YouMed

Bệnh Parkinson ở người trẻ có nguy hiểm không?

Bác sĩ NGUYỄN VĂN HUẤN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn
Chuyên khoa: Thần kinh

Bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi tuy chiếm tỷ lệ không cao nhưng là một vấn đề đáng lo ngại. Người trẻ tuổi thường ở trong độ tuổi lao động. Chính vì vậy, nếu họ mắc bệnh thì chất lượng cuộc sống cũng như kinh tế sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Văn Huấn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng mắc bệnh Parkinson của người trẻ tuổi. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Bệnh Parkinson ở người trẻ là gì?

Khái niệm về bệnh Parkinson ở những đối tượng trẻ tuổi

Bệnh Parkinson ở người trẻ hay bệnh Parkinson nói chung là một hội chứng rối loạn của bộ não. Tình trạng rối loạn này xảy ra khi các tế bào thần kinh, chịu trách nhiệm sản sinh ra chất dopamine, bị thoái hóa và chết dần. Điều này dẫn đến thiếu hụt chất dopamine trong cơ thể. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng giúp tế bào não điều khiển và kiểm soát các cử động mặt, tay và chân.1

Khi một người mắc bệnh Parkinson ở độ tuổi nhỏ hơn 50 tuổi thì được gọi là Parkinson khởi phát ở người trẻ. Hoặc còn có tên gọi khác là bệnh Parkinson khởi phát sớm.2 3 Người bệnh ở độ tuổi này khi mắc bệnh Parkinson thường dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý có triệu chứng tương tự. Chẳng hạn như: run do nghiện rượu, run vô căn, cường giáp,…

Bệnh Parkinson vẫn có khả năng xảy ra ở người trẻ tuổi
Bệnh Parkinson vẫn có khả năng xảy ra ở người trẻ tuổi

Tình hình người trẻ mắc bệnh Parkinson

Theo các số liệu thống kê nói chung, có khoảng 10% người mắc bệnh Parkinson khởi phát sớm được chẩn đoán trước tuổi 40. Những đối tượng dưới 20 tuổi có các triệu chứng của bệnh Parkinson chiếm tỷ lệ khá thấp. Parkinson ở người trẻ thường có tốc độ tiến triển chậm hơn người lớn tuổi. Đồng thời, tỷ lệ sống lâu cũng cao hơn.2 4 5

Tuy nhiên, người trẻ tuổi là những đối tượng đang trong độ tuổi lao động, cũng như đang ở thời kỳ phát triển sự nghiệp, xây dựng các mối quan hệ tình yêu, gia đình. Vì vậy sự hạn chế khả năng vận động do bệnh Parkinson sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Từ đó, người bệnh rất dễ mắc phải các rối loạn về tâm thần. Điển hình là rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm,…2

Tại sao người trẻ mắc bệnh Parkinson?

Nguyên nhân do yếu tố gen

Theo các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, Parkinson được xem là bệnh của người cao tuổi. Tuy nhiên, người trẻ cũng có thể mắc bệnh. Nguyên nhân chính là từ yếu tố gen di truyền. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều loại gen có liên quan đến bệnh Parkinson. Có khá nhiều gen thông qua rất nhiều cơ chế đa dạng. Vì vậy, chúng ta không thể xác định gen nào là yếu tố quyết định bệnh.2

Yếu tố gen di truyền có thể là một trong những nguyên nhân gây bệnh Parkinson ở người trẻ
Yếu tố gen di truyền có thể là một trong những nguyên nhân gây bệnh Parkinson ở người trẻ

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.2 Chẳng hạn như những đột biến trong gen PRKN có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh Parkinson khởi phát sớm.6 Thậm chí là ở độ tuổi thanh thiếu niên, dưới 21 tuổi. Nguy cơ càng tăng cao đối với những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh Parkinson.2 7

Nguyên nhân do yếu tố môi trường

Những người có người thân mắc bệnh Parkinson thì sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh lý này khi còn trẻ. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc lâu dài với vài yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Chẳng hạn như thuốc trừ sâu, các loại hóa chất độc hại, tia X,… Tuy nhiên, nói chung, nguyên nhân cụ thể của bệnh Parkinson vẫn chưa được xác định.7 8

Sự khác biệt khi mắc bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi và lớn tuổi

Bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi có diễn biến không giống như bệnh Parkinson ở người cao tuổi. Tuy nhiên, về cơ bản, các triệu chứng điển hình của bệnh lại không có quá nhiều điểm khác biệt.

