YouMed

Các xét nghiệm khi mang thai và cột mốc xét nghiệm quan trọng

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Các xét nghiệm khi mang thai là một vấn đề y khoa cần thiết dành cho các mẹ bầu. Mang thai là một quá trình không hề ngắn, kéo dài đến tận 40 tuần. Chính vì vậy, việc thăm khám cũng như thực hiện các xét nghiệm không hề tỏ ra dư thừa. Vậy thì trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu nên thực hiện những xét nghiệm nào? Nó có vai trò gì? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

Các xét nghiệm khi mang thai có vai trò như thế nào?

Các xét nghiệm khi mang thai còn gọi là những cận lâm sàng mà mẹ bầu cần làm khi mang thai. Những xét nghiệm cần thiết ấy có vai trò:

  • Phát hiện những bệnh lý xảy ra trong quá trình mang thai. Từ đó, các bác sĩ sẽ có hướng điều trị kịp thời.
  • Biết được những bệnh lý truyền nhiễm ở người mẹ có thể lây truyền cho thai nhi. Từ đó có biện pháp dự phòng cần thiết.
  • Phát hiện những bất thường của thai nhi. Chẳng hạn như nguy cơ mắc bệnh Down, bệnh tim bẩm sinh, dị tật ống thần kinh,… Từ đó hướng điều trị hoặc chấm dứt thai kỳ.
  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
  • Phát hiện những bất thường trong thai kỳ như: đa ối, thiểu ối, thai trứng, thai ngoài tử cung,…
Các xét nghiệm khi mang thai rất cần thiết
Các xét nghiệm khi mang thai rất cần thiết để theo dõi sức khỏe mẹ và bé

Ý nghĩa của các loại xét nghiệm khi mang thai

Khi mang thai thường sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu. Mục đích là đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi trong bụng. Đồng thời các xét nghiệm máu còn giúp tầm soát các yếu tố bất lợi có thể xảy ra với thai nhi. Hoặc các nguy cơ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của thai và giai đoạn khi sinh.

Cùng với xét nghiệm máu khi mang thai, kết quả thăm khám nói chung và các chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa sản có những chỉ định và theo dõi phù hợp với thai kỳ của mỗi người. Và có các biện pháp cải thiện nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho mẹ và con.

Các mốc xét nghiệm thai nhi quan trọng khi mang thai

Giai đoạn thai kỳ thường sẽ có các mốc xét nghiệm là:

Các xét nghiệm cần thiết khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ nhất:

Những xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai:

  • Tuần 15 – tuần 16: xét nghiệm AFP.
  • Tuần 12: siêu âm đánh giá nguy cơ về các bất thường nhiễm sắc thể.
  • Tuần 16: Xét nghiệm chọc dò dịch ối.
  • Tuần 22: siêu âm phát hiện các dị tật về hình thái của thai nhi.
  • Tuần 24 – tuần 28: xét nghiệm định lượng glucose máu.
  • Tuần 28: xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh.

Những xét nghiệm cần thiết của tam cá nguyệt cuối:

  • Từ tuần 28: xét nghiệm Stress – test.
  • Tuần 32: Xét nghiệm Non-Stress-Test.

Trong các giai đoạn này, tuy có nhiều loại xét nghiệm được chỉ định. Tuy nhiên các xét nghiệm này được chia thành 2 loại theo chức năng kiểm tra tiền sản là:

Các xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ nhất

Xét nghiệm sàng lọc trong tam cá nguyệt thứ nhất là sự kết hợp giữa siêu âm thai và xét nghiệm máu ở người mẹ. Quá trình sàng lọc này có thể giúp xác định nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.1

Các xét nghiệm khi mang thai trong tam cá nguyệt đầu tiên với mục đích:1

  • Xác định thai nằm trong hay ngoài tử cung.
  • Thai phát có phát triển bình thường trong tử cung hay không.
  • Tính tuổi thai để dự kiến ngày sinh.
  • Số lượng thai.
  • Phát hiện các bất thường như: u nang buồng trứng, u xơ tử cung.
  • Siêu âm vào tuần thứ 12- 13 đo độ mờ da gáy, dấu hiệu bất thường nhiễm sắc thể.
  • Phát hiện những di tật sớm như: thai vô sọ, hở cột sống, hở thành bụng, thoát vị rốn,… Đây thường được gọi là các xét nghiệm thai sớm. 

Những xét nghiệm phổ biến trong tam cá nguyệt đầu tiên bao gồm:1

1. Siêu âm thai kiểm tra độ mờ da gáy của thai nhi (NT)1 2

Mục đích siêu âm thai kiểm tra độ mờ da gáy của thai nhi (NT)

Siêu âm đo độ mờ da gáy (Nuchal traslucency – NT) với mục đích kiểm tra khu vực phía sau cổ của thai nhi có chất lỏng hoặc dịch đặc nào hay không. Từ đó giúp chẩn đoán thai trong bụng có mắc hội chứng Down không. Đây cũng được xem là 1 trong số các xét nghiệm thai nhi bị Down.

Thời điểm thực hiện siêu âm thai kiểm tra độ mờ da gáy của thai nhi (NT)

Siêu âm kiểm tra độ mờ da gáy thường được chỉ định vào tuần thai thứ 11 đến tuần 14 thai kỳ.

