YouMed

Những dấu hiệu ung thư gan mà bạn nên biết

BS Huỳnh Quang Nghệ
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ
Chuyên khoa: Ngoại tiêu hóa

Ung thư gan là một bệnh lý thường gặp. Nhiều người thường thắc mắc dấu hiệu ung thư gan là gì? Những cách để tầm soát và phòng ngừa ra sao? Hãy cùng Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ tìm hiểu qua bài viết sau. 

Tổng quan về ung thư gan

1. Ung thư gan là gì?

Ung thư gan là một bệnh lý ác tính chủ yếu xảy ra trên người bệnh có bệnh gan nền mạn tính và xơ gan.1

Ung thư gan có thể chia thành “nguyên phát” hay “thứ phát” dựa trên vị nguồn gốc của khối u:2

  • Ung thư gan “nguyên phát”: Ung thư xuất phát đầu tiên tại gan.
  • Ung thư gan “thứ phát”: Ung thư xuất phát từ một vị trí khác (như đại trực tràng) và lan tới gan, hay nói cách khác là ung thư “thứ phát” di căn đến gan.

Gan thì được cấu tạo nên từ nhiều loại tế bào khác nhau, cũng chính vì thế có nhiều loại ung thư khác nhau có thể hình thành tại gan:1 2

  • Ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma HCC): Từ các tế bào gan, chiếm đến 90% ung thư nguyên phát tại gan. Chính vì vậy khi nhắc đến ung thư gan, chúng ta ngầm hiểu rằng đang nói đến ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
  • Ung thư đường mật trong gan (cholangiocarcinoma CCC): Từ tế bào ống dẫn mật trong gan, đứng thứ hai về xuất độ ung thư nguyên phát tại gan.
  • Một số loại ung thư khác hiếm gặp bắt nguồn từ các tế bào khác như: ung thư nội mạc mạch máu, hạch bạch huyết, nguyên bào gan,…
Khối ung thư gan được cắt ra. Ảnh gốc từ: Arief Suriawinata, MD, Department of Pathology, Dartmouth Medical School.
Khối ung thư gan được cắt ra.
Ảnh gốc từ: Arief Suriawinata, MD, Department of Pathology, Dartmouth Medical School.

2. Đôi nét về chức năng của gan

Gan là một trong những cơ quan lớn nhất trong cơ thể và là một phần của hệ tiêu hóa. Gan có nhiều chức năng quan trọng trong việc đảm bảo cho cơ thể hoạt động khỏe mạnh chẳng hạn như:2 3

  • Lọc máu, loại bỏ các chất độc, các chất dư thừa.
  • Chức năng đông cầm máu và miễn dịch.
  • Tạo mật và các men tiêu hóa.
  • Chuyển hóa các chất dinh dưỡng lấy từ thức ăn (protein, lipid, glucid …) thành những thành phần khác cho cơ thể sử dụng.
Minh họa khối ung thư gan và ảnh hưởng của nó lên các cơ quan
Minh họa khối ung thư gan và ảnh hưởng của nó lên các cơ quan

Những dấu hiệu ung thư gan

Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể hoàn toàn không có triệu chứng và phát hiện bệnh nhờ được tầm soát hoặc phát hiện một cách tình cờ. Khi ung thư diễn tiến, người bệnh có thể có các triệu chứng cơ năng hay thực thể. Trong đó chủ yếu là các dấu hiệu của bệnh gan nền mạn tính hay xơ gan tiến triển:1 2

Triệu chứng cơ năng

(than phiền từ người bệnh)

Triệu chứng thực thể

(dấu hiệu bác sĩ thăm khám ghi nhận)

  • Vàng da vàng mắt, ngứa. Tiểu sậm màu, tiêu phân bạc màu.
  • Sờ thấy khối bất thường ở vùng bụng.
  • Ói ra máu, tiêu phân đen hay tiêu ra máu.
  • Giãn các mạch máu nhỏ màu đỏ trên thân mình.
  • Bụng to, nổi gân xanh.
  • Đau bụng vùng hạ sườn phải, vùng ¼ trên phải.
  • Chán ăn, sụt cân, yếu cơ, mệt mỏi.
  • Rối loạn tri giác, suy giảm nhận thức, ngủ gà.
  • Hơi thở hôi.
  • Các triệu chứng khác: đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói, sốt,…
  • Hội chứng vàng da tắc mật.
  • Gan to, lách to.
  • Xuất huyết tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản hay tĩnh mạch phình vị.
  • Dãn tĩnh mạch trĩ (sa búi trĩ).
  • Dấu sao mạch.
  • Báng bụng, phù toàn thân.
  • Tuần hoàn bàng hệ quanh rốn.
  • Ấn đau vùng hạ sườn phải, vùng ¼ trên phải.
  • Hội chứng suy mòn.
  • Bệnh não gan, dấu run vẩy.
  • Hơi thở có mùi hôi.

