yếu tố then chốt để kiểm soát tốt đường huyết, từ đó có những thay đổi về sinh hoạt cho phù hợp.
Theo dõi đường huyết như thế nào?
1. Đối tượng nào cần tự theo dõi đường huyết?
Chủ động theo dõi đường huyết tại nhà được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân kiểm soát tốt đường huyết. Do đó, hầu hết tất cả bệnh nhân đái tháo đường đều cần tự theo dõi đường huyết tại nhà.2
Tuy nhiên, một số đối tượng bắt buộc phải thực hiện, bao gồm:2
- Bệnh nhân đái tháo đường type 1. Nhóm người bệnh này cần tiêm insulin nhiều lần và đường huyết có thể dao động nhiều sau tiêm. Như vậy, việc theo dõi đường huyết tại nhà sẽ giúp phát hiện sớm các cơn hạ đường huyết nếu xảy ra.
- Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ. Trong quá trình mang thai, những thay đổi nhỏ về đường huyết cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, việc theo dõi đường huyết tại nhà với phụ nữ mang thai bị đái tháo đường cũng được khuyến cáo.
- Bệnh nhân đái tháo đường type 2. Việc theo dõi đường huyết tại nhà giúp phát hiện những cơn hạ đường không có dấu hiệu ở nhóm bệnh nhân này. Hoặc để người bệnh có thể biết được chỉ số đường huyết và có những động lực thay đổi lối sống cho việc kiểm soát đường huyết tốt hơn.
2. Tần suất theo dõi đường huyết
Tùy thuộc vào đối tượng người bệnh và tùy vào bệnh nhân đang dùng thuốc uống hay dùng insulin mà tần suất đo đường huyết có thể khác nhau. Cụ thể, tần suất đo đường huyết sẽ phụ thuộc vào:3
- Người bệnh có khả năng thực hiện không?
- Người bệnh thuộc nhóm bệnh nào?
- Người bệnh đang điều trị với phát đồ ra sao?
- Người bệnh có những cơn hạ đường hay không?
- Người bệnh có kiểm soát đường huyết tốt hay chưa?
Bệnh nhân nên đo thêm khi có các dấu hiệu của hạ đường huyết hoặc khi thay đổi chế độ ăn, chế độ luyện tập. Sau khi đường huyết đã được kiểm soát tốt thì có thể giảm bớt số lần đo đường huyết.
3. Thời điểm theo dõi đường huyết
Có 7 thời điểm theo dõi đường huyết, bao gồm:3
- 3 thời điểm theo dõi đường huyết lúc đói: thường là đường huyết trước bữa ăn sáng, một số trường hợp cần theo dõi đường huyết đói trước buổi ăn trưa và bữa ăn tối.
- 3 thời điểm theo dõi đường huyết sau ăn: tùy vào đặc điểm của người bệnh mà có thể theo dõi từ 1 – 2 giờ sau ăn: bữa sáng, bữa trưa, bữa tối.
- Theo dõi đường huyết trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng cần theo dõi tất cả các thời điểm này. Chẳng hạn, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ theo dõi đường huyết sau ăn nhiều hơn. Một số người bệnh có nguy cơ hạ đường về đêm cũng có thể được chỉ định theo dõi đường huyết trước khi đi ngủ.
4. Mức đường huyết mục tiêu
Đa số bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết trong mục tiêu sau:
- Mức đường huyết lúc đói có thể dao động từ 70 – 130 mg/dl.
- Mức đường huyết 2 giờ sau ăn có thể dưới 180 mg/dl.
Tuy nhiên, những bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân có nhiều bệnh lý đi kèm, hoặc bệnh nhân có nguy cơ hạ đường cao thì mức mục tiêu này có thể thay đổi.
Ghi chú sau theo dõi đường huyết
Việc ghi chú sau khi đo đường huyết giúp bác sĩ biết được đường huyết bệnh nhân dao động trong ngày như thế nào, biết được những thói quen sinh hoạt của bệnh nhân đã phù hợp chưa. Từ đó, bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc hoặc cho lời khuyên về sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Người bệnh nên ghi chú lại kết quả đo kèm theo thời điểm đo đường huyết. Ngoài ra, nếu kết quả đo cho thấy mức đường huyết thấp bất thường, kèm theo khi đó bệnh nhân có những triệu chứng như đói, vã mồ hôi, run,… thì ngoài kết quả đo và thời điểm đo, người bệnh cũng cần ghi chú lại các triệu chứng trên. Các dấu hiệu này sẽ cho bác sĩ và bệnh nhân nhận biết tình trạng hạ đường huyết. Vì một số trường hợp hạ đường huyết không triệu chứng có thể gây nguy hiểm, khiến người bệnh rơi vào hôn mê.
Những lưu ý khác trong quá trình kiểm soát tốt đường huyết
1. Xây dựng chế độ ăn uống, luyện tập
Chế độ ăn uống, sinh hoạt là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết.
Một chế độ ăn có nhiều chất bột đường (cơm, khoai lang, bắp,…) thường khiến lượng đường sau khi ăn tăng cao. Do đó, nếu người bệnh hạn chế ăn nhiều chất bột đường thì đường huyết có thể được kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng cần cân bằng chế độ ăn uống để đảm bảo đủ các chất, giúp người bệnh có đủ năng lượng để sinh hoạt bình thường. Vì vậy, cần xây dựng chế độ ăn cân bằng giữa bột đường, đạm, lipid, rau xanh, trái cây,… Không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít bất kỳ một loại chất nào.
2. Không nên tự ý điều chỉnh thuốc
Bệnh nhân không nên tự ý thay đổi liều lượng thuốc đã được chỉ định. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh xử trí nếu tình trạng hạ đường huyết xảy ra nên làm gì? Nên dùng những loại thuốc gì? Và cần liên hệ thăm khám sớm để bác sĩ điều chỉnh lại thuốc cho phù hợp.
3. Kiểm soát những yếu tố khác
Bên cạnh chỉ số đường huyết, người bệnh cũng cần kiểm soát:4
- Cân nặng.
- Các yếu tố nguy cơ, nhất là nguy cơ về bệnh lý tim mạch (huyết áp, lipid máu,…).
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính và phổ biến hiện nay. Người bệnh hãy chủ động theo dõi đường huyết tại nhà để có thể kiểm soát tốt chỉ số này, nhằm điều trị bệnh hiệu quả hơn nhé. Bạn đọc cũng có thể xem lại buổi tư vấn trực tuyến đầu tiên trong chuỗi chương trình Trọn Vui Sống Cùng Đái Tháo Đường với chủ đề Kiểm soát đường huyết – Vai trò then chốt trong điều trị đái tháo đường tại đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh lý này nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Initial management of hyperglycemia in adults with type 2 diabetes mellitushttps://www.uptodate.com/contents/initial-management-of-hyperglycemia-in-adults-with-type-2-diabetes-mellitus
Ngày tham khảo: 13/07/2023
-
The Big Picture: Checking Your Blood Glucosehttps://diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/checking-your-blood-sugar
Ngày tham khảo: 13/07/2023
-
Self-Monitoring of Blood Glucose: The Basicshttps://diabetesjournals.org/clinical/article/20/1/45/746/Self-Monitoring-of-Blood-Glucose-The-Basics
Ngày tham khảo: 13/07/2023
-
ADA/EASD Updated Guidelines: Glycemic Control Is Only Part of the Management of Type 2 Diabeteshttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2023/0500/poems-type-2-diabetes.html
Ngày tham khảo: 13/07/2023