Các xét nghiệm ung thư máu thường được chỉ định là gì?
Nội dung bài viết
Ung thư máu là bệnh lý nghiêm trọng hiện nay. Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều người muốn phát hiện xem liệu mình có mắc bệnh ung thư không để có cách điều trị kịp thời. Các xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán ung thư máu là gì? Nên đi xét nghiệm ung thư máu ở đâu, chi phí bao nhiêu? Cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về bệnh ung thư máu
1. Định nghĩa
Bệnh ung thư máu còn có tên gọi là bệnh bạch cầu. Nguyên nhân do sự gia tăng số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể. Các tế bào bạch cầu đó lấn át các tế bào tiểu cầu và hồng cầu mà cơ thể cần để khỏe mạnh. Các tế bào bạch cầu bổ sung hoạt động không bình thường.
2. Triệu chứng
Các loại bệnh bạch cầu khác nhau có thể gây ra các vấn đề khác nhau. Trong khoảng thời gian đầu, bạn có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào. Một số triệu chứng ung thư máu có thể gặp bao gồm:
- Suy nhược hoặc mệt mỏi.
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Nhiễm trùng nặng hoặc tái phát.
- Đau xương hoặc khớp của bạn.
- Nhức đầu.
- Nôn mửa.
- Co giật.
- Giảm cân.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Khó thở.
- Sưng hạch bạch huyết hoặc các cơ quan như lá lách.
3. Phân loại
Có 4 loại bệnh bạch cầu chính là:1
- Bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (ALL). Đây là dạng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Nó có thể lây lan đến các hạch bạch huyết và cả hệ thần kinh trung ương.
- Bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp tính (AML). Đây là dạng bệnh bạch cầu phổ biến thứ 2 ở trẻ em và là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn.
- Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL). Đây là dạng bệnh bạch cầu mạn tính phổ biến nhất ở người lớn. Một số loại CLL sẽ ổn định trong nhiều năm mà không cần điều trị. Trong trường hợp cơ thể không tạo ra các tế bào máu bình thường sẽ cần điều trị.
- Bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính (CML). Loại bệnh này không có các triệu chứng đặc hiệu. Người bệnh có thể không được chẩn đoán mắc bệnh này cho đến khi xét nghiệm máu định kỳ.
Khi nào nên đi khám và xét nghiệm ung thư máu?
Ung thư máu là bệnh mà bất kì ai cũng có thể mắc phải, bất kể là nam hay nữ, hay bất cứ độ tuổi nào. Khi thấy có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ ung thư máu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một số trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư máu như:1
- Đã từng điều trị ung thư trước đây. Những người đã hóa trị, xạ trị cho các bệnh ung thư khác có nguy cơ cao phát triển một số loại bệnh bạch cầu.
- Rối loạn di truyền. Các bất thường di truyền đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh bạch cầu. Một số rối loạn di truyền, ví dụ như hội chứng Down.
- Tiếp xúc với hóa chất. Tiếp xúc với một số hóa chất, chẳng hạn như benzen (được tìm thấy trong xăng và được ngành công nghiệp hóa chất sử dụng).
- Hút thuốc lá gây tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy.
- Gia đình từng có người mắc bệnh bạch cầu.
Xem thêm: Những nguyên nhân ung thư máu có thể bạn chưa biết
Mục đích của xét nghiệm ung thư máu
Bên cạnh việc điều trị ung thư máu, quá trình chẩn đoán bệnh đóng vai trò quan trọng không kém. Các xét nghiệm giúp bác sĩ củng cố kết quả chẩn đoán của mình, phân loại ung thư và xác định giai đoạn ung thư máu. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất cho bệnh nhân. Các loại xét nghiệm ung thư máu rất đa dạng. Mỗi người bệnh sẽ làm một số loại xét nghiệm tùy thuộc vào thể trạng và sức khỏe của họ.
Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư máu thường được chỉ định
1. Xét nghiệm máu
Quy trình lấy mẫu máu2 3
Đối với mẫu máu tĩnh mạch:
- Xác định thông tin bệnh nhân (BN), đối chiếu với phiếu chỉ định và các dụng cụ chứa mẫu đã được chuẩn bị cho phù hợp.
- BN ngồi ngay ngắn, tay duỗi trên bàn.
- Yêu cầu BN nắm bàn tay lại.
