Các loại thuốc điều trị viêm tai giữa ở trẻ em
Tìm hiểu về Chính sách quảng cáo để hiểu rõ hơn cách chúng tôi duy trì sự phân biệt rõ ràng giữa nội dung được tài trợ, nội dung quảng cáo và nội dung do đội ngũ YouMed biên tập.
Nội dung bài viết
Viêm tai giữa ở trẻ em không điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị thường được chỉ định sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Vậy các loại thuốc điều trị viêm tai giữa ở trẻ em là gì? Thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em có những loại nào? Cần lưu ý gì để sử dụng an toàn và hiệu quả? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thị Mỹ Hiền tìm hiểu qua bài viết sau.
Tổng quan về viêm tai giữa ở trẻ em
1. Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em. Thống kê cho thấy, cứ 3 trẻ thì có 2 trẻ mắc viêm tai giữa ít nhất một lần khi một tuổi.1
Tình trạng này xảy ra khi có sự tổn thương và viêm nhiễm trong tai giữa. Nguyên nhân gây viêm tai giữa có thể do vi khuẩn, vi rút hoặc chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường bên ngoài.1
Viêm tai giữa ở trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như: thủng màng nhĩ, viêm tai xương chũm, viêm màng não, áp xe não, gây liệt dây thần kinh số 7,…2 3
Trường hợp bệnh kéo dài hoặc chữa không dứt điểm có thể gây suy giảm thính lực. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu trẻ chưa hoàn thiện khả năng ngôn ngữ, dẫn đến rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói không rõ âm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp xã hội sau này.2 3
2. Biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ
Trẻ bị viêm tai giữa có thể gặp phải một số triệu chứng sau:2 4
- Sốt 38-39 độ.
- Đau tai, đau nhiều về ban đêm, không cho người lớn chạm vào tai.
- Khó ngủ, quấy khóc nhiều hơn.
- Nghe kém, phản ứng kém với âm thanh xung quanh.
- Chảy mủ tai.
- Đau đầu, ù tai.
- Có thể kèm theo ho, hắt hơi, sổ mũi, biếng ăn, nôn hoặc tiêu chảy.
Các loại thuốc điều trị viêm tai giữa ở trẻ em
Tùy vào mức độ và triệu chứng viêm tai giữa của trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Các loại thuốc điều trị viêm tai giữa ở trẻ em thường dùng như: thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng sinh và thuốc nhỏ tai,… Mỗi nhóm thuốc sẽ có những lưu ý sử dụng khác nhau. Do đó ba mẹ cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.
Sau đây, hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các nhóm thuốc nêu trên.
Thuốc giảm đau hạ sốt
Nhiều nghiên cứu cho thấy, giảm đau tai và hạ sốt là bước điều trị đầu tiên cho viêm tai giữa, đặc biệt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Có thể dùng các thuốc như:4
- Paracetamol: Liều dùng 10-15mg/kg cân nặng, uống lại liều cách 4 – 6 giờ nếu trẻ vẫn sốt cao hoặc đau tai nhiều.
- Hay Ibuprofen: Liều dùng 10mg/kg cân nặng, uống các liều cách nhau ít nhất 6 giờ.
Các thuốc kháng sinh
Kháng sinh đường uống là lựa chọn hàng đầu trong điều trị viêm tai giữa. Việc chọn lựa kháng sinh dựa trên các chủng vi khuẩn gây viêm tai giữa thường gặp. Kết quả kháng sinh đồ từ việc cấy mủ tai sẽ giúp xác định chính xác nhất loại kháng sinh phù hợp. Amoxicillin thường là lựa chọn đầu tay.4
Thời gian điều trị thường kéo dài ít nhất từ 7 – 10 ngày.4
Chỉ dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa trong các trường hợp sau4
- Khi các triệu chứng không cải thiện sau 48 – 72 giờ theo dõi.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Trẻ dưới 6 – 24 tháng bị viêm tai giữa cả hai bên hoặc có các yếu tố nguy cơ như viêm hô hấp, nôn ói, suy giảm miễn dịch, bất thường sọ mặt…
- Viêm tai giữa cấp có mức độ nghiêm trọng như đau nhiều, hoặc đau trên 48 giờ, hoặc sốt trên 39 độ C.
- Trẻ sống xa các cơ sở y tế, khó khăn trong việc tái khám.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh4 5
- Việc quyết định sử dụng kháng sinh cần sự thăm khám cẩn trọng của bác sĩ. Đảm bảo dùng đúng loại kháng sinh, đủ liều và thời gian điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Viêm tai giữa do vi rút có thể tự khỏi sau 2 – 3 ngày nếu chăm sóc và vệ sinh tai đúng cách, không cần thiết phải sử dụng kháng sinh.
