YouMed

Các mẹo dân gian chữa bệnh hen suyễn có thật sự hiệu quả?

Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thế Huy
Tác giả: ThS.BS Đinh Thế Huy
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Hen suyễn là bệnh hô hấp mãn tính phổ biến nhất trên toàn thế giới. Khi phải sống với bệnh hen suyễn nặng và đối mặt với các triệu chứng bệnh không thuyên giảm, nhiều người bệnh thường tìm đến các mẹo dân gian để chữa bệnh. Vậy, các mẹo dân gian chữa bệnh hen suyễn có thật sự hiệu quả không? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thế Huy tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết sau đây nhé!

Khái quát về bệnh

Hen suyễn là tình trạng đường thở bị hẹp lại, sưng lên và có thể tiết thêm chất nhầy. Điều này có thể gây khó thở và gây ra ho, có tiếng khò khè khi bạn thở ra và thở gấp. Nó ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và thường bắt đầu từ thời thơ ấu. Hiện tại không có cách chữa trị hen suyễn dứt điểm, nhưng có những phương pháp điều trị đơn giản có thể giúp kiểm soát các triệu chứng để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh.1

Các loại thuốc điều trị chính là:2

  • Thuốc cắt cơn được sử dụng khi cần thiết để giảm nhanh các triệu chứng hen suyễn trong một thời gian ngắn.
  • Thuốc phòng ngừa được sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn xảy ra.

Theo WHO, hen suyễn đã ảnh hưởng đến khoảng 262 triệu người vào năm 2019 và gây ra 455.000 ca tử vong.2

Khó thở, thở khò khè, thở gấp,... là các biểu hiện của bệnh hen suyễn
Khó thở, thở khò khè, thở gấp,… là các biểu hiện của bệnh hen suyễn

Các mẹo dân gian chữa bệnh hen suyễn có thật sự hiệu quả?

Khi phải đối diện với bệnh hen suyễn nặng hay khi các triệu chứng không thuyên giảm, nhiều người bệnh thường tìm kiếm một lựa chọn điều trị khác. Trong đó có các phương pháp, mẹo dân gian chữa bệnh hen suyễn. Dưới đây là dược liệu và phương pháp dân gian mà một số người cho rằng có thể làm giảm các triệu chứng hen suyễn. Cùng tìm hiểu liệu các loại dược liệu này có thật sự mang lại công dụng với bệnh nhân hen suyễn hay không nhé!

1. Mật ong

Mật ong được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian để điều trị ho, sốt hay các bệnh viêm nhiễm. Theo một nghiên cứu mật ong giúp cải cải thiện rõ rệt về chất lượng giấc ngủ và giảm ho về đêm khi uống mật ong trước khi đi ngủ.3 Ho là một triệu chứng phổ biến của bệnh hen suyễn.

Bên cạnh đó, mật ong đã được chứng minh là có hiệu quả giúp giảm các triệu chứng hen suyễn ở thỏ.4 Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mật ong có thể giúp giảm các triệu chứng hen suyễn ở người. Cần nghiên cứu thêm để xác định xem phương pháp pha chế mật ong này có thể giúp những người mắc bệnh hen suyễn hay không. Dù vậy, đây cũng được xem như phương pháp điều trị hứa hẹn cho bệnh hen suyễn ở người.

Mật ong là nguyên liệu quen thuộc có thể hỗ trợ giảm triệu chứng hen suyễn
Mật ong là nguyên liệu quen thuộc có thể hỗ trợ giảm triệu chứng hen suyễn

2. Tinh dầu

Theo Học viện Dị ứng, Hen Suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (American Academy of Allergy Asthma & Immunology), không có nghiên cứu nào được công bố cụ thể về tác dụng của tinh dầu đối với bệnh hen suyễn.5

Một số nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng các loại như tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu bạch đàn, dầu cây trà,…giải phóng tecpen, toluen và benzen, cùng với các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi khác vào không khí. Các hợp chất này có liên quan đến việc tăng chứng khó thở về đêm, tăng phản ứng phế quản và thay đổi lưu lượng thở ra đỉnh ở những bệnh nhân mắc và không mắc bệnh hen suyễn.6 Với thông tin này, bệnh nhân nên thận trọng và lưu ý khi sử dụng tinh dầu.

Nếu người bệnh có quyết định dùng thử các loại tinh dầu trị hen suyễn, trước tiên hãy trao đổi với bác sĩ. Nếu bác sĩ cho rằng người bệnh có thể sử dụng tinh dầu thì quá trình sử dụng cũng cần cẩn trọng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của tinh dầu. Người dùng nên thử với từng loại dầu một, với số lượng rất nhỏ, để xem phản ứng của cơ thể như thế nào. Và luôn luôn uống thuốc hen suyễn hàng ngày cộng với việc luôn mang theo ống hít cắt cơn hen.

