YouMed

Viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột – Những tổn thương tiền ung thư dạ dày

ThS. BS Huỳnh Mạnh Tiến
Tác giả: ThS.BS.CKI Huỳnh Mạnh Tiến
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Viêm teo niêm mạc dạ dày là một trong những tổn thương có thể tiến triển thành ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, viêm teo niêm mạc dạ dày cũng có mối liên hệ mật thiết với chuyển sản ruột – tình trạng cũng được xem là một trong những tổn thương tiền ung thư dạ dày. Để tìm hiểu rõ hơn về viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Mạnh Tiến theo dõi bài viết sau đây nhé.

Tổng quan về viêm teo niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày (UTDD) là một trong những ung thư thường gặp ở Việt Nam. Đây là bệnh lý ác tính có tỉ lệ tử vong đứng thứ 4 thế giới, sau ung thư vú, ung thư phổiung thư tiền liệt tuyến. UTDD nói riêng và ung thư nói chung nếu phát hiện muộn sẽ khó xử trí triệt để trên nội soi, và tiên lượng sống của bệnh nhân rất ngắn.1 2

Chính vì điều đó, nhận diện sớm và loại bỏ các tổn thương tiền ung thư là chìa khóa giúp giảm tần suất mắc UTDD giai đoạn muộn, và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Một trong tổn thương trong con đường phát triển ung thư là tổn thương viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản niêm mạc. Vì vậy, viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột là những tổn thương tiền ung thư dạ dày.3

Thế nào là viêm teo niêm mạc dạ dày?

Bình thường lớp niêm mạc lót trong dạ dày rất trơn láng, hồng hào. Khi lớp áo phủ này tiếp xúc các tác nhân độc hại (thường gặp nhất là H. pylori) gây viêm mạn tính, dẫn đến lớp áo lót mỏng đi. Từ đó, gây bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày.

Viêm teo niêm mạc dạ dày là dạng viêm dạ dày mạn tính. Dị sản ruột hay chuyển sản ruột là tình trạng diễn tiến nặng hơn. Khi đó tế bào niêm mạc sẽ teo nặng, mất đi dần, không đủ khả năng tiết acid, môi trường pH dạ dày tăng lên, các tế bào niêm mạc dạ dày sẽ biến đổi thành dạng giống các tế bào niêm mạc trong ruột.

Chuyển sản ruột thường là giai đoạn sau của viêm teo niêm mạc dạ dày, xuất hiện trên nền dạ dày viêm teo nặng. Về lâu dài, các tế bào này sẽ biến đổi loạn sản thành tổn thương tiền ung.3 4

Các mức độ của viêm teo niêm mạc dạ dày

Để đánh giá mức độ viêm teo niêm mạc, trong quá trình nội soi, các bác sĩ thường đánh giá mức độ viêm teo dựa trên phân loại Kimura – Takemoto. Phân loại đánh giá dựa trên ranh giới giữa phần niêm mạc dạ dày không teo và phần dạ dày có teo niêm mạc.1 5

Trên nội soi có thể nhận ra bờ teo niêm mạc nhờ sự khác biệt về màu sắc và độ cao của niêm mạc giữa hai vùng: niêm mạc vùng teo nhạt màu và thấy được mạng mao mạch nằm phía bên dưới; niêm mạc vùng không teo có màu đỏ đồng nhất và trơn láng.1 5

Hình ảnh bờ teo niêm mạc dạ dày ở bờ cong lớn (A) và bờ cong nhỏ dạ dày (B)
Hình ảnh bờ teo niêm mạc dạ dày ở bờ cong lớn (A) và bờ cong nhỏ dạ dày (B)

Hệ thống Kimura gồm hai dạng chính là dạng đóng (kí hiệu C) và dạng mở (kí hiệu O) bao gồm:1 5

  • C1: Bờ teo niêm mạc đi ngang góc bờ cong nhỏ. Dấu hiệu teo niêm mạc chỉ có ở vùng hang vị .
  • C2: Bắt đầu từ phía bờ cong lớn của hang vị, bờ teo niêm mạc dạ dày tiến đến phía mặt trước dạ dày và băng ngang qua phía bờ cong nhỏ tạo ra hình ảnh khép kín gần như đối xứng. Các dấu hiệu teo niêm mạc xuất hiện theo hình parabol phía trên góc bờ cong nhỏ nhưng chưa vượt qua ½ dưới thân vị.
  • C3: Bờ teo niêm mạc nằm trên bờ cong nhỏ tương tự như ở C2 nhưng đã qua ½ dưới của thân vị.
  • O1: Bờ teo niêm mạc nằm giữa bờ cong nhỏ và thành trước dạ dày, song song với trục dọc của dạ dày trên bờ cong nhỏ.
  • O2: Bờ teo niêm mạc nằm ở giữa thành trước dạ dày .
  • O3: Bờ teo nằm giữa thành trước và bờ cong lớn.

