Phụ nữ bị rong kinh nên ăn gì và những lưu ý
Nội dung bài viết
Rong kinh là một tình trạng rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở các chị em phụ nữ, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh. Rong kinh có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Bên cạnh việc điều trị nguyên nhân chính gây ra rong kinh, các chị em phụ nữ cũng rất băn khoăn rằng chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này có gì đặc biệt. Và chúng ta nên có chế độ sinh hoạt như thế nào? Hãy cùng Thạc sĩ Bác sĩ Võ Hoài Duy cùng tìm hiểu và giải đáp câu hỏi bị rong kinh nên ăn gì qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về rong kinh
Rong kinh là tình trạng mà thời gian hành kinh kéo dài vượt quá 8 ngày. Rong kinh thường đi kèm với cường kinh (là tình trạng ra máu kinh lượng nhiều, được cảm nhận bởi người phụ nữ). Rong kinh khác với rong huyết (là tình trạng chảy máu không trùng vào ngày kinh; có khi đầu, giữa hoặc gần cuối chu kì).1
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rong kinh, chẳng hạn như:
- Thai kì.
- U xơ tử cung.
- Bệnh tuyến cơ tử cung (lạc nội mạc trong cơ tử cung).
- Tăng sinh nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung.
- Polyp lòng tử cung.
- Rối loạn đông máu.
- Rối loạn phóng noãn.
- Nguyên nhân khác: khuyết sẹo mổ, viêm nội mạc…
Các nguyên nhân bệnh lí cấu trúc tại tử cung thường đòi hỏi phải phẫu thuật để giải quyết tình trạng rong kinh. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể phẫu thuật ngay, ví dụ như người bệnh muốn chờ đợi để chuẩn bị tâm lí trước phẫu thuật, hoặc sắp xếp công việc gia đình, hoặc chưa đủ kinh phí.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác điều trị không phải là phẫu thuật, việc dùng thuốc có thể tác dụng chậm. Chính vì những lí do đó, các chị em phụ nữ nên có một lối sống khoa học và chế độ dinh dưỡng hợp lí để bảo vệ cơ thể trong giai đoạn hành kinh kéo dài này.
Hậu quả của rong kinh thường gây ra tình trạng thiếu máu và ảnh hưởng đến tâm lí, chất lượng cuộc sống. Dựa trên những điểm đó, việc điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng cũng tập trung vào các vấn đề này.
Người bị rong kinh nên ăn gì?
Nếu không kể đến rong kinh, muốn có một cơ thể khỏe mạnh chúng ta cũng nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng từ những nhóm thức ăn khác nhau.
Vì vậy, những phụ nữ đang bị rong kinh, bên cạnh có một chế độ ăn uống nền tảng tương tự như người bình thường, ngoài ra có thể lưu ý đặc biệt thêm một số điểm khác để bổ sung đầy đủ cho cơ thể. Bao gồm:
Uống nước đầy đủ
Khi bị rong kinh, uống nước đầy đủ là một chìa khóa quan trọng. Giúp bạn vượt qua các triệu chứng đau lưng, đau bụng trong chu kì kinh nguyệt nhanh hơn. Giúp cho dòng máu không bị cô đặc.
Chất tinh bột2
Cơm, bún, bánh phở, bánh mì, các loại củ là những thức ăn chứa nhiều tinh bột.
Tinh bột là chất tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động (đặc biệt là não) và gây cảm giác no lâu hơn các nhóm khác. Vì thế rất cần thiết bổ sung đủ nhóm chất này trong giai đoạn rong kinh để tránh tình trạng mệt mỏi.
Chất đạm2
Bao gồm thịt, cá, trứng, sữa.
Đạm là một trong những thành phần thiết yếu cấu tạo nên các thế bào trong cơ thể, máu và một số enzym & hormone.
Giai đoạn rong kinh, chúng ta nên ăn đầy đủ và đa dạng các loại thịt. Do trong thịt có hàm lượng cao chất đạm, ngoài ra còn có thêm sắt giúp bổ máu.
Chất béo2
Phụ nữ bị rong kinh được khuyến nghị nên bổ sung vừa đủ các loại chất béo. Đặc biệt là các loại chất béo không bão hòa như omega-3 và omega-6.
Tránh ăn các loại chất béo bão hòa như bơ, kem, thịt xông khói và khoai tây chiên.
