YouMed

Trễ kinh nguyệt nên ăn gì và lời khuyên từ chuyên gia

bác sĩ trần thế minh
Tác giả: BS.CKI Trần Thế Minh
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Bị trễ kinh là một trong những vấn đề rất thường gặp ở các chị em phụ nữ. Đặc biệt, đối với những bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều thì tình trạng trễ kinh là một chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý chế độ dinh dưỡng khi trễ kinh để điều hòa kinh nguyệt ổn định. Chính vì vậy, qua bài viết sau đây, Bác sĩ Trần Thế Minh sẽ chia sẻ cụ thể để chị em rõ hơn về việc trễ kinh nguyệt nên ăn gì.

Thế nào là bị trễ kinh nguyệt?

Các chuyên gia y tế cho biết rằng chu kỳ kinh nguyệt bình thường của nữ giới là từ 28 đến 32 ngày. Ngày hành kinh có thể đến sớm hoặc muộn hơn từ 3 đến 5 ngày và đây là một điều bình thường.

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường - bị trễ kinh
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường của chị em phụ nữ

Tuy nhiên, nếu hiện tượng trễ kinh nếu diễn ra thường xuyên thì đó là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe sinh dục của chị em đang gặp một số vấn đề bất thường. Vì vậy, cần xác định rõ nguyên nhân và biết cách khắc phục kịp thời.

Những trường hợp bị trễ kinh nguyên nhân có thể kể đến là do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không hợp lý. Nếu nguyên nhân là do tình trạng căng thẳng, stress thường xuyên thì có thể điều chỉnh dễ dàng bằng cách thay đổi những thói quen không tốt. Tuy nhiên, nếu trễ kinh do bệnh lý thì nhất định phải cần đến sự can thiệp y tế.

Những nguyên nhân bị trễ kinh thường gặp

Trước khi tìm hiểu khi trễ kinh nguyệt nên ăn gì, chị em hãy cùng YouMed điểm qua những nguyên nhân gây trễ kinh nguyệt. 

Mang thai

Nguyên nhân rất phổ biến của tình trạng bị trễ kinh đó chính là mang thai. Khi mang thai thì chị em sẽ không xảy ra hành kinh khi đến chu kỳ. Nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn là do đã chủ quan vì áp dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, vì một số lý do nhất định cũng có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn như:

  • Tính sai ngày rụng trứng để quan hệ tình dục.
  • Bao cao su không đảm bảo chất lượng.
  • Xuất tinh ngoài không đảm bảo.
  • Uống thuốc ngừa thai không theo hướng dẫn.
  • Sử dụng các dụng cụ tránh thai đã quá hạn

Lúc này, tốt nhất là chị em nên dùng que thử thai kết hợp với siêu âm bụng để xác định mình có mang thai hay không.

Mang thai ngoài ý muốn
Mang thai ngoài ý muốn, một trong những nguyên nhân gây trễ kinh nguyệt

Tình trạng căng thẳng tâm lý, stress thường xuyên

Căng thẳng tâm lý không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh mà còn ảnh hưởng lên sự tiết hormon sinh dục, do hormon sinh dục giảm tiết dẫn đến ức chế rụng trứng. Vì vậy, chu kỳ kinh nguyệt sẽ bị ảnh hưởng mà điển hình nhất là trễ kinh.

Stress thường xuyên ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt

Các bác sĩ khuyên chị em nên giữ tâm lý mình luôn ở trạng thái ổn định. Đồng thời hạn chế tình trạng căng thẳng, stress. Tận hưởng cuộc sống vui vẻ, lạc quan sẽ giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ổn định.

>> Stress sẽ chẳng còn nữa nhờ vào top 10 loại thực phẩm giảm stress hiệu quả mà bạn cần phải biết

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai

Bên cạnh công dụng ngừa thai, thuốc tránh thai cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác như buồn nôn, mệt mỏi, đau bụng dưới và trễ kinh.

Nguyên nhân của hiện tượng trễ kinh do thuốc tránh thai đã được các bác sĩ lý giải. Đó là vì trong thành phần của thuốc tránh thai có chứa Estrogen và Progesterone. Các hoạt chất này gây ức chế, ngăn cản quá trình rụng trứng, từ đó gây nên tình trạng chậm kinh.

Trọng lượng cơ thể thấp

Phụ nữ bị rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn tâm thần hoặc chứng cuồng ăn, có thể dẫn đến bị trễ kinh. Điều trị rối loạn ăn uống và tăng cân một cách lành mạnh có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định.

Béo phì

Tương tự như trường hợp trọng lượng cơ thể thấp có thể gây ra thay đổi hormon sinh dục. Vì vậy, thừa cân béo phì cũng có thể làm bạn bị chậm kinh.