Quy trình siêu âm thai kiểm tra độ mờ da gáy của thai nhi (NT)

  1. Thai phụ sẽ nằm ngửa lên bàn chuyên dụng dùng để siêu âm. Bác sĩ sẽ phết gel siêu âm và dùng một đầu dò của máy siêu âm áp lên bụng thai phụ.
  2. Sau đó đo từ đỉnh đầu đến phần cuối xương sống thai nhi. Tiếp đến là tiến hành đo độ mờ da gáy.

Phần màu trắng biểu thị cho làn da của thai. Và phần màu đen biểu thị cho phần bị tụ dịch ở sau gái. Khoảng mờ sau gáy sẽ được xác định bằng một đường màu trắng xuất hiện giữa khu vực màu đen bao xung quanh. 

Siêu âm đo độ mờ da gáy
Siêu âm đo độ mờ da gáy

Kết quả

NT

Số đo từ mông đến đầu

Nguy cơ mắc hội chứng Down và các bất thường NST

< 3.5 mm


45 – 84 mm

Thấp

≥ 3.5 mm

Cao

Tuy nhiên, để chẩn đoạn được chính xác hơn cần thực hiện chung với xét nghiệm máu và tuổi của thai. 

2. Xét nghiệm máu1 3 4

Có 2 xét nghiệm máu được chỉ định trong tam cá nguyệt thứ nhất. Hay còn được biết đến là các xét nghiệm thai nhi tuần 12 là: định lượng protein thai kỳ PAPP-A và đo nồng độ beta hCG.

Mục đích xét nghiệm máu

PAPP-A là 1 loại protein được nhau thai sản xuất ra trong giai đoạn đầu thai kỳ. Xét nghiệm này giúp đo lượng protein huyết tương có liên quan đến thai nghén. Rừ đó giúp xác định thai nhi có khả năng mắc các khuyết tật ống thần kinh không. Nên thực hiện xét nghiệm này khi thai có tuổi từ 11 – 13 tuần tuổi. 

hCG (Human Chorionic Gonadotropin) hay còn gọi là hormone thai kỳ.  Nó được sản xuất bởi nhau thai trong thời gian đầu mang thai. Nồng độ hCG bất thường thường có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể. Đặc biệt là liên quan đến hội chứng Down. Xét nghiệm hCG có thể được thực hiện sau khi quan hệ 7 – 14 ngày. Tuy nhiên để kiểm soát và phát hiện bất thường sớm, xét nghiệm hCG có thể được chỉ định nhiều lần trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Quy trình xét nghiệm máu

Xét nghiệm PAPP-A và xét nghiệm hCG đều sử dụng mẫu bệnh phẩm là máu. Chính vì vậy quy trình thực hiện của 2 xét nghiệm này tương tự nhau. Bao gồm các bước sau:

  • Quấn dây garo chặt vòng quanh cánh tay người bệnh. Mục đích là để ngăn máu chảy và giúp tĩnh mạch trên cánh tay hiện lên rõ hơn. Điều này sẽ giúp khi đâm kim tiêm dễ vô lòng mạch máu hơn.
  • Xác định vị trí lấy máu và dùng cồn để sát khuẩn sạch vùng da đó.
  • Đưa kim vào tĩnh mạch và rút một lượng máu vừa đủ theo yêu cầu.
  • Sau khi đã lấy đủ lượng máu cần thiết. Tiến hành tháo dây garo khỏi cánh tay và rút kim tiêm. Đồng thời dùng bông gạc tẩm cồn ấn nhẹ lên vùng da lấy máu.
  • Dùng băng dán lại vùng da bị tổn thương do kim tiêm.

Kết quả xét nghiệm máu

Nồng độ PAPP-A < 0.4 MoM

Nguy cơ dị tật bẩm sinh thấp

Nồng độ PAPP-A ≥ 0.4 MoM

Nguy cơ dị tật bẩm sinh cao

Bảng nồng độ hCG ở mức bình thường trong giai đoạn mang thai kể từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng:4

Tuần kể từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng

Nồng độ hCG mức bình thường (mIU/mL) 

4

0 – 750

5

200 – 7,000

6

200 – 32,000

7

3,000 – 160,000

8 – 12

32,000 – 210,000

13 – 16

9,000 – 210,000

16 – 29

1,400 – 53,000

29 – 41

940 – 60,000

Các xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai

Một vài xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai bao gồm:1

  • Siêu âm thai.
  • Xét nghiệm AFP.
  • Rút dịch màng ối (tuần thứ 16 đến 20).
  • Xét nghiệm đo nồng độ Glucose.
  • Xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh.

Mục đích của các xét nghiệm khi mang thai tam cá nguyệt thứ hai:

  • Theo dõi sự phát triển của thai.
  • Tầm soát những dị tật bẩm sinh nếu tam cá nguyệt thứ nhất mẹ bầu chưa làm xét nghiệm.
  • Xác định số lượng thai nhi và kiểm tra cấu trúc của nhau thai.
  • Kiểm tra lượng nước ối.
  • Kiểm tra mô hình của lưu lượng máu.
  • Quan sát hành vi và hoạt động của thai nhi trong bụng mẹ.
  • Đo chiều dài của cổ tử cung.
  • Chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ.

1. Xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP)1 5 

Mục đích xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP)

Đây là xét nghiệm giúp đo nồng độ alpha-fetoprotein có trong máu khi mang thai. Và AFP là 1 loại protein do gan của thai nhi sản xuất ra. Khi nồng độ AFP bất thường có thể là dấu hiệu của:

  • Dị tật ống thần kinh. Chẳng hạn như nứt đốt sống.
  • Hội chứng Down.
  • Các vấn đề về nhiễm sắc thể khác.
  • Sinh đôi hoặc sinh ba.
  • Dự tính ngày sinh không chính xác. Vì nồng độ AFP thay đổi trong suốt thai kỳ.

Thời điểm thực hiện xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP)

Thường chỉ định xét nghiệm này khi thai nhi được khoảng 15 – 16 tuần tuổi.

Quy trình xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP)

Quá trình thực hiện xét nghiệm AFP, kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ tiến hành các bước sau:

  • Đặt một cây kim nhỏ vào một trong các tĩnh mạch cánh tay.
  • Thu thập một ống (lọ) máu với lượng phù hợp.
  • Rút kim ra, dùng bông ép lên vị trí vừa lấy máu.
  • Mẫu máu được đưa đến phòng thí nghiệm để tiến hành kiểm tra.

Xét nghiệm này thường tốn khoảng 5 phút. Nó được thực hiện nhanh chóng và thường ít hoặc không gây đau đớn cho hầu hết mọi người.

Kết quả xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP)

Mức AFP của phụ nữ trong thai kỳ bắt đầu tăng từ khoảng tuần thứ 14 của thai kỳ cho đến khi thai được khoảng 32 tuần. Từ tuần thứ 15 đến tuần thứ 20, nồng độ AFP thường dao động trong khoảng 10 – 150 ng/ml.

2. Siêu âm thai1

Mục đích siêu âm thai

Mục đích khi siêu âm thai ở tam cá nguyệt thứ 2 là:

  • Xác định số lượng bào thai và kiểm tra cấu trúc nhau thai.
  • Kiểm tra về giải phẫu xem thai nhi có bị bất thường gì về hình thể không.
  • Kiểm tra lượng nước ối có trong bào thai. Đồng thời xét nghiệm này cũng hỗ trợ trong chẩn đoán cùng xét nghiệm chọc dò dịch ối.
  • Quan sát và theo dõi các hoạt động và hành vi của thai nhi… Từ đó kiểm soát sự phát triển của thai nhi.
  • Xác định giới tính thai nhi.

Thời điểm thực hiện siêu âm thai

Có 2 cột mốc siêu âm mà bác sĩ thường hay nhắc thai phụ là:

  • Siêu âm khi thai được 12 tuần: đánh gia nguy cơ về các bất thường nhiễm sắc thể.
  • Siêu âm khi thai được 22 tuần. Hay còn được gọi là xét nghiệm thai 22 tuần: phát hiện các dị tật về hình thái của thai nhi.
Siêu âm thai 4D
Siêu âm thai 4D

Quy trình siêu âm thai

1. Siêu âm thai qua thành bụng

Hay còn được gọi là siêu âm thường. Các bước thực hiện như sau:

  • Bác sĩ bôi gel lên bụng thai phụ và dùng đầu dò của máy siêu âm di chuyển xung quanh vùng bụng.
  • Sóng siêu âm sẽ từ đầu dò truyền qua lớp gel đi vào cơ thể để thu nhận âm thanh. Từ các âm thanh thu được sẽ phản chiếu lại hình ảnh.

Thường thì xét nghiệm này sẽ mất từ 10 – 15 phút tùy theo thai nằm ở vị trí nào. 

2. Siêu âm thai bằng đầu dò âm đạo

Các bước tiến hành như sau:

  • Bác sĩ bôi gel lên đầu dò chuyên dụng. Sau đó đưa đầu dò này vào trong âm đạo.
  • Di chuyển đầu dò xung quanh âm đạo và quan sát. Lưu ý là không đưa quá sâu vào trong tử cung.

Kết quả siêu am thai

Tuy vào tình trạng cũng như sự phát triển của mỗi thai nhi sẽ có kết quả khác nhau về số lượng cũng như cấu trúc bào thai, lượng nước ối và giới tính của thai.

3. Xét nghiệm chọc dò ối1 6

Mục đích xét nghiệm chọc dò ối

Chọc dò ối hay còn gọi là xét nghiệm rút dịch màng ối. Được chỉ định để:

  • Chẩn đoán các vấn đề về nhiễm sắc thể và các khuyết tật ống thần kinh (nứt đốt sống).
  • Tìm kiếm các rối loạn di truyền nếu gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý di truyền.

Thời điểm thực hiện xét nghiệm chọc dò ối

Xét nghiệm này thường được chỉ định là xét nghiệm thai nhi ở tuần 16.

Quy trình xét nghiệm chọc dò ối

Quy trình thực hiện xét nghiệm này sẽ khác nhau ở một số chi tiết tùy theo từng đơn vị. Nhưng chung quy lại vẫn bao gồm các bước sau:

  • Bác sĩ dùng chất sát khuẩn để làm sạch vùng bụng.
  • Sau đó là dùng thuốc gây tê để gây tê cục bộ vùng bụng.
  • Tiếp đến bác sĩ sẽ đưa 1 kim dài và mảnh xuyên qua bụng của thai phụ vào túi ối thông qua sóng siêu âm. Đồng thời rút một lượng dịch theo yêu cầu.
  • Cuối cùng là rút kim tiêm ra. Dùng bông sát khuẩn vết thương và băng vết thương lại.
  • Mẫu chất lỏng được rút ra sẽ được đem đến phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích.