Vitamin và muối khoáng
Vitamin B6 là một trong những chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt của bạn. Vitamin B6 có nhiều trong các loại thực phẩm như trứng, cá và gia cầm. Vitamin B6 được chứng minh là làm tăng progesterone trong khi giảm estrogen trong cơ thể. Điều này có thể giúp cải thiện chức năng tuyến yên để bình thường hóa các hormone liên quan đến kinh nguyệt.3
Một số trường hợp rong kinh kèm theo cường kinh, các chị em phụ nữ có thể bổ sung các loại khoáng chất như: kẽm, magie để góp phần giảm bớt cơn đau, nhờ vào tính chất kháng viêm của các loại khoáng chất này.3
Vitamin C và sắt: sắt là nguyên nguyên liệu giúp tạo máu cho cơ thể. Khi rong kinh, chúng ta nên bổ sung sắt để bù lại lượng máu đã mất, phòng tránh thiếu máu. Cơ thể sẽ dễ hấp thu sắt hơn nếu uống cùng với Vitamin C hoặc thức ăn có vitamin C.4
Xem thêm: Những thực phẩm giàu chất sắt mà bạn cần biết
Các thức ăn chứa nhiều vitamin C như: ổi, cam, bưởi, quýt, ngoài ra còn có trong: ớt chuông, kiwi, bông cải, dâu…
Chất xơ
Các thức ăn chứa nhiều chất xơ là các loại rau, trái cây.
Chất xơ giúp làm lưu thông ruột và cuốn đi các độc chất tích tụ trong đường tiêu hóa. Giúp phòng tránh táo bón. Sẽ rất khó chịu nếu như các chị em vừa bị rong kinh lại kèm theo táo bón vì gây phiền toái cho những sinh hoạt hằng ngày.
Các loại thảo dược3
Một số loại thảo dược có thể hỗ trợ sức khỏe khi bị rong kinh như:
- Cây Thì là: có đặc tính giảm đau và chống viêm, có thể giúp làm giảm các triệu chứng rong kinh và cường kinh.
- Lá và hạt Thì Là, một loại thảo dược có thể sử dụng trong thời gian rong kinh.
- Gừng: giúp làm giảm chảy máu nhiều.
- Lá mâm xôi: có đặc tính thư giãn cơ, làm giảm bớt các cơn co tử cung.
Tuy nhiên, bạn cần bổ sung các loại thảo dược theo đúng liều lượng và lưu ý các tác dụng.
Một số cách chế biến và thức uống nên tránh
Trong giai đoạn rong kinh không nên uống các loại chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà.
Tránh ăn quá no, hoặc ăn các loại thức ăn cay nóng, đặc biệt là khi có những triệu chứng của trào ngược dạ dày.
Hạn chế các món chiên xào, hoặc hâm lại nhiều lần vì có thể gây cảm giác đầy bụng hoặc ngộ độc thực phẩm.
Lối sống dành cho người bị rong kinh
Theo dõi lượng máu kinh
1. Trường hợp sử dụng cốc nguyệt san
Là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa dẻo, có thể đặt vào trong âm đạo để ngăn máu kinh chảy ra ngoài, tránh vấy bẩn quần áo và các đồ đạc khác, giúp các chị em tự tin hơn trong giai đoạn này. Ngoài ra, còn có thể giúp chúng ta quan sát được số lượng máu mất và có thể cung cấp thông tin này cho bác sĩ khi được hỏi đến.
2. Trường hợp dùng băng vệ sinh
Băng vệ sinh là một phượng tiện rất phổ biến và giá thành rẻ ngày nay giúp các chị em giữ vệ sinh ở những ngày có kinh. Tuy nhiên nếu bị rong kinh, chúng ta nên chú ý thêm tính chất máu dính trên băng như thế nào, một ngày phải thay bao nhiêu băng vệ sinh và mỗi lần như vậy có ướt đẫm không. Những thông tin này có thể giúp bác sĩ tính đúng lượng máu mà bạn đã mất.
Vệ sinh vùng kín
Vệ sinh vùng kín sau khi đi vệ sinh là một việc cần thiết. Trong giai đoạn hành kinh, các mô xung quanh vùng kín thường sung huyết và dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy khi vệ sinh xong, cần giữ khô ráo bằng cách chặm khô bằng khăn giấy hoặc khăn mềm. Tránh các động tác chà xát hoặc lau quệt vì có thể tạo ra các vết xước nhỏ, giúp vi khuẩn dễ xâm nhập hơn vào vùng này.
Thói quen dùng khăn giấy khi đại tiện cũng rất quan trọng. Nên dùng khăn giấy theo hướng từ trước ra sau thay vì từ sau ra trước để tránh vấy bẩn vi khuẩn từ vùng hậu môn khi đại tiện qua vùng kín. Ngoài ra nên dùng nước rửa nhẹ nhàng, không nên dùng vòi xịt để xịt thẳng nước trực tiếp vào vùng kín.
Không nên thụt rửa sâu trong âm đạo để cố gắng rửa sạch hết máu kinh. Hành động này không những không giải quyết được rong kinh mà còn gây rối loạn hệ vi khuẩn thường trú trong âm đạo và có thể gây những tổn thương niêm mạc bên trong. Hậu quả có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm không đáng có cho các chị em phụ nữ.
Tập thể dục đều đặn3
Duy trì thói quen tập những bài thể dục tốt cho tim mạch không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể mà còn giúp lưu lượng kinh nguyệt nhẹ hơn. Ngoài ra, thể dục tốt cũng có thể làm giảm số ngày các chị em phụ nữ có kinh. Ở một số người, thể dục còn có thể làm giảm bớt tình trạng giữ nước, giúp giảm đầy hơi và giảm chuột rút.