Béo phì ở nữ giới
Béo phì ở nữ giới cũng khiến bạn bị trễ kinh

Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng khiến cơ thể phụ nữ sản xuất nhiều hormon nam androgen. Các u nang hình thành tại buồng trứng là kết quả của sự mất cân bằng hormone này. Điều này có thể làm cho tình trạng rụng trứng không đều hoặc ngừng hoàn toàn.

Bệnh mạn tính

Các bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc bệnh thận mạn cũng có thể làm cho chị em bị chậm kinh. Sự không ổn định đường huyết và suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến giảm nội tiết tố nữ. Đây là nguyên nhân chính khiến cho chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường cũng có thể làm cho chị em bị chậm kinh

Tiền mãn kinh sớm

Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi từ 45 đến 55 tuổi. Phụ nữ xuất hiện các triệu chứng mãn kinh ở độ tuổi từ 40 trở về trước được xem là mãn kinh sớm. Điều này có nghĩa là buồng trứng của cơ thể suy giảm dần chức năng và kết quả là sẽ chậm kinh và từ từ tắt kinh.

>> Những điều cần biết về giai đoạn Tiền mãn kinh sẽ giúp chị em phụ nữ chủ động hơn trong việc hạn chế ảnh hưởng của tình trạng này.

Các vấn đề về tuyến giáp

Một tuyến giáp hoạt động quá mạnh hoặc quá yếu cũng có thể là nguyên nhân bị trễ kinh. Tuyến giáp điều chỉnh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Vì vậy, nồng độ hormone nữ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hormon tuyến giáp.

Bệnh tuyến giáp
Bệnh tuyến giáp gây ảnh hưởng đến nồng độ hormon nữ

Mắc các bệnh phụ khoa

Nữ giới mắc các bệnh ở vùng kín, bệnh phụ khoa có thể bị trễ kinh. Chẳng hạn như viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm buồng trứng, viêm tử cung,…

Tác dụng phụ của một số thuốc kháng sinh

Một số loại thuốc kháng sinh cũng có thể là nguyên nhân làm cho chị em bị chậm kinh. Để hạn chế tình trạng này, chị em nên hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc giữa việc uống kháng sinh điều trị tình trạng viêm nhiễm, hoặc ngưng uống để điều hòa kinh nguyệt. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu các bác sĩ đổi nhóm kháng sinh để hạn chế tình trạng trễ kinh.

Khi bị trễ kinh phải làm sao?

Như bài viết đã trình bày, trễ kinh ở chị em phụ nữ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và sẽ có hướng xử trí riêng biệt. Tuy nhiên, tốt nhất là chị em nên đi khám tại chuyên khoa Sản phụ khoa để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Nếu trễ kinh do đã có thai thì việc tất yếu chị em nên làm là giữ sức khỏe và dưỡng thai cho thật tốt. Bên cạnh đó, chị em nên khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên, các bạn nên hiểu rằng dù trễ kinh là do có thai hay không thì chế độ dinh dưỡng vẫn nên được ưu tiên hàng đầu. Dinh dưỡng tốt và khoa học không những giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt mà còn giúp tăng cường sức khỏe.

Bị trễ kinh nguyệt nên ăn gì?

Thực phẩm giàu vitamin C

Những loại thực phẩm giàu Vitamin C không những giúp chị em tăng cường sức đề kháng mà còn giúp vững bền thành mạch. Đồng thời, Vitamin C giúp các bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và giảm bớt mệt mỏi.

Một số thực phẩm giàu vitamin C như:

  • Trái cây có múi: Cam, quýt, bưởi.
  • Những quả có vị ngọt: Dưa hấu, đu đủ, cherry, việt quất,…
  • Rau có màu xanh đậm: cải xanh, súp lơ, bù ngót,…

Tăng cường vitamin E cho cơ thể

Trễ kinh nguyệt nên ăn gì? Đừng quên bổ sung Vitamin E nhé. Vitamin E giúp điều hòa các hormone sinh dục, giữ vai trò chính cho hoạt động của chu kỳ kinh nguyệt. Những thực phẩm giàu vitamin E như nha đam, kiwi, bơ, xoài,… Các bạn có thể lựa chọn các thực phẩm này để hạn chế tình trạng bị trễ kinh lặp đi lặp lại. Ngoài ra, vitamin E còn giúp đẹp da, phòng chống lão hóa, giúp chị em kéo dài thời thanh xuân.

