Ung thư tế bào gan: Ung thư gan thường gặp nhất
Nội dung bài viết
Ung thư tế bào gan, tên đầy đủ là ung thư tế bào gan nguyên phát (Hepatocellular carcinoma, HCC) là ung thư gan thường gặp nhất. Với điều kiện thực tế tại Việt Nam, có nhiều yếu tố thuận lợi cho căn bệnh này xuất hiện. Bạn đã hiểu gì về căn bệnh này, làm cách nào nhận biết sớm, điều trị ra sao và quan trọng nhất là phòng ngừa bệnh như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu. Cùng nhau tìm hiểu qua bài viết của bác sĩ Đinh Gia Khánh bạn nhé!
1. Ung thư tế bào gan là bệnh gì?
Chúng ta hay gọi là ung thư gan, nhưng các bệnh lý ác tính tại gan có rất nhiều loại tuỳ thuộc vào tế bào ung thư. Ví dụ như:
- Ung thư bắt nguồn từ tế bào của gan (nhu mô gan), gọi là ung thư tế bào gan nguyên phát (HCC). Đây là trường hợp ung thư nguyên phát tại gan thường gặp nhất. Sẽ được bàn luận trong bài viết này.
- Có trường hợp ung thư này bắt nguồn từ tế bào ống mật trong gan. Ung thư gan này cụ thể gọi là ung thư đường mật nguyên phát (Cholangio-cellular Carcinoma, CCC).
- Một số dạng ung thư hiếm gặp hơn, bắt nguồn từ mạch máu, mô liên kết tạo ra các bệnh không thường gặp như sarcoma. Các dạng này thì thường có độ ác tính cao và điều trị tương đối kém hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trước khi chẩn đoán là ung thư tế bào gan nguyên phát cần thiết loại trừ ung thư thứ phát. Ung thư gan thứ phát là bệnh lý ác tính từ nơi khác di căn tới gan, đặc biệt là từ ống tiêu hoá như dạ dày, đại tràng, trực tràng,…
2. Bệnh thường gặp như thế nào?
Theo thống kê từ dự án quan sát ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) vào năm 2018 bởi cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer, gọi tắt là IARC) của Tổ chức y tế thế giới. Ung thư gan là bệnh lý ung thư đứng thứ 6 trên thế giới với tỉ lệ 4,7% các trường hợp bệnh ác tính mới mắc. Tuy nhiên, lại là bệnh lý ung thư gây tử vong đứng thứ 3 với tỉ lệ 8,2%, chỉ sau ung thư phổi và ung thư dạ dày.
Cũng từ số liệu của GLOBOCAN 2018, ung thư gan là bệnh lý ác tính thường gặp nhất tại Việt Nam. Đứng thứ 1 với 25.335 trường hợp mới mắc (Chiếm 15,3% các bệnh nhân ung thư mới chẩn đoán. Đồng thời cũng là bệnh ác tính gây tử vong nhiều nhất với 25.404 trường hợp (chiếm 22,1% trong tất cả trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán ung thư các loại).
Nhìn con số này, chúng ta có thể thấy ung thư gan và chiếm nổi bật là ung thư tế bào gan nguyên phát hiện tại là vấn đề rất lớn tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
3. Tại sao lại bị bệnh Ung thư tế bào gan nguyên phát?
Có nhiều nguyên nhân được xác định là căn nguyên gây ra bệnh, nổi bật là:
3.1. Viêm gan do siêu vi
Đây có lẽ là vấn đề mà đất nước, con người Việt Nam đối mặt nhiều nhất. Chúng ta đang sống trong vùng dịch tễ của viêm gan siêu vi, nổi trội bao gồm:
3.1.1. Viêm gan siêu vi B
Việt Nam chúng ta là một trong những nơi có tần suất mắc viêm gan siêu vi B cao nhất thế giới. Những bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B mạn có tần suất ung thư tế bào gan nguyên phát gấp 15 đến 20 lần người không bệnh. Trong dân số những người mắc viêm gan B, có đến 25% các trường hợp là ung thư tế bào gan nguyên phát.
