Các cách trị đau mắt đỏ dân gian có thật sự an toàn và hiệu quả? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Đau mắt đỏ là vấn đề thường gặp trong bệnh lý về mắt. Đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân gây bệnh. Trong một số trường hợp có thể lây lan thành dịch bệnh. Đau mắt đỏ khiến người bệnh khó chịu trong sinh hoạt. Do đó, nhiều người đang truyền tai nhau nhiều cách trị đau mắt đỏ dân gian. Vậy thực hư hiệu quả như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh.
Một số thông tin cơ bản về bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
Kết mạc là lớp ngoài cùng của mắt, tiếp xúc thường xuyên với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị lây nhiễm bệnh. Viêm kết mạc mắt là một bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa và là nguyên nhân phổ biến gây đỏ mắt. Viêm kết mạc nhiễm trùng có khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch bệnh.
Nguyên nhân gây viêm kết mạc thường gặp là do siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm và dị ứng:1
- 80% các trường hợp viêm kết mạc cấp là do virus, phổ biến nhất là Adenovirus, Herpes simplex, Herpes zoster, Enterovirus, …
- Viêm kết mạc mắt do vi trùng thường gặp ở nhóm vi khuẩn tụ cầu là Staphylococcus epidermidis và Staphylococcus aureus. Ngoài ra, còn có một số vi khuẩn khác. Trong đó, N.gonorrhoeae là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm kết mạc do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh.
- Các chất gây dị ứng, chất độc và chất kích ứng tại chỗ là nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc dị ứng.
Dấu hiệu của đau mắt đỏ:1
- Biểu hiện thường gặp nhất của viêm kết mạc là đỏ mắt, đau mắt, nhưng không giảm thị lực.
- Trong trường hợp có biến chứng lan đến viêm giác mạc thì người bệnh mới đau nhức nhẹ, cộm xốn nhiều như có bụi, dị vật trong mắt và có kèm theo mờ mắt.
- Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà chất dịch tiết sẽ khác nhau. Thường gặp nhất là chất dịch tiết dạng nước trong, nặng hơn có thể gặp chất tiết mủ nhầy, mủ vàng, và giả mạc.
- Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác ở kết mạc như: Phù, sung huyết kết mạc, xuất huyết dưới kết mạc,…
Quan niệm của Y học cổ truyền về đau mắt đỏ
- Nhãn khoa của Y học cổ truyền đã ghi chép từ đời Tống và đặt thành một chuyên khoa. Về sau trên cơ sở ấy các chuyên gia nghiên cứu và bổ sung thêm.
- Y học cổ truyền gọi tên các biểu hiện triệu chứng trong đau mắt đỏ là hồng nhân, hỏa nhân, phong hỏa nhiệt nhãn, phong huyền xích lạn. Nếu lây lan thành dịch gọi là Bạo phong khách nhiệt.2
- Các biểu hiện của viêm kết mạc phần nhiều thuộc về thực nhiệt (đỏ mắt, chất tiết mủ, sung huyết, xuất huyết), thấp (nếu có phù kết mạc). Kết hợp với phong tà từ bên ngoài làm cho mắt đỏ, chảy nước mắt, nhiều ghèn, nặng thì đau ngứa nhặm.2
Các cách trị đau mắt đỏ dân gian có an toàn và hiệu quả?
Theo Tuệ Tĩnh toàn tập, nguyên nhân từ bên trong cơ thể hay bên ngoài đều có thể gây ra bệnh ở mắt. Mặc dù bệnh nhiều chứng, phép chữa nhiều đường, nhưng tổng quát không nằm ngoài chữa “Nhiệt”.3
Một số bài thuốc trong Y học cổ truyền
1. Viêm kết mạc cấp tính4
Đau mắt đỏ mới mắc phải thì dùng pháp điều trị Thanh nhiệt ở Phế, Vị, Can, Khu phong tà.
- Bài thuốc 1: Kim ngân hoa 16g, Chi tử 12g, Hoàng đằng 8g, Chút chít 2g, Kinh giới 12g, Bạc hà 6g, Lá dâu 16g, Cúc hoa 12g.
- Bài thuốc 2: Kim ngân hoa 12g, Liên kiều 12g, Chi tử 8g, Hoàng cầm 12g, Bạc hà 6g, Ngưu bàng tử 12g, Cát cánh 6g.
Tất cả các vị dùng làm thuốc thang để sắc uống, ngày 01 thang, chia hai lần.
2. Viêm kết mạc dị ứng theo mùa4
Đau mắt đỏ xảy ra khi đến mùa xuân hoặc lúc giao mùa thì dùng pháp điều trị Khu phong thanh nhiệt lợi thấp.
Bài thuốc: Phòng phong 12g, Bạc hà 8g, Kinh giới 12g, Cúc hoa 8g, Lá dâu 16g, Hoàng đằng 12g, Nhân trần 12g, Xa tiền 12g, Mạn kinh tử 12g.