Nhìn chung, các triệu chứng và các dấu hiệu trên đều là hậu quả của việc suy giảm chức năng gan kèm theo tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Điều này có thể lý giải sơ lược qua Sơ đồ 1.4

Sơ đồ 1. Xơ gan: Cơ chế bệnh sinh và các biến chứng Nguồn: Dr. Yan Yu. Cirrhosis: Pathogenesis and Complications. The Calgary Guide to Understanding Disease. Published August 7th, 2012.
Sơ đồ 1. Xơ gan: Cơ chế bệnh sinh và các biến chứng
Nguồn: Dr. Yan Yu. Cirrhosis: Pathogenesis and Complications. The Calgary Guide to Understanding Disease. Published August 7th, 2012.

1. Hội chứng vàng da tắc mật

Gan giảm khả năng liên hợp, bài tiết và đào thải bilirubin (bản chất là sắc tố mật có màu vàng cam) dẫn đến tích tụ bilirubin ở da và niêm mạc. Gồm các triệu chứng và dấu hiệu sau:4 5

  • Vàng da và ngứa: Bilirubin tích tụ ở da tạo màu vàng và kích ứng da tạo cảm giác ngứa.
  • Vàng mắt: Bilirubin tích tụ ở củng mạc và kết mạc mắt.
  • Tiểu sậm màu: Bilirubin liên hợp bị đào thải qua nước tiểu nên nước tiểu có màu vàng sậm.
  • Tiêu phân bạc màu: Bilirubin liên hợp không thể đào thải cùng với phân, nên phân mất đi màu vàng vốn có và trở nên bạc màu (giống phân cò).
Hình ảnh bệnh nhân ung thư gan bị vàng mắt Ảnh gốc từ: Stern TA, Rosenbaum JF, Fava M, Biederman J, Rauch SL, Massachusetts General Hospital Comprehensive Clinical Psychiatry, 1st edn, Philadelphia: Mosby, 2008: Fig 21-17.
Hình ảnh bệnh nhân ung thư gan bị vàng mắt
Ảnh gốc từ: Stern TA, Rosenbaum JF, Fava M, Biederman J, Rauch SL, Massachusetts General Hospital Comprehensive Clinical Psychiatry, 1st edn, Philadelphia: Mosby, 2008: Fig 21-17.

2. Dãn các tĩnh mạch thông nối

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây ứ trệ máu trong các hệ tĩnh mạch thông nối, đồng thời làm tăng áp suất và gây dãn các tĩnh mạch này (bụng nổi gân xanh).4 5

  • Tuần hoàn bàng hệ quanh rốn: Dãn các tĩnh mạch thành bụng quanh rốn (bụng nổi gân xanh).
  • Dãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị: Thường được phát hiện qua nội soi thực quản dạ dày tá tràng. Vỡ dãn các tĩnh mạch này có thể gây xuất huyết tiêu hóa trên ồ ạt dẫn đến tử vong.
  • Dãn tĩnh mạch trĩ: Gây sa búi trĩ hoặc có thể đi cầu ra máu do trĩ xuất huyết.
Hình ảnh tuần hoàn bàng hệ Ảnh gốc từ: Saxena R, Practical Hepatic Pathology: A Diagnostic Approach, Philadelphia: Saunders, 2011: Fig 6-4.
Hình ảnh tuần hoàn bàng hệ
Ảnh gốc từ: Saxena R, Practical Hepatic Pathology: A Diagnostic Approach, Philadelphia: Saunders, 2011: Fig 6-4.