Hiện nay công tác tiêm chủng, giáo dục và nhận thức của người dân về viêm gan B có nhiều thay đổi tích cực. Nhưng nhìn chung viêm gan siêu vi B vẫn là một trong những vấn đề nổi trội nhất cần giải quyết để cản bước tiến đến ung thư tế bào gan nguyên phát.
3.1.2. Viêm gan siêu vi C
Tuy lưu hành ít hơn viêm gan B, viêm gan siêu vi C vẫn là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ ung thư. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân viêm gan siêu vi C mạn có nguy cơ bị ung thư tế bào gan nguyên phát gấp 17 người không mắc.
3.2. Xơ gan
Xơ gan là bệnh lý gan bị tổn thương và bị thay thế cấu trúc bằng các mô “sẹo”. Ngoài làm suy giảm nặng nề chức năng gan thì đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong các bệnh cảnh ác tính tại đây. Đương nhiên nổi trội nhất là ung thư tế bào gan.
Các nguyên nhân xơ gan và ung thư gan có nhiều điểm chồng lắp. Nhìn chung, đây là hai bệnh trạng có mối quan hệ mật thiết. Các bệnh mạn tính có xu hướng tiến triển thành xơ gan và sau đó là ung thư. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể tiến thành ung thư mà không cần phải qua giai đoạn xơ.
Việc bệnh nhân mắc ung thư gan có xơ gan hay không rất quan trọng. Liên quan đến nhiều yếu tố: tiên lượng, chăm sóc, chọn lựa điều trị,…
3.3. Rượu
Lạm dụng rượu bia là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý. Trong đó có các bệnh tại gan, lạm dụng rượu có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu ở Việt Nam. Trong bối cảnh chúng ta là quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia rất cao.
3.4. Các yếu tố nguy cơ khác
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ bệnh. Tuy ít gặp hơn nhưng ngày càng nổi trội, một:
- Bệnh gan thoái hoá mỡ không do rượu (Non-alcoholic fatty liver disease: NAFLD). Tiến triển hơn là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic steatohepatitis: NASH).
- Tác động của Aflatoxin.
- Viêm gan tự miễn.
- Ứ sắt, ứ đồng ở gan,…
- Đái tháo đường.
- Hút thuốc lá.
- Béo phì.
- Thói quen nhai trầu: Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa nhai trầu và tăng tỉ lệ mắc bệnh.
4. Triệu chứng của bệnh là gì?
Các biểu hiện của ung thư tế bào gan nguyên phát sẽ tuỳ thuộc vào giai đoạn và mức độ ảnh hưởng chức năng gan của bệnh. Sẽ thay đổi từ không triệu chứng cho đến triệu chứng nặng nề. Đa phần bệnh nhân sẽ không có triệu chứng hoặc biểu hiện mơ hồ. Phát hiệu tình cờ khối u trên gan do khám, điều trị một bệnh khác. Với chiến lược tầm soát sớm trên đối tượng nguy cơ cao hiện nay có thể phát hiện khối u sớm theo chương trình.
Khi có triệu chứng, một số dấu hiệu có thể gặp bao gồm:
- Uể oải, mệt mỏi.
- Rối loạn tiêu hoá. Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy,…
- Ngứa ngáy.
- Sụt cân.
- Vàng da, vàng mắt.
- Tiêu phân nhạt màu.
- Phù tay chân, sưng mặt, Báng bụng (Bụng to do chứa dịch).
- Sờ thấy khối u ở bụng.
- Xuất huyết tiêu hoá (Ói ra máu, đi cầu phân đen, ra máu).
- Rối loạn nhận thức.
Nhìn chung các triệu chứng càng về sau thì giai đoạn muộn, với biểu hiện của suy chức năng gan đáng kể. Ngoài ra, có thể có biểu hiện các triệu chứng của bệnh nền gây ung thư tế bào gan: ví dụ như vàng da trong đợt cấp của viêm gan, phù do xơ gan,… Các triệu chứng của giai đoạn muộn là dấu hiệu tiên lượng xấu và khó can thiệp. Thời gian sống còn lại thường ngắn và nguy cơ tử vong rất cao.