Đánh giá mức độ teo niêm mạc dạ dày theo phân loại Kimura bao gồm: mức độ nhẹ (C1,C2), trung bình (C3,O1) và nặng (O2,O3).

Vị trí bờ teo niêm mạc theo phân loại Kimura
Vị trí bờ teo niêm mạc theo phân loại Kimura

Đa số trường hợp viêm teo niêm mạc nội soi theo phân loại Kimura ở bệnh nhân Việt Nam thường ở mức độ nhẹ. Các trường hợp trung bình và nặng chiếm 15,8%, có liên quan thuận với tuổi, tình trạng nhiễm H. pylori và thường đi kèm viêm dạ dày trợt phẳng.5

Viêm teo niêm mạc dạ dày có nguy hiểm không?

Bệnh lý viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột là các giai đoạn tiếp nối trong quá trình biến đổi của tổn thương tiền ung và UTDD. Quá trình này có mối liên hệ khá mật thiết với nhiễm H. pylori.

Quá trình diễn tiến từ niêm mạc dạ dày bình thường, sau khi tiếp xúc tác nhân gây viêm teo cần 15 – 20 năm để biến chuyển thành UTDD. Quá trình bao gồm nhiều giai đoạn trung gian nối tiếp nhau bao gồm: viêm dạ dày mạn, viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột (hay còn gọi là chuyển sản ruột), tổn thương loạn sản (hay còn gọi là nghịch sản) và cuối cùng là ung thư dạ dày.3 6

Mỗi giai đoạn trên lại có những mức độ thay đổi cấu trúc khác nhau, và có các mức độ nguy cơ diễn tiến thành UTDD rất khác biệt. Tuy nhiên, tiến trình này từ khi nhiễm H. pylori đến UTDD diễn tiến chậm qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn trung gian với sự biến đổi của tế bào niêm mạc dạ dày trước khi thực sự trở thành ung thư.3 7

Sau đây là diễn tiến của tổn thương tiền ung đến ung thư dạ dày liên quan đến H. pylori.3 6

Thời gian tiến triển từ 15 – 20 năm
Niêm mạc dạ dày bình thường ⇒ Viêm dạ dày mạn ⇒ Viêm teo niêm mạc dạ dày ⇒ Chuyển sản ruột ⇒ Loạn sản ⇒ Ung thư biểu mô

Tình trạng tồn tại các tổn thương tiền ung này khá phổ biến, đặc biệt ở các nước Đông Á, nhưng chỉ có một tỉ lệ nhỏ nhất định diễn tiến thành UTDD thực sự. Tại Việt Nam, các nghiên cứu trên bệnh nhân viêm dạ dày mạn cho thấy tỷ lệ teo niêm mạc dạ dày chiếm đến 68 – 88%, chuyển sản ruột khoảng 12 – 29% và nghịch sản khoảng 3 – 11%. Tỉ lệ hình thành UTDD hằng năm ở người có teo niêm mạc dạ dày chỉ khoảng 0,1%, chuyển sản ruột 0,25%, nghịch sản nhẹ 0,6% và nghịch sản nặng 6%.7

Với tỉ lệ trên, nói cách khác, sau 40 năm theo dõi, cứ 100 người chỉ có 10 người trở thành UTDD. Tuy nhiên, nhận diện sớm các đối tượng nguy cơ giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn với các kĩ thuật nội soi mới với nguy cơ rủi ro, tai biến thấp hơn; người bệnh không cần phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Chính vì vậy, người bệnh với chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột nên tích cực lạc quan, không nên quá lo lắng và cần có thái độ nghiêm túc trong quá trình trao đổi về diễn tiến bệnh, theo dõi, chăm sóc sức khoẻ bản thân khi gặp thầy thuốc.7

Bên cạnh đó, sự tiến triển đến UTDD tuỳ theo dạng tổn thương, mức độ lan rộng, típ chuyển sản ruột và tiền căn gia đình có người mắc UTDD. Mức độ viêm teo niêm mạc dày càng rộng, chuyển sản ruột ở típ không hoàn toàn, kèm theo có tiền căn gia đình có người mắc UTDD thì nguy cơ diễn tiến của người bệnh sẽ nhiều hơn. Việc phát hiện và tuân thủ theo dõi sát sao các tổn thương trên có thể giúp chẩn đoán, và xử trí triệt để các tổn thương ung thư sớm trên nội soi.