- Đặc biệt, cần tránh dùng kháng sinh nhóm aminoglycosid (như gentamycin) để điều trị viêm tai giữa. Kháng sinh nhóm này có thể gây độc cho tai, dẫn đến biến chứng điếc vĩnh viễn và ảnh hưởng khả năng nói của trẻ.
- Trường hợp dùng kháng sinh không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông hoặc thậm chí phẫu thuật xương chũm.
Các thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em thường dùng hiện nay
Thuốc nhỏ tai mang nồng độ kháng sinh cao hơn và ít gây tác dụng phụ toàn thân. Đặc biệt, thuốc nhỏ tai rất hiệu quả trong trường hợp trẻ bị nôn hoặc không thể sử dụng kháng sinh đường uống.
Các loại thuốc nhỏ tai phổ biến cho tình trạng viêm tai giữa không thủng màng nhĩ gồm: Otofa, Fosmicin, Polydexa, Otipax, Ciprofloxacin, Ciprodex, Ofloxacin, Otifar…
Trường hợp viêm tai giữa có thủng màng nhĩ, bác sĩ thường chỉ định những loại thuốc nhỏ có độ an toàn cao cho ốc tai như: Otofa, Fosmicin, Ofloxacin, Ciprofloxacin…
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc nhỏ tai bằng tinh dầu, chẳng hạn như Otosan, có thể mang lại tác dụng giảm đau tương tự thuốc gây tê. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định tính hiệu quả của phương pháp này.6 7
Những lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ tai
Phụ huynh không nên tự ý nhỏ thuốc tai, tự rắc bột kháng sinh hay thổi thuốc bột vào tai. Điều này có thể gây bít tắc làm ứ mủ trong hòm nhĩ, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.8
Không dùng các thuốc nhỏ tai viêm tai giữa có thành phần giảm đau, kháng viêm tại chỗ (như phenazone/benzocaine hoặc phenazone/lidocaine) cho:9
- Trẻ nghi ngờ thủng màng nhĩ. Vì thuốc có thể tiếp xúc trực tiếp với cấu trúc tai giữa và tai trong, gây biến chứng nặng nề như điếc vĩnh viễn, rối loạn thăng bằng.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi. Vì thuốc có thể gây methemoglobin huyết.
Danh sách các thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em
1. Thuốc nhỏ tai Otofa10
Thành phần hoạt chất chính của thuốc nhỏ tai Otofa gồm: Rifamycin natri 2,6 g tương đương 2.000.000 IU Rifamycin.
Thành phần tá dược: Macrogol 400, Acid ascorbic, Dinatri edetat, Kali metabisulphit, Lithium hydroxyd, nước tinh khiết.
2. Thuốc nhỏ tai Fosmicin11
Thành phần hoạt chất: Fosfomycin sodium 300 mg.
Thành phần tá dược: anhydrous citric acid.
Mỗi lọ nước cất kèm theo Fosmicin – S for Otic chứa:
- Hoạt chất: Nước tinh khiết 10 ml.
- Tá dược: Methyl parahydroxybenzoate, Propyl parahydroxybenzoate.
3. Thuốc nhỏ tai Otifar 8 ml12
Thành phần:
- Cloramphenicol 80 mg là một kháng sinh phổ rộng, ức chế sự phát triển của cả vi khuẩn gram dương và gram âm gây viêm tai giữa.
- Dexamethasone 4 mg bản chất là một corticoid tổng hợp với tác dụng kháng viêm.
4. Thuốc nhỏ tai Ciprodex 7,5 ml13
Thành phần: Kháng sinh ciprofloxacin 0,3% phối hợp với kháng viêm dexamethasone 0,1.
5. Thuốc nhỏ tai Mepoly 10 ml14
Thành phần:
- Neomycin 35 mg dưới dạng neomycin sulfate có tác dụng nhiễm khuẩn tai.
- Polymyxin B sulfat 100.000IU hoạt chất giúp kháng khuẩn.
- Dexamethasone 10 mg thuộc nhóm corticosteroid chống viêm.
6. Thuốc nhỏ tai Metoxa 10 ml15
Thành phần: Rifamycin natri (ứng với 200.000 IU Rifamycin) hàm lượng 260 mg. Các tá dược khác vừa đủ 10 ml.
7. Thuốc nhỏ tai Otipax 15 ml16
Thành phần:
- Lidocaine hydrochloride 1% có khả năng làm giảm tính thấm của màng tế bào với ion Na+, ngăn cản dẫn truyền thần kinh, tạo ra tác dụng gây tê nhanh.
