YouMed

Cách trị tiêu chảy tại nhà và những điều bạn cần lưu ý

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến trong cộng đồng. Đa số các ca bệnh tiêu chảy thường nhẹ và có thể tự khỏi khi biết cách điều trị, chăm sóc tại nhà hợp lý. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu những cách trị tiêu chảy tại nhà, cũng như những lưu ý khi điều trị tại nhà nhé!

Tiêu chảy có thể điều trị tại nhà không?

Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng trên 3 lần trong ngày hoặc nhiều hơn qua mỗi ngày. Tiêu chảy có thể kèm theo các triệu chứng như đau quặn bụng dưới, nôn, sốt và nghiêm trọng hơn là các biểu hiện của mất nước như khát nước, da khô, mắt trũng,…1

Phân loại

Tiêu chảy thường được chia thành 3 dạng phổ biến:2

  • Tiêu chảy cấp tính: đây là dạng phổ biến nhất, thường kéo dài trong một đến hai ngày và thường khỏi sau vài ngày.
  • Tiêu chảy dai dẳng: thường kéo dài hai đến bốn tuần.
  • Tiêu chảy mạn tính: kéo dài hơn bốn tuần hoặc đến và đi thường xuyên trong một thời gian dài.

Nguyên nhân gây tiêu chảy

Tình trạng tiêu chảy thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:2

Tiêu chảy có thể điều trị tại nhà không?

Bệnh tiêu chảy rất phổ biến, hầu hết các trường hợp tiêu chảy có triệu chứng nhẹ, chưa bị mất nước thường có thể điều trị tại nhà. Những điều cần lưu ý khi điều trị tiêu chảy tại nhà như:

  • Luôn bổ sung thêm dịch để bù lại lượng dịch đã mất cho cơ thể.
  • Không kiêng cữ quá mức trong việc ăn uống. Nên bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể phục hồi.
  • Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo mất nước hay các biểu hiện bệnh tăng nặng lên mà không khỏi thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám kịp thời.

Để giảm sự khó chịu của các triệu chứng và giúp bệnh nhanh khỏi, bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà. Để trả lời cho câu hỏi làm gì khi bị tiêu chảy? Dưới đây là những phương pháp trị tiêu chảy tại nhà hiệu quả, đơn giản và dễ thực hiện mà bạn có thể tham khảo.

Cách trị tiêu chảy tại nhà

1. Bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể

Bù nước và chất điện giải là điều rất quan trọng khi bị tiêu chảy. Mất nước do tiêu chảy gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Các dịch uống thường được sử dụng để bù nước và điện giải là: nước lọc, nước sôi để nguội, các thức uống thể thao giúp bổ sung chất điện giải, nước cơm pha muối, nước dừa pha muối hoặc gói bột Oresol (ORS),…

Đối với người lớn3

Đối với người lớn có các triệu chứng tiêu chảy nhẹ, có thể tự bù nước và chất điện giải bằng cách uống thêm nhiều nước, dùng nước canh/súp, nước ép trái cây nguyên chất, sử dụng các thức uống thể thao, các liệu pháp bù nước không cần kê đơn như ORS…

Oresol là một trong những loại dịch có thể bù nước và điện giải khi tiêu chảy
Oresol là một trong những loại dịch có thể bù nước và điện giải khi tiêu chảy

Đối với trẻ em4

Sau mỗi lần đi ngoài, số lượng dịch cần cho uống để bù lại nước cho trẻ là:

  • Trẻ dưới 2 tuổi: 50 – 100 ml.
  • Trẻ từ 2 – 10 tuổi: 100 – 200 ml.
  • Trẻ 10 tuổi trở lên uống theo nhu cầu: Số lượng dịch cần cho trẻ uống trong 4 giờ đầu có thể tính như sau: Số lượng dịch (ml) = Cân nặng (kg) x 75.

Trong các loại dịch dùng điều trị tiêu chảy, Oresol là dung dịch tốt nhất để điều trị mất nước, mất điện giải cho trẻ.

ORS được pha bằng nước đun sôi để nguội. Cần lưu ý tỉ lệ pha ORS bắt buộc phải đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Dung dịch Oresol đã pha chỉ dùng trong vòng 24 giờ.

Đối với trẻ bú mẹ thì có thể tiếp tục và tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ để bù lại lượng dịch đã mất.