Lưu ý:

  • Trong 24 giờ sau chọc dò ối thì không được làm bất kỳ hoạt động gắng sức nào. Và thỉnh thoảng sẽ cảm thấy bị chuột rút sau khi xét nghiệm. 
  • Trường hợp mang thai đôi hoặc thai khác trứng, phải lấy mẫu dịch nước ối từ mỗi bào thai để phân tích từng bào thai có trong bụng người mẹ.

Kết quả xét nghiệm chọc dò ối

Xét nghiệm này có độ chính xác lên đến 98 – 99 trong số 100 phụ nữ làm xét nghiệm. Tuy nhiên nó không chính xác hoàn toàn. Vẫn có một số trường hợp kết quả không chính xác. 

Nếu kết quả:

  • Âm tính: thai nhi khỏe mạnh và không mắc các bệnh lý di truyền, vấn đề về nhiễm sắc thể hay khuyết tật ống thần kinh.
  • Dương tính: thai nhi có thể mắc một trong số các bệnh lý di truyền hoặc bệnh hiểm nghèo. Nên thực hiện thêm các xét nghiệm cụ thể về bệnh mà thai bị nghi ngờ là mắc phải.

4. Xét nghiệm đo nồng độ glucose1 7

Mục đích xét nghiệm đo nồng độ glucose

Giúp đo lượng glucose có trong cơ thể. Từ đó có thể sàng lọc nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ. Thông thường thai phụ sẽ được chỉ định 2 xét nghiệm là: 

  • Xét nghiệm glucose đói.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose. 

Thời điểm thực hiện xét nghiệm đo nồng độ glucose

Xét nghiệm này thường thực hiện khi thai nhi được 24 – 28 tuần tuổi và trước đó người mẹ không được chẩn đoán là mắc đái tháo đường.

Quy trình xét nghiệm đo nồng độ glucose

Cả 2 xét nghiệm trên thường sử dụng mẫu bệnh phẩm là máu. Vì vậy mà quy trình xét nghiệm sẽ tương tự với quy trình xét nghiệm máu đã đề cập ở nội dung trước. Tuy nhiên xét nghiệm glucose đói sẽ được thực hiện trước. Nếu kết quả xét nghiệm glucose bất thường. Thì xét nghiệm dung nạp glucose mới được thực hiện sau đó.

Quy trình xét nghiệm dung nạp glucose như sau:

  • Thai phụ sẽ được yêu cầu chỉ được uống nước vào ngày làm xét nghiệm. Có nghĩa là phải nhịn ăn trước khi lấy máu.
  • Kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ lấy máu lúc đói từ tĩnh mạch cánh tay.
  • Sau đó sẽ cho thai phụ uống dung dịch glucose đặc biệt.
  • Tiếp theo kỹ thuật viên sẽ tiếp tục lấy máu vài lần trong vài giờ sau uống để đo lại lượng glucose có trong cơ thể thai phụ. 

Kết quả xét nghiệm đo nồng độ glucose

Xét nghiệm glucose đói:

Mức đường huyết đói

Kết quả

≤ 99 mg/dL

Bình thường

100 – 125 mg/dL

Tiền đái tháo đường

> 126 mg/dL

Đái tháo đường

Xét nghiệm dung nạp glucose:

Sau 2 giờ uống dung dịch glucose đặc biệt, mức đường huyết:

Kết quả

≤ 140 mg/dL

Bình thường

140 – 199 mg/dL

Tiền đái tháo đường

≥ 200 mg/dL

Đái tháo đường

5. Xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh8

Tổng quan về xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh

Rh (Rhesus) là loại protein di truyền được tìm thấy trên bề mặt tế bào hồng cầu. Nếu trong cơ thể:

  • Có protein này, có nghĩa là Rh dương tính Rh (+). Và tỉ lệ dương tính phổ biến hơn. 
  • Không có protein này, nghĩa là Rh âm tính Rh (-). Kết quả này không ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên nó lại ảnh hưởng đến quá trình mang thai. 

Thời điểm thực hiện xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh

Khi thai được khoảng 28 – 29 tuần tuổi thì nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh. Đây cũng thường được biết đến là xét nghiệm thai kỳ tuần 28.

Mục đích xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh

Xét nghiệm Rh giúp xác định máu của thai nhi có tương thích với người mẹ hay không. Vì nếu như:

Mẹ Rh (-)

Con Rh (+)

Mang thai lần 1

Máu của mẹ và con kết hợp lại tạo kháng thể Rh. Tuy nhiên ở lần mang thai đầu tiên thì kháng thể này không gây ảnh hưởng. Nhưng sẽ có vấn đề nếu mang thai lần 2.

Mẹ Rh (-)

Con Rh (+)

Mang thai lần 2

Kháng thể Rh từ đợt mang thai trước sẽ đi qua nhau thai và làm chết tế bào hồng cầu của thai nhi lần 2. Và dẫn đến tình trạng thiếu máu nghiêm trọng đe dọa tính mạng thai nhi.

