YouMed

Bác sĩ bật mí cách chữa chảy nước mũi đơn giản tại nhà

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Chảy nước mũi là vấn đề xảy ra với hầu hết mọi người. Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể dễ dàng chữa chảy nước mũi tại nhà. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận biết khi nào phải tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ. Thông qua bài viết dưới đây, bác sĩ Lê Dương Linh sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết về vấn đề này.

Nguyên nhân chảy nước mũi

Chảy nước mũi có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: dị ứng, cảm lạnh thông thường, viêm xoang, vẹo vách ngăn mũi, cảm cúm, sử dụng thuốc, thay đổi nội tiết tố, không khí khô, polyp mũi, ăn cay, tiếp xúc khói thuốc, và các nguyên nhân khác.1

Xem thêm: Những nguyên nhân chảy nước mũi thường gặp

Cách chữa chảy nước mũi tại nhà

Nếu bạn thích sử dụng các biện pháp tự nhiên để tự điều trị thì đây chính là bài viết dành cho bạn. Hãy cùng khám phá các phương pháp điều trị tại nhà sau đây và lựa chọn cho mình những phương pháp phù hợp.2

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước khi bị sổ mũi sẽ đặc biệt hữu ích nếu bạn bị nghẹt mũi kèm theo.

Điều này đảm bảo rằng chất nhầy trong xoang của bạn sẽ loãng ra và dễ dàng loại bỏ ra ngoài. Nếu không uống đủ nước, nó có thể đặc và dính, gây nghẹt mũi nhiều hơn.

Tránh những đồ uống làm mất nước nhiều hơn là cung cấp nước cho cơ thể. Những đồ uống này bao gồm cà phê và đồ uống có cồn.

Các loại trà nóng

Khi bạn chảy nước mũi, các loại đồ uống nóng như trà nóng có thể làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Điều này là do nhiệt và hơi nước của chúng hỗ trợ làm thông thoáng đường thở.

Một số loại trà thảo mộc có thể chứa thành phần làm giảm nghẹt mũi nhẹ. Hãy tìm loại trà có chứa các loại thảo mộc kháng viêm và kháng histamine, ví dụ như hoa cúc, gừng, hoặc bạc hà.

Pha một tách trà thảo mộc nóng (tốt nhất là loại không chứa caffeine) và hít một hơi sâu nước trước khi uống. Người bị sổ mũi thường có thêm triệu chứng đau họng. Uống trà thảo mộc nóng cũng có thể giúp làm dịu cơn đau họng của bạn.

Xem thêm: Trà gừng và các lợi ích cho sức khỏe

Uống trà gừng có thể giúp làm giảm triệu chứng chảy nước mũi
Uống trà gừng có thể giúp làm giảm triệu chứng chảy nước mũi

Xông hơi mặt

Hít hơi nước nóng đã được chứng minh là giúp chữa chảy nước mũi. Một nghiên cứu năm 2015 trên những người bị cảm lạnh thông thường đã chứng minh rằng xông hơi mặt khá hiệu quả. Nó làm giảm thời gian hồi phục bệnh khoảng một tuần so với người hoàn toàn không hít hơi nước.3

Ngoài việc hít hơi nước từ một tách trà nóng, hãy thử xông hơi mặt. Cách thực hiện rất đơn giản như sau:

  • Đun nóng nước sạch trong một chiếc nồi sạch trên bếp. Canh thời gian vừa đủ để tạo ra hơi nước và đừng để nước sôi.
  • Đặt khuôn mặt của bạn trên mặt hơi nước khoảng 20 đến 30 phút mỗi lần. Hít thở sâu bằng mũi. Nếu da mặt bạn quá nóng, hãy ngưng ít phút.
  • Hỉ mũi sau đó để loại bỏ chất nhầy.

Bạn cũng có thể thêm một vài giọt tinh dầu thông mũi vào nước xông hơi mặt. Liều lượng khoảng hai giọt nước là đủ. Dầu gió khuynh diệp, tinh dầu bạc hà, thông, tinh dầu hương thảo, dầu cây trà hay tinh dầu cỏ xạ hương là những lựa chọn tuyệt vời. Các hợp chất trong những loại cây này (như menthol và thymol) cũng được tìm thấy trong nhiều loại thuốc thông mũi không kê đơn.

Xông hơi mặt là một trong những phương pháp hiệu quả có thể giúp chữa chảy nước mũi
Xông hơi mặt là một trong những phương pháp hiệu quả có thể giúp chữa chảy nước mũi

Tắm nước nóng

Tắm nước nóng cũng có thể chữa chảy nước mũi. Với cơ chế tương tự như dùng trà nóng hoặc xông hơi mặt, tắm nước nóng với vòi hoa sen có thể giúp cải thiện chảy nước mũi. Để khuôn mặt bạn trực tiếp trong hơi nước và tia nước của vòi hoa sen để đạt hiệu quả tốt nhất.