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn thường nghĩ Parkinson là một bệnh lý của người cao tuổi. Do vậy, các biểu hiện của bệnh Parkinson xảy ra ở người trẻ tuổi thường rất dễ bị bỏ sót và không được quan tâm. Từ đó, nhiều trường hợp người trẻ đang mắc bệnh Parkinson nhưng không được chẩn đoán. Hoặc được chẩn đoán không đúng bệnh. Dẫn đến hệ lụy là khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Nhìn chung, các phương pháp điều trị bệnh Parkinson ở cả người trẻ tuổi và cao tuổi tương tự nhau. Tuy nhiên, đối với bệnh Parkinson ở người trẻ có vài nét khác biệt. Nếu người trẻ được chẩn đoán và điều trị bệnh Parkinson kịp thời thì tốc độ diễn tiến của bệnh thường chậm. Đồng thời, những biến chứng cũng sẽ ít xuất hiện hơn so với người cao tuổi.2

Parkinson ở người trẻ thường có diễn tiến chậm và ít biến chứng
Parkinson ở người trẻ thường có diễn tiến chậm và ít biến chứng

Nhận biết dấu hiệu Parkinson ở người trẻ tuổi

Các triệu chứng phổ biến

Nói chung, những dấu hiệu của bệnh Parkinson ở người trẻ tuổi tương tự như người cao tuổi. Cụ thể, người trẻ bị bệnh Parkinson sẽ có những triệu chứng điển hình sau:2 7 8

  • Run tay chân, ưu thế ở ngọn chi.
  • Có sự cứng đờ ở các cơ mặt, tay và chân.
  • Vận động chậm chạp.
  • Suy giảm khả năng kiểm soát thăng bằng của cơ thể.
  • Nói nhỏ tiếng, khó nghe.
  • Giảm cảm giác mùi.
  • Thường xuyên mệt mỏi.
  • Rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, chứng khó tiêu, táo bón.
  • Các triệu chứng tâm thần: lo âu, mất ngủ, trầm cảm,…

Xem thêm: Mất mùi: Vấn đề ảnh hưởng nhiều khía cạnh cuộc sống

Một số điểm khác biệt2 9

Các triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson thường giống nhau giữa người trẻ và người già. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi thường xuất hiện nhiều dấu hiệu liên quan đến rối loạn vận động. Hay nói cách khác, dấu hiệu cử động cơ thể không tự chủ thường xuất hiện nhiều hơn người già, nguyên nhân là do tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Levodopa.

Bên cạnh đó, người trẻ có tần suất bị rối loạn trương lực cơ hơn so với người già. Các đợt bùng phát của dấu hiệu co cơ diễn ra thường xuyên và kéo dài. Từ đó làm cho tay chân có dấu hiệu bị chuột rút. Hoặc có thể tạo nên các bệnh lý về tư thế như xiêu vẹo cột sống, trẹo tay chân.

Ngược lại, một triệu chứng khác của bệnh Parkinson thì lại ít gặp ở người trẻ hơn so với người cao tuổi. Chẳng hạn như những triệu chứng rối loạn nhận thức, suy giảm trí nhớ, lú lẫn, rối loạn thăng bằng.

Xem thêm: Sa sút trí tuệ ở người trẻ có gì khác so với người lớn tuổi?

Phương pháp kiểm soát bệnh Parkinson ở người trẻ

Phương pháp điều trị bệnh Parkinson cho người trẻ

Điều trị nội khoa3 7 8

Một trong những thuốc đầu tiên thường được sử dụng cho người mắc bệnh Parkinson đó chính là Levodopa. Tuy nhiên, thuốc này có nhiều tác dụng phụ và thời gian duy trì hiệu quả điều trị ngắn. Vì vậy, người trẻ mắc bệnh Parkinson không nên ưu tiên sử dụng Levodopa.

