YouMed

Biến chứng tiểu đường gây loét da: triệu chứng và hướng dẫn cách điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ CKI Võ Đình Bảo Văn
Tác giả: ThS.BS Võ Đình Bảo Văn
Chuyên khoa: Nội tiết

Với những biến chứng khó lường, tiểu đường được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Trong đó, biến chứng lở loét ở da rất phổ biến. Tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời. Vậy vì sao bệnh tiểu đường có thể gây loét da? Điều trị biến chứng tiểu đường gây loét da như thế nào? Tất cả sẽ được Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Đình Bảo Văn giải đáp qua bài viết ngay sau đây. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Tổng quan về tình trạng biến chứng tiểu đường gây loét da

Vết loét da ở bệnh nhân tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường – ĐTĐ) là một trong các biến chứng phổ biến và dễ quan sát thấy. Thường gặp ở cả bệnh nhân đái tháo đường típ 1đái tháo đường típ 2. Đây là những vết thương hở thường quan sát thấy ở chân của bệnh nhân ĐTĐ. Do đó được gọi là biến chứng loét chân ở bệnh nhân ĐTĐ hay bệnh lý bàn chân đái tháo đường.

Bệnh lý bàn chân ĐTĐ là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh ĐTĐ. Ước tính có khoảng 15% bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị loét chân trong suốt thời gian mắc bệnh.1 Loét chân nếu không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng bàn chân, biến dạng bàn chân, hoại tử ngón chân – bàn chân…

Biến chứng tiểu đường gây loét da chân là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng cắt cụt chi dưới không do chấn thương hiện nay. Nguy cơ cắt cụt chi dưới ở bệnh nhân ĐTĐ cao hơn từ 15 đến 46 lần so với những người không mắc ĐTĐ. Ngoài ra, các biến chứng bàn chân ĐTĐ cũng gây ra tỷ lệ tái loét cao.2

Xem thêm: Tiểu đường và những biến chứng nguy hiểm

Vì sao bệnh đái tháo đường gây loét da chân?

Loét bàn chân thường xuất hiện ở bệnh nhân đái tháo đường có đồng thời hai hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ. Trong đó, bệnh lý thần kinh ngoại biên do đái tháo đường và bệnh động mạch ngoại biên thường đóng vai trò quan trọng.3

Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường

Nồng độ đường trong máu tăng cao có thể gây ảnh hưởng làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Từ đó làm rối loạn cảm giác ở bệnh nhân ĐTĐ.

Ban đầu, bệnh nhân sẽ cảm thấy bỏng rát, có cảm giác như điện giật, dao đâm. Sau đó là tê, châm chích và cuối cùng là mất cảm giác hoàn toàn. Người bệnh sẽ không cảm nhận được cảm giác đau khi có vết thương.

Biến chứng thần kinh dẫn đến mất cảm giác ở bàn chân, và đôi khi bị biến dạng bàn chân, thường gây ra áp lực tỳ đè bất thường lên một số điểm ở bàn chân.

Ở những bệnh nhân có biến chứng thần kinh, chỉ cần chấn thương nhẹ, ví dụ như: do cỡ giày không phù hợp, chấn thương cơ học hoặc tổn thương do nhiệt,… đã có thể dẫn đến loét bàn chân.

Mất cảm giác, biến dạng bàn chân, và hạn chế vận động các khớp ở bàn chân, có thể dẫn đến bất thường về phân bố lực ở bàn chân. Và làm tăng áp lực tì đè ở một số điểm ở bàn chân. Từ đó gây ra các vùng da bị chai cứng. Các vết chai cứng dẫn đến sự gia tăng áp lực tì đè lên bàn chân, thường kèm theo xuất huyết dưới vết chai và dẫn đến bị loét. Cuối cùng, dù nguyên nhân chính gây loét là gì, thì nếu bệnh nhân tiếp tục vận động với bàn chân mất cảm giác cũng sẽ làm cho vết thương chậm lành.

Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường
Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường

Bệnh động mạch ngoại biên

Ở bệnh nhân ĐTĐ, khi đường huyết kiểm soát kém, khiến nồng độ đường huyết tăng cao gây ảnh hưởng lên các mạch máu. Mạch máu sẽ xơ cứng lại, lòng mạch trở nên dày và hẹp hơn. Lâu ngày có thể hình thành các mảng xơ vữa động mạch, làm cản trở lưu thông máu trong lòng mạch.

Bệnh động mạch ngoại biên, thường gây ra do xơ vữa động mạch, gặp ở 50% bệnh nhân bị loét chân do ĐTĐ.3 Bệnh động mạch ngoại biên là một yếu tố nguy cơ quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương và cắt cụt chi dưới.

Ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch ngoại biên nặng, có một tỷ lệ nhỏ loét chân do tình trạng thiếu máu nuôi. Máu đến các chi sẽ ít hơn, giảm chất dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng đến các chi. Từ đó giảm khả năng miễn dịch và tự hồi phục của cơ thể, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus tấn công.

Tuy nhiên, phần lớn các vết loét ở chân là do bệnh lý thần kinh ngoại biên, hoặc bệnh lý thần kinh kết hợp với bệnh động mạch ngoại biên. Ở những bệnh nhân bị loét do bệnh thần kinh kết hợp với tình trạng thiếu máu nuôi do bệnh động mạch ngoại biên, có thể không biểu hiện triệu chứng do bệnh nhân bị mất cảm giác ở chân, ngay cả khi có tình trạng thiếu máu nuôi bàn chân mức độ nặng.

Ngoài ra, ĐTĐ làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm suy yếu khả năng bảo vệ của các tế bào bạch cầu và làm chậm quá trình tự hồi phục. Vì vậy, chỉ cần gặp một vết thương nhẹ ở chân, nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, loét chân và các biến chứng nguy hiểm khác.

Yếu tố nguy cơ loét chân ở bệnh nhân đái tháo đường

Nguy cơ loét chân hoặc đoạn chi (việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ chi do chấn thương, bệnh tật, nhiễm trùng,…) tăng lên ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ sau đây:4

  • Kiểm soát đường huyết kém.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên có mất cảm giác.
  • Hút thuốc lá.
  • Bàn chân bị biến dạng.
  • Các nốt chai chân.
  • Bệnh động mạch ngoại biên.
  • Tiền sử loét chân hoặc đoạn chi.
  • Giảm thị lực.
  • Suy thận mạn. Đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu.
  • Mang giày dép quá chật hoặc kém chất lượng.
  • Không thường xuyên vệ sinh bàn chân sạch sẽ.
  • Cắt móng chân không đúng cách.
  • Nghiện rượu.
  • Béo phì.

Triệu chứng của biến chứng tiểu đường gây loét da chân

Loét bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ có thể được phòng ngừa hoặc diễn tiến không quá nghiêm trọng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng của loét chân ở bệnh nhân ĐTĐ:

  • Thay đổi màu da chân: Các vết loét chân có nhiều màu sắc khác nhau như vàng, hồng, đỏ, xám hoặc màu đen. Nếu vết loét của bạn có màu đen, điều đó có nghĩa là các tế bào trong mô đã chết. Đây được gọi là tình trạng hoại tử.
  • Da vùng bàn chân trở nên nóng, lạnh bất thường.
  • Xuất hiện các vết nứt ở chân, đặc biệt là vùng gót.
  • Chân có mùi hôi khó chịu, không biến mất sau khi rửa.
  • Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân.
  • Đau hoặc đau nhói ở vị trí vết loét.
  • Chảy dịch từ bàn chân làm bẩn tất hoặc rỉ ra trong giày.
Biến chứng loét da xuất hiện ở bàn chân
Biến chứng loét da xuất hiện ở bàn chân

Khi các vết loét đã hình thành, nếu không được điều trị sẽ xuất hiện vùng da màu đen bao quanh vết loét, do máu không lưu thông được đến khu vực này. Đây là tình trạng nguy hiểm, vết loét có thể tiếp tục lan rộng và sâu. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị đúng cách.

