Liệu pháp nội tiết tố nữ thay thế: Những điều cần nên biết
Nội dung bài viết
Tuổi mãn kinh đến với phụ nữ quanh độ tuổi 50. Đây là một hiện tượng tất yếu trong cuộc đời. Đi kèm theo tuổi mãn kinh là những thay đổi tâm lý, những vấn đề sức khỏe bao gồm: bệnh lý niệu sinh dục, loãng xương, bệnh lý tim mạch, giảm sút trí nhớ, khó ngủ… Nhiều người tìm đến thuốc nội tiết tố nữ thay thế để điều trị triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên, đa phần đều không hiểu rõ về lợi ích – nguy cơ và các nguyên tắc sử dụng của thuốc. Hi vọng qua bài viết dưới đây, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về thuốc bổ sung nội tiết tố nữ, nhằm phát huy tác dụng thuốc và giảm yếu tổ rủi ro khi sử dụng.
Tổng quan
Thời kỳ mãn kinh ở nữ giới
Thời kỳ mãn kinh là khoảng thời gian mà bất cừ phụ nữ nào cũng sẽ trải qua. Độ tuổi mãn kinh trung bình là 48-52 tuổi.
Ngoài ra, mãn kinh được gọi là sớm khi tình trạng này xảy ra trước 40 tuổi. Và mãn kinh muộn khi sau 55 tuổi. Tuổi mãn kinh càng sớm thì tuổi thọ càng giảm. Các vấn đề sức khỏe của phụ nữ cũng xuất hiện sớm hơn.
Trên thực tế, mãn kinh không xảy ra đột ngột. Hầu hết phụ nữ phải trải qua vài năm thay đổi tâm và sinh lý. Đặc biệt thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt trước khi mãn kinh. Giai đoạn này được gọi là tiền mãn kinh, hay quanh mãn kinh.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, ngoài rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ còn bắt đầu có các dấu hiệu như: bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, thay đổi tâm trạng, khó ngủ và khô âm đạo. Tình trạng này là do nội tiết tố nữ estrogen được tiết ra từ nang noãn buồng trứng giảm đi hơn 90% so với mức còn trong độ tuổi sinh sản.
Xem thêm: Âm đạo: Vị trí, chức năng, các bệnh lý thường gặp?
Một số giải pháp để cải thiệu các triệu chứng tiền mãn kinh
Để làm giảm các biểu hiện khó chịu giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh. Một số giải pháp được đưa ra, bao gồm:
- Liệu pháp nội tiết tố nữ thay thế Menopausal Hormone Therapy (MHT).
- Liệu pháp không sử dụng nội tiết tố thay thế.
Xem thêm: Triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu? Làm sao để cải thiện?
Liệu pháp nội tiết tố nữ thay thế là gì?
Liệu pháp nội tiết tố nữ thay thế (MHT) thời kỳ mãn kinh là liệu pháp được sử dụng để bổ sung hai loại hormon nữ chính, đó là: estrogen và progestin. Hai loại nội tiết tố này được dùng để làm giảm các triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh. Trong đó, estrogen là hormone chính làm giảm các triệu chứng.
Tuy nhiên, phụ nữ có tử cung cũng phải dùng progestin (một loại hormone giống progesterone) để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Trong trường hợp chỉ sử dụng estrogen đơn độc sẽ có thể làm cho niêm mạc tử cung phát triển quá mức. Tình trạng này còn gọi là tăng sinh nội mạc tử cung. Đây là tiền đề làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư tử cung.
Phụ nữ đã cắt tử cung, có thể được điều trị bằng estrogen đơn độc.
Lợi ích và nguy cơ sử dụng nội tiết tố nữ thay thế (MHT)? Kết luận: Nên sử dụng hay không sử dụng?
Lợi ích khi sử dụng MHT:
Vào năm 2016, Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp – Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 16 đưa ra các lợi ích khi sử dụng nội tiết tố nữ thay thế như:
- Làm giảm các biểu hiện quá mức thời kỳ tiền mãn kinh như: Cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, thay đổi tâm trạng, khó ngủ và khô âm đạo; các thay đổi tâm lý khác: lo âu, trầm cảm, v.v.
- Điều trị rối loạn vận mạch: Nội tiết tố thay thế là lựa chọn đầu tay.