Ngoài ra xét nghiệm này còn giúp phát hiện các kháng thể đối với máu Rh (+). Nếu máu mẹ và em bé không tương thích thì sẽ dễ dẫn đến trường hợp sảy thai, thai ngoài tử cung,…. 

Quy trình xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh

Quy trình lấy mẫu xét nghiệm Rh cũng giống như quy trình xét nghiệm máu thông thường. Các bước thực hiện như sau:

  • Cho bệnh nhân ngồi ngay ngắn và để tay duỗi thẳng trên bàn lấy mẫu.
  • Sau đó yêu cầu bệnh nhân nắm nhẹ lòng bàn tay lại.
  • Dùng dây garo quấn chặt quanh cánh tay để dễ thấy mạch máu hơn.
  • Dùng dung dịch sát khuẩn để làm sạch vùng da cần lấy máu.
  • Dùng kim tiêm rút một lượng máu vừa đủ theo yêu cầu. Đồng thời nói bệnh nhân mở nắm tay, tháo dây garo và rút nhanh kim tiêm.
  • Cho lượng mẫu vừa được lấy vào ống/lọ đựng mẫu bệnh phẩm chuyên biệt. Cuối cùng dùng bông và gạc có tẩm dung dịch sát khuẩn băng lại vết thương để đảm bảo vô khuẩn.

Kết quả xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh

Yếu tố Rh của mẹ

yếu tố Rh của cha

Yếu tố Rh của em bé

Các biện pháp phòng ngừa

Rh dương tính

Rh dương tính

Rh dương tính

Không có

Rh âm tính

Rh âm tính

Rh âm tính

Không có

Rh dương tính

Rh âm tính

Có thể là Rh dương hoặc Rh âm

Không có

Rh âm tính

Rh dương tính

Có thể là Rh dương hoặc Rh âm

Tiêm globulin miễn dịch Rh

Nếu mẹ Rh (-) và em bé Rh (+), kháng thể sẽ có sẵn ở lần mang thai thứ 2 và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi. Khi đó người mẹ cần:

  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bị chảy máu âm đạo bất cứ lúc nào trong giai đoạn mang thai.
  • Trao đổi với bác sĩ về thời gian tiêm globulin miễn dịch Rh trong suốt quá trình mang thai.
  • Khi chuyển dạ chuẩn bị sinh, thai phụ cần thông báo với các bác sĩ hộ sinh về việc mình là người có Rh (-).

Các xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ ba

Những xét nghiệm cần thiết nhất trong tam cá nguyệt sau cùng:

  • Siêu âm thai.
  • Xét nghiệm máu.
  • Theo dõi tim thai và cơn gò tử cung bằng monitoring sản khoa.
    • Xét nghiệm Non-Stress Test.
    • Xét nghiệm Stress Test.

Mục đích của các xét nghiệm khi mang thai 3 tháng cuối:

  • Theo dõi thai nhi, xác định ngôi thai.
  • Phát hiện và điều trị những bệnh lý như: Đái tháo đường hoặc tăng huyết áp thai kỳ, nhiễm trùng cơ quan tiết niệu, sinh dục.
  • Đo độ dài tử cung để đánh giá nguy cơ sinh non.
  • Xác định vị trí nhau bám cũng như độ trưởng thành của bánh nhau.
  • Ước lượng cân nặng của thai nhi.
  • Kiểm tra sức khỏe của thai nhi, đồng thời kiểm tra xem em bé có nhận đủ oxy hay không (thông qua xét nghiệm Non-Stress-Test).

Siêu âm thai và xét nghiệm máu là xét nghiệm được coi là thường quy khi kiểm tra sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Hai xét nghiệm này nội dung tương tự như đã nêu ở trên.

Theo dõi tim thai và cơn gò tử cung bằng monitoring sản khoa: Đo monitoring thể hiện hành động theo dõi tình trạng tim thai bằng máy điện tử, có đối chiếu với cơn co tử cung. Người ta dùng máy monitor sản khoa để thực hiện monitoring cơn co tử cung và tim thai. Kết quả được báo cáo bởi monitor sản khoa được gọi là băng ghi cơn co tử cung-tim thai (cardio-tocogram – CTG). Trên giấy monitoring sẽ ghi nhận lại diễn biến của cơn gò tử cung và nhịp tim thai.

Xét nghiệm NST (Non-Stress Test) được thực hiện khi chưa có cơn gò tử cung.  Xét nghiệm CST (Contraction Stress Test) được thực hiện khi có cơn gò tử cung. Mục tiêu chính là xác định thai nhi có nguy cơ bị thương hoặc tử vong do thiếu oxy và can thiệp để ngăn ngừa những hậu quả bất lợi này, nếu có thể. Mục tiêu phụ là xác định thai nhi được cung cấp oxy bình thường để có thể tiếp tục mang thai một cách an toàn và tránh được những can thiệp không cần thiết.

1. Xét nghiệm Non-Stress-Test9

Tổng quan về xét nghiệm Non-Stress-Test

Là xét nghiệm đo nhịp tim của thai. Đồng thời so sánh nhịp tim của thai nhi phản ứng với các cử động của thai trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Một em bé không cử động nhiều hoặc cử động chậm có thể là do nhận không đủ lượng oxy. Và nếu bé không nhận đủ oxy thì khả năng rất cao thai phụ sẽ bị sinh non.