- Buộc dây garo ở cánh tay trong, khoảng cách trên khuỷu tay 5 – 8 cm.
Lưu ý: Không cột quá chặt, thời gian từ lúc cột garo đến lúc lấy máu không quá 1 phút. Trường hợp BN khó lấy máu, nếu 1 phút cột garo, nhân viên lấy máu phải gỡ garo, cho BN thả lỏng tay trong vòng 2 phút, sau đó mới tiếp tục lấy máu ở vị trí ban đầu.
- Sát trùng nhiều lần và 1 chiều dọc theo vùng được chọn lấy máu.
- Chờ khô cồn, kiểm tra kim bằng cách kéo và đẩy pittong đảm bảo rằng pittong di chuyển nhẹ nhàng trong lòng của ống tiêm.
- Căng vùng da cần lấy máu, cầm ống chích nghiêng 30 độ so với cánh tay, vát của mũi kim hướng lên trên
- Ấn đầu kim vào lòng tĩnh mạch, kéo pittong nhẹ nhàng và liên tục để rút lượng máu cần thiết.
- Yêu cầu BN thả lỏng tay, tháo garo, đặt bông lên vết thương, rút nhanh kim ra khỏi tĩnh mạch.
- Tháo kim và bơm máu từ từ vào dụng cụ chứa mẫu.
- Dán băng keo cá nhân cho bệnh nhân.
Các loại xét nghiệm máu phổ biến
Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư máu. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của người bệnh và gửi nó đến phòng xét nghiệm. Các loại xét nghiệm máu phổ biến dùng trong chẩn đoán và điều trị ung thư máu như:4
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Bác sĩ sẽ dùng một máy chuyên dụng để đo số lượng từng loại tế bào trong máu như hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Nếu kết quả cho thấy số lượng tế bào trong máu quá thấp hoặc quá cao, mẫu máu của bạn sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Xét nghiệm kiểm tra sàng lọc nhiễm virus/nhiễm trùng. Bác sĩ cần phải biết rõ về tình trạng sức khỏe của bạn, để quá trình điều trị ung thư máu diễn ra thuận lợi. Bạn có thể làm một số xét nghiệm HIV, xét nghiệm viêm gan B và xét nghiệm viêm gan C. Nếu bạn bị nhiễm các virus này, sẽ phải điều trị bệnh này cùng lúc với ung thư máu.
- Xét nghiệm máu ngoại biên. Bác sĩ quan sát các tế bào máu (hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu) để kiểm tra chúng có đúng kích cỡ, hình dạng… hay không).
- Xét nghiệm ure và các chất điện giải trong máu. Xét nghiệm này giúp bác sĩ kiểm tra chức năng thận. Qua đó, bác sĩ sẽ có chỉ định liều thuốc thích hợp và xác định xem phương pháp điều trị phù hợp nếu bạn bị suy giảm chức năng thận.
- Các xét nghiệm khác. Một số xét nghiệm như phân tích tế bào dòng chảy và xét nghiệm di truyền tế bào cũng dùng để xác định vấn đề của người bệnh.
Xét nghiệm máu bao lâu có kết quả?
Tùy vào việc xét nghiệm máu với mục đích gì và từng loại xét nghiệm khác nhau thời gian có kết quả sẽ khác nhau. Các xét nghiệm đơn giản thì thời gian từ 1 – 2 tiếng, đối với các xét nghiệm phức tạp thì có thời gian lâu hơn từ 3 – 4 tiếng.
Xét nghiệm máu có phát hiện bệnh ung thư không?
Nếu ai đó thắc mắc xét nghiệm máu có phát hiện bệnh ung thư không thì câu trả lời là có. Tuy nhiên, bản chất của bệnh ung thư không thể hiện hoàn toàn đầy đủ trong kết quả của xét nghiệm máu. Một số trường hợp trong máu bệnh nhân có thành phần tương đồng với khối u nên dẫn đến kết dương tính giả. Để xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu tái khám và tiến hành xét nghiệm lại sau khoảng 3 – 6 tháng.
2. Sinh thiết tủy xương (Xét nghiệm tủy – chọc hút tủy xương)4
Nếu xét nghiệm máu không kết luận được, bác sĩ có thể xem xét chọc hút tủy xương (sinh thiết). Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện các tế bào bệnh bạch cầu trực tiếp trong tủy xương trước khi chúng được phóng thích vào máu.