- Dự phòng loãng xương và gãy xương do loãng xương dù ở liều rất thấp.
- Dự phòng bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch nếu dùng sớm.
- Phòng ngừa đột quy. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào tuổi, loại nội tiết tố thay thế, đường sử dụng. Đặc biệt là yếu tố nguy cơ sẵn trước đó. Trong trường hợp phụ nữ mãn kinh sớm, nguy cơ đột quỵ tăng nếu không sử dụng liệu pháp bổ sung nội tiết tố.
- Tác dụng tốt bảo vệ não bộ & giảm nguy cơ bệnh Alzheimer đến 29 – 44%.
Xem thêm: Đột quỵ là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phục hồi
Nguy cơ, rủi ro khi sử dụng MHT?
Lịch sử các cuộc nghiên cứu của liệu pháp nội tiết tố nữ thay thế (MHT):
Tổ chức WHI
Trước đây, dựa vào nhiều tài liệu chứng minh sự hiệu quả của estrogen lên bệnh tim và xương. MHT thường được sử dụng để phòng ngừa bệnh mạnh vành và loãng xương.
Tuy nhiên, tổ chức mang tên WHI (Sáng kiến về sức khoẻ phụ nữ), đã báo cáo một nghiên cứu. Dựa trên cơ sở sử dụng estrogen đơn độc và estrogen-progestin kết hợp cho khoảng 27,000 phụ nữ sau mãn kinh, độ tuổi trung bình 63 tuổi. Cuối cùng, nghiên cứu cho ra một kết quả bất ngờ. Công bố rằng: MHT tăng nguy cơ bệnh mạch vành, đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch và ung thư vú.
Sau 10 năm, WHI tiếp tục công bố nghiên cứu dựa trên sử dụng nội tiết tố estrogen đơn độc và estrogen-progestin kết hợp trong vòng 5 năm để điều trị triệu chứng mãn kinh ở độ tuổi 50-59. Kết quả cho thấy, nguy cơ rủi ro so với lợi ích sử dụng MHT là thấp hơn hẳn. Ngoài ra, còn làm giảm các nguy cơ khác như: loãng xương, bệnh tim mạch, đột quỵ, Alzheimer, v.v.
Dịch vụ phòng ngừa Hoa Kỳ
Với 22 nghiên cứu khác và phân tích tổng hợp cập nhật năm 2017. Lực lượng đặc nhiệm Dịch vụ phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) cùng 18 thử nghiệm, với đội tượng ở những phụ nữ trên 60 tuổi. Dựa trên các phân tích dữ liệu nghiên cứu. USPSTF tiếp tục khuyến nghị chống đối sử dụng estrogen và progestin trong phòng ngừa các bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, USPSTF không đề cập việc sử dụng MHT trong hiệu quả điều trị các rối loạn thời kỳ mãn kinh. Họ cũng không trình bày và phân tích dữ liệu của WHI về nguy cơ rủi ro khi sử dụng nội tiết tố nữ ở phụ nữ mãn kinh trẻ tuổi hơn (50-59 tuổi)
Kết luận: Nên sử dụng hay không sử dụng liệu pháp nội tiết tố thay thế (MHT)?
Sau 10 năm, WHI – Women’ Health Initiative – Sáng kiến về sức khoẻ phụ nữ công bố:
Lợi ích của MHT nhiều hơn so với nguy cơ khi:
- Được chỉ định sớm, quanh tuổi mãn kinh.
- Tuổi: tương đối trẻ, dưới 60 tuổi.
- Mãn kinh dưới 10 năm.
MHT có hiệu quả trong: giảm xơ vữa mạch máu, giảm bệnh suất – tử vong do tim mạch. Ngoài ra, MHT làm chậm tiến trình giảm mật độ xương. Và làm chậm sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer) ở phụ nữ mới mãn kinh dưới 10 năm.
Đối với phụ nữ mãn kinh do suy buồng trứng sớm (mãn kinh sớm). MHT có vai trò rất lớn trong bảo vệ sức khoẻ, ngăn ngừa loãng xương – bệnh lý tim mạch.