Cần thận trọng khi sử dụng tinh dầu với bệnh nhân hen suyễn
Cần thận trọng khi sử dụng tinh dầu với bệnh nhân hen suyễn

3. Gừng

Gừng ngoài làm gia vị dùng trong nấu ăn mà còn là một vị thuốc đông y có vị cay nóng, tính ấm. Gừng có tác dụng chủ yếu với các bệnh có liên quan đến hô hấp như cảm lạnh, ho.

Gừng đã được chứng minh rằng có khả năng ngăn chặn một trong những con đường gây viêm quan trọng trong bệnh hen suyễn. Gừng có thể giảm viêm đường thở và giãn cơ trơn đường thở. Các nghiên cứu được thực hiện trên mô hình chuột mắc bệnh hen suyễn và thực hiện trực tiếp trên các tế bào cơ trơn đường thở.7

Gừng có thể giảm viêm đường thở và giãn cơ trơn đường thở
Gừng có thể giảm viêm đường thở và giãn cơ trơn đường thở

4. Tỏi

Tỏi thường xuất hiện trong các bài thuốc cổ truyền giúp chữa nhiều bệnh. Theo dân gian để giảm chứng khó thở, dịch tỏi được hòa với nước ấm, dùng tỏi tươi để ngâm rượu hoặc đun với nước sôi.

Theo một nghiên cứu 2019, tỏi có một số lợi ích cho sức khỏe, bao gồm các đặc tính chống viêm. Vì bệnh hen suyễn là một bệnh viêm nhiễm nên tỏi có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh. Nghiên cứu này cũng cho thấy chiết xuất tỏi làm giảm đáng kể số lượng tế bào viêm và tế bào bạch cầu ở chuột. Điều này thể hiện khả năng làm giảm viêm phế quản của chiết xuất tỏi.8

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy tỏi có hiệu quả chống lại các cơn hen suyễn.

Chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy tỏi có hiệu quả với cơn hen suyễn
Chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy tỏi có hiệu quả với cơn hen suyễn

5. Bạch quả

Một nghiên cứu khác đã đánh giá việc sử dụng chiết xuất bạch quả cùng với điều trị bằng thuốc glucocorticosteroid để kiểm soát các triệu chứng hen suyễn. Tại đây, người ta thấy rằng chiết xuất bạch quả có thể làm giảm đáng kể sự xâm nhập của các tế bào viêm trong đường thở và làm giảm viêm đường thở hiệu quả.9

Tại thời điểm này, không thể khẳng định hoàn toàn khả năng điều trị bổ sung của chiết xuất bạch quả với bệnh hen suyễn. Vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng này của bạch quả.

Chưa thể khẳng định hoàn toàn khả năng điều trị hen suyễn của bạch quả
Chưa thể khẳng định hoàn toàn khả năng điều trị hen suyễn của bạch quả

6. Lá xoài

Lá xoài thường được sử dụng như một phương thuốc dân gian cho các bệnh về đường hô hấp bao gồm ho và hen suyễn. Lá xoài non được rửa sạch, đun sôi với nước rồi thêm ít mật ong. Uống khi còn ấm sẽ thấy giảm ho cũng giảm bớt cơn suyễn.

Lá xoài chứa nhiều các hoạt chất oxy hóa cực mạnh có công dụng điều trị hen suyễn tốt. Mangiferin là thành phần hoạt tính sinh học chính trong lá xoài. Thành phần này đã được chứng minh là có tác dụng chống hen suyễn bằng cách điều chỉnh sự mất cân bằng của các cytokine.10 Ngoài ra, các hợp chất như flavonoid, tanin và phenol có trong lá xoài giúp chống viêm, kháng khuẩn, điều trị ho hiệu quả.11

Các thành phần trong lá xoài được chứng minh có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn
Các thành phần trong lá xoài được chứng minh có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn

7. Lát mít

Lá mít cũng thường được nhiều người sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn.

Trong một nghiên cứu, lá mít được chứng minh có hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường, sỏi mật và giảm hen suyễn. Ngoài ra còn có tác dụng chữa lành vết thương, giảm đau và chữa các bệnh về tai.12

Tuy nhiên, các tài liệu khoa học về tác dụng chống hen của loài cây này còn rất hạn chế.