Tình trạng hoại tử chân do đái tháo đường
Tình trạng hoại tử chân do đái tháo đường

Loét da chân do tiểu đường có thể tự điều trị tại nhà được không?

Khi phát hiện có vết loét bàn chân, bệnh nhân ĐTĐ không nên tự điều trị tại nhà mà cần đến ngay bệnh viện, hoặc cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tùy mức độ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc, hướng dẫn chăm sóc vết thương để tránh biến chứng nặng hơn.

Điều trị loét chân ở bệnh nhân đái tháo đường

Mục tiêu chính trong điều trị loét chân ở bệnh nhân ĐTĐ là làm lành vết loét càng sớm càng tốt. Vết loét càng nhanh lành thì khả năng nhiễm trùng càng thấp.

Một số yếu tố chính trong việc điều trị vết loét bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ:5

  • Phòng chống nhiễm trùng.
  • Giảm áp lực tì đè lên vùng da bàn chân đang bị loét.
  • Loại bỏ da và mô chết bằng phương pháp cắt lọc vết thương.
  • Sử dụng thuốc bôi hoặc lựa chọn băng gạc phù hợp.
  • Kiểm soát đường huyết và các vấn đề sức khỏe khác như ổn định huyết áp, mỡ máu. Cũng như điều trị bệnh thần kinh ngoại biên, hoặc động mạch ngoại biên nếu có.

1. Ngăn ngừa nhiễm trùng

Để vết loét không bị nhiễm trùng, điều quan trọng cần phải:

  • Kiểm soát đường huyết một cách chặt chẽ.
  • Băng và giữ cho vết loét sạch sẽ.
  • Rửa, làm sạch vết thương hàng ngày, sử dụng băng gạc thích hợp.
  • Tránh đi chân đất.

Không phải tất cả các vết loét đều bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng vết loét xảy ra, bác sĩ có thể phải sử dụng kháng sinh, chăm sóc vết thương, và cho chỉ định nhập viện.

Cần lưu ý, không nên sử dụng dung dịch betadine đậm đặc, oxy già, và ngâm chân trong nước. Vì những phương pháp này có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề hơn.

Vết loét da cần được vệ sinh sạch sẽ và băng bó ngăn ngừa nhiễm trùng
Vết loét da cần được vệ sinh sạch sẽ và băng bó ngăn ngừa nhiễm trùng

2. Giảm tải áp lực lên vùng da loét

Để vết loét nhanh lành, các vết loét bàn chân phải được làm giảm áp lực tì đè, hay còn gọi là “giảm tải”. Bạn có thể được yêu cầu mang các dụng cụ nẹp chân, bó bột chuyên dụng, sử dụng nạng hoặc xe lăn để hỗ trợ di chuyển. Các thiết bị này sẽ làm giảm áp lực và kích ứng lên vùng da bị loét. Từ đó giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương.

3. Phẫu thuật

Phần lớn các vết loét chân không bị nhiễm trùng có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu các phương pháp điều trị này không thành công, có thể cần phải xử trí vết loét bằng phẫu thuật.

Bác sĩ có thể cần phẫu thuật để loại bỏ áp lực tì đè lên vết loét. Bao gồm: cạo, hoặc cắt bỏ các xương và điều chỉnh các biến dạng bàn chân khác nhau, hoặc thậm chí phải cắt cụt chi.

Thời gian lành vết loét sau phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kích thước và vị trí vết loét, áp lực tì đè lên vết loét khi đi lại, mức đường huyết của bệnh nhân, cũng như vấn đề chăm sóc vết loét. Việc chữa lành có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.

4. Điều trị khác

Bên cạnh những điều trị đặc hiệu trên vết thương, thì bệnh nhân cũng cần phải điều trị các vấn đề khác như ổn định đường huyết, ổn định huyết áp, ổn định lipid máu, cũng như điều trị bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh thần kinh ngoại biến nếu có.

Kiểm soát đường huyết

Nếu nồng độ đường huyết nằm trong mục tiêu, vi khuẩn sẽ không có điều kiện thuận lợi để phát triển. Từ đó giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng tốt hơn.