Sử dụng muộn (>60 tuổi; mãn kinh > 10năm) => nguy cơ nhiều hơn lợi ích
Các dạng nội tiết tố nữ thay thế được sử dụng hiện nay
Các dạng estrogen
Estrogen có sẵn ở nhiều dạng khác nhau. Thuốc có nhiều dạng như uống – thoa – dán – đặt âm đạo. Tùy thuộc vào tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, tuổi bắt đầu mãn kinh, các biểu hiện để chọn lựa dạng nội tiết tố nào nên sử dụng.
Các dạng estrogen, bao gồm:
Miếng dán estrogen
Miếng dán estrogen hoạt động cũng như thuốc estrogen. Tác dụng tăng mật độ xương, phòng ngừa loãng xương và điều trị các triệu chứng mãn kinh. Phụ nữ còn tử cung sử dụng miếng dán estrogen cũng phải dùng proestin để giảm nguy cơ ung thư tử cung.
Thuốc uống estrogen
Có nhiều loại thuốc estrogen. Một trong những thương hiệu được sử dụng phổ biến nhất, được gọi là Premarin (estrogen liên hợp). Các chế phẩm khác, bao gồm estradiol, có nguồn gốc từ các nguồn thực vật. Thuốc kết hợp bao gồm cả estrogen và proestin đều có sẵn trên thị trường.
Thuốc tránh thai liều thấp
Thuốc tránh thai liều rất thấp là một lựa chọn tốt cho phụ nữ ở độ tuổi 40 có triệu chứng tiền mãn kinh. Bên cạnh đó phụ nữ vẫn muốn có một biện pháp tránh thai đánh tin cậy. Cần hết sức thận trọng đối với phụ nữ trên 40 tuổi kèm béo phì vì nguy cơ đông máu cao hơn. Tuy nhiên, thuốc tránh thai thường không được khuyến cáo cho phụ nữ mãn kinh. Vì liều estrogen cao hơn mức cần thiết để làm giảm các triệu chứng.
Estrogen âm đạo
Phụ nữ bị khô âm đạo có thể được điều trị bằng liều estrogen rất thấp. Các dạng sử dụng bao gồm: dạng kem, xịt âm đạo hoặc viên estrogen âm đạo. Tuy nhiên, nó không có tác dụng điều trị các cơn bốc hỏa. Các estrogen âm đạo liều thấp này thường không cần sử dụng thuốc progestin kèm theo.
Các dạng progestin
Phụ nữ sau mãn kinh có tử cung được điều trị bằng estrogen đơn độc có nguy cơ phát triển ung thư tử cung và tăng sinh nội mạc tử cung ( tiền thân của ung thư tử cung). Vì thế, việc uống bổ sung progestin nhằm giảm thiểu nguy cơ này. Ngoài ra, progestin còn có tác dụng điều trị các rối loạn kinh nguyệt như: rong kinh, rong huyết và cường kinh.
Progestin đường uống: Một viên thuốc proestin thường được kê đơn là medroxyprogesterone acetate.
Progestin chứa trong dụng cụ đặt vòng tránh thai: Trong trường hợp bạn đã đặt vòng tráng thai. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể cân nhắc khuyên bạn giữ nó cho đến khi mãn kinh kết thúc.
Xem thêm: Phương pháp tránh thai nào hiệu quả nhất? (Phần 1)
Tác dụng phụ và các trường hợp chống chỉ định sử dùng nội tiết tố thay thế (MHT)?
Tác dụng phụ điều trị MHT
- Liên quan với progestin: ra huyết sau ngưng thuốc, tăng cân, adrogen hóa.
- Liên quan đến estrogen: tăng cân, đau đầu, đau vú, v.v.
Chống chỉ định sử dụng (MHT)
- Xuất huyết sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán.
- U tân sinh phụ thuộc estrogen đã biết hoặc nghi ngờ.
- Thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi đang tiến triển hoặc có tiền sử.
- Bệnh lý thuyên tắc động mạch: đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…
- Bệnh lý gan, suy chức năng gan.
- Có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Quá mất cảm với các chế phẩm nội tiết tố nữ.
- Các lý do chống lại việc sử dụng nội tiết tố nữ: Nỗi băn khoăn cho rằng nội tiết tố có thể gây ung thư. Nhiều phụ nữ lo tăng cân nhiều hay tái khởi phát chu kỳ kinh.