Tất cả các vị đều làm thuốc thang để sắc uống, ngày 01 thang, chia hai lần.
Thực hư một số bài thuốc dân gian chữa đau mắt đỏ
Hiện nay, có rất nhiều cách trị đau mắt đỏ theo dân gian được truyền tai và người bệnh đau mắt đỏ thường quan tâm, áp dụng. Vậy, những phương pháp này có thật sự hiệu quả và an toàn hay không? Dưới đây là một số dược liệu thường được cho là có khả năng điều trị đau mắt đỏ. Hãy cùng nhận biết loại nào thực sự có tác dụng hỗ trợ bệnh đau mắt đỏ nhé!
1. Rau diếp cá
Rau diếp cá có vị chua hơi cay, mùi tanh nhẹ của cá. Rau diếp cá tính mát hơi có độc. Rau có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng sát trùng. Diếp cá được dùng trị táo bón, trĩ, mụn nhọt, lở ngứa, trẻ em mắc sởi, đau mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn, viêm ruột,…5
Trong trường hợp bị đau mắt đỏ dùng 20 – 40 gam lá tươi, giã nhỏ sau đó ép thuốc giữa hai miếng giấy lọc sạch. Người bệnh nằm hoặc ngồi ngửa đầu, nhắm mắt rồi đắp miếng giấy thuốc lên.
2. Cây sống đời
Cây sống đời có vị ngọt nhạt, hơi nhớt, vị hơi chua, tính mát, có tác dụng cầm máu, tiêu viêm, giảm đau. Lá dùng để chữa bỏng, vết thương, đau mắt đỏ, lở ngứa, chảy máu, ngộ độc, viêm loét dạ dày, trĩ, làm dịu da,… Ngày dùng 20 – 40 gam lá tươi, nấu thành nước uống, hoặc đắp ngoài da. Nếu dùng để chườm đắp ngoài thì cách làm giống như rau diếp cá.6
3. Lá trầu không
Lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm, tính ấm. Trầu không quy kinh Phế, Tỳ, Vị. Cây có tác dụng trừ phong thấp, trừ hàn lạnh, tiêu đờm, tiêu viêm, tính sát trùng diệt khuẩn.7
Lá trầu thường được dùng để nấu nước hoặc giã nát dùng ngoài da. Tác dụng để đánh gió trừ cảm mạo, băng bó bong gân,… Các chế phẩm dược từ trầu không làm nước tắm, nước súc miệng, trị đau bụng kinh,…7
Về công dụng khi dùng lá trầu không chữa đau mắt đỏ thì hiện tại chưa ghi nhận. Do đó, không khuyến cáo người bệnh đau mắt đỏ sử dụng phương pháp này.
4. Nha đam
Nha đam hay tên khác là lô hội. Cây có vị đắng tính hàn quy vào 4 kinh Can, Tỳ, Vị, Đại tràng. Nha đam có tác dụng thanh nhiệt, làm mát gan, thông đại tiện, nhuận tràng tẩy xổ. Gel từ nha đam ghi nhận làm dịu vết thương, viêm da nhẹ, bỏng nhẹ, giúp khỏi nhanh và không để lại sẹo.8
Hiện chưa tìm thấy tài liệu cho thấy nha đam có thể giúp chữa đau mắt đỏ.
5. Rau răm
Rau răm có vị cay nồng, mùi thơm tính ấm. Rau răm có tác dụng trừ tán hàn, ích trí não, sáng mắt, tiêu thực, sát trùng. Ăn sống có thể ấm bụng, mạnh tay chân, sáng mắt. Ăn nhiều có thể sinh nóng rét, thương tổn đến tủy, làm giảm tinh khí, giảm tình dục. Phụ nữ hành kinh nếu dùng rau răm có thể rong huyết. Rau răm dùng ngoài da chữa hắc lào, sâu quảng, rắn cắn,…9
Tuy nhiên, hiện chưa tìm thấy tài liệu cho thấy rau răm có thể giúp chữa đau mắt đỏ. Ngoài ra, theo lý luận y học cổ truyền, bệnh đau mắt đỏ thuộc phạm vi Nhiệt. Tính vị của rau răm cay nồng ấm như đã kể trên thì không phù hợp sử dụng trong đau mắt đỏ.
6. Rau mùi
Rau mùi ở nước ta là loại rau gia vị, gồm rau mùi tàu (ngò tàu), rau mùi tây (ngò tây).
Rau mùi tàu có tác dụng chữa tiêu hóa kém, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, viêm ruột. Trong khi đó, rau mùi tây cũng giúp khai vị, dễ tiêu hóa thức ăn, lợi tiểu, giải độc. Tóm lại, hai loại rau gia vị này giúp cơ thể bạn tiêu hóa thức ăn tốt hơn.10 Về việc chữa đau mắt đỏ thì hiện tại chưa ghi nhận.