Lá mít được chứng minh hiệu quả trong điều trị tiểu đường, sỏi mật, giảm hen
Lá mít được chứng minh hiệu quả trong điều trị tiểu đường, sỏi mật, giảm hen

8. Mù tạt

Theo dân gian, dầu mù tạt đã được sử dụng tại chỗ để làm giảm các triệu chứng viêm khớp, làm dịu cơn đau và khó chịu. Đồng thời giảm viêm do các tình trạng như viêm phổi hoặc viêm phế quản.13 Do đó, có thể dùng dầu mù tạt để giúp giảm triệu chứng cơn hen, thông thoáng đường thở và cải thiện chức năng phổi. Lưu ý, dầu mù tạt là loại dầu béo chứa isothiocyanate được làm từ hạt mù tạt. Chúng khác với tinh dầu mù tạt, là một loại dầu dược phẩm nên tránh thoa trực tiếp lên da.

Dầu mù tạt cũng rất giàu axit béo omega-3, tham gia vào việc điều chỉnh các quá trình viêm nhiễm trong cơ thể và có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm.14

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định việc sử dụng dầu mù tạt có thể ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng viêm ở người.

9. Tía tô

Tía tô thường được dùng chữa hen suyễn trong dân gian. Nó cũng được sử dụng cho chứng buồn nôn, say nắng, đổ mồ hôi và giảm co thắt cơ.15

Tía tô chứa các chất có thể làm giảm sưng và ức chế các chất gây ra các triệu chứng hen suyễn.15 Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng sử dụng dầu hạt tía tô có thể cải thiện chức năng phổi ở những người mắc bệnh hen suyễn.16

Cần thêm bằng chứng để đánh giá hiệu quả của tía tô đối với những mục đích sử dụng này.

Tía tô có thể ức chế các chất gây ra triệu chứng hen suyễn
Tía tô có thể ức chế các chất gây ra triệu chứng hen suyễn

10. Ngồi thiền

Ngồi thiền có thể không trực tiếp làm giảm các triệu chứng thực thể do bệnh hen suyễn gây ra. Tuy nhiên, nó có giúp quản lý tốt hơn về cách trải nghiệm và nhìn nhận các triệu chứng của bệnh. Chỉ cần một nơi yên tĩnh để ngồi xuống, nhắm mắt lại và tập trung sự chú ý vào những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác trong cơ thể bạn.

Không có nhiều nghiên cứu được thực hiện về tác dụng của thiền đối với những người mắc bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, một đánh giá năm 2018 đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy thiền định có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân hen suyễn. Vì khả năng làm giảm căng thẳng, ngồi thiền có thể là liệu pháp bổ sung để giảm các triệu chứng hen suyễn liên quan đến căng thẳng.17

Nói chung, nghiên cứu về tác động của ngồi thiền đối với bệnh hen suyễn dường như chưa đủ thuyết phục. Vì vậy cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác minh mối liên hệ này.

Ngồi thiền giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hen do giảm căng thẳng hiệu quả
Ngồi thiền giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hen do giảm căng thẳng hiệu quả

11. Nắn cột sống

Đã có một số nghiên cứu cho rằng bệnh nhân hen suyễn, đặc biệt là trẻ nhỏ có thể giảm tần suất lên cơn hen suyễn và nhu cầu dùng thuốc bằng việc nắn chỉnh cột sống.18

Tuy nhiên, nhìn chung, hiện tại vẫn còn rất ít các nghiên cứu được thực hiện về tác động nắn cột sống đối với bệnh hen suyễn.

Vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định tác dụng của biện pháp nắn cột sống với bệnh hen suyễn
Vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định tác dụng của biện pháp nắn cột sống với bệnh hen suyễn

12. Châm cứu

Một số nghiên cứu về châm cứu cho thấy sự cải thiện trong các xét nghiệm chức năng phổi và hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, châm cứu có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn nếu bạn đang mắc bệnh hen suyễn dị ứng.19 20

Châm cứu là một hình thức của y học cổ truyền liên quan đến việc đặt kim nhỏ vào các điểm cụ thể trên cơ thể. Do đó, một số người mắc bệnh hen suyễn có thể cảm thấy rằng châm cứu giúp cải thiện luồng không khí và kiểm soát các triệu chứng như đau ngực. Châm cứu thường được coi là an toàn khi được thực hiện bởi một bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn. Châm cứu được thực hiện không đúng cách có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Châm cứu có thể cải thiện chức năng phổi và hệ thống miễn dịch
Châm cứu có thể cải thiện chức năng phổi và hệ thống miễn dịch

Những lưu ý khi sử dụng các mẹo dân gian chữa hen suyễn

Bạn đọc và gia đình cần lưu ý, tất cả các loại dược liệu, mẹo dân gian cần có nhiều nghiên cứu khoa học hơn để chứng minh tính hiệu quả của chúng. Sử dụng các loại dược liệu cho bệnh hen suyễn có thể mang lại rủi ro và nguy cơ. Do đó, hãy luôn tuân theo kế hoạch điều trị hen suyễn và thảo luận với bác sĩ về bất kỳ thay đổi nào trong kế hoạch điều trị.