Xem thêm: Nhồi máu cơ tim và những điều cần biết
Nguyên tắc sử dụng nội tiết tố nữ thay thế (MHT)?
Thời gian sử dụng
- Estrogen và progestin kết hợp: 5 năm.
- Estrogen đơn thuần: 7 năm.
- Trường hợp mãn kinh sớm sẽ sử dụng viên nội tiết tố liều thấp đến tuổi mãn kinh trung bình.
Khi bắt đầu sử dụng, bác sĩ sẽ luôn bắt đầu ở liều thấp nhất. Sau đó tăng liều khi cần, nếu các triệu chứng không thuyên giảm. Liều thấp hơn sẽ giúp ít tác dụng phụ hơn và có thể giúp giảm thiểu các nguy cơ.
Trong trường hợp đã đủ điều kiện có thể ngưng thuốc. Bác sĩ cũng sẽ xem xét để giảm liều dần đến khi không còn sử dụng.
Trường hợp phụ nữ có biểu hiện mãn kinh quay trở lại. Bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng lại nội tiết tố thay thế, hoặc chuyển qua các liệu pháp không bổ sung nội tiết tố nữ.
Theo dõi điều trị
Khi bắt đầu dùng MHT, bác sĩ sẽ khuyên bạn hẹn tái khám sau khi hết toa đầu nhằm xem:
- Thuốc có phù hợp không?
- Có tác dụng phụ không?
- Có cần điều chỉnh ( liều – đường dùng) không?
Sau đó, bác sĩ sẽ khuyên bạn tái khám mỗi 6 tháng – 1 năm để:
- Khám tổng quát + Khám phụ khoa.
- Siêu âm phụ khoa, siêu âm nhũ hoặc chụp Xquang nhũ, nếu trên 40 tuổi, đo mật độ xương, xét nghiệm huyết học, chức năng gan, chức năng thận…
- Xét nghiệm tầm soát ung thư sinh dục nữ.
- Thảo luận với người dùng thuốc về kết quả điều trị và lợi ích – nguy cơ.
Xem thêm: Thuốc Naturenz và công dụng hỗ trợ chức năng gan
Liệu pháp không sử dụng nội tiết tố thay thế?
Một số phụ nữ có chống chỉ định, lo ngại sử dụng nội tiết tố thay thế. Hoặc đã qua liệu trình sử dụng nội tiết tố nhưng các triệu chứng quay lại. Những tình trạng này sẽ được bác sĩ tư vấn các liệu pháp không dùng nội tiết tố. Bao gồm, sử dụng thuốc kê toa và không sử dụng thuốc kê toa.
Các thuốc uống cần kê toa
- Paroxetine: là thuốc thường sử dụng để điều trị trầm cảm. Theo nghiên cứu cho thấy, liều thấp Paraxetine có tác dụng điều trị các chứng bốc hỏa, mất ngủ. Tuy nhiên thuốc khuyến cáo không nên sử dụng trong trường hợp có ung thư vú.
- Gabapentin : Đây là thuốc điều trị động kinh. Nó cũng được sử dụng để điều trị cơn bốc hỏa, mất ngủ. Thường được dùng duy nhất một liểu trước khi ngủ, hoặc sử dụng trong ngày.
- Venlafaxine, desvenlafaxine, citalopram, and escitalopram: Đây cũng là loại thuốc điều trị trầm cảm, và cũng có tác dụng điều trị chứng bốc hỏa.
- Trường hợp điều trị khô âm đạo: do estrogen các trong các dạng sử dụng ở âm đạo (dán, viên đặt, kem, xịt) có hàm lượng rất thấp. Nên các dạng này không có tác dụng tăng nguy cơ ung thư vú, bệnh tim mạch hoặc dột quỵ. Vì thế, phụ nữ chỉ muốn điều trị triệu chứng khô âm đạo, vẫn có thể được sử dụng dưới sự tư vấn của bác sỹ khi có các chống chỉ định dùng nội tiết tố thay thế nữ.
Xem thêm: Những điều cần biết về thuốc điều trị động kinh Neurontin (gabapentin)
Các thuốc uống không kê toa (thực phẩm chức năng)
- Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành: nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng thấp trong điều trị triệu chững mãn kinh.