Xét nghiệm Non-Stress-Test thường được chỉ định vào tuần thứ 32 của thai kỳ. Tuy nhiên ở những trường hợp nguy cơ cao thì sẽ được làm sớm hơn.

Xét nghiệm Non-Stress Test
Xét nghiệm Non-Stress Test

Quy trình xét nghiệm Non-Stress-Test

Thai phụ sẽ được kiểm tra huyết áp trước, trong và sau khi thực hiện xét nghiệm này.

Quy trình thực hiện gồm các bước sau:

  • Người mẹ nằm lên bàn kiểm tra. Y tá sẽ bôi gel lên bụng.
  • Sau đó sẽ gắn đầu dò tim thai và đầu dò cơn co tử cung trên bụng. Hai đầu dò này sẽ kết nối với máy đo tim thai. Kết quả hiển thị dạng biểu đồ theo dõi.
  • Khởi động thiết bị để bắt đầu quá trình đo. Sản phụ nên quan sát, theo dõi và cảm nhận cử động của thai nhi trong suốt quá trình đo. 

Xét nghiệm này chỉ mất khoảng 20 phút nếu em bé hoạt động nhiều. Nếu bé ngủ hoặc không cử động thì thời gian thực hiện sẽ phải lâu hơn.

Kết quả xét nghiệm Non-Stress-Test

Phản ứng: cho thấy nhịp tim và các cử động của thai nhi là bình thường. Đồng nghĩa việc em bé hoàn toàn khỏe mạnh và không có căng thẳng.

Không phản ứng: thai nhi không đáp ứng số lượng chuyển động tối thiểu cần thiết cho xét nghiệm này. Hoặc có thể là em bé có chuyển động nhưng nhịp tim không thay đổi. Hoặc là thai nhi đang ngủ và không hợp tác trong quá trình kiểm tra. Nên các trường hợp này có thể hiểu là nguyên nhân khiến cho bé cử động ít. 

2. Xét nghiệm Stress Test – ST10 11

Tổng quan xét nghiệm Stress Test – ST

Đây là một bài kiểm tra dành cho người mang thai. Nó đo nhịp tim của em bé trong các cơn co thắt chuyển dạ. Trong một cơn co thắt, lượng oxy và máu cung cấp cho em bé của bạn tạm thời giảm xuống. Hầu hết các em bé có thể xử lý sự sụt giảm này. Nhưng nếu nhịp tim của em bé vẫn thấp sau một cơn co thắt, điều đó có thể có nghĩa là em bé của bạn sẽ gặp vấn đề với quá trình chuyển dạ thông thường.

Xét nghiệm thường an toàn nhưng đôi khi nó gây chuyển dạ sớm. Cần lưu ý với các trường hợp dọa sinh non, nhau bám thấp. Bác sĩ sẽ giúp bạn cân nhắc lợi ích và rủi ro trước khi thử nghiệm.

Quy trình xét nghiệm Stress Test – ST

Ở nghiệm này cần theo dõi khi có cơn gò tử cung hoặc cơn co thắt tử cung. Do đó cần tạo ra số cơn co tử cung giống như trong giai đoạn hoạt động của chuyển dạ, đủ để đánh giá tình trạng của bào thai. 

Bạn sẽ nằm xuống với hai đai quanh bụng. Một cái đo nhịp tim của em bé và cái kia đo các cơn co thắt. Để kích hoạt các cơn co thắt, bác sĩ có thể tiêm cho bạn một liều thuốc oxytocin qua đường truyền tĩnh mạch ở cánh tay. Hoặc bác sĩ có thể đề nghị bạn một biện pháp khác có thể kích hoạt các cơn co thắt. Sau đó, các cơn co thắt và nhịp tim của em bé sẽ được ghi lại. Bài kiểm tra có thể mất khoảng 2 giờ. Các cơn co thắt có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu.

Kết quả xét nghiệm Stress Test – ST

Nhịp tim bình thường là dấu hiệu tốt cho thấy em bé của bạn sẽ khỏe mạnh trong quá trình chuyển dạ.

Nếu nhịp tim của em bé chậm lại sau một cơn co thắt, điều đó có nghĩa là em bé của bạn có nguy cơ gặp các vấn đề trong quá trình co thắt chuyển dạ. Bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm bổ sung. Sau đó sẽ cho bạn các đề nghị phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Ngoài các xét nghiệm thường quy kể trên, còn có các xét nghiệm khác cũng được thực hiện trong thai kỳ. Ví dụ xét nghiệm huyết trắng, protein nước tiểu, viêm gan B, viêm gan C , xét nghiệm bệnh tình dục,… Các chỉ số xét nghiệm máu khi mang thai này có thể được bác sĩ đề xuất khi bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường.

Sự khác biệt giữa xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán dị tật bẩm sinh ở thai nhi 

Mục đích xét nghiệm tiền sản để xác định xem thai nhi có khả năng sinh ra với tình trạng di truyền hoặc dị tật bẩm sinh hay không. Tất cả phụ nữ mang thai, bất kể tuổi tác, đều có thể được cung cấp xét nghiệm trước khi sinh. Tuy nhiên, khi phụ nữ lớn tuổi, khả năng sinh con có bất thường nhiễm sắc thể tăng lên. Vì vậy, tuổi của người mẹ là lý do phổ biến nhất để xét nghiệm trước khi sinh.