3. Gan to và lách to

Gan to

Trong ung thư gan, gan có kích thước lớn là hậu quả từ quá trình tăng sinh của các tế bào ung thư và hiện tượng viêm nhiễm, phù nề. Tuy nhiên, trong một số tình huống, viêm gan mạn tính có thể gây xơ teo gan và bệnh lý ung thư vẫn có thể xuất hiện trên một lá gan xơ teo.5

Gõ vùng ngực và bụng đo kích thước gan ≥ 13 cm.

Sờ phía dưới bờ sườn phải thì chạm được bờ dưới gan.

Lách to

Xơ gan gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa và ứ trệ máu trong các hệ tĩnh mạch thông nối, trong đó có tĩnh mạch lách. Lách to sung huyết là do ứ máu.4 5

Sờ bụng cảm giác thấy một khối có các khía hay các múi gợi ý đến lách to.

4. Báng bụng và phù toàn thân

Trong bệnh xơ gan, có hiện tượng mất cân bằng giữa áp suất thủy tĩnh (do tăng áp lực tĩnh mạch cửa) và áp suất keo (do gan giảm tổng hợp albumin) dẫn đến hiện tượng dịch thấm nhập từ huyết tương của các mao mạch vào các mô liên kết:4 5

Báng bụng

Bụng to do dịch thấm vào khoang bụng.

  • Dấu gõ đục vùng thấp: Dịch thường tích tụ ở vùng thấp của bụng nên khi bác sĩ thăm khám với động tác gõ sẽ có cảm giác gõ đục (thay vì gõ trong).
  • Dấu sóng vỗ: Bác sĩ khám khi sờ hay vỗ một bên bụng cảm nhận được một luồng sóng di chuyển đến bên còn lại.

Phù toàn thân

Dịch thấm nhập vào các mô liên kết khắp cơ thể. Một số vị trí dễ nhận biết gồm phù mặt, quanh ổ mắt, phù tay chân.

Dấu ấn lõm: Dùng ngón tay ấn vào vị trí phù trước nền xương cứng (thường chọn mu bàn chân hay trước xương chày) sẽ thấy tạo thành dấu lõm xuống của ngón tay khi ấn.

Hình ảnh báng bụng Ảnh gốc từ: James Heilman MD.
Hình ảnh báng bụng. Ảnh gốc từ: James Heilman MD.

5. Dấu sao mạch và lòng bàn tay son

Hiện tại chưa có các bằng chứng để giải thích cơ chế hình thành dấu hiệu này. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy rối loạn chức năng gan trong các quá trình chuyển hóa dẫn đến tăng nồng độ estrogen và chất P trong máu được xác định là có liên quan đến hiện tượng giãn mạch và tân tạo mạch.5

  • Dấu sao mạch: Dãn các mạch máu nhỏ hình mạng nhện thường thấy ở ngực và cổ.
  • Lòng bàn tay son: Dãn các mạch máu nhỏ ở lòng bàn tay khiến lòng bàn tay có màu đỏ hồng.
Hình ảnh dấu sao mạch. Ảnh gốc từ: Marks R. Skin Disease in Old Ages. Philadelphia: JB Lippincott, 1987.
Hình ảnh dấu sao mạch. Ảnh gốc từ: Marks R. Skin Disease in Old Ages. Philadelphia: JB Lippincott, 1987.

6. Bệnh não gan và hơi thở có mùi hôi

Gan xơ giảm khả năng đào thải độc tố gây tích tụ các chất này trong cơ thể. Một số chất độc (như NH3) có thể vượt qua hàng rào máu não đến gây độc cho hệ thần kinh trung ương gây rối loạn tri giác, suy giảm chức năng nhận thức,… Một số chất khác đi đến các cơ quan khác như phổi và được đào thải qua đường hô hấp.4 5