Mẹ nên cho bé bú sữa mẹ như bình thường khi bé bị tiêu chảy
Mẹ nên cho bé bú sữa mẹ như bình thường khi bé bị tiêu chảy

Các loại dịch khác thay thế ORS có thể tự làm tại nhà như sau:

  • Nước cháo muối: Dùng 1 nắm gạo (50 gram), 1 nhúm muối (3,5 gram) và 6 bát ăn cơm nước sạch, đun nhừ, lọc lấy nước, uống dần.
  • Nước gạo rang muối, đường: Gạo rang vàng 50 gram, 6 bát ăn cơm nước nấu nhừ, lọc lấy nước, cho thêm 8 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê gạt ngang muối ăn (3,5 gram), uống dần.
  • Nước chuối, hồng xiêm: Chuối hoặc hồng xiêm 5 quả xay hoặc nghiền nát với 1 lít nước sôi để nguội, cho 1 thìa gạt ngang muối ăn (3,5 gram), uống dần.

Lưu ý khi bù nước

Khi bù nước, người bệnh nên uống các loại dịch một cách từ từ. Điều này nhằm tránh tình trạng nôn ói, đặc biệt là nôn ói ở trẻ. Vì dung dịch bù điện giải có thể có vị hơi khó uống.

Không nên bù nước bằng cách sử dụng các loại nước khác như: các thức uống chứa caffeine (cà phê), rượu bia (có thể gây hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước), các loại thức uống công nghiệp như nước giải khát, nước có ga,…

2. Bổ sung Probiotic giúp chống lại tiêu chảy

Probiotic (hay còn được gọi là men vi sinh) là các lợi khuẩn có ích cho hệ thống tiêu hóa. Dùng men vi sinh trong thực phẩm hoặc hoặc dưới dạng chất bổ sung có thể giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy nhẹ một cách tự nhiên.5

Tiêu chảy có thể khiến bạn mất đi rất nhiều vi khuẩn có lợi trong dạ dày và ruột. Probiotics có thể nhanh chóng thay thế các vi sinh vật bảo vệ này và giúp phục hồi chức năng bình thường của ruột. Một số chế phẩm sinh học hữu ích bao gồm:6

  • Lợi khuẩn Lactobacillus.
  • Lợi khuẩn Bifidobacterium.
  • Nấm men Saccharomyces boulardii (S. boulardii). Đặc biệt, S. boulardii có tác dụng chống tiêu chảy mạnh mẽ.5

Một số thực phẩm khác giúp bổ sung men vi sinh bao gồm: sữa chua, miso (tương miso), kombucha, trái olive xanh, bánh mì men tự nhiên Sourdough (bánh mì chua),…

Tuy nhiên, cần lưu ý men vi sinh (dù là dạng thực phẩm hay các chất bổ sung) cũng có thể gây một số tác dụng phụ như khó chịu ở dạ dày, đầy hơi,…3

Ăn sữa chua có thể giúp chống lại tiêu chảy
Ăn sữa chua có thể giúp chống lại tiêu chảy

3. Chế độ ăn uống

Tiêu chảy có thể khiến cơ thể mất sức và mệt mỏi. Do đó để nhanh hồi phục, tránh bị thiếu năng lượng và tăng cường khả năng chống lại bệnh tật, người bệnh cần có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đủ chất và khoa học.

Đối với người lớn

Các loại thực phẩm nên dùng khi bị tiêu chảy như:7 8

  • Thực phẩm giàu tinh bột như: ngũ cốc, bột sắn hoặc gạo nấu chín, khoai tây,…
  • Các loại canh, súp cũng giúp bù nước khi bị bệnh.
  • Đặc biệt, các loại thực phẩm “BRAT” ít chất xơ sẽ giúp làm cứng phân. Các loại thực phẩm này bao gồm: chuối (Banana), gạo (Rice), táo (Apple), bánh mì nướng (Toast),…
Chế độ ăn BRAT được áp dụng phổ biến khi bị tiêu chảy
Chế độ ăn BRAT được áp dụng phổ biến khi bị tiêu chảy

Các loại thực phẩm nên tránh như:8

  • Các loại đồ uống có cồn.
  • Đồ uống chứa caffeine.
  • Sữa và một số sản phẩm từ sữa như phô mai, kem,…
  • Các sản phẩm có vị ngọt nhân tạo như bánh, kẹo công nghiệp, nước giải khát, nước có ga,…
  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng.
  • Các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như yến mạch.
  • Một số loại trái cây, rau củ có thể làm đầy hơi như: bông cải xanh, bông cải trắng, bắp cải, các loại rau lá xanh, ngô, các loại quả mọng,…

Đối với trẻ em4

Một số bậc phụ huynh thường chỉ cho trẻ ăn cháo khi bị tiêu chảy. Thậm chí là kiêng khem ăn uống quá mức. Vì sợ rằng các thực phẩm khác sẽ khiến trẻ tiêu chảy nhiều hơn.