Bác sĩ kiểm tra mẫu khoang tủy xương nhỏ bằng kính hiển vi để xác định xem có tế bào nào bất thường hay không. Thử nghiệm này được thực hiện ở một xương lớn, chẳng hạn như xương hông.
Trước khi họ lấy mẫu, bác sĩ sẽ thoa một chất gây tê lên da. Bạn có thể cảm nhận được quá trình lấy mẫu, nhưng không cảm nhận được cảm giác đau.
Bạn có thể cảm thấy đau và khó chịu trong vài ngày sau khi làm thủ thuật. Bác sĩ có thể chỉ định chườm lạnh hoặc dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen.
Có thể mất vài ngày để có kết quả chính xác nhất. Các bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của tế bào bệnh bạch cầu hoặc bất kỳ đặc điểm không điển hình nào khác của tế bào máu của bạn. Ngoài ra, cũng có thể phát hiện những thay đổi nhiễm sắc thể ở những người bị bệnh bạch cầu.
3. Sinh thiết hạch bạch huyết5
Sinh thiết hạch bạch huyết là thủ thuật giúp kiểm tra các dấu hiệu, mức độ tiến triển của một số bệnh, chẳng hạn như ung thư. Kết quả sinh thiết sẽ bác sĩ quyết định các xét nghiệm và phương pháp điều trị tiếp theo sao cho phù hợp. Bác sĩ sẽ lấy ra một mảnh hạch nhỏ và gửi đến phòng thí nghiệm để quan sát dưới kính hiển vi.
Sinh thiết hạch được thực hiện khoảng 20 phút. Sau sinh thiết, bệnh nhân có thể hoạt động và làm việc bình thường. Bệnh nhân sẽ cảm giác có một vùng bị tê nơi tiêm thuốc gây tê. Khi thuốc tê hết tác dụng,bệnh nhân có thể thấy đau hoặc khó chịu, có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm.
Mẫu sinh thiết sẽ được đem đi phân tích. Kết quả sẽ có sau khoảng 3 – 5 ngày. Bệnh nhân sẽ nhận được kết quả trong lần tái khám tiếp theo, hoặc sớm hơn nếu cần thiết.
Mẫu hạch sinh thiết không kết luận được tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được giải thích và được chỉ định sinh thiết lặp.
4. Phân tích huyết thanh và nước tiểu – xét nghiệm hóa sinh
Xét nghiệm này sẽ phân tích các thành phần máu và nước tiểu. Nồng độ acid uric trong huyết tương và trong nước tiểu, nồng độ LDH sẽ tăng trong bệnh ung thư máu.
5. Xét nghiệm phân loại tế bào- kháng nguyên bề mặt tế bào
Các kháng nguyên trên bề mặt tế bào thể hiện đặc trưng cho từng loại tế bào.
6. Xét nghiệm tìm bất thường gen – tìm bất thường nhiễm sắc thể
Các bất thường nhiễm sắc thể và gen có thể được tìm thấy ở những tế bào bạch cầu ác tính.
7. Phương pháp xét nghiệm dịch não tủy4
Bác sĩ sẽ thu thập một lượng nhỏ dịch não tủy để xem liệu có tế bào ung thư nào đã di căn đến khu vực này của cơ thể bạn hay không.
8. Các chẩn đoán hình ảnh4
Các xét nghiệm hình ảnh có thể được khuyến nghị nếu bác sĩ nghi ngờ rằng ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác. Các xét nghiệm này có thể MRI, chụp X-quang hoặc chụp CT.
Nên làm gì sau khi có kết quả xét nghiệm ung thư máu?
Khi có kết quả xét nghiệm ung thư máu, trong trường hợp kết quả bất thường, bạn không nên quá lo lắng. Hãy trao đổi với bác sĩ về bệnh tình của mình để tìm hiểu, thảo luận về các phác đồ điều trị (phương pháp điều trị, các rủi ro có thể gặp phải, quá trình cụ thể, chi phí…).
