YouMed

Hội chứng Stevens – Johnson: nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Hội chứng Stevens – Johnson là một hội chứng nặng xảy ra ở da, bao gồm nhiều triệu chứng rất phức tạp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể diễn biến nặng nề, nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Bài viết của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Stevens – Johnson. Mục đích chủ yếu là nhằm giảm thiểu phần nào mức độ nặng mà hội chứng này gây nên.

Tổng quan về hội chứng Stevens – Johnson

Khái niệm hội chứng Stevens – Johnson

Hội chứng Stevens – Johnson (SJS) hay Stevens – Johnson hoại tử biểu bì nhiễm độc là một hội chứng nguy hiểm. Hội chứng này đặc trưng với các tổn thương phức tạp ở da và niêm mạc. Bệnh lý tuy ít gặp nhưng có mức độ rất nặng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.1

Hội chứng Stevens - Johnson
Hình ảnh tổn thương da của bệnh nhân mắc hội chứng Stevens – Johnson

Những nghiên cứu gần đây cho rằng SJS và hội chứng Lyell (TEN) thuộc cùng một cơ chế bệnh. Chúng chỉ khác nhau về mức độ nặng và được các chuyên gia phân loại như sau:1 2

  • Hội chứng Stevens – Johnson: là một thể nhẹ của hội chứng Lyell, trong đó, những thương tổn da chiếm tỷ lệ dưới 10% diện tích cơ thể.
  • Hội chứng ranh giới giữa Stevens – Johnson và Lyell: thương tổn da chiếm tỷ lệ từ 10 đến 30% diện tích cơ thể.
  • Hội chứng Lyell (TEN): thương tổn da chiếm tỷ lệ lớn hơn 30% diện tích cơ thể.

Nguyên nhân của hội chứng Stevens – Johnson

Trên 50% trường hợp hội chứng SJS có nguyên nhân từ việc sử dụng thuốc. Các thuốc gây SJS phổ biến nhất bao gồm:1 2

  • Nhóm thuốc Sulfa, chẳng hạn như Cotrimoxazole, Sulfasalazine.
  • Các thuốc kháng sinh. Thông thường là nhóm kháng sinh Penicillin, Fluoroquinolones, Cephalosporins.
  • Nhóm thuốc chống động kinh. Thường gặp là Carbamazepine, Phenobarbital, Valproate, Lamotrigine. Ít gặp hơn như Phenytoin, Levetiracetam.
  • Thuốc kháng viêm không steroid. Phổ biến như: Diclofenac, Ibuprofen, Ketorolac,…
  • Thuốc chữa bệnh gout, tăng acid uric máu như Allopurinol.
  • Các loại vaccine, huyết thanh kháng độc tố, các loại dịch truyền đặc biệt là dịch truyền cao phân tử.
  • Các chế phẩm từ máu dùng để truyền như: Hồng cầu lắng, khối tiểu cầu, huyết tương tươi,…
Thuốc là một nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng SJS
Thuốc là một nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng SJS

Những nguyên nhân không do thuốc:1

Có hai loại nhiễm trùng chính liên quan đến SJS: virus và vi khuẩn . Nhiễm virus liên quan đến SJS bao gồm:1 3

Nhiễm trùng do vi khuẩn liên quan đến SJS bao gồm:

  • Brucellosis.
  • Bạch hầu.
  • Mycoplasma pneumoniae.
  • Bệnh lao.

Triệu chứng của hội chứng Stevens – Johnson

Triệu chứng của hội chứng Stevens – Johnson rất đa dạng và phức tạp, tùy thuộc vào mức độ bệnh và không phụ thuộc vào nguyên nhân. Chính vì vậy, nguyên nhân gây bệnh có thể khác nhau nhưng các biểu hiện của bệnh thì khá tương tự nhau.

Triệu chứng toàn thân

Trong khoảng thời gian 1 đến 3 ngày sau khi dùng thuốc hoặc nhiễm trùng,… bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng toàn thân như:1 4

  • Sốt là triệu chứng xuất hiện đầu tiên.5
  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Viêm họng.
  • Đau nhức các khớp.
  • Nôn ói.
  • Tiêu chảy.
  • Nặng hơn, bệnh nhân có thể li bì, suy giảm ý thức cho đến hôn mê.