  • Dấu run vẩy: Rối loạn chức năng thần kinh cơ do các tổn thương ở vỏ não vận động nguyên phát và các hạch nền. Người bệnh khi được yêu cầu đưa thẳng cánh tay và giữ bàn tay ở tư thế ngửa về phía trước, các bác sĩ ghi nhận chuyển động run và gập nhẹ của bàn tay với tần số thấp.
  • Hơi thở có mùi hôi: Chức năng gan suy giảm nên một số chất (như dimethyl sulfide hay trimethylamine) không được gan chuyển hóa sẽ tích tụ lại đi đến phổi và thải ra ngoài khi người bệnh thở ra, tạo mùi hôi đặc trưng.
Phân độ bệnh não gan
Độ 0
  • Những thay đổi rất nhỏ không thể nhận biết về tính cách, hành vi, trí nhớ, khả năng tập trung cũng như khả năng vận dụng trí óc
  • Dấu run vẩy (-)
Độ 1
  • Suy giảm nhận thức mức độ nhẹ
  • Giảm chú ý, giảm khả năng tính toán
  • Thiếu ngủ, mất ngủ, thay đổi chu kỳ giấc ngủ
  • Hưng cảm, trầm cảm, khó chịu
  • Lú lẫn nhẹ, giảm khả năng vận dụng trí óc
Độ 2
  • Ngủ gà, thờ ơ
  • Nói lắp, dấu run vẩy
  • Giảm khả năng vận dụng trí óc
  • Thay đổi tính cách, hành vi không phù hợp
  • Mất định hướng không liên tục (chủ yếu về thời gian)
Độ 3
  • Không có khả năng vận dụng trí óc
  • Mất định hướng về thời gian, không gian
  • Lú lẫn nặng, mất trí nhớ
  • Thường xuyên cáu gắt
  • Lời nói và ngôn ngữ khó hiểu, khó diễn đạt
Độ 4
  • Hôn mê gan, không còn đáp ứng với kích thích đau

Bảng 1. Phân độ bệnh não gan (Nguồn: David C Wolf, MD, FACP, FACG, AGAF, FAASLD. Hepatic Encephalopathy. Medscape. Updated: May 18, 2020).

7. Hiện tượng nữ hóa

Rối loạn chức năng chuyển hóa trong xơ gan dẫn đến gia tăng nồng độ estrogen trong máu gây ra hiện tượng nữ hóa ở người bệnh là nam giới.

  • Nữ hóa tuyến vú: Tăng trưởng các tế bào tuyến vú và mô mỡ quanh vú dưới ảnh hưởng của estrogen.
  • Teo tinh hoàn: Nồng độ cao của estrogen gây ức chế quá trình tổng hợp testosterone, giảm tạo tinh trùng đồng thời làm suy giảm chức năng tinh hoàn và biến dạng cấu trúc các ống sinh tinh và ống dẫn tinh.
Hình 7. Nữ hóa tuyến vú ở nam giới Ảnh gốc từ: Gray D, Toghill P (eds), An introduction to the symptoms and signs of clinical Medicine. 2001 London: Hodder Arnold.
Nữ hóa tuyến vú ở nam giới
Ảnh gốc từ: Gray D, Toghill P (eds), An introduction to the symptoms and signs of clinical Medicine. 2001 London: Hodder Arnold.

8. Móng trắng và ngón tay dùi trống

  • Móng trắng: Trong bệnh gan, đái tháo đường và suy tim sung huyết, móng tay người bệnh có thể có màu trắng ở gần và màu nâu ở xa (Terry’s nails). Cơ chế dẫn đến hiện tượng này chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, màu nâu ở phần xa của móng tay được cho là tích tụ melanin tại vị trí này [5].
  • Ngón tay dùi trống: Tương tự móng trắng, cơ chế của dấu hiệu này chưa được hiểu rõ nhưng thường gặp trong các bệnh lý mạn tính (phổi, tim, gan,…). Các giả thiết cho rằng có hiện tượng dãn mạch và tăng sinh ở phần xa của giường móng (cả tay và chân) khiến phần xa của móng có hiện tượng phì đại, tạo hình ảnh nhìn giống “dùi trống”.
Hình ảnh móng trắng (Terry’s nails) Ảnh gốc từ: Habif TP, Clinical Dermatology, 5th edn, Philadelphia: Mosby, 2009: Fig 25-44.
Hình ảnh móng trắng (Terry’s nails)
Ảnh gốc từ: Habif TP, Clinical Dermatology, 5th edn, Philadelphia: Mosby, 2009: Fig 25-44.
Ngón tay và ngón chân hình “dùi trống” Ảnh gốc từ: Marx JA, Hockberger RS, Walls RM et al. (eds), Rosen’s Emergency Medicine, 7th edn, Philadelphia: Mosby, 2009: Fig 29.2.
Ngón tay và ngón chân hình “dùi trống”
Ảnh gốc từ: Marx JA, Hockberger RS, Walls RM et al. (eds), Rosen’s Emergency Medicine, 7th edn, Philadelphia: Mosby, 2009: Fig 29.2.