Thực phẩm giàu vitamin E
Các loại thực phẩm giàu vitamin E tốt cho người bị chậm kinh

Bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa và các sản phẩm từ sữa rất tốt cho sức khỏe của phụ nữ. Sữa cung cấp chất đạm, đường, béo với tỷ lệ rất lý tưởng. Uống sữa giúp tăng cường sức đề kháng, bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể, phòng bệnh loãng xương. Một số sản phẩm từ sữa điển hình như: sữa tươi, sữa chua, phô mai, sữa đặc có đường,…

trễ kinh nguyệt nên ăn gì, sữa
Các sản phẩm từ sữa rất tốt cho sức khoẻ của phụ nữ

>>> Xem thêm: Đến tháng nên ăn gì và lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng

Thực phẩm giàu sắt

Chế độ ăn uống của phụ nữ nói chung rất dễ thiếu sắt, đặc biệt là những người ăn kiêng, ăn chay. Vì vậy, việc bổ sung những thực phẩm giàu sắt sẽ giúp phòng bệnh thiếu máu. Ngoài ra còn giúp cơ thể khỏe mạnh, máu huyết lưu thông tốt, chu kỳ kinh nguyệt được ổn định.

trễ kinh nguyệt nên ăn gì thực phẩm giàu sắt
Thực phẩm giàu chất sắt giúp điều hoa kinh nguyệt rất tốt

Một số thực phẩm giàu sắt điển hình như:

Thực phẩm giàu vitamin A

Những thực phẩm giàu vitamin A giúp ổn định lưu thông tuần hoàn máu. Đồng thời điều hòa nội tiết tố nữ, giúp chu kỳ kinh nguyệt được ổn định. Những thực phẩm giàu vitamin A bao gồm:

  • Cà chua.
  • Cà rốt
  • Ớt chuông.
  • Bí ngô.
  • Gan động vật.
  • Dầu gan cá.
  • Khoai lang.
  • Rau lá xanh.
Thực phẩm giàu vitamin A
Bị trễ kinh nguyệt nên ăn gì? Thực phẩm hiauf Vitamin A nhé

Quả dứa

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, quả dứa rất giàu Bromelain. Đây là một loại enzym có vai trò điều hòa hormon estrogen. Từ đó giúp chu kỳ kinh nguyệt được ổn định. Ngoài ra enzym Bromelain còn giúp giảm hiện tượng viêm và cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt do viêm.

trễ kinh nguyệt nên ăn gì quả dứa
Bị trễ kinh nguyệt nên ăn gì? Đừng bỏ qua quả dứa

Bột nghệ

Không chỉ cần tìm hiểu khi bị trễ kinh nguyệt nên ăn gì; bạn cũng cần tìm hiểu các loại thức uống. Để kích thích hoạt động của chu kỳ kinh nguyệt, chị em có thể sử dụng bột nghệ. Bạn hãy pha 1 một thìa cà phê bột nghệ với nước nóng, sau đó để nguội và uống. Phương pháp này sẽ giúp ngày hành kinh đến đúng lịch, thậm chí có thể đến sớm vài ngày.

Bột nghệ
Bột nghệ có tác dụng kích thích hoạt động của chu kỳ kinh nguyệt

Gừng

Gừng là một loại thực vật có tính ấm. Nó chứa các thành phần kích thích sự tuần hoàn máu đến tử cung như: Zingiberen, Gingerol và Shogaol. Nhờ vậy, gừng giúp điều hòa kinh nguyệt, điều trị tình trạng bị trễ kinh. Ngoài ra còn giúp điều trị đau bụng kinh rất hiệu quả.

Trà gừng
Trà gừng kích thích tuần hoàn máu

Bạn có thể sử dụng gừng bằng nhiều cách chế biến khác nhau như: trà gừng, chế biến các món như: mứt gừng, vịt kho gừng, thịt ba chỉ kho gừng, chè nếp gừng. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu đã bổ sung các thực phẩm trễ kinh nguyệt nên ăn gì; nhưng vẫn chưa có kinh, bạn nên đến thăm khám tại bệnh viện. Bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân trễ hoặc thiếu mất chu kỳ kinh của bạn và thảo luận về các lựa chọn điều trị của bạn. Vì vậy, chị em nên chú ý và ghi chép lại những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt để hỗ trợ cho bác sĩ chẩn đoán được tốt nhất.

Khám tại bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa
Khám tại bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa

Nếu bạn có các triệu chứng sau, hãy liên hệ với bác sĩ ngay:

  • Chảy máu nặng bất thường;
  • Sốt cao trên 38,5 độ C;
  • Đau bụng dữ dội;
  • Buồn nôn và ói mửa liên tục;
  • Chảy máu kéo dài hơn 7 ngày;
  • Chảy máu sau khi bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh và không có kinh nguyệt trong một năm.

>> Theo dõi chu kì kinh nguyệt giúp bạn nhận biết sớm những vấn đề về sức khoẻ

Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, các chị em phụ nữ sẽ hiểu được tình trạng bị trễ kinh, từ đó sẽ có hướng xử trí phù hợp. Qua bài viết này, hi vọng các chị em sẽ nắm được những loại thực phẩm cần bổ sung để giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định hơn cũng như nắm được trễ kinh nguyệt nên ăn gì.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Why Is My Period Late: 8 Possible Reasonshttps://www.healthline.com/health/womens-health/why-is-my-period-late

    Ngày tham khảo: 24/07/2020

  2. 8 Science-Backed Home Remedies for Irregular Periodshttps://www.healthline.com/health/womens-health/irregular-periods-home-remedies

    Ngày tham khảo: 24/07/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người