- Dong quai và black cohosh: cần sử dụng chung với nhiều chất khác để có tác dụng.
- Vitamin E có vẻ giúp được cho phụ nữ.
- Omega-3 có lợi, sử dụng được.
- Vitamin D3 giúp phụ nữ mãn kinh giảm gãy xương.
Maca – Lepidium Meyenii: Đây là một loại thảo dược, thường được gọi là sâm Peru, có công dụng tăng lực, tăng sức chịu đựng và giúp cơ thể thích nghi môi trường bên ngoài, được người dân sử dụng để điều trị thiếu máu, vô sinh, thường dành cho các vận động viên thể thao và cho bệnh nhân suy giảm tình dục.
Đã được nghiên cứu ở nước ngoài và ở Việt nam, công nhận có tác dụng điều chỉnh thụ thể các hormone sinh dục nam và nữ. Chất chiết xuất từ Lepidium Meyenii có chứa estrogen, có thể có tác dụng bổ sung hormone cho các phụ nữ tuổi mãn kinh.
Các biện pháp không dùng thuốc khác
- Thay đổi lối sống.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: với ít hơn 30% chất béo, giàu canxi, …
- Tập luyện thể thao, không để tăng cân.
- Thiền, hít thở sâu cách quãng, thư giãn.
- Châm cứu và thôi miên giúp cải thiện biểu hiện bốc hỏa.
- Khám sức khỏe định kỳ.
Xem thêm: 8 điều về Canxi mà bạn nên biết
Kết luận
- Phụ nữ mãn kinh có biểu hiện rối loạn nặng nề: Cần sử dụng MHT ngay sau sàng lọc để đảm bảo chất lượng cuộc sống.
- Thời gian sử dụng: tùy thuộc mục đích sử dụng.
- Cần chọn loại estrogen và progestogen phù hợp, ít tác dụng phụ.
- Phụ nữ mãn kinh sớm tự nhiên hoặc do phẫu thuật…cần phải sử dụng MHT ít nhất đến tuổi mãn kinh trung bình.
- Phụ nữ có triệu chứng mãn kinh nhưng nhẹ, hoặc sau khi đã điều trị các rối loạn mãn kinh: sẽ được bác sỹ xem xét khả năng ngưng điều trị nội tiết tố, có thể chuyển sang liệu pháp không sử dụng nội tiết tố.
- Lối sống hoạt động tích cực, dinh dưỡng khoa học, tập luyện hằng ngày, kiểm soát cân nặng, tinh thần thanh thản, là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe của phụ nữ tuổi mãn kinh.
Tiền mãn kinh – Mãn kinh là khoảng thời gian phụ nữ nào cũng sẽ trải qua. Lúc này, phụ nữ có những rối loạn tâm sinh lý riêng, cảm thấy cuộc sống nặng nề. Nhiều chị em đã tìm đến các liệu pháp nội tiết tố thay thế ở các tiệm thuốc tư nhân hoặc trên mạng. Tuy nhiên, nên thật sự lưu ý rằng nội tiết tố là con dao hai lưỡi. Nếu không biết các nguyên tắc sử dụng thuốc sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Vì thế, nếu bạn có những triệu chứng thời kỳ mãn kinh, tiền mãn kinh nặng nề. Hãy đến thăm khám tại các cơ sở khám phụ khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé.
Xem thêm: Rối loạn nội tiết tố nữ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Patient education: Non-estrogen treatments for menopausal symptoms (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/non-estrogen-treatments-for-menopausal-symptoms-beyond-the-basics
Ngày tham khảo: 14/04/2020
-
Patient education: Menopausal hormone therapy (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/menopausal-hormone-therapy-beyond-the-basics?source=related_link
Ngày tham khảo: 14/04/2020
-
Menopausal hormone therapy: Benefits and riskshttps://www.uptodate.com/contents/menopausal-hormone-therapy-benefits-and-risks?source=related_link
Ngày tham khảo: 14/04/2020
- ThS. BS CKII. Nguyễn Thị Trúc Hà - ThS. BS. Lê Thị Hồng Vân (2016), "Phụ khoa - Mãn kinh", Bài giảng sản phụ khoa tập 2. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 53-61