Xem thêm: Những dấu hiệu ung thư gan mà bạn nên biết
5. Làm sao để chẩn đoán được bệnh
Một số công cụ được ứng dụng để chẩn đoán:
5.1. Siêu âm
Có giá trị là công cụ tầm soát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh.
5.2. Chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)
Đây là các phương tiện có vai trò rất cao và được dùng để chẩn đoán xác định bệnh trên các đối tượng nguy cơ cao. Một hình ảnh điển hình cho phép chẩn đoán trên CT là: “Tăng quang thì động mạch, thải thuốc sớm thì tĩnh mạch, thì muộn).
5.3. Xét nghiệm các dấu ấn ung thư
Các dấu ấn ung thư như AFP, PIVKAII – DCP,… Có một số giá trị nhưng dùng đơn độc thì có nhiều hạn chế và sai lệch. Phải phối hợp với phương tiện hình ảnh.
6. Điều trị căn bệnh này như thế nào?
Việc điều trị ung thư tế bào gan sẽ phù thuộc vào nhiều yếu tố:
- Số lượng khối u.
- Kích thước khối u.
- Vị trí khối u, liên quan xung quanh. Mạch máu nuôi khối u.
- Khả năng xấm lấn các cơ quan khác.
- Chức năng gan, thận,…
- Thể trạng và bệnh lý nền kèm theo.
Xem thêm: Những phương pháp điều trị ung thư gan bạn cần biết
Việc này có thể không hề dễ dàng và nên được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa Gan Mật Tuỵ, Ung Bướu và cả hình ảnh học. Các lựa chọn can thiệp đôi lúc cần phải có một đội ngũ chuyên môn đánh giá chính xác. Sau đó, một số phương pháp có thể được lựa chọn để can thiệp bao gồm:
6.1. Thuyên tắc bằng hoá chất
Hay còn là TACE (Transcatheter arterial chemoembolization).
Đây là phương pháp thường được dùng nhất. Bác sĩ sẽ bơm hoá chất vào khối u và làm tắc mạch nuôi khối u.
6.2. Huỷ u bằng sóng cao tần
Radiofrequency ablation (RFA): Đây là một trong những phương pháp điều trị triệt để nếu có đủ điều kiện. Khối u sẽ được đốt huỷ bằng sóng cao tần. Ngoài ra còn có cách tiêm ethanol, acid,… nhưng ngày nay càng ít được ứng dụng.
6.3. Cắt gan, ghép gan
Phương pháp cắt gan là phương pháp điều trị triệt để, đương nhiên để có thể thực hiện thì cần nhiều điều kiện. Trong đó quan trọng nhất trong cắt gan là việc cắt gan làm sao để loại bỏ được khối ung thư trong khi vẫn duy trì chức năng gan nhờ phần gan còn lại. Do đó, ghép gan có thể là giải pháp nhưng điều kiện cũng hết sức nghiêm ngặt.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định thuyên tắc tĩnh mạch cửa để tăng thể tích gan còn lại trước khi phẫu thuật.
7. Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Đối tượng nguy cơ cao nhất của ung thư tế bào gan là xơ gan, viêm gan siêu vi B và siêu vi C mạn. Do đó các việc làm sau cho thấy nhiều hiệu quả nhất:
- Chủng ngừa viêm gan B. Nếu đã mắc thì điều trị kháng virus sẽ giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành ung thư.
- Điều trị dứt điểm viêm gan C. Hiện nay đã có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.
- Tránh lạm dụng rượu bia.
Ngoài ra, cần tuân thủ một số nguyên tắc khác để hạn chế nguy cơ:
- Bỏ hút thuốc lá.
- Chế độ ăn lành mạnh, không ăn các thực phẩm mốc hỏng.
- Điều trị bệnh nền như đái tháo đường, kiểm soát cân nặng.
- Khám bệnh đều đặn, tuân thủ chế độ tầm soát nếu thuộc nguy cơ cao.
8. Tổng kết
Ung thư tế bào gan là bệnh lý ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Bệnh cũng gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh ác tính. Tuy nhiên, phòng ngừa tình huống này là hoàn có thể và hiệu quả cao. Một trong những điều quan trọng nhất là chủng ngừa viêm gan B, điều trị triệt để viêm gan C và ngừa xơ gan do rượu.