9. Đau bụng

Cấu trúc của gan không chứa các đầu tận thần kinh, vì vậy cảm giác đau bụng chỉ xuất hiện khi khối u tăng kích thước gây căng bao xơ của gan.2 6

Cảm giác đau bụng trong ung thư gan có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, thường ở vùng thượng vị và vùng ¼ trên phải, có thể lan ra sau lưng. Mức độ đau nặng nề thường liên quan đến các tình huống như viêm gan, u gan vỡ hay hoại tử.7

10. Hội chứng suy mòn (suy kiệt)

Đây cũng là một nhóm triệu chứng rất hay gặp trong các bệnh ung thư cũng như một số bệnh lý mạn tính khác (như COPD, suy tim) gồm cảm giác mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chán ăn, sụt cân, teo cơ và teo lớp mỡ dưới da, suy dinh dưỡng đồng thời có thể kèm theo triệu chứng khác như buồn nôn, nôn ói, mất ngủ, lo âu,…. Cơ chế ban đầu được cho là các rối loạn chuyển hóa có liên quan đến sự mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và phân hủy protein.5 6

Biến chứng của bệnh ung thư gan

Các biến chứng của ung thư gan đa số là hậu quả của suy giảm chức năng gan bao gồm:1

  • Hội chứng suy mòn (suy kiệt).
  • Xuất huyết tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản hay tĩnh mạch phình vị.
  • Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát, nhiễm trùng máu.
  • Bệnh não gan và hôn mê gan.
  • Xuất huyết nội trong ổ bụng do khối u gan vỡ.
  • Tử vong (hậu quả cuối cùng từ các biến chứng kể trên).
Xuất huyết nội trong ổ bụng do khối u gan vỡ
Xuất huyết nội trong ổ bụng do khối u gan vỡ

Về diễn tiến, ung thư gan có thể lan tràn trong cơ thể theo nhiều cách. Khối u có thể xâm lấn trực tiếp từ gan đến cơ quan lân cận như các mạch máu, đường mật. Cấu trúc gan còn có hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết, ung thư có thể di căn qua các hệ thống này. Ung thư cũng có thể đi đến một vị trí khác xa hơn (di căn xa), thường gặp là di căn đến phổi và xương.1 3

Tầm soát ung thư gan định kỳ

Chiến lược tầm soát cũng đóng vai trò quan trọng không kém song song với việc dự phòng ung thư. Bệnh lý ung thư gan đã thay đổi theo chiều hướng tích cực trong vài thập kỷ qua. Trước đây, người bệnh thường đến gặp bác sĩ khi bệnh đã diễn tiến xa hay ở giai đoạn muộn. Ngày nay, ung thư gan có thể được phát hiện sớm hơn nhờ quy trình tầm soát thường quy trên những người bệnh có yếu tố nguy cơ bằng các phương tiện hình ảnh học như siêu âm và các marker ung thư như AFP.1

Hiệp hội gan mật Nhật Bản (Japan Society of Hepatology JSH) năm 2007 đã đề ra chiến lược phân loại và tầm soát trên người bệnh có yếu tố nguy cơ như sau:8

1. Phân loại người bệnh

Nhóm nguy cơ rất cao gồm:

Nhóm nguy cơ cao gồm:

  • Người nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính.
  • Người nhiễm viêm gan siêu vi C mạn tính.
  • Người bệnh xơ gan do các nguyên nhân khác (không phải do viêm gan siêu vi B, C).

2. Chiến lược tầm soát

Cho nhóm nguy cơ rất cao

Mỗi 3-4 tháng:

  • Siêu âm ổ bụng
  • Dấu ấn ung thư: AFP/PIVKA-II/AFP-L3

Mỗi 6-12 tháng:

Cho nhóm nguy cơ cao

Mỗi 6 tháng:

  • Siêu âm ổ bụng.
  • Dấu ấn ung thư: AFP/PIVKA-II/AFP-L3.