Nguyên nhân gây ra viêm teo dạ dày

Yếu tố nguy cơ quan trọng khiến cơ địa dễ bị viêm teo dạ dày là do H. pylori. Đây là một trong những tình trạng nhiễm trùng phổ biến nhất thế giới, và thường gặp ở các nước đông dân, thu nhập thấp, đang phát triển.3 4

Mặt khác, viêm teo niêm mạc dạ dày tự miễn khá hiếm gặp; nhưng những người gốc Bắc Âu, hoặc người Mỹ gốc Phi, hay người bị viêm giáp tự miễn, đái tháo đường type 1 có nguy cao cao mắc phải tình trạng này.4

Ảnh hưởng của vi khuẩn Helicobacter pylori đến niêm mạc dạ dày
Ảnh hưởng của vi khuẩn Helicobacter pylori đến niêm mạc dạ dày

H. pylori là nguyên nhân hàng đầu của viêm teo niêm mạc dạ dày hay viêm dạ dày mạn teo. H. pylori cư trú và phát triển trong dạ dày. Nhiễm khuẩn thường có từ rất sớm lúc bé, phát triển suốt đời nếu người bệnh không được điều trị.

Vi khuẩn H. pylori gây tổn thương mạn tính niêm mạc dạ dày, ức chế tế bào niêm mạc tiết nhầy để bảo vệ. Sự tiếp xúc của niêm mạc với acid và dịch vị dần dần khiến các tế bào bị tổn thương, phá huỷ và biến mất.

Vi khuẩn H. pylori thường lây qua đường miệng – miệng, phân – miệng. Việc lây truyền từ người sang người (miệng – miệng) xuất phát từ thói quen nhai cơm cho mềm rồi đút cho bé, dùng chung đũa gắp thức ăn, uống rượu bia chung cốc, hôn nhau giữa vợ chồng. Trong khi đối với đường phân – miệng, H. pylori từ phân của người nhiễm bệnh dây bẩn vào thực phẩm sống (rau, quả), hay nước uống. Nếu người bệnh sử dụng thực phẩm trên nhưng vẫn chưa làm sạch kĩ thì rất dễ bị nhiễm bẩn.

Ở Việt Nam, tình trạng nhiễm vi khuẩn H. pylori khá phổ biến thậm từ khi còn rất trẻ. Quá trình nhiễm lâu dài sẽ làm cho tình trạng viêm của dạ dày trở thành mạn tính, rồi viêm teo, dị sản.

Đối với viêm teo niêm mạc dày tự miễn có thể kèm thiếu máuthiếu vitamin B12. Nguyên nhân là do người bệnh xuất hiện các tự kháng thể chống lại niêm mạc dạ dày, do chính cơ thể tạo ra, chống lại tế bào niêm mạc dạ dày có vai trò tiết acid. Đây được gọi là dạng viêm teo niêm mạc dày tự miễn.3 4 8

Cơ thể người bệnh sản xuất ra các tự kháng thể chống lại chính cơ thể họ, cụ thể hơn là niêm mạc dạ dày. Các kháng thể này bình thường là các protein chống lại nhiễm trùng, “vật lạ” khi xâm nhập cơ thể. Tự kháng thể trong viêm teo dạ dày tấn công nhầm các tế bào có chức năng bài tiết acid, hấp thu các vitamin đặc biệt là vitamin B12. Người bệnh khi thiếu hụt vitamin B12 sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, việc thiếu hụt vitamin B12 còn tác động lên hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, gây giảm tiểu cầu,…3 4 8

Triệu chứng viêm teo và chuyển sản ruột ở dạ dày

Các triệu chứng viêm teo niêm mạc dày, hay chuyển sản ruột thường không đặc hiệu, và thường nhầm lẫn với loét dạ dày. Một số trường bệnh nhân có những triệu chứng không đặc hiệu, khá tương đồng với khó tiêu chức năng, loét dạ dày – tá tràng. Đa phần thường không có triệu chứng, và chỉ được phát hiện tình cờ khi đi nội soi.3 4

Trong bệnh cảnh viêm dạ dày tự miễn, người bệnh có thể xanh xao, nhợt nhạt, giảm trí nhớ, tê yếu tay chân, chóng mặt, thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12.