Các tổn thương trên da

Trên da xuất hiện các ban đỏ có màu sẫm, thường xuất hiện sau khi nổi các mụn nước, bóng nước. Nhiều trường hợp vùng da bị trợt hoại tử, xen kẽ với những mảng da đỏ, sẩn phù, không có cảm giác ngứa. Các thương tổn này thường xuất hiện ở tay chân và đối xứng 2 bên. Một vài trường hợp có thể xuất hiện tổn thương hình bia bắn không phổ biến.1 6

Tổn thương da trong hội chứng SJS
Tổn thương da trong hội chứng SJS

Triệu chứng xảy ra ở niêm mạc

Đây chính là dấu hiệu khá đặc trưng của hội chứng SJS. Những biểu hiện tập trung phần lớn ở các hốc tự nhiên, số lượng thường từ 2 hốc trở lên. Điển hình đó là:6

  • Niêm mạc miệng: Mụn nước xuất hiện ở môi, lưỡi, vòm họng hoặc niêm mạc xung quanh miệng. Về sau, tình trạng viêm ngày càng trầm trọng, niêm mạc bị trợt loét, xuất tiết, xuất huyết, giả mạc xuất hiện, có những vảy tiết màu nâu đen. Người bệnh bị đau nhức từ nhiều đến trầm trọng, ảnh hưởng đến việc ăn uống.
  • Mắt: Viêm kết mạc hai mắt, bờ mi viêm dính. Một số trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn đó là loét giác mạc, có thể dẫn đến suy giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn.
  • Mũi: Sung huyết niêm mạc, viêm mũi, chảy máu mũi.
  • Sinh dục, tiết niệu: Nữ giới có tình trạng lở loét âm hộ, âm đạo kèm xuất huyết. Ở nam giới, đường tiểu bị viêm loét dẫn đến triệu chứng tiểu đau, tiểu buốt, tiểu máu.

Các cơ quan khác

Ngoài các triệu chứng điển hình xảy ra ở những vị trí nói trên, một số cơ quan trong cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng. Biểu mô phế quản cũng có thể bị bong tróc, dẫn đến triệu chứng ho, khó thở, viêm phổi, phù phổi cấp và thiếu oxy máu nhiều mức độ. Nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể bị viêm gan, viêm cầu thận cấp.

Cách xử trí tại nhà hội chứng SJS

Hội chứng Stevens – Johnson nói chung là một tình trạng bệnh lý nặng nề, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà theo kinh nghiệm dân gian, mẹo vặt. Cách xử lý tốt nhất là đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.6

Tuy nhiên, một vài thao tác sơ cứu tại nhà có thể giúp hạn chế sự tiến triển trầm trọng của bệnh. Bao gồm:

  • Ngưng ngay loại thuốc mình đang sử dụng.
  • Giữ vệ sinh những vùng da bị lở loét, bong tróc. Tuyệt đối không nên bôi bất cứ loại thuốc hoặc chất sát khuẩn nào lên những vùng da ấy.
  • Có thể băng nhẹ các thương tổn trên da để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.

Khi nào cần phải gặp bác sĩ?

Cả hội chứng SJS và hội chứng Lyell đều là những tình trạng khẩn cấp, phải được điều trị ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Các triệu chứng khởi phát của cả hai hội chứng này thường tương tự với bệnh cúm. Tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn cũng đáp ứng bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây:1

  • Bắt đầu dùng một hoặc một vài loại thuốc mới trong vòng 02 tháng gần nhất.
  • Phát ban trên da mà bạn nghi ngờ rằng có thể là dấu hiệu của hội chứng Stevens – Johnson.
  • Người thân trong gia đình có tiên sử mắc hội chứng SJS hoặc Lyell.
  • Bạn đã từng có tiền sử mắc hội chứng SJS hoặc Lyell trong quá khứ.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng Stevens – Johnson như thế nào?

Chẩn đoán hội chứng SJS

Các xét nghiệm và quy trình được áp dụng để chẩn đoán hội chứng Stevens – Johnson bao gồm:

  • Hỏi bệnh sử và thăm khám trực tiếp. Các bác sĩ chuyên khoa thường xác định nhanh chóng hội chứng SJS dựa trên tiền sử bệnh lý của bạn. Bao gồm khai thác các loại thuốc bạn đang sử dụng trong khoảng thời gian gần đây.
  • Sinh thiết da. Thủ thuật này giúp xác định chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân có thể xảy ra khác. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu da ở vùng tổn thương để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (sinh thiết).
  • Hình ảnh học. Tùy thuộc vào các dấu hiệu của người bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số cận lâm sàng hình ảnh học. Chẳng hạn như chụp X Quang phổi để kiểm tra phổi, siêu âm tim, siêu âm bụng (kiểm tra tình trạng gan thận).
  • Xét nghiệm máu. Cận lâm sàng này được sử dụng để chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, dị ứng, …

Sau cùng, các bác sĩ sẽ tổng hợp các triệu chứng lâm sàng điển hình kết hợp với một số cận lâm sàng cần thiết. Từ đó, họ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định hội chứng SJS.