Xem thêm: Những phương pháp tầm soát ung thư gan bạn nên biết

Lối sống phòng ngừa bệnh ung thư gan

Không có biện pháp nào có thể phòng ngừa ung thư gan một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp dự phòng khác nhau có thể thực hiện nhằm giảm thiểu khả năng mắc phải loại ung thư này, đó là can thiệp kiểm soát các yếu tố nguy cơ:1 9 10

  • Tiêm ngừa viêm gan siêu vi B.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá (kể cả hút thụ động khói thuốc lá từ người khác).
  • Chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh gan nền mạn tính như viêm gan siêu vi B, C, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh ứ sắt,…
  • Thực hành quan hệ tình dục an toàn.
  • Không dùng chung bơm kim tiêm với người khác.
  • Chế độ ăn lành mạnh, kiểm soát cân nặng, hạn chế béo phì và điều trị kiểm soát ổn định bệnh đái tháo đường.
  • Thực hiện các thủ thuật như xăm mình, tạo hình thẩm mỹ,… tại các cơ sở được cấp phép và chứng nhận an toàn.

Về phía nhân viên y tế và các cơ sở y tế cần bổ sung thêm một số quy định:

  • Thực hành an toàn trong tiêm truyền, các thủ thuật, phẫu thuật trên người bệnh.
  • Tầm soát kiểm tra các chế phẩm hiến tặng như máu, mô, cơ quan nội tạng.

Dấu hiệu ung thư gan đôi khi có thể nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, khi bạn có bất kỳ dấu hiệu ung thư gan nghi ngờ nào, đừng quá lo lắng, hãy đến cơ sở để kiểm tra và chẩn đoán đúng nguyên do. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh ung thư gan cũng như những dấu hiệu giúp nhận biết.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Luca Cicalese, MD, FACS. Hepatocellular Carcinoma (HCC).https://emedicine.medscape.com/article/197319-overview

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  2. Viral Hepatitis and Liver Disease. Liver Cancer Patient Guide (2015). U.S. Department of Veterans Affairs. Veterans Health Administration.https://www.hepatitis.va.gov/pdf/HCC-patient-modules.pdf

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  3. Hepatobiliary Cancers. Liver Cancer (2021). NCCN Guidelines for patients. National Comprehensive Cancer Network. https://www.nccn.org/patients/guidelines/content/PDF/liver-hp-patient.pdf

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  4. Dr. Yan Yu. Cirrhosis: Pathogenesis and Complications. The Calgary Guide to Understanding Disease. Published August 7th, 2012.https://calgaryguide.ucalgary.ca/cirrhosis-pathogenesis-and-complications/

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  5. Dennis, Bowen and Cho. Mechanisms of Clinical Signs 3rd Edition (2019). Elsevier.https://www.elsevier.com/books/mechanisms-of-clinical-signs/978-0-7295-4329-3

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  6. Sun, V. C., & Sarna, L. (2008). Symptom management in hepatocellular carcinoma. Clinical journal of oncology nursing, 12(5), 759–766.https://doi.org/10.1188/08.CJON.759-766

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  7. Attwa, M. H., & El-Etreby, S. A. (2015). Guide for diagnosis and treatment of hepatocellular carcinoma. World journal of hepatology, 7(12), 1632–1651.https://doi.org/10.4254/wjh.v7.i12.1632

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  8. Kudo, M., Okanoue, T., & Japan Society of Hepatology (2007). Management of hepatocellular carcinoma in Japan: consensus-based clinical practice manual proposed by the Japan Society of Hepatology. Oncology, 72 Suppl 1, 2–15.https://doi.org/10.1159/000111702

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  9. Omata, M., Cheng, A. L., Kokudo, N., Kudo, M., Lee, J. M., Jia, J., Tateishi, R., Han, K. H., Chawla, Y. K., Shiina, S., Jafri, W., Payawal, D. A., Ohki, T., Ogasawara, S., Chen, P. J., Lesmana, C., Lesmana, L. A., Gani, R. A., Obi, S., Dokmeci, A. K., … Sarin, S. K. (2017). Asia-Pacific clinical practice guidelines on the management of hepatocellular carcinoma: a 2017 update. Hepatology international, 11(4), 317–370.https://doi.org/10.1007/s12072-017-9799-9

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

  10. Gabriela Pichardo, MD. Guide to Liver Cancer. WebMD. Last Reviewed on June 20, 2021.https://www.webmd.com/cancer/ss/slideshow-liver-cancer-guide

    Ngày tham khảo: 14/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người