Hãy nhớ những điều sau đây trước khi bạn bắt đầu dùng bất kỳ loại dược liệu/phương pháp dân gian nào:

  • Kết hợp các loại dược liệu với thuốc điều trị hen suyễn của bạn được gọi là liệu pháp bổ sung. Chỉ sử dụng phương pháp điều trị bằng dược liệu mà không dùng thuốc truyền thống là liệu pháp thay thế. Dù là liệu pháp nào, người bệnh không nên tự ý sử dụng chúng cho bệnh hen suyễn mà không trao đổi trước với bác sĩ.
  • Chưa có phương pháp điều trị bằng dược liệu nào có bằng chứng mạnh mẽ chứng minh hiệu quả của nó trong việc cải thiện các triệu chứng hen suyễn hoặc chức năng phổi.
  • Những nghiên cứu cho thấy hiệu quả ở động vật không nhất thiết có nghĩa là nó sẽ hiệu quả với con người.
  • Một số loại dược liệu không hiệu quả trong quá trình hỗ trợ điều trị triệu chứng. Thậm chí, nó có thể gây trở ngại cho các loại thuốc điều trị hen suyễn truyền thống và gây ra các biến chứng.
  • Đừng sử dụng các biện pháp khác cho trẻ em khi mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Ngoài ra, hãy thận trọng nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.

Qua bài viết của bác sĩ, hy vọng bạn có cái nhìn tổng quan về các mẹo dân gian chữa bệnh hen suyễn. Hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ và cân nhắc trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào. Tốt nhất hãy đến các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa uy tín để được điều trị đúng cách.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Overview - Asthmahttps://www.nhs.uk/conditions/asthma/

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  2. Asthmahttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/asthma

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  3. Effect of Honey on Nocturnal Cough and Sleep Quality: A Double-blind, Randomized, Placebo-Controlled Studyhttps://publications.aap.org/pediatrics/article-abstract/130/3/465/30142/Effect-of-Honey-on-Nocturnal-Cough-and-Sleep

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  4. Inhalation of honey reduces airway inflammation and histopathological changes in a rabbit model of ovalbumin-induced chronic asthmahttps://bmccomplementmedtherapies.biomedcentral.com/articles/10.1186/1472-6882-14-176

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  5. Essential oil diffusers and asthmahttps://www.aaaai.org/Allergist-Resources/Ask-the-Expert/Answers/Old-Ask-the-Experts/oil-diffusers-asthma

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  6. Alternative Flavored Inhalable Products - A New Respiratory Hazard?https://academic.oup.com/toxsci/article/187/1/1/6574469

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  7. Ginger's Therapeutic Potential in Asthma (GINGER)https://clinicaltrials.gov/ct2/show/study/NCT03705832

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  8. The Protective Role of Garlic on Allergen-Induced Airway Inflammation in Micehttps://www.worldscientific.com/doi/abs/10.1142/S0192415X19500563

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  9. The effect of Ginkgo Biloba Extract on the expression of PKCα in the inflammatory cells and the level of IL-5 in induced sputum of asthmatic patientshttps://link.springer.com/article/10.1007/s11596-007-0407-4

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  10. Mangiferin suppresses allergic asthma symptoms by decreased Th9 and Th17 responses and increased Treg responsehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31386980/

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  11. Mango (Mangifera indica L.) Leaves: Nutritional Composition, Phytochemical Profile, and Health-Promoting Bioactivitieshttps://www.mdpi.com/2076-3921/10/2/299

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  12. Medicinal uses of Jackfruit (Artocarpus heterophyllus)https://www.researchgate.net/publication/326930264_Medicinal_uses_of_Jackfruit_Artocarpus_heterophyllus

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  13. Brassicaceae Mustards: Traditional and Agronomic Uses in Australia and New Zealandhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6017612/

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  14. Omega-3 fatty acids and inflammatory processes: from molecules to manhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28900017/

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  15. PERILLAhttps://www.rxlist.com/perilla/supplements.htm

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  16. Perilla Leaf Extract Attenuates Asthma Airway Inflammation by Blocking the Syk Pathwayhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34045925/

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  17. Meditation for asthma: Systematic review and meta-analysishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28853958/

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  18. Chronic pediatric asthma and chiropractic spinal manipulation: A prospective clinical series and randomized clinical pilot studyhttps://www.jmptonline.org/article/S0161-4754(01)46737-6/fulltext

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  19. Impacts on asthma at persistent stage and immune function in the patients treated with acupuncture for warming yang and benefiting qihttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26939313/

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

  20. Acupuncture in Patients with Allergic Asthma: A Randomized Pragmatic Trialhttps://www.liebertpub.com/doi/10.1089/acm.2016.0357

    Ngày tham khảo: 09/05/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người