YouMed

Ung thư phổi có lây không? Ung thư phổi có di truyền không?

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Ung thư phổi có lây không là một trong những câu hỏi được khá nhiều người thắc mắc. Vậy câu trả lời là gì? Ung thư phổi có lây qua đường hô hấp như chúng ta vẫn nghĩ? Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Phong sẽ giải đáp cho bạn ngay sau đây! Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Bệnh ung thư phổi có lây không?

Bệnh ung thư phổi không lây từ người này sang người khác. Người mắc ung thư phổi không có khả năng truyền bệnh ra môi trường xung quanh nên không phải là nguồn lây nhiễm. Sở dĩ có những gia đình nhiều người không cùng huyết thống (vợ, chồng) mắc ung thư phổi. Điều này là do phải chịu chung tác nhân ô nhiễm như thuốc lá, khói bụi, khí độc. Các thông tin về sự lây nhiễm ung thư phổi qua đường hô hấp đều không có căn cứ.

Phổi là cơ quan hô hấp của cơ thể, vì vậy mà ung thư phổi có lây không là câu hỏi của rất nhiều người. Đặc biệt là trong gia đình có bệnh nhân bị ung thư phổi, sự lo lắng của mọi người không phải là không có cơ sở. Bệnh nhân liên tục ho, ho rất dữ dội giống như mắc các tác nhân gây viêm đường hô hấp, viêm phổi. Tuy nhiên, ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng là bệnh do cơ chế đột biến của tế bào. Vì không phải do vi khuẩn, virus gây ra nên bệnh không lây nhiễm.1

Ung thư phổi có thể gây ra triệu chứng ho khiến nhiều người lầm tưởng bệnh có thể lây truyền
Ung thư phổi có thể gây ra triệu chứng ho khiến nhiều người lầm tưởng bệnh có thể lây truyền

Ung thư phổi có di truyền không?

Ung thư phổi dù không có khả năng lây nhiễm nhưng lại là căn bệnh di truyền. Nhiều người trong gia đình có người thân mắc ung thư phổi có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn bình thường. Vì vậy, thân nhân bệnh nhân ung thư phổi được khuyến cáo tầm soát ung thư định kỳ. Tùy theo nguy cơ mắc bệnh của mỗi cá nhân.

Ung thư phổi có cơ chế gây bệnh là sự đột biến gen nên có thể di truyền trong gia đình. Có trường hợp nhiều người ở thế hệ trước mang gen ung thư nhưng lại không phát triển thành tế bào ung thư. Đến người đời sau, do các tác nhân vật lý khác kích thích các tế bào này trở nên nguy hại. Từ đó phát triển thành khối u.

Ngoài ra, ung thư phổi có thể do hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm. Nếu chung sống với gia đình, sinh hoạt và làm việc cùng một nơi, tiếp xúc với cùng một loại hóa chất độc hại, cùng hít phải khói thuốc lá từ môi trường xung quanh thì cũng có khả năng mắc ung thư phổi.

Khoảng 8% số ca ung thư phổi được cho là do di truyền hoặc có khuynh hướng di truyền.2 3 Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, người có người thân gần nhất (first-degree relatives) mắc bệnh ung thư phổi có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn so với những người không hút thuốc do có tổ hợp gen dễ tái tổ hợp.4

Ung thư phổi có thể di truyền cho các thế hệ trong gia đình
Ung thư phổi có thể di truyền cho các thế hệ trong gia đình

Hiểu đúng về ung thư phổi

1. Định nghĩa ung thư phổi

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư xuất hiện tại phổi. Khi một người mắc bệnh, các tế bào bất thường sẽ tập trung lại tạo thành khối u. Không giống như các tế bào thông thường, tế bào ung thư phát triển nhanh. Phát triển không có trật tự hoặc mất kiểm soát. Kèm theo đó là quá trình phá hủy nhu mô phổi khỏe mạnh xung quanh chúng. Khối u loại này được gọi là ác tính. Khi các tế bào ung thư bắt đầu di căn, chúng ngăn cản các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường.