7. Rau thìa là
Thìa là có vị cay tính ấm. Loại rau gia vị này có lượng tinh dầu nhất định. Nhờ đó có tác dụng ấm Tỳ Vị, giải độc thức ăn, lợi tiêu hóa, chữa nôn đờm đầy trệ bụng.11
Về tác dụng điều trị đau mắt đỏ của thìa là vẫn chưa được ghi nhận.
8. Khoai tây
Khoai tây có vị ngọt tính bình, có tác dụng chính là bổ khí kiện Tỳ, tiêu viêm. Củ khoai tây có tác dụng chữa khó tiêu, đau bụng, viêm loét dạ dày, viêm tuyến nước bọt, say nắng, sốt, bệnh chàm (eczema),…12 Hiện chưa tìm thấy tài liệu cho thấy khoai tây có thể giúp chữa đau mắt đỏ.
9. Mật ong kết hợp với sữa
Mật ong có vị ngọt tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, dễ tiêu, kháng khuẩn, se lành vết thương, làm tá dược trong nhiều loại thuốc.13
Sữa bò có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa. Sữa bò và mật ong có thể kết hợp với lá hành nấu chín để chữa táo bón kinh niên.14
Hiện chưa tìm thấy tài liệu cho thấy sự kết hợp này có thể giúp chữa đau mắt đỏ.
Những lưu ý khi trị đau mắt đỏ bằng phương pháp dân gian
- Mắt là cơ quan quan trọng trong cơ thể. Mắt rất nhạy cảm với những tác động từ bên ngoài. Các thuốc điều trị cho vùng mắt bắt buộc phải đạt chuẩn tinh khiết, sạch theo tiêu chí của Bộ Y tế. Do đó, việc dùng các phương pháp dân gian đắp, xông rửa mắt không được khuyến cáo tự ý sử dụng tại nhà.
- Đau mắt đỏ viêm kết mạc do virus và vi khuẩn có thể lây lan nhanh khi tiếp xúc trực tiếp. Do đó, ý thức của người bệnh là rất quan trọng để ngăn ngừa lây truyền bệnh.
- Bạn đọc cần hiểu tầm quan trọng của việc vệ sinh tay cho người bệnh, gia đình và bạn bè.
- Bệnh nhân cần được hướng dẫn tránh chạm vào mắt, không dùng chung đồ dùng cá nhân như mỹ phẩm, khăn tắm. Đồng thời tránh đến bể bơi khi đang bị nhiễm bệnh.
Một số trường hợp cần gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt
Đau mắt đỏ thường giảm triệu chứng sau một vài ngày sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chuyển biến nặng, bạn cần đến các bác sĩ chuyên khoa Mắt để được thăm khám, xét nghiệm chuyên sâu hơn:1
- Bất kỳ bệnh nhân đau mắt đỏ có kèm: giảm thị lực, dính vào giác mạc, chảy mủ nghiêm trọng, sẹo kết mạc.
- Có nhiều các đợt tái phát viêm kết mạc.
- Không đáp ứng với điều trị thuốc thông thường.
- Viêm kết mạc có kèm viêm giác mạc do Herpes simplex.
- Những người cần dùng thuốc steroid.
- Người thường xuyên đeo kính áp tròng.
- Người bệnh mắc kèm chứng sợ ánh sáng.
Trên đây là một số thông tin về cách trị đau mắt đỏ dân gian mà Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cảm Quỳnh muốn truyền tải đến bạn đọc. Đau mắt đỏ là vấn đề thường gặp trong bệnh lý về mắt. Trong một số trường hợp, bệnh có thể lây lan thành dịch. Do đó. thay vì sử dụng các cách trị đau mắt đỏ dân gian, bạn đọc cần được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Conjunctivitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541034/
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa Y học cổ truyền (2006). Bệnh ngũ quan Y học cổ truyền. NXB Y học Hà Nội. Trang 22-45.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/05/benh-ngu-quan-y-hoc-co-truyen.pdf#page=22
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Tuệ Tĩnh toàn tập. NXB Y học. Trang 166https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/04/tue-tinh-toan-tap.pdf#page=161
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa Y học cổ truyền (2006). Bệnh ngũ quan Y học cổ truyền. NXB Y học Hà Nội. Trang 93-94.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/05/benh-ngu-quan-y-hoc-co-truyen.pdf#page=93
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 672-675.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=671
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 912-914.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=910
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 1007-1010.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=1005
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 171-173.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=169
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 604-606.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=602
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 311-314.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=309
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 854-856.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=852
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 82-84.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=80
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 1182.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=1178
Ngày tham khảo: 27/05/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. Trang 1073.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=1070
Ngày tham khảo: 27/05/2023