Tuy nhiên, thực tế việc không ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ khiến trẻ trở nên kiệt sức và bệnh lâu khỏi hơn. Vì vậy, đối với trẻ bị tiêu chảy nhẹ và không có dấu hiệu nôn ói, ba mẹ có thể cho trẻ tiếp tục chế độ ăn uống như bình thường. Đồng thời nên bổ sung những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vào các bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Một số thực phẩm mà phụ huynh có thể tham khảo như: gạo (bột gạo), khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc, sữa đậu nành, sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose, dầu thực vật, cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo,…

Với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ hãy cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường và bú lâu hơn mỗi lần.

Nếu trẻ uống sữa công thức thì mẹ có thể pha sữa loãng hơn.

Với trẻ đã ăn dặm và còn bú, ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một.

Bên cạnh đó, tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa quá nhiều chất xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô (măng, rau cần, rau muống, rau bí…), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ…) khó tiêu hóa. Không nên cho trẻ ăn, uống các loại bánh kẹo, thức ăn có nhiều đường, các loại nước ngọt công nghiệp, các thức ăn chế biến sẵn vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn.

4. Nghỉ ngơi

Hãy để cho cơ thể người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn và thoải mái một vài ngày khi bị tiêu chảy. Có thể dùng biện pháp chườm nóng để giảm cơ thắt cơ bằng cách đặt một túi chườm, khăn hay chai nước ấm lên vùng bụng.7

Người bệnh nên thư giãn, nghỉ ngơi để lấy lại sức
Người bệnh nên thư giãn, nghỉ ngơi để lấy lại sức

Các bài thuốc dân gian trị tiêu chảy

1. Trị tiêu chảy bằng gừng

Gừng là một loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn. Trong y học cổ truyền, gừng mang đến công dụng tuyệt vời trong chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau trong đó có tiêu chảy. Các bài thuốc chữa tiêu chảy từ gừng:

  • Gừng tươi, nướng, cạo vỏ và những phần bị cháy, cắt thành từng lát, dùng với nước ấm hãm như trà.9
  • Gừng nướng 60 gram, giã nát, rang, bọc bằng vải đắp lên rốn (phủ trên huyệt đan điền), đặt trong 1 – 2 giờ. Chữa tiêu chảy vì tỳ hàn, phân lỏng không thối, sôi bụng đau thắt.10
Gừng thường được sử dụng như một vị thuốc dân gian giúp chữa tiêu chảy
Gừng thường được sử dụng như một vị thuốc dân gian giúp chữa tiêu chảy

2. Chữa tiêu chảy bằng lá ổi

Các bộ phận của cây ổi đều là những vị thuốc dân gian có tác dụng chữa bệnh tốt. Lá ổi bộ phận được dùng rất phổ biến để chữa đau bụng, tiêu chảy, nhất là ở trẻ nhỏ. Lấy lá ổi 20 gram phối hợp với vỏ quả bòng 20 gram, phơi khô; lá chè tươi 10 gram; gừng tươi 2 lát, sắc uống hằng ngày đến khi hết.11

Lá ổi có thể giúp chữa tiêu chảy
Lá ổi có thể giúp chữa tiêu chảy

3. Cây cỏ sữa trị tiêu chảy12

Ở nước ta, cỏ sữa có hai loại là cỏ sữa lá lớn và cỏ sữa lá nhỏ. Cả hai đều là những vị thuốc được dung phổ biến trong đông y.

Cỏ sữa lá lớn trong đông y có tác dụng thanh nhiệt, giải độc thu liễm trị ngứa. Bài thuốc trị tiêu chảy bằng cỏ sữa lá lớn: cỏ sữa 100 gram tươi hoặc 10 – 12 gram (khô). Sắc uống.

Cây cỏ sữa lá lớn
Cây cỏ sữa lá lớn

Cỏ sữa lá nhỏ đặc biệt có tác dụng tốt đối với các trường hợp viêm ruột tiêu chảy, đại tiện phân xanh ở trẻ em. Bài thuốc: mỗi ngày 40 – 100 gram (cỏ khô), sắc uống, ngày một than.

Cây cỏ sữa lá nhỏ
Cây cỏ sữa lá nhỏ

Lưu ý: cần thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc này cho phụ nữ có thai.

Có thể sử dụng thuốc để điều trị tiêu chảy tại nhà không?

Đối với tình trạng tiêu chảy nhẹ, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc OTC (không kê đơn). Các loại thuốc OTC thường sử dụng: Bismuth subsalicylate, Loperamid (Imodium).2

Các loại thuốc trên có thể điều trị được triệu chứng của tiêu chảy. Tuy nhiên nó không điều trị được nguyên nhân của bệnh. Nếu bị tiêu chảy mạn tính không nên tự ý sử dụng các thuốc này mà không có sự kê đơn của bác sĩ.