Sử dụng bình rửa mũi (Neti pot)

Bình rửa mũi (bình Neti) có hình dạng giống ấm trà nhỏ có vòi. Người dùng đổ nước muối sinh lý hoặc nước cất vô trùng vào bình. Sau đó dùng vòi để đổ dung dịch muối vào lỗ mũi này và ra lỗ mũi còn lại. Điều này giúp làm sạch các xoang mũi của bạn.

Sử dụng bình rửa mũi (neti pot) để rửa mũi là một cách chữa chảy nước mũi có nguyên nhân từ xoang mũi. Biện pháp này còn giúp cải thiện các khó chịu khác của viêm xoang bao gồm sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức mặt.

Tuy nhiên, cần lưu ý và cẩn thận khi sử dụng biện pháp này. Nếu sử dụng bình rửa không đúng cách có thể khiến tình trạng chảy nước mũi nặng hơn hoặc gây nhiễm trùng xoang.4 Tuy nhiên, tình trạng này hiếm khi xảy ra.

Xem thêm: Rửa mũi cho bé đúng cách: Bố mẹ đã biết?

Bình rửa mũi là biện pháp làm sạch xoang mũi hiệu quả, giúp cải thiện tình trạng chảy nước mũi
Bình rửa mũi là biện pháp làm sạch xoang mũi hiệu quả, giúp cải thiện tình trạng chảy nước mũi

Capsaicin

Capsaicin là chất làm cho ớt có vị cay. Nó được sử dụng để điều trị đau dây thần kinh và bệnh vảy nến. Ngoài ra, nó còn có thể giúp giảm sổ mũi do nghẹt mũi.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng capsaicin có hiệu quả tốt hơn trong việc chữa chảy nước mũi so với budesonide không kê đơn.5

Khi nào chảy nước mũi cần thăm khám?

Chảy nước mũi có nhiều nguyên nhân gây ra, thông thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Những biện pháp điều trị tại nhà phía trên chỉ có thể cải thiện và giảm nhẹ triệu chứng chảy nước mũi. Bên cạnh đó, chảy nước mũi có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi đó, bạn cần phải tìm đến sự trợ giúp y tế.

Những dấu hiệu cảnh báo bạn cần phải thăm khám là:

  • Các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày.
  • Bạn bị sốt cao.
  • Chảy nước mũi màu vàng hoặc xanh, kèm theo đau nhức vùng mặt hoặc sốt. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn.
  • Nước mũi bạn có máu hoặc chảy dịch trong suốt liên tục sau khi bị chấn thương đầu.

Đối với trẻ em, cần liên hệ bác sĩ khi:

  • Trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi, chảy nước mũi kèm với sốt.
  • Chảy mũi và nghẹt mũi làm bé khó thở và ảnh hưởng đến việc ăn uống.6

Xem thêm: Màu sắc của nước mũi có ý nghĩa gì và cách nhận biết chúng

Chảy nước mũi là vấn đề sức khỏe thường gặp gây khó chịu cho hầu hết mọi người. Thông thường, nó có thể tự giảm bớt mà không phải làm gì cả hoặc chỉ cần sử dụng các biện pháp chữa chảy nước mũi tại nhà. Tuy nhiên, một vài trường hợp sẽ cần đến sự thăm khám của bác sĩ. Bạn nên lưu ý các dấu hiệu để tiếp nhận điều trị kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 15 Causes of a Runny Nosehttps://www.healthline.com/health/runny-nose-causes

    Ngày tham khảo: 15/04/2022

  2. How to Stop a Runny Nose at Homehttps://www.healthline.com/health/how-to-stop-a-runny-nose

    Ngày tham khảo: 15/04/2022

  3. Efficacy of Steam Inhalation with Inhalant Capsules in Patients with Common Cold in a Rural Set Uphttps://www.researchgate.net/profile/Manpreet-Nanda-2/publication/272823081_Efficacy_of_Steam_Inhalation_with_Inhalant_Capsules_in_Patients_with_Common_Cold_in_a_Rural_Set_Up/links/56aa303108aeaeb4cefaee9e/Efficacy-of-Steam-Inhalation-with-Inhalant-Capsules-in-Patients-with-Common-Cold-in-a-Rural-Set-Up.pdf

    Ngày tham khảo: 15/04/2022

  4. Is Rinsing Your Sinuses With Neti Pots Safe?https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/rinsing-your-sinuses-neti-pots-safe

    Ngày tham khảo: 15/04/2022

  5. Capsaicin for non-allergic rhinitishttps://www.cochrane.org/CD010591/ENT_capsaicin-non-allergic-rhinitis

    Ngày tham khảo: 15/04/2022

  6. Runny nosehttps://www.mayoclinic.org/symptoms/runny-nose/basics/when-to-see-doctor/sym-20050640

    Ngày tham khảo: 15/04/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người