Hai loại xét nghiệm tiền sản chính được thực hiện trong thai kỳ. Loại thử nghiệm đầu tiên được gọi là xét nghiệm sàng lọc. Loại thử nghiệm tiền sản thứ hai được gọi là xét nghiệm chẩn đoán. Các xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán có thể được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai.

Xét nghiệm sàng lọc12 13

Khi được thực hiện trong thời kỳ mang thai, các xét nghiệm sàng lọc sẽ đánh giá nguy cơ thai nhi mắc một số dị tật bẩm sinh thông thường. Xét nghiệm sàng lọc không thể cho biết thai nhi có thực sự bị dị tật bẩm sinh hay không.

Thông thường, các xét nghiệm sàng lọc được sử dụng để xác định một số bất thường về gen hay nhiễm sắc thể. Xét nghiệm không xác định được các dị tật bẩm sinh như bệnh di truyền. Xét nghiệm sàng lọc không đưa ra chẩn đoán cụ thể. Do đó, cần phải có xét nghiệm chẩn đoán để xác định chính xác hơn.. 

  • Sàng lọc tam cá nguyệt đầu tiên thường để tìm kiếm một số dị tật bẩm sinh liên quan đến tim của em bé hoặc rối loạn nhiễm sắc thể, chẳng hạn như hội chứng Down. Sàng lọc này bao gồm xét nghiệm máu và siêu âm.
  • Các xét nghiệm sàng lọc trong tam cá nguyệt thứ hai được sử dụng để tìm kiếm một số dị tật bẩm sinh ở em bé. Bao gồm sàng lọc huyết thanh của mẹ và đánh giá siêu âm toàn diện về em bé để tìm kiếm sự hiện diện của các dị thường về cấu trúc.

Lưu ý, xét nghiệm sàng lọc không phải là chẩn đoán. Một số thai nhi bị ảnh hưởng với tình trạng nhiễm sắc thể nhận được kết quả sàng lọc bình thường hoặc “âm tính”.

Xét nghiệm chẩn đoán13 14

Xét nghiệm chẩn đoán giúp xác định chắc chắn liệu thai nhi đang phát triển có mắc một bệnh lý di truyền hoặc dị tật bẩm sinh nào đó hay không. Các xét nghiệm chẩn đoán có thể phát hiện nhiều hơn, nhưng không phải tất cả. Dị tật bẩm sinh có thể được chẩn đoán trong khi mang thai hoặc sau khi em bé được sinh ra, tùy thuộc vào loại dị tật bẩm sinh cụ thể.

Các xét nghiệm chẩn đoán có thể thực hiện cho tất cả phụ nữ mang thai, kể cả những người không có các yếu tố rủi ro. Xét nghiệm chẩn đoán có thể được thực hiện thay vì sàng lọc nếu một cặp vợ chồng có tiền sử gia đình bị dị tật bẩm sinh, thuộc một nhóm dân tộc nhất định hoặc đã có con bị dị tật bẩm sinh.  Một số xét nghiệm chẩn đoán có rủi ro, bao gồm rủi ro sảy thai (tỷ lệ thấp)

Khi kết quả xét nghiệm sàng lọc là bất thường, các bác sĩ thường đưa ra các xét nghiệm chẩn đoán sâu hơn. Độ chính xác của các xét nghiệm chẩn đoán có thể lên tới 99%.13

Hai loại xét nghiệm chẩn đoán thường gặp  là sinh thiết gai nhau (CVS) và chọc ối. 

  • CVS được thực hiện từ tuần thứ 10,5 đến 13,5 của thai kỳ. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ nhau thai. Bằng cách đưa một cây kim mỏng qua bụng của người phụ nữ hoặc bằng cách sử dụng một ống thông nhỏ đưa qua cổ tử cung. Phương pháp sử dụng phụ thuộc vào cơ địa của em bé và nhau thai.
  • Chọc ối được thực hiện từ tuần thứ 15 của thai kỳ trở đi. Trong quá trình chọc ối, một cây kim mỏng được luồn qua bụng của người phụ nữ vào túi ối để lấy một mẫu chất lỏng nhỏ từ xung quanh em bé đang phát triển.

Đối với các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh di truyền cụ thể phải được thực hiện theo các yêu cầu đặc biệt. Các xét nghiệm này có tỷ lệ chính xác khác nhau, tùy thuộc vào xét nghiệm nào được chỉ định.

Một vài xét nghiệm ít phổ biến khác

Các xét nghiệm khi mang thai ít phổ biến hơn bao gồm:

Xét nghiệm Chorionic Villus Sampling (CVS – xét nghiệm màng đệm nhau thai)

CVS là một xét nghiệm liên quan đến việc lấy mẫu của một số mô nhau thai. Mô này chứa chất liệu di truyền tương tự như thai nhi. Từ đó có thể kiểm tra những bất thường nhiễm sắc thể và các vấn đề di truyền bất thường khác.