2. Phân loại ung thư phổi5

Loại phổ biến nhất là ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Loại này chiếm khoảng 80 đến 85% tất cả các trường hợp.

Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm khoảng 10 đến 15% các trường hợp ung thư phổi. Loại ung thư này phát triển và lây lan nhanh hơn NSCLC. Tuy đáp ứng với hóa trị tốt hơn, SCLC ít có khả năng được chữa khỏi.

3. Triệu chứng của ung thư phổi

Các triệu chứng của ung thư phổi do 2 loại tế bào kể trên về cơ bản giống nhau, bao gồm:

  • Ho kéo dài hoặc nặng hơn.
  • Ho có đờm hoặc máu.
  • Đau ngực nặng hơn khi hít sâu, cười hoặc ho.
  • Khàn tiếng.
  • Khó thở, thở hụt hơi.
  • Khò khè.
  • Suy nhược, mệt mỏi.
  • Chán ăn, sụt cân.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản.
Ho, khó thở, đau ngực là các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi
Ho, khó thở, đau ngực là các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi

Khi ung thư lan rộng, các triệu chứng mới xuất hiện phụ thuộc vị trí khối u mới hình thành. Ví dụ:

  • Hạch bạch huyết: cục u nổi lên, như ở cổ hoặc xương đòn.
  • Xương: đau xương, đặc biệt ở lưng, xương sườn hoặc hông.
  • Não hoặc cột sống: đau đầu, chóng mặt, các vấn đề về thăng bằng hoặc tê tay chân.
  • Gan: vàng da và mắt.
  • Các khối u ở đỉnh phổi có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh mặt, dẫn đến sụp mí mắt, đồng tử thu nhỏ..
  • Các khối u có thể đè lên tĩnh mạch lớn vận chuyển máu giữa đầu, cánh tay và tim. Gây sưng mặt, cổ, ngực và cánh tay.

Nguyên nhân ung thư phổi

Các nguyên nhân gây ung thư phổi bao gồm:6

1. Hút thuốc lá

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu, do sự đột biến hoặc thay đổi của các tế bào trong phổi. Các thay đổi này thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với các chất độc hại, đặc biệt là khói thuốc lá. Hút thuốc gây ra khoảng 90% trường hợp ung thư phổi.

Không chỉ người hút thuốc có nguy cơ, người tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn. Việc bỏ hút thuốc có thể giảm nguy cơ ung thư phổi. Ngay cả khi bạn đã mắc bệnh, ngừng hút thuốc có thể giảm nguy cơ tử vong vì bệnh này điều đó giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn và giảm nguy cơ ung thư phổi tái phát.

2. Thuốc lá điện tử

Thiết bị vaping hay còn gọi là thuốc lá điện tử, chứa chất lỏng bao gồm nicotine, hóa chất tạo hương vị và các chất độc hại khác mà bạn hít vào. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu vaping có gây ung thư phổi hay không, dù khí từ thiết bị này cũng chứa các hóa chất gây ung thư, nhưng với số lượng ít hơn so với thuốc lá thông thường. Việc sử dụng vaping có thể dẫn đến nghiện nicotine hoặc thậm chí bắt đầu hút thuốc lá trong tương lai.7

3. Các hạt bụi

Đây là hỗn hợp của các mảnh axit, hóa chất, bụi và kim loại nhỏ trong không khí. Mỗi hạt nhỏ hơn nhiều so với một hạt cát. Chúng có thể bị mắc kẹt trong phổi của bạn khi bạn hít vào. Nó được biết là có thể gây ung thư phổi.

4. Amiang

Amiăng là một chất được cho là có khả năng gây ung thư cho những người thường xuyên tiếp xúc với nó. Nó được tạo thành từ các khoáng chất có trong đất và đá và được sử dụng trong các tòa nhà, nhà ở, ô tô và các sản phẩm khác.