Chế độ ăn lành mạnh

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh góp phần giúp kiểm soát đường huyết. Từ đó tránh xuất hiện vết loét, cũng như dễ chữa lành hơn nếu vết loét xảy ra. Người bệnh nên tránh các loại carbohydrate hấp thụ nhanh như: nước ngọt có ga, nước ép trái cây, nước đường…

Ăn nhiều protein có thể giúp vết thương nhanh lành hơn. Ngoài ra, nên tăng cường bổ sung các loại rau củ có chứa vitamin Avitamin C; vì những chất dinh dưỡng này rất quan trọng để chữa lành vết thương, và có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn.

Tập thể dục

Đừng để nỗi sợ bị thương khiến bạn không tập thể dục. Tập thể dục là một phần quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện mức độ nhạy cảm insulin của cơ thể. Từ đó giảm nhu cầu sử dụng insulin và kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tuy nhiên, không nên vận động quá mạnh và tránh tiếp xúc quá nhiều ở vị trí có vết loét, vì sẽ làm gia tăng áp lực nơi đó dẫn đến ảnh hưởng quá trình lành vết thương.

Bỏ hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm giảm vận chuyển oxy đến tế bào và cũng làm rối loạn hệ thống miễn dịch. Đồng thời tăng khả năng biến chứng bệnh động mạch ngoại biên, gây thiếu máu nuôi.

Phòng ngừa biến chứng tiểu đường gây loét da chân

Sau đây là những cách giúp bạn có thể phòng ngừa vết loét bàn chân xảy ra cũng như nhận biết sớm nếu có:

  • Vệ sinh và kiểm tra chân mỗi ngày xem có những thay đổi bất thường như vết chai, nốt phồng hay vết cắt không.
  • Giữ cho bàn chân sạch và khô sau khi tắm, đặc biệt là kẻ ngón chân.
  • Nếu da khô có thể dùng kem dưỡng ẩm làm mềm da, nhưng tránh thoa vào kẻ ngón.
  • Không ngâm chân trong nước nóng, các loại hoá chất.
  • Khi cắt móng chân nên cắt ngang, tránh cắt khoé.
  • Nên mang giày dép kể cả khi trong nhà, không nên đi chân trần.
  • Nên chọn giày dép phù hợp, thoải mái, mềm mại, không quá cao, không quá chật.
  • Kiểm tra giày dép trước khi mang vào.
  • Đến ngay cơ sở y tế nếu phát hiện bất thường ở chân.
  • Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ loét chân.
Thường xuyên kiểm tra để phát hiện các bất thường ở chân và điều trị kịp thời
Thường xuyên kiểm tra để phát hiện các bất thường ở chân và điều trị kịp thời

Trên đây là những thông tin về biến chứng tiểu đường gây loét da. Hi vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng loét da chân ở bệnh tiểu đường. Từ đó biết cách phòng ngừa và chăm sóc những tổn thương tốt hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Literature review on the management of diabetic foot ulcerhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4317316/#:~:text=In%20total%2C%20it%20is%20estimated%20that%2015%25%20of%20patients%20with%20diabetes%20will%20suffer%20from%20DFU%20during%20their%20lifetime

    Ngày tham khảo: 24/08/2022

  2. Diabetic Foot Ulcers: Prevention, Diagnosis and Classificationhttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/1998/0315/p1325.html

    Ngày tham khảo: 24/08/2022

  3. HƯỚNG DẪN PHÒNG NGỪA VÀ QUẢN LÝ BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CỦA IWGDF 2019https://iwgdfguidelines.org/wp-content/uploads/2022/05/Vietnam-_-IWGDF-Guideline-Vietnam_version.pdf

    Ngày tham khảo: 24/08/2022

  4. Standards of Medical Care in Diabetes—2022 Abridged for Primary Care Providershttps://diabetesjournals.org/clinical/article/40/1/10/139035/Standards-of-Medical-Care-in-Diabetes-2022

    Ngày tham khảo: 24/08/2022

  5. Diabetic Wound Carehttps://www.apma.org/diabeticwoundcare

    Ngày tham khảo: 24/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người