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia thể thao để tìm ra được các bài tập thể dục thích hợp cho cơ thể của mình. Không nên cố gắp tập luyện các bài tập cường độ cao một cách quá mức. Vì về lâu dài tình trạng này sẽ gây ra rối loạn hóc môn trong cơ thể, nguy cơ dẫn đến vô kinh.
Kiểm soát cân nặng3
Sự biến động cân nặng lên xuống thất thường gây ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt. Những người gầy thường bị trễ kinh, những người béo phì thường ra kinh nhiều và đau bụng.
Mô mỡ cũng là một nơi có thể sản xuất ra Estrogen, là một hóc môn có liên quan đến chu kì kinh nguyệt. Vì thế, làm cho chu kì kinh có thể dài hơn và chảy máu nhiều hơn.
Do đó, kiểm soát tốt cân nặng với BMI trong giới hạn bình thường phần nào cũng tốt cho những phụ nữ rong kinh. Đặc biệt là những người có tình trạng bất thường kinh nguyệt kéo dài (hội chứng buồng trứng đa nang).
Tắm nắng và bổ sung vitamin D
Nguồn vitamin D chủ yếu tạo ra từ việc tiếp xúc của da với ánh nắng mặt trời, ngoài ra Vitamin D còn có trong các loại thức ăn như sữa, trứng và một số loại cá. Vitamin D lại có tác dụng giúp bình thường chu kì kinh nguyệt, giảm đau cơ và rối loạn cảm xúc, ví dụ trầm cảm…5
Tuy nhiên chúng ta chỉ nên tắm nắng sớm vào khoảng 7 – 9 giờ, không nên tắm nắng quá trưa để tránh phơi nhiễm da với các tia sáng có hại, dẫn đến ung thư da.
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ và ngủ ngon sẽ làm cho cơ thể tỉnh táo, ngăn chặn tình trạng uể oải, mệt mỏi và mất tập trung. Ngủ đủ cũng làm cho trạng thái cảm xúc dễ chịu hơn, giúp hỗ trợ giảm bớt tình trạng phiền toái, khó chịu những ngày bị rong kinh.
Tóm lại:
- Rong kinh là một tình trạng rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở các chị em phụ nữ. Đây là triệu chứng có thời gian hành kinh kéo dài nhiều hơn 8 ngày. Rong kinh có thể gây ra thiếu máu và phiền toái cho các chị em phụ nữ, ảnh hưởng đến cảm xúc và chất lượng cuộc sống.
- Có nhiều nguyên nhân gây ra rong kinh, thường gặp là các bệnh lí bất thường tại tử cung. Chúng ta nên theo dõi lượng máu mất trong thời gian bị rong kinh.
- Trong thời gian rong kinh nên ăn uống cân đối các nhóm chất dinh dưỡng chính (đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ). Ngoài ra, chú ý bổ sung thêm sắt và các loại Vitamin như: Vitamin C, B, D; các loại muối khoáng: kẽm, magie.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia. Hạn chế ăn các loại thức ăn cay, nóng, hâm lại nhiều lần. Có thể dùng thêm một số thảo dược để hỗ trợ.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, tắm nắng buổi sáng và kiểm soát cân nặng là những thói quen tốt giúp bạn vượt qua những ngày rong kinh một cách dễ dàng hơn.
Trên đây là những thông tin liên quan đến tình trạng rong kinh, cách ăn uống và cách sinh hoạt trong thời kì này để giúp các chị em tránh được mệt mỏi và thiếu máu. Tuy nhiên, tốt hơn hết chúng ta nên tham khảo các ý kiến của bác sĩ về cách điều trị nguyên nhân gốc rễ bệnh lí gây ra rong kinh, để đảm bảo có một sức khỏe tốt. Hy vọng bài viết đã giải đáp cho chị em phụ nữ thắc mắc bị rong kinh nên ăn gì.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
The two FIGO systems for normal and abnormal uterine bleeding symptoms and classification of causes of abnormal uterine bleeding in the reproductive years: 2018 revisionshttps://www.researchgate.net/publication/327564793_The_two_FIGO_systems_for_normal_and_abnormal_uterine_bleeding_symptoms_and_classification_of_causes_of_abnormal_uterine_bleeding_in_the_reproductive_years_2018_revisions
Ngày tham khảo: 13/09/2022
-
6 Essential Nutrients and Why Your Body Needs Themhttps://www.healthline.com/health/food-nutrition/six-essential-nutrients
Ngày tham khảo: 13/09/2022
-
How to Make Your Period End Fasterhttps://www.healthline.com/health/womens-health/how-to-make-your-period-end-faster#1
Ngày tham khảo: 13/09/2022
-
How to Stop Heavy Periods: 22 Options for Treatmenthttps://www.healthline.com/health/how-to-stop-heavy-periods
Ngày tham khảo: 13/09/2022
-
Sleep, sunshine & vitamin Dhttps://www.thewomens.org.au/health-information/periods/healthy-periods/sleep-sunshine-vitamin-d/
Ngày tham khảo: 13/09/2022