Khi làm việc với amiăng, nó sẽ phân hủy thành những sợi nhỏ mà bạn hít vào và sợi này sẽ bị mắc kẹt trong phổi của bạn. Nếu tiếp xúc với amiăng trong thời gian dài, nó sẽ tích tụ trong phổi, gây khó thở và có thể gây hại cho sức khỏe. Amiăng cũng được liên kết với nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư dạ dàyung thư buồng trứng.8

5. Di truyền

Gen có thể cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư. Các gia đình truyền gen từ thế hệ này sang thế hệ khác, bao gồm các gen bị đột biến khiến các tế bào không thể sửa chữa DNA bị hỏng; và các gen khác khiến cơ thể không thể loại bỏ các hóa chất gây ung thư khỏi cơ thể.

6. Radon

Radon là một loại khí phóng xạ không thể nhìn, ngửi hoặc nếm được. Nó được tìm thấy trong đất và đá và phát ra bức xạ. Radon có thể xâm nhập vào nhà, trường học và các tòa nhà khác thông qua các vết nứt nhỏ trên nền móng. Nó là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi hàng đầu ở những người không hút thuốc và là nguyên nhân thứ hai gây ung thư phổi sau thuốc lá.

Phòng ngừa ung thư phổi như thế nào?

Không có giải pháp chắc chắn nào để ngăn chặn hoàn toàn bị ung thư. Tuy nhiên, có nhiều hành động và lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày có thể giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi.

  • Từ bỏ thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
  • Kiểm tra phát hiện khí radon. Bạn có thể dùng bộ thử nghiệm tại nhà hoặc gọi chuyên gia để kiểm tra. Nếu phát hiện mức độ radon cao trong nhà, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia để giảm mức độ này.
  • Tìm hiểu về tiền sử bệnh của gia đình. Nếu có thành viên trong gia đình bạn từng mắc bệnh ung thư phổi, bất kể họ có hút thuốc hay không, bạn nên chia sẻ thông tin này với bác sĩ của mình. Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp sàng lọc phù hợp để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cho bạn.
  • Tránh tiếp xúc với các chất gây độc hại. Bao gồm: amiang, thạch tín, niken, bồ hóng, cadimi, silic điôxit, khí thải động cơ diesel,…
  • Hạn chế tiếp xúc với bức xạ trong ngực. Bức xạ năng lượng cao như tia X, tia gamma và các loại sóng phóng xạ khác có thể gây hỏng DNA và tăng nguy cơ ung thư.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Chế độ ăn uống hợp lí và khoa học.
  • Tầm soát ung thư phổi.

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi liệu ung thư phổi có lây không, ung thư phổi có di truyền không. Qua đó, giúp bạn hiểu đúng về bệnh ung thư phổi. Từ đó có cách phòng ngừa và bảo vệ chính bản thân và gia đình.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Is Cancer Contagious?https://www.cancer.org/healthy/cancer-causes/general-info/is-cancer-contagious.html#:~:text=Cancer%20is%20NOT%20contagious,body%20of%20another%20healthy%20person

    Ngày tham khảo: 11/04/2023

  2. Familial Risk of Lung Carcinoma in the Icelandic Populationhttps://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/200052

    Ngày tham khảo: 11/04/2023

  3. Familial Aggregation of Common Sequence Variants on 15q24-25.1 in Lung Cancer https://academic.oup.com/jnci/article/100/18/1326/2606841

    Ngày tham khảo: 11/04/2023

  4. Family History of Cancer and Risk of Lung Cancer among Lifetime Nonsmoking Women in the United States https://academic.oup.com/aje/article/143/6/535/98793

    Ngày tham khảo: 11/04/2023

  5. What Is Lung Cancer?https://www.cancer.org/cancer/lung-cancer/about/what-is.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2023

  6. What Causes Lung Cancer?https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/lung-cancer/basics/what-causes-lung-cancer

    Ngày tham khảo: 11/04/2023

  7. Examining the relationship of vaping to smoking initiation among US youth and young adults: a reality check https://tobaccocontrol.bmj.com/content/28/6/629

    Ngày tham khảo: 11/04/2023

  8. Asbestos and Cancer Riskhttps://www.cancer.org/healthy/cancer-causes/chemicals/asbestos.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người