Sinh thiết da trong chẩn đoán hội chứng Stevens - Johnson
Sinh thiết da trong chẩn đoán hội chứng Stevens – Johnson

Điều trị hội chứng SJS

Điều trị hội chứng Stevens – Johnson bắt buộc phải điều trị nội trú (nhập viện). Người bệnh có thể được chỉ định nằm điều trị phòng hồi sức tích cực hoặc khoa bỏng.1

Ngừng sử dụng các loại thuốc không cần thiết1

Biện pháp trước tiên và quan trọng nhất trong điều trị hội chứng Stevens – Johnson là ngừng dùng bất cứ loại thuốc nào có nguy cơ cao gây nên hội chứng này. Nếu người bệnh đang dùng nhiều loại thuốc, việc xác định sẽ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, các bác sĩ thường yêu cầu người bệnh ngừng tất cả các loại thuốc không cần thiết.

Điều trị hỗ trợ5 6

Các biện pháp điều trị hỗ trợ chính bao gồm:

  • Dinh dưỡng và dịch truyền. Cung cấp dịch qua đường truyền là một biện pháp điều trị không thể thiếu. Mục đích là để bù lại lượng dịch đã mất qua da. Bên cạnh đó, việc cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho người bệnh thường được bơm qua sonde dạ dày. Một số trường hợp nặng hơn cần phải cung cấp qua đường tĩnh mạch.
  • Chăm sóc các thương tổn. Chườm mát và chườm ướt có tác dụng giúp làm dịu các thương tổn trên da trong hội chứng SJS. Thông thường, thuốc mở hoặc Vaseline sẽ được bôi lên các vết lở loét, phồng rộp tương tự như điều trị bỏng.
  • Chăm sóc mắt. Người bệnh cũng có thể cần sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa mắt để điều trị tình trạng viêm kết mạc.
Bệnh nhân thường được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt
Bệnh nhân thường được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt

Thuốc men6

Các loại thuốc thường được sử dụng trong hoạt động điều trị hội chứng SJS bao gồm:5

  • Thuốc giảm đau như Paracetamol, kháng viêm không Steroid.
  • Các loại thuốc nhỏ mắt để điều trị tình trạng viêm kết mạc mắt.
  • Thuốc thoa ngoài da để điều trị các thương tổn trên da.
  • Các loại thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn trong những trường hợp cần thiết.
  • Các loại thuốc uống hoặc tiêm đường toàn thân khác, chẳng hạn như kháng viêm corticosteroid và globulin miễn dịch đường tĩnh mạch.

Cách phòng ngừa hội chứng Stevens – Johnson

Bệnh có nguyên nhân phần lớn do thuốc gây ra. Do đó, rất khó để phòng ngừa triệt để hội chứng này.7

Phương pháp quan trọng nhất để phòng ngừa hội chứng SJS là giảm thiểu các yếu tố nguy của bạn nếu có thể. Nếu trong quá khứ, bạn đã từng bị hội chứng Stevens – Johnson hoặc Lyell, bạn hãy tránh sử dụng các các loại thuốc có thể gây ra các hội chứng này.

Bên cạnh đó, trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc nào mới lạ, các bác sĩ có thể xem xét các gen của người bệnh. Mục đích là để tìm các biến thể có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng SJS hoặc Lyell.

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hội chứng Stevens – Johnson cũng như hội chứng Lyell. Qua việc nắm bắt được sự nặng nề và nguy hiểm của những hội chứng này, bạn đọc nên thận trọng hơn trong việc sử dụng thuốc. Cũng như nhận biết bệnh một cách nhanh chóng và sớm nhất để đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, hạn chế sự tiến triển trầm trọng của bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Stevens-Johnson Syndrome Overviewhttps://www.healthline.com/health/stevens-johnson-syndrome

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  2. Stevens Johnson Syndromehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459323/

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  3. Stevens-Johnson syndromehttps://www.nhs.uk/conditions/stevens-johnson-syndrome/

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  4. Stevens-Johnson Syndrome and Toxic Epidermal Necrolysis: A Concise Review with a Comprehensive Summary of Therapeutic Interventions Emphasizing Supportive Measureshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28439852/

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  5. Stevens-Johnson Syndrome and Toxic Epidermal Necrolysishttps://jamanetwork.com/journals/jamadermatology/fullarticle/2664616

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  6. Stevens-Johnson syndromehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stevens-johnson-syndrome/symptoms-causes/syc-20355936

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  7. Stevens-Johnson Syndromehttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17656-stevens-johnson-syndrome

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người