- Phenazone 4% là thuốc giảm đau, kháng viêm thuộc nhóm NSAIDS, ức chế quá trình sinh tổng hợp prostaglandin.
- Tá dược: natri thiosulfat, ethanol, glycerol, nước tinh khiết cho 100 g dung dịch nhỏ tai.
8. Thuốc nhỏ tai Ciprofloxacin 0.3%17
Thành phần: Ciprofloxacine 0,3% thuộc nhóm kháng sinh Quinolon.
9. Thuốc nhỏ tai Otosan18
Thành phần: Chiết xuất keo ong, dầu lý chua đen, tinh dầu cây tùng, tinh dầu hoa phong lữ, tinh dầu đinh hương, bisabolol, tinh dầu tràm, tinh dầu lưu ly và tinh dầu hạnh nhân, vitamin E.
10. Thuốc nhỏ tai Earex Plus19
Thành phần: Choline salicylate, có các tá dược vừa đủ và không có steroid.
Những lưu ý khi lựa chọn và sử dụng thuốc nhỏ tai
Lựa chọn thuốc nhỏ tai hiệu quả, dễ mua, dễ sử dụng.
Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, không tự rắc bột kháng sinh hay thổi thuốc bột vào tai.
Nên làm ấm chai thuốc trong tay vài phút trước khi dùng để tránh những cảm giác khó chịu do tai tiếp xúc với dung dịch lạnh.
Bỏ lọ thuốc khi kết thúc thời gian điều trị; không giữ lại phần thuốc thừa để dùng cho lần sau.
Các thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh sử dụng ở trẻ em không được khuyến cáo tự mua điều trị do tác dụng phụ nguy hiểm có thể gặp ở trẻ là:20
- Kháng sinh nhóm quinolon (ofloxacin, ciprofloxacin,…) lo ngại nguy cơ tổn thương sụn khớp ở trẻ.
- Kháng sinh nhóm aminoglycosid (neomycin, gentamicin, tobramycin,…), có khả năng gây độc tính nặng trên ốc tai và tiền đình.
- Kháng sinh nhóm cloramphenicol gây hội chứng xám ở trẻ.
Trên đây là thông tin về các loại thuốc điều trị viêm tai giữa ở trẻ em. Hy vọng quý phụ huynh đã có thêm nhiều thông tin hữu ích để sử dụng thuốc điều trị viêm tai giữa cho trẻ an toàn và hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Otitis media in Children: Risk Factors & Causative Organismshttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2024/11/Otitis-media-in-Children-Risk-Factors-And-Causative-Organisms.pdf
Ngày tham khảo: 31/10/2024
-
Patient education: Ear infections (otitis media) in children (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/ear-infections-otitis-media-in-children-beyond-the-basics
Ngày tham khảo: 31/10/2024
-
Complications of otitis media – a potentially lethal problem still presenthttps://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9444657/
Ngày tham khảo: 31/10/2024
-
The Diagnosis and Management of Acute Otitis Media https://publications.aap.org/pediatrics/article/131/3/e964/30912/The-Diagnosis-and-Management-of-Acute-Otitis-Media?autologincheck=redirected
Ngày tham khảo: 31/10/2024
-
Office of Evidence Based Practice – Specific Care Question: Ototopical Quinolones versus Aminoglycosideshttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2024/11/Office-of-Evidence-Based-Practice-Specific-Care-Question-Ototopical-Quinolones-versus-Aminoglycosides.pdf
Ngày tham khảo: 31/10/2024
-
Diagnosis and Treatment of Otitis Mediahttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2007/1201/p1650.html/1000
Ngày tham khảo: 31/10/2024
-
Ototoxicity of Topical Antibiotic Ear Drops in Chronic Suppurative Otitis Media in Humans: A Review of the Literaturehttps://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9855291/
Ngày tham khảo: 31/10/2024
-
Thổi bồ hóng, bôi thuốc bột trị viêm tai giữa... gây biến chứng nặnghttps://suckhoedoisong.vn/thoi-bo-hong-boi-thuoc-bot-tri-viem-tai-giua-gay-bien-chung-nang-169230705154519154.htm
Ngày tham khảo: 31/10/2024
-
Effectiveness of analgesic ear drops as add-on treatment to oral analgesics in children with acute otitis media: study protocol of the OPTIMA pragmatic randomised controlled trialhttps://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9950909/
Ngày tham khảo: 31/10/2024
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Otofa
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Fosmicin
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Otifar
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ tai Ciprodex
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Mepoly
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Metoxa
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Otipax
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Ciprofloxacin 0.3%
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Otosan
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ tai Earex Plus
-
Antibiotic-related adverse events in paediatrics: unique characteristicshttps://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/14740338.2019.1640678
Ngày tham khảo: 31/10/2024