Test nuôi cấy vi khuẩn liên cầu nhóm B

Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy ở đường sinh dục dưới. Nó xuất hiện trong khoảng 20 % ở tất cả phụ nữ. Nhiễm liên cầu nhóm B thường không gây ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ trước khi mang thai. Tuy nhiên, nó có thể gây ra bệnh cảnh nặng ở các bà mẹ khi mang thai. Liên cầu nhóm B có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng các mô nhau thai và nhiễm trùng sau sinh.

Một vài xét nghiệm máu khác 

Xét nghiệm tầm soát viêm gan B
Xét nghiệm tầm soát viêm gan B

Những ai cần thực hiện xét nghiệm khi mang thai

Một số xét nghiệm trước khi sinh được coi là thường quy. Nghĩa là hầu hết tất cả phụ nữ mang thai đều được xét nghiệm trước khi sinh. Một số xét nghiệm được kiểm tra định kỳ. Chúng bao gồm những việc như kiểm tra nồng độ protein, glucose hoặc dấu hiệu nhiễm trùng trong nước tiểu. Tất cả phụ nữ mang thai đều cần xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán dù có hay không có nguy cơ.

Các xét nghiệm khác chỉ được khuyến nghị cho một số phụ nữ, đặc biệt là những người mang thai có nguy cơ cao. 

Những người mang nguy cơ cao bao gồm các phụ nữ:

Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm thai kỳ

Nhiều người thường thắc mắc là khi xét nghiệm thai kỳ có cần nhịn ăn không. Thì việc ăn uống trước khi xét nghiệm có thể làm cho kết quả xét nghiệm không chính xác. Bởi chỉ số đường huyết của người mẹ lúc này bị tăng cao bất thường. Do đó, khi được chỉ định các xét nghiệm có xét nghiệm đường huyết, các bà mẹ nên nhịn ăn từ 8 – 14 tiếng.15 

Các xét nghiệm khác không có yêu cầu đặc biệt. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm để đảm bảo có kết quả chính xác nhất.

Xét nghiệm khi mang thai bao nhiêu tiền và ở đâu?

Các mẹ bầu nên lựa chọn các phòng khám và bệnh viện có chuyên khoa về phụ sản ở các tỉnh, thành phố lớn. Không phải đơn vị nào thực hiện xét nghiệm đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt là những mẹ bầu sẽ khá xa lạ với các xét nghiệm khi mang thai ở lần đầu.

Bên cạnh đó sức khỏe của bà mẹ và trẻ em thường được ưu tiên đưa lên hàng đầu. Vì vậy cần chọn lựa đơn vị thực hiện xét nghiệm có độ uy tín cao. Hiểu được những nỗi lo lắng đó, YouMed đã giải đáp câu hỏi về việc xét nghiệm khi mang thai ở đâu và chi phí xét nghiệm thai 12 tuần có giá như thế nào. Thông qua các nội dung khách quan của bài viết Xét nghiệm khi mang thai ở đâu và xét nghiệm thai 12 tuần bao nhiêu tiền? Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết này để có được sự lựa chọn phù hợp nhất.

Hy vọng qua bài viết này, bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về các xét nghiệm thai kỳ quan trọng và các cột mốc cần lưu ý. Đây là loạt các xét nghiệm vô cùng quan trọng để theo dõi thai nhi, tầm soát dị tật bẩm sinh. Hãy lưu ý các mốc thời gian để có được các báo cáo xét nghiệm mang lại lợi ích lâm sàng. 

Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc. Đặc biệt là những chị em phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai. Từ đó, các bạn hãy thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khi mang thai cần thiết cùng những xét nghiệm hỗ trợ khác. Mục tiêu chủ yếu là để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Common Tests During Pregnancy https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=common-tests-during-pregnancy-85-P01241

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  2. Nuchal translucency (NT) scanhttps://www.babycenter.com.au/a544491/nuchal-translucency-nt-scan

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  3. Variation of Papp-A Level in the First Trimester of Pregnancy and Its Clinical Outcomehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3984652/

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  4. Human Chorionic Gonadotropin (hCG) Blood Testhttps://www.healthline.com/health/hcg-blood-test-quantitative

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  5. Alpha-fetoprotein (AFP) Tumor Markerhttps://www.testing.com/tests/alpha-fetoprotein-afp-tumor-marker/

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  6. Results Amniocentesishttps://www.nhs.uk/conditions/amniocentesis/results/

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  7. Diabetes Testshttps://www.cdc.gov/diabetes/basics/getting-tested.html

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  8. Rh factor blood testhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/rh-factor/about/pac-20394960

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  9. What Is a Nonstress Test?https://www.healthline.com/health/pregnancy/non-stress-test

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  10. Contraction Stress Test: Purpose, Procedure & Resultshttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22849-contraction-stress-test

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  11. Contraction Stress Test (CST)https://www.webmd.com/baby/contraction-stress-test-cst

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  12. Diagnosis of Birth Defects | CDChttps://www.cdc.gov/ncbddd/birthdefects/diagnosis.html

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  13. Routine Tests During Pregnancy | ACOGhttps://www.acog.org/womens-health/faqs/routine-tests-during-pregnancy

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  14. PRENATAL SCREENING AND TESTING - Understanding Genetics - NCBI Bookshelfhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK115544/

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

  15. Glucose screening tests during pregnancy: MedlinePlus Medical Encyclopediahttps://medlineplus.gov/ency/article/007562.htm

    Ngày tham khảo: 21/11/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người