Xem thêm: Thuốc Madopar (levodopa) điều trị bệnh Parkinson và những điều lưu ý

Một số loại thuốc sau đây được khuyến khích sử dụng cho người trẻ mắc bệnh Parkinson:

  • Chất chủ vận dopamine: Cabergoline, Apomorphine, Lisurid, Pergolide,… Các thuốc này hoạt động theo cơ thế bắt chước và kích thích các thụ thể dopamine. Từ đó giúp tăng hiệu quả hoạt động của dopamine trong não. Nhóm thuốc này thường được áp dụng để chữa bệnh Parkinson giai đoạn đầu.
  • Thuốc ức chế enzym phân giải dopamine: Entacapone, Selegiline. Nhóm thuốc này ức chế hoạt động của enzym MAO-B. Đây là men phân giải và làm mất tác dụng của dopamine.
  • Thuốc kháng cholinergic và amantadine: thuốc Trihexyphenidyl, Benztropine, Biperiden, Amantadine Hydrochloride,… Nhóm thuốc này có hiệu quả trong điều trị triệu chứng run và cứng khớp.
  • Nhóm thuốc hướng thần: Điều trị các rối loạn tâm thần kèm theo với bệnh Parkinson. Chẳng hạn như: thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu, thuốc an thần,…

Điều trị bệnh Parkinson bằng phương pháp phẫu thuật2 7 8

Một số phương pháp phẫu thuật có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson. Chẳng hạn như phương pháp kích thích não sâu, phẫu thuật bằng dao gamma,… Tuy nhiên, các phương pháp phẫu thuật thường khá tốn kém. Đồng thời, đa số người trẻ mắc bệnh Parkinson cũng chưa đến mức độ nghiêm trọng cần phải áp dụng phương pháp phẫu thuật.

Người bệnh nên lắng nghe sự tư vấn hay chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa, từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của mình.

Phương pháp kích thích não sâu có thể giúp điều trị bệnh Parkinson
Phương pháp kích thích não sâu có thể giúp điều trị bệnh Parkinson

Tâm lý liệu pháp7 8

Người trẻ mắc bệnh Parkinson sẽ rất dễ cảm thấy bi quan, buồn bã, tự ti về bệnh lý của chính mình. Chính vì vậy, người thân cần dành nhiều thời gian tâm sự, động viên người bệnh. Một số trường hợp rối loạn tâm lý nặng sẽ cần đến sự trợ giúp của bác sĩ chuyên về tâm lý.

Phương pháp phòng bệnh Parkinson ở người trẻ7 8

Vì nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson nói chung chưa được xác định rõ ràng. Thế nên không có bất kỳ một phương pháp cụ thể nào để phòng bệnh. Tuy nhiên, một số biện pháp sau đây có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Bổ sung vitamin D cho cơ thể.
  • Sử dụng các thức uống có chứa caffeine ở mức độ vừa phải. Chẳng hạn như: cà phê, trà xanh (chè xanh),…
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục để tăng cường sức khỏe.
Tăng cường vitamin D cho cơ thể có thể góp phần hạn chế bệnh Parkinson ở người trẻ
Tăng cường vitamin D cho cơ thể có thể góp phần hạn chế bệnh Parkinson ở người trẻ

Hy vọng, bài viết trên đã giải đáp cho bạn những thắc mắc về bệnh Parkinson ở người trẻ. Như đã đề cập, bệnh Parkinson ở người trẻ không quá khác biệt so với ở người cao tuổi. Vấn đề quan trọng là người bệnh cần được phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Mục tiêu là kéo dài quá trình diễn biến của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Ngoài ra, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What is the connection between dopamine and Parkinson's disease?https://www.medicalnewstoday.com/articles/dopamine-parkinsons

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

  2. Young Onset Parkinson'shttps://www.parkinson.org/Understanding-Parkinsons/What-is-Parkinsons/Young-Onset-Parkinsons

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

  3. Young-Onset Parkinson's Diseasehttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/parkinsons-disease/youngonset-parkinsons-disease

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

  4. EARLY ONSET PARKINSON’S DISEASEhttps://www.apdaparkinson.org/what-is-parkinsons/early-onset-parkinsons-disease/

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

  5. Parkinson diseasehttps://medlineplus.gov/genetics/condition/parkinson-disease/

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

  6. Parkin Type of Early-Onset Parkinson Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK1478/

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

  7. Parkinson's diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/parkinsons-disease/symptoms-causes/syc-20376055

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

  8. Early Onset Parkinson’s Disease: Symptoms, Treatment, Prevention, and Morehttps://www.healthline.com/health/parkinsons/early-onset

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

  9. Comparing clinical features of young onset, middle onset and late onset Parkinson's diseasehttps://www.prd-journal.com/article/S1353-8020(14)00066-2/fulltext

    Ngày tham khảo: 10/04/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người