Bạn có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia khác nhau để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân. Bạn nên dành ra một khoảng thời gian để tâm lí được thoải mất, chuẩn bị tài chính để điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, không nên giữ cảm xúc tiêu cực, việc chia sẻ với bạn bè, người thân sẽ giúp vơi bớt phần nào nỗi lo lắng. Ngoài ra, bạn nên thay đổi và duy trì lối sống lành mạnh, quan tâm đến chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, vận động…
Trong trường hợp kết quả bình thường, bạn không nên quá chủ quan. Nên đi khám sức khỏe định kì, tái khám nếu các các dấu hiệu bất thường vẫn tiếp tục diễn ra. Quan tâm đến lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện…
Xét nghiệm ung thư máu ở đâu?
Hiện nay, có rất nhiều cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm ung thư máu. Bạn nên tìm hiểu kĩ càng thông tin về phòng khám, bệnh viện trước khi tiến hành thực hiện thăm khám.
Bạn có thể lựa chọn các bệnh viện lớn, đầu ngành, tuyến Trung ương để thăm khám và điều trị. Đội ngũ bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống thiết bị, vật tư y tế hiện đại là những yếu tố quan trọng bạn nên xem xét. Ngoài ra, quy trình xét nghiệm nghiêm ngặt, chi phí được công khai minh bạch cũng là tiêu chí mà người bệnh nên quan tâm. YouMed đã tổng hợp một số cơ sở y tế uy tín trên toàn quốc sau đây:
1. Tại Hà Nội
Tên cơ sở | Địa chỉ |
Bệnh viện K Hà Nội | Cơ sở 1: 43 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Cơ sở 2: ngõ 304 Tựu Liệt, Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. |
Bệnh viện Quân Y 103 | 261 Phùng Hưng, Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. |
Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội | Số 1 Tôn Thất Tùng, Trung Tự, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. |
Bệnh viện Huyết học Truyền máu TW | 14 Trần Thái Tông, Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội |
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội | Số 42A P. Thanh Nhàn, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. |
2. Tại TP. Hồ Chí Minh
Tên cơ sở | Địa chỉ |
Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM | 03 đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. |
Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy | 201B đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh. |
Bệnh viện Nhân dân 115 | 527 đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh. |
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM | 215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh. |
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch | 120 đường Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh. |
Xét nghiệm ung thư máu bao nhiêu tiền?
Hiện nay giá xét nghiệm ung thư máu dao động từ 2 – 3 triệu đồng. Giá dịch vụ này sẽ có sự thay đổi tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân, số lượng xét nghiệm và cơ sở làm xét nghiệm. YouMed đã tổng hợp chi phí một số xét nghiệm liên quan đến xét nghiệm ung thư máu của một số cơ sở uy tín trên cả nước. Lưu ý giá của các xét nghiệm là giá dịch vụ, chưa bao gồm BHYT. Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên liên hệ cơ sở xét nghiệm để được tư vấn chi tiết.
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi bằng hệ thống tự động hoàn toàn (có nhuộm tiêu bản tự động): 106.000 đồng.
- Sinh thiết hạch (hoặc u): 262.000 đồng.
- SPECT/CT: 909.000 đồng.
- Thủ thuật sinh thiết tủy xương (sử dụng máy khoan cầm tay): 2.677.000 đồng.
- Chọc hút tủy làm tủy đồ: 530.000 đồng.
- Huyết đồ bằng hệ thống tự động hoàn toàn (có nhuộm lam): 149.000 đồng.
- Xét nghiệm tế bào học tủy xương: 147.000 đồng.
Bài viết trên là thông tin về xét nghiệm ung thư máu. Đây là bệnh lý ung thư nghiêm trọng và hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi. Nếu có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh lý này, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Leukemiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/leukemia/symptoms-causes/syc-20374373
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
Hướng Dẫn Kỹ Thuật Lấy Mẫu Bệnh Phẩmhttp://bvndgiadinh.org.vn/article/huong-dan-ky-thuat-lay-mau-benh-pham
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
How To Do Venous Blood Samplinghttps://www.msdmanuals.com/professional/critical-care-medicine/how-to-do-peripheral-vascular-procedures/how-to-do-venous-blood-sampling
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
Diagnosis of leukemiahttps://cancer.ca/en/cancer-information/cancer-types/leukemia/diagnosis
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
SINH THIẾT HẠCH – NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾThttps://bthh.org.vn/69/sinh-thiet-hach-nhung-thong-tin-can-biet-50677.html
Ngày tham khảo: 20/11/2022