Một số ít đến khi bệnh đã tiến triển nặng, xuất hiện tổn thương tiền ung thư hoặc UTDD làm người bệnh xuất hiện các triệu chứng báo động như: gầy, sụt cân nhanh không rõ lý do, nôn ra máu, tiêu phân đen, khối u vùng bụng.

Tuy nhiên, thực tế lâm sàng, người bệnh thường dễ chẩn đoán nhầm với các rối loạn bài tiết tiêu hoá trên khác (trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu chức năng, loét dạ dày – tá tràng,..) do các triệu chứng thường không đặc hiệu, và các bệnh này cũng có thể xuất hiện đồng thời trên bệnh nhân.3

Xét nghiệm nào giúp chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày?

Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng3 4 5 8

Hình ảnh nội soi gợi ý viêm teo niêm mạc dạ dày và chuyển sản ruột. Ngoài ra, việc nội soi giúp bác sĩ phát hiện sớm các tổn thương tiền ung đi kèm, chẩn đoán nhiễm H. pylori.

Nội soi với ánh sáng trắng thường quy có thể bỏ sót các tổn thương viêm teo niêm mạc và chuyển sản ruột ở giai đoạn sớm. Ngày nay, sự ra đời của nhiều phương tiện nội soi có hệ thống hình ảnh cải tiến hiện đại giúp phát hiện sớm và định vị chính xác vị trí tổn thương.

Theo khuyến cáo của European Society of Gastrointestinal Endoscopy – ESGE – Hiệp hội Nội soi Tiêu hóa châu Âu (2019), các phương tiện nội soi này nên được sử dụng trên các nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc viêm teo dạ dày, hoặc viêm teo niêm mạc nặng; đặc biệt nguy cơ mắc UTDD cần được theo dõi sát. Nội soi hình ảnh tăng cường đặc biệt giúp phát hiện sớm kịp thời các tổn thương ung thư sớm trên nền viêm teo niêm mạc, nhằm xử trí triệt để trên nội soi cho người bệnh.9

Giải phẫu bệnh

Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày và chuyển sản ruột. Việc sinh thiết giúp chẩn đoán xác định, mức độ lan rộng viêm teo niêm mạc dạ dày và típ bệnh học chuyển sản ruột.3 4 5 8

Ngoài ra, một số xét nghiệm có thể hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán:4

  • Nồng độ Pepsinogen (một loại protein có phân cắt thức ăn ở dạ dày): thường thấp.
  • Nồng độ Gastrin máu (hormone kích thích dạ dày bài tiết dịch vị và acid để tiêu hoá thức ăn): thường tăng cao.
  • Nồng độ vitamin B12 trong máu: thường giảm.
  • Xét nghiệm kháng thể tự miễn: có thể dương tính trong bệnh viêm teo dạ dày tự miễn.

Điều trị viêm teo niêm mạc dạ dày và chuyển sản ruột

Vì đa phần viêm teo niêm mạc dày và chuyển sản ruột có mối liên hệ mật thiết với nhiễm H. pylori. Nên việc điều trị H. pylori là điều trị nền tảng; đặc biệt khi tổn thương viêm teo niêm mạc còn nhẹ (tổn thương khu trú, chưa lan rộng), chưa lan rộng và chưa xuất hiện chuyển sản ruột.1 2 Tuy nhiên, cần lưu ý là tỉ lệ tái nhiễm ở Việt Nam khá cao. Trong khi đó ở các nước phát triển, tỉ lệ tái nhiễm là rất thấp.10

Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn phòng ngừa tái nhiễm của bác sĩ khi điều trị tiệt trừ vi khuẩn này. Ngoài ra, người bệnh có thể được kê đơn với một số thuốc ức chế tiết acid, thuốc kích thích lành niêm mạc.3 4

Trong trường hợp viêm teo dạ dày tự miễn, nếu bệnh nhân có thiếu máu cần bổ sung vitamin B12 truyền tĩnh mạch. Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học và lành mạnh bao gồm:3 4 8

  • Hạn chế đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, rượu bia, thức uống cồn;
  • Ăn nhiều hoa quả, rau xanh để bổ sung khoáng chất, chất xơ;
  • Tập luyện thể thao đều đặn để tăng khả năng sức đề kháng cho cơ thể;
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, hạn chế làm việc quá sức.