Cần lưu ý với đối tượng trẻ em, khi bị tiêu chảy, khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đến khám bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc cho đối tượng là trẻ em và phụ nữ có thai cho dù là các loại thuốc không kê đơn, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi.8

Có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5°C. Thuốc an toàn thường được dùng phổ biến là Acetaminophen (Paracetamol). Liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng mỗi 4-6 giờ/lần và không quá 6 lần trong 1 ngày. Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm tiết nước trong phân như Racecadotril hoặc Diosmectite. Các thuốc này giúp bảo vệ niêm mạc ruột.13

Khi sử dụng các thuốc OTC để điều trị tiêu chảy, nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn và luôn tuân thủ đúng theo thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng.

Nên tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn để việc sử dụng thuốc an toàn và đạt hiệu quả
Nên tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn để việc sử dụng thuốc an toàn và đạt hiệu quả

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bị tiêu chảy mà gặp phải các trường hợp sau đây thì bệnh nhân nên đến bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp:3

  • Đã thử tất cả các biện pháp trên mà tình trạng tiêu chảy vẫn không cải thiện và kéo dài trong nhiều ngày.
  • Tình trạng tiêu chảy, kéo dài, nghiêm trọng thêm và xuất hiện các dấu hiệu mất nước:
Trẻ em Người lớn
  • Tiêu chảy trên 24 giờ.
  • Sốt trên 39°C.
  • Khô miệng hoặc lưỡi
  • Quấy, khóc nhưng không chảy nước mắt.
  • Buồn ngủ bất thường
  • Phân đen hoặc có máu.
  • Má hoặc mắt hóp.
  • Da không co lại khi bị véo.
  • Tiêu chảy từ ba ngày trở lên.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Sốt trên 39°C.
  • Phân đen hoặc có máu.
  • Ít hoặc không đi tiểu.
  • Cực kỳ yếu.
  • Da và miệng khô.
  • Khát.
  • Nước tiểu đậm.

Trên đây là những thông tin về cách trị tiêu chảy tại nhà. Hy vọng qua bài viết này các bạn có thể tìm được những kiến thức hữu ích để chữa lành bệnh nhanh chóng và hiệu quả nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. BỆNH TIÊU CHẢY VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNGhttps://moh.gov.vn/web/dich-benh/thong-tin-chung/-/asset_publisher/3hfjhpWJ5jW5/content/benh-tieu-chay-va-bien-phap-phong-chong

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  2. Diarrheahttps://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/diarrhea/all-content

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  3. 3 Home Remedies for Diarrheahttps://www.verywellhealth.com/how-to-make-diarrhea-go-away-1324506

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  4. 3 nguyên tắc điều trị tiêu chảy tại nhà cho trẻhttps://soyte.hanoi.gov.vn/kham-chua-benh-pho-bien-kien-thuc-y-hoc/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/3-nguyen-tac-ieu-tri-tieu-chay-tai-nha-cho-tre?_101_INSTANCE_4IVkx5Jltnbg_viewMode=view

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  5. Use of probiotics in gastrointestinal disorders: what to recommend?https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/1756283X10373814

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  6. Probiotics for Prevention and Treatment of Diarrheahttps://journals.lww.com/jcge/Abstract/2011/11001/Probiotics_for_Prevention_and_Treatment_of.12.aspx

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  7. 8 chiêu thức trị tiêu chảy tại nhà cực đơn giảnhttps://suckhoedoisong.vn/8-chieu-thuc-tri-tieu-chay-tai-nha-cuc-don-gian-169104454.htm

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  8. The 5 Most Effective Diarrhea Remedieshttps://www.healthline.com/health/digestive-health/most-effective-diarrhea-remedies

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  9. Cách trị bệnh tiêu chảy đơn giản mà hiệu quảhttps://suckhoedoisong.vn/cach-tri-benh-tieu-chay-don-gian-ma-hieu-qua-169118477.htm

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  10. Gừng tươi trị cảm, rối loạn tiêu hóahttps://nhtm.gov.vn/news/y-te---suc-khoe/gung-tuoi-tri-cam-roi-loan-tieu-hoa.html

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  11. Cây ổi chữa tiêu chảyhttps://suckhoedoisong.vn/cay-oi-chua-tieu-chay-16985276.htm

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  12. Cỏ sữa trị mụn nhọt lở ngứa, tiêu chảyhttps://suckhoedoisong.vn/co-sua-tri-mun-nhot-lo-ngua-tieu-chay-169174476.htm

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  13. Các thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ và lưu ý khi dùnghttps://tytphuong9qgv.medinet.gov.vn/cham-soc-suc-khoe-tre-em/cac-thuoc-dieu-tri-tieu-chay-cap-o-tre-va-luu-y-khi-dung-cmobile10989-75224.aspx

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người