Người bệnh sẽ được tư vấn về nội soi kiểm tra định kì sau đó. Nội soi định kỳ có thể giúp phát hiện sớm tổn thương loạn sản, ung thư sớm để xử trí triệt để.  Thời gian nội soi kiểm tra lại có thể sau 6 tháng, 1 năm hoặc 3 năm tuỳ mức độ viêm teo, chuyển sản ruột.3

Cách phòng ngừa viêm teo, chuyển sản ruột dạ dày

Vì bệnh có mối liên quan rất chặt chẽ với vi khuẩn H. pylori, nên việc ngăn ngừa nhiễm H. pylori cũng như tái nhiễm sau khi điều trị tiệt trừ thành công rất quan trọng.

Người Việt có thói quen ăn uống chung như dùng chung bát nước chấm, lấy thức ăn bằng đũa đang ăn, uống bia hoặc rượu chung cốc. Điều này làm tăng khả năng tái nhiễm trong gia đình và khiến việc điều trị thành công rất khó khăn.

Do vậy, để phòng tránh nhiễm khuẩn H. pylori, bạn có thể áp dụng các biện pháp vệ sinh trong ăn uống, không nhá cơm cho trẻ ăn, rửa tay trước khi ăn, ăn chín uống sôi, vệ sinh nguồn nước, giáo dục trẻ em về các biện pháp phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần hạn chế uống rượu bia, ăn mặn và ăn cay để phòng tránh viêm dạ dày mạn tính.

Ngoài ra, mọi người cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học để hỗ trợ việc điều trị bệnh được hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tái phát. Luôn giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, hạn chế làm việc quá sức…4 6

Trên đây là những thông tin về tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về tình trạng này. Từ đó có những biện pháp bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, cũng như cách xử trí phù hợp khi mắc bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Mối liên quan giữa teo niêm mạc dạ dày nội soi theo phân loại Kimura - Takemoto với các tổn thương tiền ung thư trong bệnh viêm dạ dày mạn, 2011http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFfqzMXVbS2011.1.15

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  2. Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countrieshttps://acsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.3322/caac.21660

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  3. Atrophic Gastritishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK563275/?report=classic

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  4. Atrophic Gastritis: Causes, Symptoms, & Treatmenthttps://www.healthline.com/health/atrophic-gastritis

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  5. Assessment of Endoscopic Gastric Atrophy according to the Kimura-Takemoto Classification and Its Potential Application in Daily Practicehttps://www.e-ce.org/journal/view.php?doi=10.5946/ce.2019.072

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  6. Viêm teo, dị sản ruột ở dạ dày: “Kẻ” trung gian dẫn đến ung thư dạ dàyhttps://suckhoedoisong.vn/viem-teo-di-san-ruot-o-da-day-ke-trung-gian-dan-den-ung-thu-da-day-169126598.htm

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  7. Tổn thương tiền ung thư dạ dày có là án tử?https://tuoitre.vn/ton-thuong-tien-ung-thu-da-day-co-la-an-tu-20190311211449725.htm

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  8. Autoimmune Metaplastic Atrophic Gastritishttps://www.msdmanuals.com/professional/gastrointestinal-disorders/gastritis-and-peptic-ulcer-disease/autoimmune-metaplastic-atrophic-gastritis

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  9. Management of epithelial precancerous conditions and lesions in the stomach (MAPS II): European Society of Gastrointestinal Endoscopy (ESGE), European Helicobacter and Microbiota Study Group (EHMSG), European Society of Pathology (ESP), and Sociedade Portuguesa de Endoscopia Digestiva (SPED) guideline update 2019https://www.thieme-connect.de/products/ejournals/html/10.1055/a-0859-1883

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

  10. Systematic review with meta-analysis: the global recurrence rate of Helicobacter pylorihttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/apt.14319

    Ngày tham khảo: 24/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người